CIA và các ông Tướng

(Phần 7: ôn cố tri tân)

 

Trần Bình Nam

 

Dưới nhan đề: “CIA và các ông Tướng” và liên tiếp trong 6 Phần tôi đã giới thiệu và tóm tắt nội dung một tài liệu mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) nói về mối quan hệ làm việc giữa CIA với các tướng lãnh miền Nam Việt Nam (*) từ tháng 11 năm 1963 sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ cho đến ngày 30/4/1975 khi quân đội Bắc Việt tiến chiếm Sài gòn. Tài liệu đã được giải mật bởi cơ quan CIA ngày 19 tháng 2 năm 2009.

Đọc và tóm tắt tài liệu “CIA và các ông Tướng” (CIA And The Generals) tôi nhận ra rằng những gì đa số chúng ta biết về cuộc chiến Việt Nam và sự kết thúc bi thảm của nó chỉ là những sự việc thấy từ bên ngoài.

Các cựu tướng lãnh quân đội VNCH cũng như một số chính khách đã viết nhiều tập Hồi Ký, hồi ký chiến tranh cũng như hồi ký chính trị, có giá trị và hữu ích cho kho tàng sử liệu Việt Nam. Nhưng đọc xong tài liệu “CIA và các ông Tướng” của cơ quan CIA tôi nhận ra thêm rằng, các cuốn Hồi Ký nói trên đều là những tập sách ghi lại sự việc mà mỗi tác giả trong hoàn cảnh và vị trí riêng đã đóng và đã thấy như là những nhân vật trong một cuốn phim. Và cuốn “CIA và các ông Tướng” là cuốn sách của người đạo diễn, cuốn sách giúp chúng ta hiểu các nhân vật trong cuốn phim. Nó giải thích tại sao vai này hành động thế này, vai kia hành động thế kia.

Trong thời gian 12 năm từ khi ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ cho đến ngày 30/4/75, mọi việc tại Sài gòn hầu như đều ở trong tay người Mỹ. Các tướng lãnh xuất hiện trên chính trường miền Nam chỉ để thi hành chính sách của người Mỹ qua tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Sài gòn, chính yếu là Sở phụ trách tình báo CIA. Các tướng lãnh mỗi người một khả năng, một hiểu biết về chính trị khác nhau và có thể có phản ứng khác nhau trước các diễn biến, nhưng nếu không theo đường lối của Hoa Kỳ thì sẽ bị gạt ra ngoài trò chơi.

Các cuộc đảo chánh liên tiếp từ tháng 11/1963 cho đến lúc tướng Nguyễn Văn Thiệu tuyên thệ nhậm chức tổng thống năm 1967 đều là những biến cố chính trị do quyết định của tòa đại sứ Hoa Kỳ nằm trong chiến lược “be bờ” (containment) để chận đứng làn sóng xâm lăng của cộng sản quốc tế do Liên bang Xô viết chủ xướng và yểm trợ, mà bên cạnh sườn là sự đe dọa bành trướng của chủ nghĩa cộng sản từ Trung quốc xuống vùng Đông Nam Á châu .

Trước hết người Mỹ giúp ông Diệm để duy trì một miền Nam không cộng sản. Khi ông Diệm không củng cố nổi một chính quyền vững mạnh được sự hậu thuẩn của nhân dân Nam Việt Nam, người Mỹ muốn gởi quân đến giúp. Ông Diệm không đồng ý. Ông quan niệm một cách hữu lý rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam sẽ làm cho cuộc chiến đấu bảo vệ tự do của nhân dân miền Nam Việt Nam mất chính nghĩa. Và khi ông Ngô Đình Nhu, bào đệ ông Diệm, người cố vấn thân cận của ông gặp riêng đại diện của Hà Nội để tìm một giải pháp giữa người Việt Nam với nhau thì Hoa Kỳ quyết định tổng thống Diệm phải ra đi để thay bằng một nhân vật lãnh đạo khác sẵn sàng cho phép Hoa Kỳ đưa quân đến Việt Nam.

Cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã bố trí sẵn một số tướng lãnh “thân hữu” và chỉ cần bật đèn xanh là các vị tướng này hành động. Và cũng với cung cách như vậy Hoa Kỳ thực hiện các cuộc thay thế lãnh đạo từ năm 1963 cho đến ngày 30/4/1075.

Sau khi đảo chánh ông Diệm, tướng Dương Văn Minh và nhóm “5 tướng” (Minh, Đôn, Xuân, Kim, Đính) có ý liên lạc với Hà Nội để tính chuyện trung lập hóa miền Nam theo đường lối của Pháp thì lập tức nhóm “5 tướng” bị tướng Nguyễn Khánh “chỉnh lý”. Đến khi Khánh cho Đại tá Lê Văn Nhiều (Giám đốc Trung ương Tình báo của Khánh) tiếp xúc với Hà Nội để bàn chuyện chấm dứt chiến tranh thì Khánh phải ra đi.

Tướng Nguyễn Văn Thiệu và tướng Nguyễn Cao Kỳ có lập trường chống cộng sản dứt khoát nên hai tướng Thiệu Kỳ được sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Nguyễn Cao Kỳ nếu khéo léo có thể được Hoa Kỳ ủng hộ. Nhưng tính Kỳ bốc đồng, đôi khi tuyên bố “khó hiểu” như muốn đào ngũ ra với người anh em miền Bắc nên Hoa Kỳ nghi ngờ và dồn sự ủng hộ cho Thiệu, và dùng Thiệu kềm chế Kỳ để không xảy ra điều gì đáng tiếc.

Thiệu với lập trường “4 Không”, hoàn toàn đáp ứng chính sách của Hoa Kỳ trong giai đoạn đó. Nhưng đến khi Hoa Kỳ nói chuyện với Bắc Kinh và giải quyết bàn cờ Đông Nam Á một cách khác hơn là chính sách “be bờ” thì Hoa Kỳ không còn cần “4 Không” của Thiệu. Và như một quy luật Thiệu phải ra đi, nhường chỗ cho một nhân vật trước kia Hoa Kỳ đã mời đi chỗ khác là tướng Dương Văn Minh để đóng lại ván bài Việt Nam.

Về mặt quan hệ quốc tế Hoa Kỳ không làm điều gì sai trái vì quốc gia nào cũng có chính sách bảo vệ quyền lợi của mình, và các liên minh liên kết đều có tính cách giai đoạn, nhất là Hoa Kỳ là quốc gia lãnh đạo “Thế giới Tự do” chống lại cuộc chiến tranh “nhuộm đỏ toàn cầu” của Liên bang Xô viết.

Các quốc gia liên kết với Hoa Kỳ trong sách lược thế giới (của Hoa Kỳ) nếu muốn có tiếng nói trong sách lược chung, quốc gia đó cần có 2 điều kiện. Thứ nhất là có tiềm năng kinh tế riêng của mình. Thứ hai là có người lãnh đạo giỏi.

Sau Thế chiến 2, Hoa Kỳ giúp nước Đức, Nhật Bản, và năm 1953 sau khi cứu  Nam Hàn khỏi bị Bắc Hàn thôn tính, Hoa Kỳ cũng muốn sai bảo các quốc gia đó như Hoa Kỳ sau này đã từng sai bảo Nam Việt Nam. Nhưng người Đức, người Nhật và người Nam Hàn biết cách tự đứng vững trên đôi bàn chân của mình. Trong một thời gian dài được sự bảo vệ của Hoa Kỳ, các nước Đức, Nhật, Nam Hàn tự tay chấn hưng nền kinh tế quốc gia và đóng góp vào sự phồn thịnh chung của thế giới. Họ có thể nuôi lính, nuôi dân bằng tự lực sản xuất. Và trong tình thế nhờ vả Hoa Kỳ, các nước Đức, Nhật, Nam Hàn có những nhà lãnh đạo xứng đáng với thời cuộc.

Những điều kiện đó, không may miền Nam Việt Nam không có. Chúng ta không có những nhà lãnh đạo giỏi biết dựa vào nhu cầu chiến lược của Hoa Kỳ sau 1954 để xây dựng một miền Nam tự lập, một điều có thể làm được vì miền Nam là đất trù phú và là một vựa lúa thiên nhiên không lúc nào cạn. Sống trên một vựa lúa thiên nhiên mà trong suốt thời gian từ 1963 trở đi Nam Việt Nam phải dùng gạo của Hoa Kỳ! Và khi không nuôi nổi dân, nuôi nổi lính, thì làm thế nào Nam Việt Nam có thể tự trang bị để đương đầu với một cuộc chiến tranh xâm lược bởi người anh em miền Bắc được sự ủng hộ của khối cộng sản quốc tế nếu không dựa vào đôi cánh tay luôn luôn rộng mở của Hoa Kỳ.

Vì không có kinh tế riêng, những người lãnh đạo Nam Việt Nam, dù là xuất thân từ hàng quan lại Nam Triều, từ các trường quân sự và dân sự của Pháp, hay được đào tạo tại Sài gòn và Hà Nội, có bằng tiến sĩ hay chỉ mảnh bằng Tú Tài cũng không thể không vâng lời ông đại sứ Hoa Kỳ tại Sài gòn.

Sự vâng lời mỗi người một khác. Tài liệu “CIA và những ông Tướng” cho chúng ta thấy có những ông Tướng hợp tác với tình báo Hoa Kỳ, có người có lương, có người không lương, và mỗi người hợp tác trong một cung cách khác nhau.

Tình báo trong thời đại nào cũng là một nghề nguy hiểm và bị nghi ngờ. Và dư luận thường cho rằng làm việc với CIA là xấu. Điều này không đúng. Hợp tác với tình báo của một nước đồng minh để cùng phục vụ quyền lợi chung của hai nước trong đó phục vụ quốc gia mình là chính thì chẳng những không sai trái mà còn là một công tác mang ý nghĩa một sự hy sinh đáng ca ngợi. Nhưng nếu hợp tác với tình báo nước bạn để phản lại quyền lợi của quốc gia mình thì sự hợp tác đó là một sự hợp tác cần ghi vào sử sách để nhớ.

Tình chiến hữu quốc tế giữa Hoa Kỳ và tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không còn thắm thiết khi Hoa Kỳ muốn quyết định tất cả mọi việc theo ý mình tại Paris nhưng ông Thiệu không đồng ý. Ông có đủ sáng suốt để thấy mối nguy cho Nam Việt Nam nếu Hoa Kỳ đồng ý cho Hà Nội để lại quân đội Bắc Việt đã xâm nhập Nam Việt Nam trong bản Hiệp định Paris. 

Hoa Kỳ phối hợp hai gọng kềm để áp lực ông Thiệu phải theo ý của Hoa Kỳ để Hoa Kỳ có thể rút quân đội ra khỏi Việt Nam và đòi lại tù binh. Gọng kềm thứ nhất là dọa cắt viện trợ. Gọng kềm thứ hai là dùng những nhân vật cao cấp và cận kề nhất với ông Thiệu để áp lực ông.

Ông Thiệu rất cô đơn trước hai gọng kềm này. Trước gọng kềm viện trợ ông có thể cười, nhưng trước gọng kềm thứ hai từ những người thân tín nhất của mình ông chỉ có thể khóc. Và quả thật ông Thiệu đã hai lần khóc, trong đó có một lần khóc chung với Phó tổng thống Trần Văn Hương. Đó là những giọt nước mắt nóng hổi đổ cho quê hương cần được ghi vào lịch sử.

Về con người chúng ta có nhiều khuyết điểm hơn là ưu điểm. Do giòng giống hay là hậu quả của một nền giáo dục thiếu căn bản quá lâu qua nhiều thế kỷ là câu hỏi dành cho các nhà nghiên cứu. Chúng ta thông minh và là một dân tộc cần cù chịu thương chịu khó, nhưng chỉ thông minh và cần cù cho cá nhân chứ không thông minh và cần cù vì đất nước.

Do đó chúng ta thiếu người lãnh đạo có tầm vóc. Chúng ta có tinh thần vọng ngoại và ít tin tưởng vào chính mình. Chúng ta chạy theo những cái đang lên và coi thường những thế lực đang xuống. Nói đơn giản chúng ta không có cái nhìn xa, và do đó chúng ta không có chính sách.

Vào đầu thế kỷ 20, trước sự du nhập của văn hóa và văn minh cơ khí Tây phương và sự lu mờ của nước Trung Hoa phương Bắc người trí thức Việt Nam chúng ta chỉ biết cóp nhặt văn hóa Tây phương vô điều kiện và chúng ta coi thường “chú chệt” mà không biết rằng “chú chệt” cười cười “nị ngộ” sao cũng được nhưng chú nắm hết kinh tế của Việt Nam trong tay và chú biết văn hóa của chú đã yên vị lâu đời trong đầu mỗi người Việt. Và chỉ chờ thời điểm (như hôm nay) là chú nắm cổ toàn bộ vận mạng của nước Việt Nam.

Lãnh đạo quân sự và chính trị của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam có nhiều khuyết điểm, nhưng chưa chắc quyết định chiến lược can thiệp của người Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam là một quyết định sai lầm. Nhưng phía miền Nam chúng ta – vì thiếu người tài, vì thiếu chí - đã không lợi dụng cơ hội để xậy dựng một miền Nam tự túc về kinh tế và đặt một nền móng cho sự canh tân đất nước. Cho nên khi người Mỹ nhận ra rằng miền Nam không phải là một đồng minh có bãn lãnh họ liên miên thay đổi lãnh đạo và khi nhận ra rằng đồng minh Nam Việt Nam không có ý chí để tự tồn họ phải tìm một sách lược khác và bỏ rơi chúng ta một cách tàn nhẫn theo đúng cung cách của người Tây phương quyết định là làm.

Miền Bắc Việt Nam cũng không khá gì hơn. Hà Nội chạy theo một lý thuyết kinh tế lỗi thời làm thui chột kinh tế miền Bắc, và trước áp lực của Liên bang Xô viết dồn mọi tiềm năng nhân lực cho cuộc chiến bành trướng chủ nghĩa mà họ nhất định phải thắng “dù phải đốt cháy cả dãyTrường Sơn!”

Miền Bắc toàn thắng. Việt Nam thống nhất trong điêu tàn. Và khi người đồng minh Liên bang Xô viết sụp đổ không đủ sức viện trợ kinh tế như Hà Nội chờ đợi Việt Nam chỉ còn một con đường là lệ thuộc vào Trung quốc.

Bài học gì người Việt Nam cần rút ra hôm nay, đứng trước thế kỷ 21 mới bắt đầu non một thập niên và hứa hẹn nhiều biến chuyển quan trọng có thể quyết định sự mất hay còn của Việt Nam trên bản đồ thế giới?

Sự hâm nóng của bầu khí quyễn đang thay đổi môi sinh buộc con người, trong đó có chúng ta, phải biến đổi để thích ứng. Con người không đủ khôn ngoan và tự chủ để hủy bỏ vũ khí nguyên tử nên thứ vũ khí nguy hiểm này sẽ trở thành một thứ vũ khí thông thường và thế giới lúc nào cũng ở trong một bầu thuốc súng chỉ chực nổ. Cuộc tranh chấp văn minh Tây phương và văn minh Hồi giáo sẽ là một trong những thực tế của đời sống thế giới sau khi Hoa Kỳ chấm dứt thí nghiệm đưa một người da đen lên làm tổng thống.

Nhưng biến chuyển lớn nhất của thế kỷ là quyết tâm trở thành siêu cường của Trung quốc và cuộc đụng độ khó tránh khỏi giữa Hoa Kỳ với Trung quốc. Biến chuyển này sẽ chi phối mọi sinh hoạt chính trị và kinh tế trên toàn thế giới.

Việt Nam nằm ngay trên chiến trường nhỏ là chiến trường Đông Nam Á và nếu không khôn khéo rút bài học cũ chúng ta lại sẽ biến thành một thứ tiền đồn.

Quan sát tình hình Á châu và Đông Nam Á ai cũng đồng ý rằng Việt Nam đang bị Trung quốc đe dọa, và Việt Nam đang rơi vào đôi cánh tay thủ đoạn của Trung quốc. 

Chính sách nào để Việt Nam tồn tại như một quốc gia độc lập? Trong thế kỷ trước mắt Việt Nam không có con đường nào khác hơn là liên kết với các quốc gia trong vùng, nhưng quan trọng hơn hết là liên kết với Trung quốc và Hoa Kỳ. Cả hai khối thế lực này đều cần Việt Nam để chuẩn bị cho cuộc so kiếm thư hùng của thế kỷ.

Nhưng muốn có chính sách trước hết cần hai điều kiện rút ra từ bài học của cuộc chiến vừa qua. Thứ nhất Việt Nam phải có khả năng tự lực trong khung cảnh mới của thế giới. Tự lực đây không phải là chỉ có đầy đủ lương thực để có thể ăn no mặc ấm mà phải có tiềm năng kỹ nghệ và sản xuất.

Thứ hai là phải đào tạo những con người Việt Nam. Vì thiếu bản lãnh chúng ta đã để cuộc tranh chấp ý thức hệ trên thế giới thành một cuộc nội chiến tương tàn. Cần đạo tạo lại một lớp người lãnh đạo có “tâm” và có “hồn” . Cần sửa đổi hệ thống giáo dục, trước hết từ cấp Sơ học cho đến cấp Trung Học hướng về những khái niệm yêu người, yêu đất nước, biết quý trọng những giá trị Việt Nam, những ý niệm sơ đẳng phổ cập về dân chủ, đạo đức và tự do tín ngưỡng, quan hệ giữa tôn giáo và dân tộc. Và nền giáo dục này cần được làm gương bởi lãnh đạo các cấp. Cấp đại học cần hướng về giáo dục thực tế, liên kết chặt chẽ sinh hoạt đại học với các cơ sở sản xuất lớn để khuyến khích sáng kiến khoa học kỹ thuật và khả năng phát minh. Chính sách của Việt Nam là sẵn sàng làm Thợ để sẽ làm Thầy, và sự chuyển nhượng khoa học kỹ thuật qua các cơ sở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam phải là một chính sách quốc gia.

Dùng thế liên kết Trung quốc và Hoa Kỳ để trước hết bảo vệ lãnh thổ và bảo tồn nền độc lập dân tộc, bảo vệ quặng mõ và túi dầu dưới đáy biển của chúng ta. Chúng ta sẽ học bài học “bầu ơi thương lấy bí cùng”của Đức quốc  sau khi thống nhất. Chúng ta sẽ học bài học xây dựng kinh tế của Nhật Bản trong điêu tàn sau Thế chiến 2.

Tài liệu “CIA và Các Ông Tướng”cho chúng ta một bức tranh ảm đảm của  một giai đoạn lịch sử Việt Nam, nhưng là một bức tranh rất thật trong bang giao quốc tế “bụng đói đầu gối phải bò”. Nó cho chúng ta những dữ kiện để nhìn lại con người Việt Nam. Chúng ta sẽ không hãnh diện tự mãn với “bốn ngàn năm văn hóa”. Chúng ta cần nghiêm chỉnh tự vấn: Bốn ngàn năm văn hóa ở đâu mà lại làm cho Việt Nam, với đất nước phong phú như vậy, con người thông minh như vậy lại rơi vào hoàn cảnh chỉ chực mất nước hiện nay?

Có những bài học cá nhân cần suy ngẫm:

Với tất cả khuyết điểm về lãnh đạo và nghệ thuật trị quốc, tổng thống Ngô Đình Điệm nhất định không chịu để người Mỹ đưa quân đến Việt Nam mà hậu quả là cái chết của ông và người em là một tấm gương dũng cảm. Và tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khóc mà ký bản Hiệp định Paris biết rằng đó là bản văn khai tử Nam Việt Nam là cái khóc của một người có trí bị dồn vào cửa chết.

Thế còn ông Hồ Chí Minh? Ông Hồ Chí Minh là một người Việt Nam nổi tiếng trên thế giới hơn bất cứ một người Việt Nam nào trong hậu bán thế kỷ 20. Và không ai chối cãi ông là một nhà chính trị xuất chúng, một nhà tổ chức tài ba. Nhưng gia tài ông để lại là một “nước Việt buồn”. Và mới đây tài liệu “Sự thật về Hồ Chí Minh” bằng DVD do linh mục Nguyễn Hữu Lễ và ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam thực hiện dù không tránh được những khuyết điểm về kỹ thuật và nội dung, nhưng qua sự tham dự đông đảo của đồng bào Việt Nam trên toàn thế giới không trừ một góc trời nào trong những lần ra mắt trình chiếu cho thấy “dân Việt đã bỏ phiếu bằng chân” về chỗ đứng của ông Hồ Chí Minh trong lịch sử Việt Nam. Cụ Hoàng Văn Chí, một người từng làm việc với ông Hồ chí Minh đã phán đoán về ông Hồ một cách ấn tượng trong cuốn sách “Từ Thực Dân đến Cộng Sản” rằng ông Hồ Chí Minh sáng như mặt trời, nhưng nếu mặt trời mang ấm áp đến cho nhân loại thì ông Hồ đem cái sáng đốt cháy nhân dân. Thật là bất hạnh cho dân tộc Việt Nam!

Một vài gương cá nhân trong cuốn “CIA và các ông Tướng” cần được ghi lại:

Út, một người tài xế làm việc cho CIA phút chót đã an toàn trong tòa đại sứ Hoa Kỳ chờ di tản đã liều chết vượt bức tường người đang vây kín tòa đại sứ để tìm những người bạn ông biết cần cứu.

Và tấm gương phục vụ đất nước của đại sứ Graham Martin là một tấm gương sáng cho những nhà lãnh đạo trên thế giới. Để giữ cho Hoa Kỳ khỏi mang tiếng bỏ chạy ông quyết định ở lại chu toàn công việc và quyết định ra đi với những người lính TQLC cuối cùng trên chuyến trực thăng cuối cùng. Ông phải ra đi sớm hơn một chút trước đe dọa bị lính TQLC dùng sức mạnh áp tải lên máy bay do lệnh của tổng thống Hoa Kỳ, Gerald Ford.

Đó là những bài học “Ôn Cố Tri Tân” của cuốn “CIA và Các Ông Tướng”.

 

Trần Bình Nam

Oct. 1,  2009

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

 

Ghi chú:

(*) Trong bài này các cụm từ :

Nam Việt Nam được hiểu là miền Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở xuống

Bắc Việt Nam được hiểu là miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở lên

Việt Nam được hiểu là nước Việt Nam từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu

Chúng ta được hiểu là mọi người Việt Nam trong và ngoài nước

 

Trần Bình Nam

http://www.tranbinhnam.com