Hoa Kỳ và cơn sốt hỏa tiễn Bắc Hàn

 

Trần Bình Nam

Vào những ngày đầu tháng 7/2006, Kim Chính Nhật, chủ tịch Bắc Hàn cho quân đội của ông thí nghiệm hỏa tiễn tầm trung và tầm xa làm cho thế giới, nhất là Hoa Kỳ lên cơn sốt. Hỏa tiễn tầm xa loại Taepodong 2 (6,000 đến 10,000 km) có khả năng bay đến Alaska và một phần đất bang California và một số bang khác ở miền tây Hoa Kỳ. Tổng thống Bush đã phản ứng gay gắt và đưa nội vụ ra Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đe dọa trừng phạt Bắc Hàn.

Thế giới không ngạc nhiên về thái độ của ông Kim Chính Nhật. Tháng 8 năm 1998 ông ta đã một lần cho thí nghiệm hỏa tiễn mà đường bay vắt qua đảo Hokkaido của Nhật Bản sau đó rơi xuống Thái bình dương cách bờ biển phía đông của Nhật 500 km. Sự việc này đã làm cho Nhật Bản thay đổi chính sách quốc phòng của mình để tự vệ chứ không để tùy thuộc hoàn toàn vào sự che chở của Hoa Kỳ.

Trước đó bốn năm (1994) khi ông Clinton vừa nhậm chức tổng thống được hai năm, Bắc Hàn cũng đã làm Hoa Kỳ lên cơn sốt khi tin tình báo cho biết Bắc Hàn đang chế tạo vũ khí nguyên tử. Sự việc này vi phạm hiệp ước NPT (hiệp ước quốc tế qua đó các quốc gia thành viên cam kết không chế tạo vũ khí nguyên tử và không chuyển nhượng hiểu biết về nguyên tử ký năm 1968, đổi lại được quốc tế trợ giúp về phát triển nguyên tử năng phục vụ hòa bình) mà Bắc Hàn lúc đó là một thành viên nên Hoa Kỳ đã dùng mọi đòn phép từ ngoại giao đến đe đọa để ngăn chận ý định chế tạo vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn. Vào thời gian đó Liên bang Xô viết vừa sụp đổ, uy tín Hoa Kỳ đang lên cao trên thế giới, và Hoa Kỳ có tất cả thế quốc tế để hành động mạnh như bỏ bom triệt hạ các cơ sở nguyên tử của Bắc Hàn. Nhưng với khuyến cáo của cựu tổng thống Carter sau một chuyến du thuyết Bắc Hàn, tổng thống Clinton đã chọn giải pháp hòa hoãn, qua đó Bắc Hàn ngưng sản xuất chất plutonium là kim loại cần thiết để làm bom nguyên tử đổi lấy hai lò nguyên tử sản xuất điện lực (loại không sản xuất plutonium) và Hoa Kỳ hứa sẽ cung cấp dầu cho Bắc Hàn, và hai bên sẽ mở các cuộc thương thuyết bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Nhưng Bắc Hàn đã không thi hành thỏa ước một cách nghiêm chỉnh. Kim Chính Nhật ngăn trở không cho Liên hiệp quốc kiểm soát các cơ sở nguyên tử của Bắc Hàn. Thế giới cũng không làm gì khác hơn là ngưng trang bị hai lò điện nguyên tử như đã hứa. Biện pháp trừng phạt kinh tế là một biện pháp hữu hiệu nhưng không thể áp dụng vì hai phiếu phủ quyết của Liên bang Nga và Trung quốc tại Hội đồng Bảo an. Trong bối cảnh tranh chấp đó Bắc Hàn rút ra khỏi hiệp ước NPT và dùng thì giờ trau dồi hiểu biết sẵn có về kỹ thuật hỏa tiễn. Và tháng 8 năm 1998 Bắc Hàn thí nghiệm thành công hỏa tiễn tầm trung bắn xa 1,380 km.

Lần này Bắc Hàn cho thí nghiệm hỏa tiễn tầm xa có thế bắn đi trên 6,000 km và đe dọa lãnh thổ Hoa Kỳ. Cuộc thí nghiệm không thành công, nhưng không có nghĩa Bắc Hàn sẽ không thành công trong một thời gian ngắn. Trong kỹ nghệ hỏa tiễn những thí nghiệm đầu tiên không thành công là một khâu đương nhiên trước khi hỏa tiễn được hoàn chỉnh.

Bắc Hàn muốn gì trong cuộc thí nghiệm hỏa tiễn tháng 7/2006 này? Bắc Hàn từng bán kỹ thuật hỏa tiễn cho một số nước nhất là Iran, nên thỉnh thoảng cần những cuộc thí nghiệm để khách hàng quan sát khả năng. Nhưng Kim Chính Nhật có thể có những dụng ý khác khi nhìn vào chính sách của Hoa Kỳ đối với Ấn Độ và Iran.

Ấn Độ không tham gia NPT, và dù Hoa Kỳ đe dọa đã chế tạo được bom nguyên tử (năm 1974 Ấn Độ thực hiện được phản ứng nguyên tử dây chuyền và năm 1998 thí nghiệm thành công một quả bom nguyên tử cỡ nhỏ), và sau nhiều năm bị trừng phạt kinh tế, mới đây Hoa Kỳ phải nhượng bộ và chấp nhận trên nguyên tắc Ấn độ là một lực lượng nguyên tử có quyền nhận những chuyển nhượng khoa học nguyên tử phục vụ hòa bình của Hoa Kỳ. Iran, trái lại, là thành viên của NPT, nhưng bất chấp áp lực của Hoa Kỳ và các nước Âu châu vẫn tiến hành việc luyện tinh chất uranium (với dụng tâm chế tạo bom nguyên tử) nói là họ chỉ sản xuất năng lượng phục vụ hòa bình không có gì vi phạm thỏa ước NPT, và sau cùng Hoa Kỳ phải đồng ý nói chuyện tay đôi với Iran. Vậy tại sao Bắc Hàn không có quyền đòi hỏi một sự đối đãi của Hoa Kỳ như Hoa Kỳ đã đối đãi Ấn Độ và Iran?

Nhưng tính toán như vậy Kim Chính Nhật chỉ thấy người mà không thấy ta. Ấn Độ là một nước lớn có gần một tỉ một trăm triệu dân, và một nền kinh tế đang cất cánh, và là một quốc gia có nhiều kèn cựa với Trung quốc về biên giới. Hoa Kỳ cần Ấn Độ trong thế liên minh để chận bớt tham vọng đế quốc và bành trướng của Trung quốc. Iran, tuy còn chậm tiến nhưng về hai mặt dân chủ và kinh tế đều vững vàng hơn Bắc Hàn. Iran có dầu hỏa và có một đồng minh lớn là khối Hồi giáo, và trong cuộc chiến chống khủng bố mà điển hình là cuộc chiến tranh khó khăn tại Iraq Hoa Kỳ có nhu cầu cởi mở với khối Hồi giáo. Bắc Hàn không có bất cứ một thuận lợi nào của Ấn Độ và Iran.

Nhưng cuộc khủng hoảng hỏa tiễn hiện nay còn có những hệ lụy an ninh đối với ba nước Nhật Bản, Trung quốc và Nam Hàn chứ không riêng gì đối với Hoa Kỳ nên dù muốn dù không ba nước này cũng không thể phủi tay để cho Hoa Kỳ phải gánh một mình.

Sau cuộc phóng hỏa tiễn năm 1998 Nhật Bản đã tìm cách cải tiến quốc phòng và xích lại gần Hoa Kỳ hơn, như bắt đầu nghiên cứu để sản xuất hỏa tiễn theo mẫu của Hoa Kỳ như hỏa tiễn Aegis dùng ngoài biển và hỏa tiễn Patriot dùng trên đất liền. Và trong cuộc khủng hoảng mới nhất này khi Nhật Bản bị đe dọa trực tiếp bởi các hỏa tiễn tầm trung loại Nodon tầm xa 1.300km, thủ tướng Nhật ông Junichiro Koizumi đã ra lệnh không cho các chuyến tàu chở khách của Bắc Hàn cập bến Nhật Bản, đồng thời không cho các chuyến bay Bắc Hàn đáp xuống đất Nhật, và cấm cửa viên chức thuộc chính quyền Bắc Hàn. Và nếu Bắc Hàn thí nghiệm lại hỏa tiễn tầm xa (sau lần thí nghiệm thất bại đầu tháng 6) Nhật Bản cho biết sẽ ngưng không cho dân Bắc Hàn sống tại Nhật Bản gởi tiền về quê nhà. Nền kinh tế mong manh của Bắc Hàn rất cần số tiền nhân đạo này. Về phần Nam Hàn qua hai triều tổng thống Kim Đại Trọng và Roh Moo Hyun (2003 -) Nam Hàn đã áp dụng chính sách cởi mở (sunshine policy) với Bắc Hàn để tránh chiến  tranh và một sự  sụp đổ của Bắc Hàn với hy vọng rằng trong tương lai hai nước sẽ thống nhất trong hòa bình. Qua đường dây liên lạc giữa đôi bên Nam Hàn đã khuyến cáo Kim Chính Nhật không nên thí nghiệm phóng hỏa tiễn nhưng Bắc Hàn đã làm ngơ. Dân chúng Nam Hàn đã nổi giận và chính phủ Nam Hàn cho biết sẽ ngưng việc chuyên chở phân bón và gạo lên Bắc Hàn, những phẩm vật Nam Hàn viện trợ nhân đạo cho người anh em phương Bắc.

Nhưng quốc gia có nhiều hệ lụy trước thái độ khiêu khích của Bắc Hàn là Trung quốc. Không có viện trợ (2/3 nhiên liệu và thực phẩm Bắc Hàn cần để sống còn) và đỡ đầu ngoại giao của Trung quốc Bắc Hàn không thể đứng vững về cả hai mặt ổn định nội bộ và quốc tế, chưa nói có khả năng sản xuất bom nguyên tử và chế tạo hỏa tiễn. Vì vậy tiếng nói của Trung quốc có một trọng lượng có thể thay đổi quyết định của Kim Chính Nhật.

Nhưng tại sao Trung quốc không áp lực Bắc Hàn để tạo thêm uy tín đối với Hoa Kỳ? Hay Trung quốc có những tính toán riêng. Đầu tháng 6/2006 Trung quốc cho biết phó thủ tướng Trung quốc ông Hui Liangyu viếng thăm Bắc Hàn. Không ai biết ông Hui thăm Bắc Hàn để làm gì. Nhưng sau đó khi Bắc Hàn thí nghiệm phóng hỏa tiễn thì ai cũng đoán biết phó thủ tướng Hui thăm Bắc Hàn vì chuyện hỏa tiễn, và rằng Trung quốc đã không áp lực hoặc không muốn áp lực Bắc Hàn.

Cộng đồng thế giới nể Trung quốc vì nhiều lý do, trong đó cái thế của Trung quốc đối với Bắc Hàn là một. Nhờ Trung quốc thuyết phục mới có hội nghị bàn tròn sáu bên để thảo luận về chương trình sản xuất vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn trong nhiều năm qua (mặc dù Bắc Hàn tẩy chay từ tháng 9/2005). Nhưng đó là chuyện nhỏ. Chuyện thí nghiệm hỏa tiễn tầm xa có thể bay đến Alaska và vùng California của Hoa Kỳ mới là chuyện lớn. Nếu năm 1961 tổng thống Kenndy chấp nhận một cuộc chiến nguyên tử nếu Liên bang Xô viết không chịu cất bỏ các dàn hỏa tiễn nguyên tử đặt tại Cuba thì hôm nay nếu Bắc Hàn có hỏa tiễn có khả năng mang đầu đạn nguyên tử và có tầm  bay đến Hoa Kỳ thì Hoa Kỳ cũng không thể ngồi yên.

Tổng thống Bush đã liệt ba nước Iraq, Iran và Bắc Hàn vào “trục ma quỷ” (axe of evil) và đã đánh Iraq chỉ vì nghi ngờ Iraq có vũ khí giết người tập thể thì hôm nay Hoa Kỳ cũng khó làm ngơ trước sự đe dọa có thật của Bắc Hàn. Nhưng năm 2003 trước khi đánh Iraq Hoa Kỳ có tất cả cái thế và sức mạnh để hành động thì hôm nay Hoa Kỳ không có cái thế đó. Hoa Kỳ đang kẹt chân tại Iraq và cũng vì cuộc chiến Iraq uy tín của Hoa Kỳ và của cá nhân tổng thống Bush giảm sút nên Hoa Kỳ có rất ít thế để hành động. Hoa Kỳ đang trông chờ vào Trung quốc để thuyết phục Bắc Hàn đừng làm cho tình hình thêm căng thẳng. Chắc hẳn rằng Trung quốc không muốn thấy Bắc Hàn có vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn tầm xa và Trung quốc cũng biết rằng nếu không thuyết phục được Bắc Hàn, ảnh hưởng của Trung quốc đối với thế giới cũng suy giảm, nhưng Trung quốc cũng biết rằng vụ Bắc Hàn sẽ làm cho Hoa Kỳ lúng túng và càng kéo dài bao nhiêu Trung quốc càng làm cho Hoa Kỳ giảm uy tín và yếu thế trên thế giới bấy nhiêu. Đó là chiến lược làm suy yếu kẻ địch trong dài hạn của Trung quốc. Trong tính toán của Trung quốc nếu Hoa Kỳ luôn luôn đứng về phe Do thái dù Do thái hành động như thế nào thì Trung quốc cũng có thể đứng về phía bênh vực Bắc Hàn trong mọi trường hợp. Đầu tháng 7/2006 này Do Thái đã mở hai mặt trận, một ở phía nam đánh vào giải Gaza, và một ở phía bắc đánh vào Liban lấy cớ quân Palestines và nhóm Hezbollah đã bắt cầm tù ba quân nhân Do Thái. Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc định ra quyết nghị lên án các vụ tấn công này thì Hoa Kỳ đã phủ quyết cho rằng Do Thái đã hành động để tự vệ thì Hoa Kỳ cũng khó thuyết phục Trung quốc (chưa nói đến phiếu của Liên bang Nga) không bỏ phiếu phủ quyết khi Hội đồng Bảo an muốn thông qua quyết nghị trừng phạt kinh tế Bắc Hàn.

Hiện nay tình hình thế giới là một mớ bòng bong đối với Hoa Kỳ. Ngoài Kim Chính Nhật tại Bắc Hàn, Iraq đang đi dần vào một cuộc nội chiến, du kích Taliban áp dụng chiến thuật tự sát càng ngày càng hoạt động mạnh tại Afghanistan và đang kiểm soát lại các tỉnh miền đông nam, Iran đang trên đường chế tạo bom nguyên tử, nhóm Hồi giáo quá khích cướp chính quyền tại Somalia, quan hệ đối với Liên bang Nga càng lúc càng xấu đi, tình hình Trung Đông đang như ngọn lửa càng lúc càng cháy lớn. Mỗi một điểm nóng nói trên là một vấn nạn của Hoa Kỳ, nhưng nơi nào Hoa Kỳ cũng bị động và lúng túng. Hoa Kỳ hiện nay như một nhạc trưởng điều khiển một ban nhạc mà các nhạc công không còn nhìn vào bàn tay đánh nhịp của người điều khiển, cho nên ban nhạc thay vì biễu diễn nghệ thuật trở thành một nơi gây ra tiếng động chát tai. Tình hình này nếu không được cải tiến có thể là điểm báo hiệu cáo chung vị thế siêu cường độc nhất của Hoa Kỳ trên thế giới (mặc dù trước mắt chưa có một siêu cường nào thay thế). Và đó cũng là chủ tâm của Trung quốc.

Vậy Hoa Kỳ phải làm gì? Điểm then chốt là Trung quốc. Nếu Hoa Kỳ có thể làm thay đổi thái độ của Trung quốc thì Hoa Kỳ có thể thuyết phục được Liên bang Nga và sự ổn định sẽ trở lại tại các điểm nóng khác trên thế giới. Nhưng Hoa Kỳ không thể thuyết phục được Trung quốc nếu vẫn nằm ở thế yếu hiện nay.

Hoa Kỳ cần hành động trong thế mạnh, nếu cần thì đánh bom hủy diệt các cơ sở nguyên tử và hỏa tiễn của Bắc Hàn, và làm cho Trung quốc hiểu rõ ý định của Hoa Kỳ sẽ hành động như vậy nếu không thể tìm ra một giải pháp hoặc qua hội nghị sáu bên hoặc qua Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Trung quốc sẽ không có lợi gì và cũng không thể bênh vực Bắc Hàn nếu Hoa Kỳ hành động mạnh vì Trung quốc còn yếu và vẫn còn cần Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới (nhất là EU) trong kế hoạch canh tân hóa quân lực của mình trong đó có chương trình mậu dịch với Hoa Kỳ và mua vũ khí tối tân của Âu châu. Và một khi Hoa Kỳ làm cho Trung quốc lép vế thì Liên bang Nga, Iran cũng có thể trở nên ngoan ngoãn hơn.

Để yểm trợ cho một chính sách mạnh Hoa Kỳ cần chuẩn bị lực lượng có khả năng đáp ứng nhiều mặt trận một lúc, có nghĩa là đặt quốc gia trong tình trạng khẩn trương và ra lệnh tổng động viên nếu cần.

Vốn liếng chính trị của tổng thống Bush đã cạn, nhưng ông có thể gây lại vốn bằng một chính sách tạo uy tín và gây dựng lại thế đứng quốc tế của Hoa Kỳ. Nhân dân Hoa Kỳ sẽ ủng hộ ông nếu ông đòi hỏi sự hy sinh - nếu cần là xương máu - một cách chính đáng để khi một quân nhân ngã xuống sự đoàn kết và quyết tâm quốc gia càng được tô bồi mạnh mẽ thêm (cho đến nay cái chết của hơn 2,500 quân nhân Hoa Kỳ tại Iraq không mang lại quyết tâm quốc gia mà chỉ làm ly tán nhân tình).

Trước sự đe dọa và thách thức của Bắc Hàn và tứ bề thọ địch không lúc nào Hoa Kỳ cần hành động mạnh bằng lúc này./.

 

Trần Bình Nam

July 14, 2006

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

 

  


Trần Bình Nam

http://www.tranbinhnam.com