Bắc hàn có giải giới nguyên tử không?

 

Trần Bình Nam

 

Cuộc khủng hoảng nguyên tử giữa Bắc hàn và Hoa Kỳ bắt đầu từ cuộc sụp đổ của Liên bang Xô viết đầu thập niên 90’s của thế kỷ 20. Ngoại trừ Trung quốc, các nước cộng sản ở Á châu đều ở trong tầm sụp đổ. Việt Nam níu lấy Trung quốc để tồn tại, trong khi Bắc hàn tìm một con đường nghĩ rằng ít nguy hiểm hơn là chế tạo vũ khí nguyên tử.

Tháng 3/1993 Bắc hàn cho biết ý định rút ra khỏi tổ chức NPT (Non-Proliferation Treaty) là tổ chức trong đó các thành viên cam kết không chế tạo vũ khí nguyên tử. Liên hiệp quốc đe dọa trừng phạt kinh tế và sau một vòng hội đàm Hoa Kỳ hứa trang bị cho Bắc hàn một loại lò nguyên tử ít có khả năng sản xuất chất plutonium (plutonium là nhiên liệu có thể dùng để chế tạo bom nguyên tử) hơn lò nguyên tử sản xuất điện lực Bắc hàn đang dùng và sẽ thảo luận trao đổi mậu dịch và bang giao với Bắc hàn. Đổi lại Bắc hàn không rút ra khỏi NPT nữa và đồng ý cho phép Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (International Atomic Energy Agency – IAEA) thanh tra các lò nguyên tử của Bắc hàn. Nhưng Bắc hàn không tôn trọng lời hứa, luôn luôn tìm cách ngăn cản công tác thanh tra của nhân viên IAEA vì chỉ muốn lợi dụng thỏa hiệp để đẩy chương trình chế tạo bom nguyên tử của mình.

Tình hình trở nên căng thẳng vào giữa năm 1994, và sau chuyến du thuyết Bắc hàn của cựu tổng thống Carter, Hoa Kỳ và cơ quan IAEA đã đồng ý ký với Bắc hàn một bản thỏa thuận gọi là Agreed Framework vào tháng 9/1994 do một cơ  quan quốc tế gồm 12 nước và Liên hiệp Âu châu gọi tắt là KEDO (Korean Peninsula Energy Development Organization) phụ trách thi hành. Theo framework này bán đảo Triều Tiên sẽ được xem là khu phi nguyên tử. Hoa Kỳ sẽ giảm các biện pháp trừng phạt Bắc hàn và sẽ tiến tới việc trao đổi đại sứ giữa hai nước. KEDO sẽ trang bị cho Bắc hàn hai nhà máy nguyên tử chạy bằng nước nhẹ (Light Water Reactor- LWR) không sản xuất plutonium là nhiên liệu có thể chế bom nguyên tử, và trong thời gian xây cất Hoa Kỳ sẽ cung cấp nhiên liệu để Bắc hàn sản xuất điện lực trong khi các lò điện nguyên tử của Bắc hàn ở YongByon tạm ngưng hoạt động.

Nhưng Bắc hàn vẫn không chịu thi hành tinh thần của thỏa ước 1994, như không cho nhân viên của IAEA tự do thanh tra lò nguyên tử Yongbyon lấy cớ lò nguyên tử LWR chưa hoàn tất, đồng thời không có dấu hiệu gì Bắc hàn ngưng các nghiên cứu nguyên tử và chế tạo hỏa tiễn. Năm 1998 Bắc hàn cho phóng hỏa tiễn Taepo Dong-1 băng qua Nhật Bản làm cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng.

Ngày 4/10/2002 (lúc này tổng thống Bush đã đắc cử tổng thống và đang bận tâm với cuộc chiến Afghanistan và chuẩn bị cuộc tấn công Iraq) trong một cuộc họp tay đôi với Hoa Kỳ Bắc hàn tiết lộ rằng họ đang tinh luyện chất uranium (điều này có nghĩa là Bắc hàn có ý định chế tạo thêm bom nguyên tử). Và tháng Giêng năm 2003 Bắc hàn tuyên bố rút ra khỏi thỏa ước NPT.Trước tình huống này KEDO cho ngưng việc chuyển dầu hỏa cho Bắc hàn và tháng 11/2003 KEDO cho tạm ngưng việc xây cất nhà máy nguyên tử LWP. Phản ứng của Bắc hàn là công khai tuyên bố mở lại nhà máy nguyên tử tại Yongbyan, và trục xuất viên chức thanh tra của IAEA ra khỏi nước.

Trước các sự việc này đối với Hoa Kỳ thỏa ước ký năm 1994 xem như đã chết. Lúc này Hoa Kỳ đang dồn quân qua Trung đông và tổng thống Bush không muốn nói chuyện gì với Bắc hàn. Trước đó trong tháng Giêng năm 2002 khi đọc diễn văn về tình trạng liên bang trước quốc hội tổng thống Bush đã liệt Bắc hàn vào trong 3 nước của trục “ma quỷ” (axis of evil).

Qua nhiệm kỳ 2 của Bush, bà Condoleeza Rice với chức vụ bộ trưởng ngoại giao đã có sáng kiến mới đối với Bắc hàn. Bà đề nghị nếu Bắc hàn đóng cửa các trung tâm nguyên tử, Hoa Kỳ sẽ bàn chuyện bang giao và viện trợ nhân đạo như gạo và dầu hỏa.

Ngày 19/9/2005 sau khi tổng thống Bush chính thức đưa ra các đề nghị này, Bắc hàn một phần lợi dụng thế khó khăn của Hoa Kỳ tại Trung đông, một phần sợ Hoa Kỳ mở mặt trận mới, chụp lấy cơ hội và chấp thuận ngay các đề nghị của Hoa Kỳ.  Bắc hàn hứa ngưng chương trình nguyên tử và mở cửa cho chuyên viên quốc tế thuộc cơ quan IEAE đến thanh tra.

Nhưng chỉ vài ngày sau Bắc hàn nói lại rằng chỉ thi hành sự đồng ý trên sau khi Hoa Kỳ bắt đầu lắp ráp lò nguyên tử LWR. Trong khi đó Hoa Kỳ cho biết Bắc hàn làm giả tiền mỹ kim và phát hành qua ngân hàng Banco Delta Asia ở Macao thuộc Trung quốc bắt buộc Trung quốc phong tỏa 24 triệu mỹ kim của Bắc hàn tại ngân hàng này. Phản ứng của Bắc hàn là ngưng các cuộc tiếp xúc với Hoa Kỳ. Dùng thời gian nguội lạnh này vào giữa năm 2006 Bắc hàn cho thử hỏa tiễn tầm xa và ngày 9/10/06 cho nổ thí nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên.

Hoa Kỳ vận động với Trung quốc triệu tập hội nghị 6 bên (Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật, Trung quốc, Bắc hàn, Nam Hàn) vào tháng 12/2006 để giải quyết vụ thí nghiệm nguyên tử của Bắc hàn, nhưng kết quả không đi tới đâu.

Nhận thấy tình hình nguy hiểm, và lúc này ảnh hưởng của phe cứng rắn trong nội bộ chính quyền Hoa Kỳ cũng đã giảm bớt (với sự ra đi của các ông Rumsfeld, Wolfowitz, Bolton, Libby … ), Bush chịu nghe lời khuyến cáo của bà Rice chấp thuận nói chuyện tay đôi với Bắc hàn, một điều từ trước đến nay tổng tống Bush vẫn không chấp thuận. Ngày 17/2/2007 hội nghị song phương đạt được kết quả và sau đó hội nghị 6 bên họp để giải quyết chi tiết thi hành. Từ đó đến nay có nhiều phiên họp 6 bên. Và phiên họp cuối cùng đang được triệu tập cuối tháng 9/2007 để thiết lập một thời biểu giải quyết dứt khoát vấn đề nguyên tử của Bắc hàn từ nay cho đến cuối năm 2007. Từ tháng 7 Bắc hàn đã đóng của nhà máy nguyên tử quan trọng tại Yongbyon và cho phép nhân viên của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IEAE) trở lại thanh tra. Đổi lại Hoa Kỳ đã cho chở 950,000 tấn dầu đến Bắc hàn.

Câu hỏi đặt ra là Bắc hàn có dứt khoát hủy bỏ chương trình nguyên tử của mình như đại tá Moammar Gadahfi của Lybia đã làm năm 2003 không? Hai trường hợp khác nhau và thái độ tối hậu của hai lãnh tụ Gadahfi và Kim Chính Nhật cũng có thể khác nhau.

Ông Gadahfi biết rằng nếu không từ bỏ tham vọng nguyên tử Hoa Kỳ sẽ oanh tạc các cơ sở nguyên tử và có thể đi xa hơn bằng cách lật đổ chế độ của ông. Ông sẽ bị bắt và tù đày như tướng Noriega của Panama hay Saddam Hussein của Iraq. Không ai sẽ đến giúp ông ta. Ngược lại Bắc hàn biết nếu Hoa Kỳ có thế chính trị quốc tế để oanh tạc Bắc hàn và đánh bại một cuộc xâm lăng liều lĩnh của Bắc hàn xuống Nam Hàn là vào thập niên 90s khi tổng thống Clinton đang còn tại chức. Lúc này, vào thời điểm đầu năm 2007 cơ hội đó không còn nữa. Tổng thống Bush đang gặp nhiều khó khăn nội bộ với hai mặt trận Afghanistan và Iraq, vốn liếng chính trị suy mòn, nhân lực quân sự không đầy đủ, chưa nói đến tình hình quốc tế không thuận lơi. Trung quốc, Liên bang Nga, và đồng minh Nam hàn và có thể cả Nhật Bản sẽ chống một quyết định mạnh của Hoa Kỳ.

Biết vậy Bắc hàn tỏ thái độ hòa hoãn để hưởng lợi tối đa. Kề từ năm 1994 khi Bắc hàn đạt được một thỏa thuận với chính phủ Clinton đến nay Bắc hàn đã di một bước khá xa trên đường nguyên tử hóa. Ít nhất Bắc hàn đã có hỏa tiễn tầm xa và đã có bom nguyên tử. Và vì vậy không có gì để thế giới hy vọng rằng Bắc hàn sẽ hủy bỏ toàn bộ cơ sở và khả năng nguyên tử của mình.

Theo  giáo sư Michael J. Mazarr của trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ (U.S. National War College) viết trong bài “The Long Road to Pyongyang” đăng trong tạp chí Foreign Affairs số tháng 9 & 10/2007 thì ông cho rằng sở dĩ có tình trạng đó vì Hoa Kỳ không xác định một chính sách đối với vấn đề nguyên tử Bắc hàn mà chỉ chụp lấy giải pháp khi cơ hội đến và do đó để cho Kim Chính Nhựt nắm dao đầu chuôi.

Ông viết rằng do tư thế chính trị của Hoa Kỳ trên thế giới suy giảm, Bush đã có một đối sách mềm dẽo hơn đối với Bắc hàn. Thay đổi nhân sự là một yếu tố quan trọng: Bà Rice thay ông Colin Powell ở chức vụ bộ trưởng ngoại giao. Wolsowitz ra đi. Ông Donald Rumsfeld rời chức vụ bộ trưởng quốc phòng. Tân bộ trưởng quốc phòng Robert Gates là một người có óc thực tế. Văn phòng của phó tổng thống Cheney mất dần ảnh hưởng do tai tiếng trong nhiều liên hệ đến cuộc chiến Iraq. Người phụ tá của bà Rice, ông Christopher Hill có một quyết tâm giải quyết vấn đề Bắc hàn vì ông thấy được mối nguy tiềm tàng của quốc gia này. Trong khi đó ông Bolton cũng mất dần ảnh hưởng khi không được Thượng nghị viên phê chuẩn chính thức chức vụ đại diện Hoa Kỳ tại Liên hiệp quôc.

Giáo sư Michael J. Mazarr nói tổng thống Bush đã để quá trễ trước khi trở lại đàm phán với Bắc hàn và đàm phán mà không có một chính sách, và giữa tổng thống Bush và bộ máy phụ trách ngoại giao không có sự làm việc ăn khớp với nhau. Theo hiến pháp Hoa Kỳ tổng thống là người quyết định chính sách ngoại giao, nhưng điều này chỉ hữu hiệu khi tổng thống nắm vững lĩnh vực ngoại giao liên hệ. Nếu không tổng thống cần các cố vấn ngoại giao lâu năm ở trong nghề và có kinh nghiệm. Mọi chính sách đều phải được thảo luận ở cấp chuyên môn và sàng lọc mọi mặt lợi hại.

Trong điều kiện đó, chính quyền Bush (vì cấn cái với vụ nguyên tử của Iran quan trọng hơn Bắc hàn nhiều) bỏ dần các nguyên tắc căn bản của thương thuyết và lấy những quyết định thực tế có giá trị truyền thông hơn là thực tiễn.

Chính phủ Hoa Kỳ đã để lộ thái độ bất nhất trong đối sách với Bắc hàn. Thí dụ như tuyên bố không để cho Bắc hàn trở thành một lực lượng nguyên tử, nhưng vào đầu tháng 2/2007 khi trở lại nói chuyện với Bắc hàn, Bắc hàn đã có thêm ít nhất (theo tin tình báo của Hoa Kỳ) từ 3 đến 8 quả bom nguyên tử (và đã thử cho nổ một quả). Hoa Kỳ gọi Bắc hàn là một nước trong trục “ma quỷ” nhưng vẫn viện trợ dầu hỏa cho trục ma quỷ. Hoa Kỳ nói không bao giờ nói chuyện tay đôi với Bắc hàn nhưng rồi cũng gặp riêng nhau để nói chuyện, và sau cùng tố cáo Bắc hàn làm bạc giả và phong tỏa ngân khoản của Bắc hàn tại ngân hàng Banco Delta Asia ở Macao cuối cùng cũng trả lại tiền cho Bắc hàn. Tóm lại chính sách đối với Bắc hàn của Hoa Kỳ từ năm 2001 đến nay là một chuỗi dài những thay đổi tùy lúc tùy cảnh để tạo một bộ mặt thương thuyết thành công, nhưng thật ra không phản ánh một chính sách nhất quán.Trong quan hệ có tính tranh chấp giữ hai quốc gia, chính sách và sự theo đuổi chính sách là một điều tối quan trọng đối với phía địch nhất là trong trường hợp một bên mạnh một bên yếu.

Trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc hàn về vấn đề nguyên tử tổng thống Bush trong nhiệm kỳ đầu theo những nguyên tắc luân lý do cá tính, nhưng qua nhiệm kỳ 2 đã bỏ dần các nguyên tắc luân lý này để theo đuổi một chính sách thực tế (trước những khó khăn ông gặp phải) và để cho Bắc hàn và Trung quốc khai thác (Trung quốc qua các cuộc đàm phán 6 bên có vẻ như giúp đỡ Hoa Kỳ, thật ra Trung quốc chỉ làm nhũng gì để làm yếu thế Hoa Kỳ và giúp đỡ Bắc hàn). Qua thỏa ước 19/2/2007 Bắc hàn trên nguyên tắc tuyên bố từ bỏ chương trình trở thành một lực lượng nguyên tử và Hoa Kỳ xem đó là một thắng lợi ngoại giao, nhưng trên thực tế Bắc hàn đã là một lực lượng nguyên tử.

Các nhà quan sát quốc tế tự hỏi, nếu mai này Bắc hàn trở chứng, mở lại nhà máy nguyên tử Yongbyang, trục xuất các thanh tra của cơ quan IAEA như họ đã làm năm 2003 thì Hoa Kỳ sẽ có đối sách gì. Không ai trong chính quyền Hoa Kỳ có câu trả lời, và Bắc hàn biết rõ điều đó.

Vì vậy nếu Hoa Kỳ tin rằng Bắc hàn sẽ thực sự giải giới nguyên tử như đại tá Moammar Qadahfi đã làm thì đúng là Hoa Kỳ đang mơ ngủ./.

Trần Bình Nam

Oct. 1, 2007

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

  

 

 

 

 

 

  


Trần Bình Nam

http://www.tranbinhnam.com