George W. Bush và dịch cúm gia cầm

Trần Bình Nam

Đầu năm 1976, nước Mỹ chưa ra khỏi cơn ác mộng vì cuộc rút lui tại Việt Nam thì dịch cúm heo xuất phát từ trại lính Fort Dix ở bang New Jersey đe dọa bùng nổ. Ngày 24/3/1976 tổng thống Gerald Ford chính thức loan báo với dân chúng Hoa Kỳ qua hệ thống truyền hình toàn quốc rằng, vào mùa thu hay mùa đông năm 1976 sẽ có dịch cúm tại Hoa Kỳ và tổng thống xin quốc hội chuẩn chi 135 triệu mỹ kim để chủng ngừa cho dân chúng.

Dịch cúm không tới như tổng thống Ford cảnh báo. Nhưng điều không may là từ đó chính phủ Hoa Kỳ trở nên thiếu cảnh giác đối với thiên tai này. Và đó là lý do tại sao hiện nay (sau trận dịch cúm gia cầm tại Á châu năm 1997) các khoa học gia tiên đoán một trận dịch đang chờ đợi ụp xuống nhân loại với sức tàn phá còn vượt quá trận dịch hai năm 1918-19 nhưng không quốc gia nào trên thế giới có một kế hoạch nghiêm chỉnh để chống dịch. Cho đến ngày 1 tháng 11 vừa qua tổng thống Bush mới công bố một chương trình qui mô phòng chống nạn dịch cúm toàn cầu.

Chương trình của tổng thống Bush dự trù chi phí 7.1 tỉ mỹ kim để chuẩn bị cơ sở vật chất để Hoa Kỳ có thể sản xuất đủ thuốc chủng ngừa cho tất cả người Mỹ trong vòng 6 tháng khi bệnh dịch bùng nổ và người ta biết được loại vi khuẩn nào sinh ra bệnh. Ngoài ra số tiền 7.1 tỉ mỹ kim còn dùng để thực hiện một chương trình theo dõi sự lan tràn và biến thái của vi khuẩn cúm gà H5N1 là loại vi khuẩn sinh ra bệnh dịch cúm gà tại Á châu và đang lan tràn đến các nước tây phương. Và một chương trình gồm (1) sản xuất đủ thuốc chống bệnh cúm (như Tamiflu của Âu châu) đủ cho người Mỹ dùng trong khi chờ đợi thuốc chủng ngừa, (2) phối hợp nỗ lực phòng chống dịch giữa chính phủ liên bang và chính phủ các tiểu bang, và (3) giáo dục quần chúng về phòng ngừa và chữa trị.

Chương trình này được công bố giữa lúc tổng thống Bush đang gặp nhiều khó khăn chính trị, từ việc không chuẩn bị và điều hành một cách vụng về trước thiên tai do trận bão lụt Katrina tháng 9 năm 2005, việc bổ nhiệm những người thân tín nhưng bất xứng vào các chức vụ quan trọng (ông Michael Brown, bà Harriet Miers) cho đến việc nhân viên cao cấp tòa Bạch Ốc làm những việc vi phạm luật lệ quốc gia để bị truy tố ra trước pháp luật (ông cố vấn Lewis Libby của phó tổng thống Dick Cheney) có thể được xem là một chương trình có tính cách cơ hội, nhưng nội dung của nó là một chương trình đúng lúc đúng thời và nếu được tiến hành như dự phóng có thể giúp tổng thống lấy lại một ít uy tín với quốc dân.

Nghiên cứu nguồn gốc cúm gia cầm các khoa học gia tìm ra rằng vi khuẩn cúm nguyên thủy ẩn một cách vô hại trong máu các loại chim đổi chỗ ở theo mùa. Khi chúng bay đổi mùa các loại chim này có nhu cầu kiếm thức ăn và chung đụng với các gia cầm các vi khuẩn này truyền sang gia cầm và trở thành vi khuẩn nguy hiểm. Cách truyền bệnh này giải thích tại sao cúm gia cầm thường xuất hiện tại Trung quốc và các nước Á châu. Tại đó gia cầm được nuôi trong những điều kiện thiếu vệ sinh, gần với thiên nhiên và gần với nơi ăn chốn ở của người.

Trong mùa dịch cúm gia cầm tại Hồng Kông năm 1997 các khoa học gia Trung quốc tìm thấy vi khuẩn chính là vi khuẩn H5N1. Vi khuẩn này rất nguy hiểm đối với gia cầm. Từ năm 1997 đến đầu năm 2005 nó đã làm cho kỹ nghệ gia cầm của các nước Á châu tổn thất ít nhất 15 tỉ mỹ kim. Nhưng nó còn là một mối đe dọa đối với người. Gần 100 năm qua các nhà khoa học đã nuôi vi khuẩn cúm để nghiên cứu, và chưa hề thấy loại vi khuẩn H5N1 hiện diện nơi người. Điều này có nghĩa không một người nào đang sống có tính miễn nhiễm đối với vi khuẩn H5N1. Cho nên nếu dịch gia cầm hiện nay với vi khuẩn H5N1 truyền sang người và sau đó có khả năng truyền từ người này sang người khác thì sẽ là một đe dọa to lớn.

Các nhà khoa học tiên báo rằng nếu cúm gà H5N1 lây sang người và từ người sang người thì ít nhất 80 triệu người Mỹ bị nhiễm bệnh và sẽ có ít nhất 16 triệu người chết. Tổn thất tài chánh ước lượng 166 tỉ mỹ kim. Và trong trường hợp lạc quan nhất - nghĩa là thuốc chủng ngừa được sản xuất kịp theo chương trình của tổng thống Bush để đương đầu với sự biến thái của vi khuẩn H5N1- thì ít nhất cũng có trên 200.000 người Mỹ chết vì cúm gia cầm.

Hiện nay chưa có triệu chứng gì cúm gia cầm một khi truyền sang người sẽ trở thành dịch cúm của người, nhưng viễn ảnh đó không xa, trong khi thế giới chưa có gì chứng tỏ sẵn sàng.

Ngoài nạn dịch cúm gia cầm do vi khuẩn H5N1 đang đe dọa thế giới, hằng năm còn dịch cúm theo mùa sinh ra bởi một loại vi khuẩn mỗi năm mỗi khác. Đầu năm 2005, sau khi các khoa học gia trên thế giới trao đổi dữ kiện với nhau Cơ quan Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO) chấm định hai loại vi khuẩn H3N2 và H1N1 là hai loại vi khuẩn của dịch cúm năm nay và đã thông tin để các cơ sở bào chế thuốc chủng ngừa trên thế giới sản xuất thuốc chủng ngừa. Thuốc đã có sẵn tại Âu châu và Hoa Kỳ  từ tháng Chín và tháng Mười và đa số người Mỹ đã được chủng ngừa. WHO không thể chọn mẫu vi khuẩn sớm hơn trước đầu năm vì chọn sớm sự chấm định vi khuẩn sẽ thiếu chính xác và thuốc chủng ngừa làm ra có thể không có công hiệu.

Hiện nay Hoa Kỳ vẫn còn phải mua thuốc trị và thuốc chủng của Ấu châu vì các sở bào chế thuốc của Hoa Kỳ không bào chế vì không có lợi. Chương trình chống dịch cúm tổng thống Bush vừa công bố giúp giải quyết tình trạng bế tắc này, và ngân sách quốc gia phải chịu gánh nặng vì chính phủ phải bù lỗ cho các công ti sản xuất thuốc chủng trường hợp sản xuất ra mà không xài phải bỏ đi.

Trước tình trạng hiện nay hai câu hỏi được đặt ra. Có khả năng xẩy ra một trận dịch như thế hay không? Và thế giới phải chuẩn bị những gì cho trận chiến chống dịch? Đối với các nhà khoa học, khả năng của một trận dịch rất cao. Nó có thể đến bất cứ lúc nào, năm tới, hay năm tới nữa. Về câu hỏi thứ hai, thì thế giới còn rất nhiều việc phải làm để chống dịch, và chương trình 7.1 tỉ mỹ kim của tổng thống Bush chỉ là bước khởi đầu. Theo kế hoạch đến năm 2010 chương trình này mới hoàn thành.

Nhưng dù chỉ là bước khởi đầu, sáng kiến của tổng thống Bush là một điểm son hiếm hoi trong nhiệm kỳ thứ hai hai đầy sóng gió của ông.

 

Trần Bình Nam

Nov. 4, 2005

BinhNam@sbcblobal.net

 

Tài liệu tham khảo:

www.tranbinhnam.com , Mục Bình Luận, tài liệu số 167.

 


Trần Bình Nam

http://www.tranbinhnam.com