Cơn bão tuyết ngoại giao của

Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ John Negroponte

 

Trần Bình Nam

         

Ngày 18/1, theo lịch trình thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Negroponte sẽ chính thức thăm viếng Việt Nam trong hai ngày, sau khi gặp các giới chức Trung quốc tại thành phố Quý châu trong tỉnh Sheng ở tây nam Trung quốc ngày 17/1 trong một cuộc gặp gỡ định kỳ mỗi năm hai lần giữa nhân viên ngoại giao cao cấp của hai nước.

Với vị thế quan trọng của thứ trưởng Negroponte tại bộ ngoại giao Hoa Kỳ (1) và quan hệ đang rất tế nhị giữa Việt Nam và Trung quốc liên quan đến vụ Tam Sa, chuyến thăm viếng của ông Negroponte được giới quan sát và truyền thông quốc tế theo dõi thật sát, cho rằng đây là một cuộc thăm viếng quan trọng liên quan đến tình hình Đông Nam á châu - Thái Bình Dương và mối quan hệ tay ba Hoa Kỳ-Trung quốc-Việt Nam.

Nhưng sáng ngày 18/1, tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội thông báo chuyến thăm viếng Việt Nam của ông Negroponte bị hủy bỏ vì thời tiết xấu tại Quý châu không cho phép máy bay ông cất cánh.

Không ai tin thời tiết đã ngăn trở chuyến bay. Muốn đi thì ông chỉ cần dùng đường bộ đến một thành phố khác gần đó để lấy máy bay khác khó gì. Thời đại này, thời tiết cũng chưa làm trở ngại được sự di chuyển của một viên chức nước nhỏ, nói gì cản trở một cuộc du hành quan trọng của một thứ trưởng ngoại giao của đệ nhất đại cường trên thế giới.

Vậy vì lý do gì ông Negroponte hủy bỏ chuyến đi. Có thể có ba lý do. Thứ nhất Hoa Kỳ tự ý hủy bỏ. Thứ hai Trung quốc khuyến cáo hay áp lực ông Negroponte hủy bỏ. Thứ ba là Hà Nội yêu cầu hoãn lại chuyến công du và ông Negroponte quyết định hủy bỏ luôn.

Lý do thứ nhất không vững, vì chương trình công tác của một thứ trưởng quan trọng như ông Negroponte không thể thay đổi đột ngột như vậy. Lý do Trung quốc áp lực trực tiếp với ông Negroponte lại càng khó tin. Tế nhị ngoại giao (về phía Trung quốc) và tự ái nước lớn (về phía Hoa Kỳ) không cho phép ông Negroponte nhượng bộ trước áp lực của Trung quốc. Chỉ còn gỉả thuyết thứ ba là Việt Nam yêu cầu hủy bỏ chuyến đi. Nhưng điều khả dĩ hơn có thể là Trung quốc áp lực Việt Nam hoãn tiếp ông thứ trưởng Negroponte cho đến sau khi ông Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Pham Gia Khiêm thăm Trung quốc (như đã loan báo) trong thời gian từ  22 -26 trong tháng này, và Việt Nam đã nhượng bộ Trung quốc yêu cầu hoãn lại.

Trong lần xuất chiêu này Trung quốc lại một lần nữa ghi điểm trong ván bài tay ba Trung quốc-Hoa Kỳ-Việt Nam cũng như năm 2007 Trung quốc đã ghi một bàn khi áp lực Việt Nam buộc Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang thăm Trung quốc ngoài chương trình trước khi công du Hoa Kỳ.

Một chút éo le đối với Hoa Kỳ là nếu ông John Negroponte đến Việt Nam như dự định ông sẽ có mặt tại Hà Nội trong ngày 19/1 vào lúc người Việt khắp nơi trên thế giới đang làm lễ kỷ niệm trận hải chiến chống Trung quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 34 năm trước. Trận đánh chiếm này có bàn tay người Mỹ sau lưng (xem Biển Đông Dậy Sóng), và câu hỏi tự nhiên đến là ông Negroponte tới Việt Nam sau khi công du Trung quốc có liên hệ gì đến ván bài Trường Sa giữa Hoa Kỳ và Trung quốc không.

Đó chỉ là giả thuyết vì thế địa lý chính trị hôm nay giữa Hoa Kỳ-Trung quốc-Việt Nam khác hẵn thế địa lý chính trí giữa Trung quốc và Hoa Kỳ của thập niên 1970. Ván bài này Hoa Kỳ đánh khác chứ không đánh như kiểu năm 1974 nữa. Thế tay ba Hoa Kỳ-Trung quốc-Việt Nam bây giờ buộc Hoa Kỳ bênh vực Việt Nam để cho quần đảo Trường Sa không lọt vào tay Trung quốc.

Và đó có thể là đề tài trao đổi chính khi ông Negroponte định đến Việt Nam.

Trong quan hệ tay ba giữa Hoa Kỳ-Trung quốc-Việt Nam trong 5 năm qua chúng ta thấy có một sự xích lại gần nhau giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và một sự cẩn trọng nào đó của Việt Nam đối với Trung quốc. Nếu có nhiều cuộc thăm viếng thân hữu giữa các giới chức cao cấp Việt Nam và Trung quốc thì cũng có hằng loạt những cuộc thăm viếng quan trọng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Công du Hoa Kỳ: Tháng 11/2003 bộ trưởng quốc phòng Phạm Văn Trà. Tháng 6/2005 thủ tướng Phan Văn Khải. Tháng 1/2007 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tháng 6 cùng năm chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Về phía Hoa Kỳ tháng 12/2003 chiến hạm tối tân của hải quân Hoa Kỳ USS Vandergrift đến thành phố Sài gòn mang theo những hình ảnh áo trắng lon vàng rực rỡ của những người thủy thủ và sĩ quan hải quân Hoa Kỳ trên đường phố Sài gòn làm tan biến mây mù của chiến tranh và thù hận từng bao trùm hai nước. Cuối năm 2006 tổng thống Bush thăm viếng Hà Nội nhân đi tham dự hội nghị thường niên các nước ven Thái Bình Dương APEC. Trước khi đi Hoa Kỳ cất bỏ Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đáng quan tâm (CPC) vì vi phạm tự do tín ngưỡng (mặc dù Hà Nội đã không thật sự cải thiện chính sách tôn giáo mà chỉ là những thay đổi màu mè) và sau đó Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Mậu dịch Thế giới – WTO).

Sự xích lại này chứng tỏ những người lãnh đạo tại Hà Nội thấy có nhu cầu liên kết chiến lược với Hoa Kỳ để giải tỏa dần áp lực của ông anh phương Bắc. Và Hoa Kỳ cũng đáp ứng được nhu cầu làm vững mạnh thêm thế chiến lược của mình tại tây Thái Bình Dương.

Tuy nhiên trước việc Trung quốc ra quyết nghị thành lập thành phố cấp huyện Tam Sa bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa Hoa Kỳ đã im lặng. Không một giới chức Hoa Kỳ nào đá động đến, xem như đó là chuyện của ai chứ không liên quan đến mình mặc dù ai cũng biết Hoa Kỳ đang theo dõi biến chuyển của cuộc tranh chấp giữa Việt Nam và Trung quốc một cách lo âu. Nếu Trường Sa quan trọng đối với Trung quốc như thế nào, Trường Sa cũng quan trọng đối với Hoa Kỳ như vậy. Chưa nói vị trí chiến lược của Trường Sa nằm  trên con đường biển từ eo Malacca lên phía Bắc Thái Bình Dương, dưới đáy của nó hứa hẹn một túi dầu hỏa và khí đốt chưa biết đích xác trữ lượng nhưng chắc là không nhỏ. Và dầu hỏa trong tay đồng minh còn là huyết mạch của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên tới.

Vụ thành lập thành phố Tam Sa của Trung quốc là một viên đạn bắn hai con chim. Trung quốc muốn nói với Việt Nam họ không hài lòng thái độ nghiêng về Hoa Kỳ của Hà Nội. Đối với Hoa Kỳ Trung quốc tỏ ra muốn mở rộng không gian sinh tồn và sẵn sàng thách thức với lực lượng biển của Hoa Kỳ.

Ngay sau vụ Tam Sa, đố đốc Timothy Keating, tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương đã đến Việt Nam. Tin tức không nói nhiều đến nội dung chuyến đi của ông nhưng chắc hẵn không ra ngoài vụ Tam Sa. Và chuyến đi (bỏ lỡ) của thứ trưởng John Negroponte phải là một nước bài trong toàn cảnh.

Nước bài chưa đánh được vì thái độ bất nhất của chính quyền Hà Nội. Cho đến giờ này không một giới chức cao cấp của chính quyền Hà Nội là quý ông Nông Đức Mạnh (tổng bí thư đảng), Nguyễn Minh Triết (chủ tịch nước), Nguyễn Tấn Dũng (thủ tướng) và Nguyễn Phú Trọng (chủ tịch quốc hội), cả bốn đều là Ủy viên Bộ chính trị, hé môi nói một lời nào về vụ Trung quốc sát nhập đất của Việt Nam. Ngoài lập trường công khai do phát ngôn nhân Lê Dũng nhiều lần xác nhận Trường Sa là của Việt Nam, chính quyền Việt Nam không có một chuẩn bị nào về mặt quần chúng, về mặt quốc tế, và về mặt quân sự nếu Trung quốc đưa tàu chiến ra chiếm đóng Trường Sa. Trung quốc chưa ra tay vì họ đang chuẩn bị thế vận hội mùa hè 2008 và họ không muốn tạo ra bất cứ cuộc khủng hoảng nào có thể ảnh hưởng đến sự thành công của Thế vận hội. Nhưng qua năm 2009, mọi chuyện có thể khác. Và nếu Việt Nam cứ giữ thái độ lừng khừng như hiện nay thì quá muộn.

Nếu tìm hiểu thái độ của Hà Nội trước việc Trung quốc lấn chiến Hoàng Sa với một thái độ thông cảm chúng ta có thể nghĩ Việt Nam chọn thái độ dè dặt. Thí dụ như giới chức cao cấp và quốc hội không lên tiếng, để cho dân chúng biểu tình một cách tượng trưng rồi cấm cản, không đưa vấn đề ra trước Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để tránh chọc giận Trung quốc. Việt Nam ngại những động thái như vậy có thể làm ảnh hưởng mối bang giao với Trung quốc, và kết quả sẽ không có lợi về phía Việt Nam vì Trung quốc có thể trả đũa về mặt kinh tế nếu không muốn nói là quân sự mà Việt Nam hoàn toàn chưa chuẩn bị để đối phó. Việt Nam cũng có thể đang dò xem Hoa Kỳ có thể làm được gì trong vấn đề tranh chấp này vì Việt Nam thừa biết Hoa Kỳ cũng đang rất quan tâm.

Tuy nhiên, nếu trước một vấn nạn quốc gia, nhất là trước nạn xâm lăng người lãnh đạo có thể dùng giải pháp đương đầu bằng quân lực hay tìm cách giải quyết trên bàn thương thuyết, nhưng điều quan trọng là lãnh đạo phải đoàn kết và thống nhất ý kiến trong việc đi tìm đường lối đáp ứng. Các dấu hiệu hiện nay cho thấy nội bộ lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam có sự chia rẽ trầm trọng, chia rẽ giữa phe dùng phương pháp ôn hòa đối với Trung quốc để giữ đất và phe chủ trương tìm thế quốc tế (nói cách khác là Hoa Kỳ) để bảo vệ lãnh thổ. Và sự chia rẽ này đang làm tê liệt chính quyền Việt Nam. 

Lịch sử Việt Nam dạy rằng đối với Trung quốc tối hậu là phải giảng hòa mới giữ được nước, nhưng lịch sử cũng chỉ ra rằng chỉ giảng hòa sau khi đánh cho Trung quốc liểng xiểng. Còn nếu giảng hòa ở thế yếu thì chỉ là dâng thịt cho mãnh hổ. Sự chia rẽ nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam đang làm cho Việt Nam hoàn toàn thụ động và lúng túng.

Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải làm gì? Trước hết quốc hội Việt Nam phải ra quyết nghị xác định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đảng phải huy động toàn lực của nhân dân bằng chính sách cởi mở dân chủ, ban hành tự do ngôn luận trong giới hạn để toàn dân một lòng cương quyết chống xâm lăng. Đảng Cộng sản Việt Nam với lực lượng công an chuyên nghiệp trong tay có cần phải sợ nhân dân nhân dịp biểu  tình lật đổ chính quyền không? Đảng Cộng sản Việt Nam cần liên minh với các quốc gia đồng quyền lợi, trước hết là Hoa Kỳ, thứ đến là Ấn độ, Úc châu, khối Asean và Liên hiệp Âu châu để họ cùng tham gia bảo vệ thủy lộ trên biển Đông và không để tài nguyên thiên nhiên ở đó lọt vào tay Trung quốc. Và sau cùng cải tổ cấp tốc lực lượng hải quân.

Có rất nhiều điều có thể làm trong khuôn khổ chủ quyền quốc gia trong khi vẫn có thể giữ quan hệ ngoại giao tốt với Trung quốc. Nhưng rất tiếc một chính quyền chia rẽ nội bộ thì không thể có chính sách nhất quán.

Lịch sử 4000 năm của Trung quốc chứng tỏ rằng khi nào Trung quốc mạnh là Trung quốc tìm cách bành trướng. Họ đã manh tâm thôn tính Việt Nam dưới các triều Nguyên (thế kỷ 13) triều Minh (thế kỷ 15), triều Mãn thanh (thế kỷ 18), nhưng rất may lần nào nhân dân Việt Nam cũng đồng tâm nhất trí thống nhất ý chí chống giặc giải phóng quê hương dưới sự lãnh đạo của các anh quân triều Trần, triều Lê, Quang Trung Nguyễn Huệ nên lần nào chúng ta cũng đánh tan tác đuổi quân thù trở về biên cương của họ buộc họ phải để yên cho chúng ta tồn tại như một quốc gia độc lập.

Lần này sau 5 thế kỷ lu mờ, Trung quốc lại trổi dậy như một siêu cường. Mộng xâm lấn Việt Nam trở thành một mối ám ảnh của Trung quốc. Việt Nam đang đứng trước một mối nguy. Không phải chỉ những hải đảo xa xôi bị đe dọa mà ngay sơn hà xã tắc cũng có thể lọt vào tay Trung quốc nếu có một biến chuyển quốc tế bất ngờ. Nguy không phải vì nhân dân Việt Nam không còn quyết tâm chống xâm lăng nhưng nguy là trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng mà lãnh đạo Việt Nam đang chia rẽ.

Sự chia rẽ nội bộ của đảng Cộng sản Việt Nam trước vụ Tam Sa được bộc lộ rõ qua chuyến đi bị hủy bỏ của thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ John Negroponte ngày 18/1 vừa qua. Một cơ hội tốt đã bị bỏ qua./.

 

Trần Bình Nam

Jan 19, 2008

(kỷ niệm 34 năm trận hải chiến Hoàng Sa)

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

 

(1)         Ông Negroponte là một thứ trưởng, nhưng ảnh hưởng của ông trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ có thể lấn cả ảnh hưởng của bà ngoại trưởng Condoleezza Rice.

 

 

 

 

 

 

  


Trần Bình Nam

http://www.tranbinhnam.com