Đe đọa trước mắt: Dịch Cúm

 

Trần Bình Nam

Hình như thế giới chỉ nói đến cúm gà (còn gọi là cúm gia cầm) từ năm 1997 khi nó xuất hiện tại Trung quốc. Từ Trung quốc cúm gà truyền sang các nước Á châu như Thái Lan, Việt Nam, Hồng Kông và đã giết 109 người khi lây sang người. Nhưng trong thế kỷ trước cúm gà đã gây ra nhiều tàn phá và chết chóc. Trận dịch cúm gà đầu tiên gọi là cúm Tây Ban Nha trong hai năm 1918-1919 trong 18 tháng đã giết 50 triệu người trên thế giới, trong đó có 675.000 người Mỹ trên một dân số 105 triệu người. Trận dịch cúm tiếp theo trong hai năm 1957-58 giết 70.000 người tại Mỹ và trận dịch năm 1968-69 giết 34.000 người. Các dữ kiện này làm cho các chuyên viên y tế thế giới tin rằng dịch cúm là một hiện tượng định kỳ.

Năm 1976 khi một quân nhân tại trại Fort Dix chết vì cúm heo, bộ Y tế Hoa Kỳ báo động và tổng thống Ford sau khi tham khảo với hai bác sĩ chuyên viên về bệnh polio là Jonas Salk và Albert Sabin ngày 24/3/1976 đã chính thức loan báo với dân chúng Hoa Kỳ qua hệ thống truyền hình toàn quốc rằng, vào mùa thu hay mùa đông năm 1976 sẽ có dịch cúm tại Hoa Kỳ và tổng thống xin quốc hội chuẩn chi 135 triệu mỹ kim để chủng ngừa cho dân chúng.

Rất may dịch cúm không tới như tổng thống Ford cảnh báo. Nhưng điều không may là từ đó chính phủ Hoa Kỳ trở nên thiếu cảnh giác đối với thiên tai này. Và đó là lý do tại sao hiện nay (sau trận dịch cúm 1997) các khoa học gia tiên đoán một trận dịch đang chờ đợi ụp xuống nhân loại với sức tàn phá còn vượt quá trận dịch hai năm 1918-19 nhưng không quốc gia nào trên thế giới có một kế hoạch nghiêm chỉnh để chống dịch.  

Đối với các khoa học gia mối lo về dịch càng lớn khi sự hiểu biết về vi khuẩn gây bệnh càng cao. Và người ta sợ rằng một khi bệnh lây lan từ gia cầm sang người vi khuẩn cúm có khả năng biến thái để trở thành những vi khuẩn cúm người truyền bệnh từ người này sang người khác mà các thứ thuốc chủng ngừa sẽ không làm ra kịp để chận đứng.

Cúm gia cầm đến từ đâu? Nghiên cứu nguồn gốc cúm gia cầm các khoa học gia tìm ra rằng vi khuẩn cúm nguyên thủy ẩn một cách vô hại trong máu các loại chim đổi chỗ ở theo mùa. Khi chúng bay đổi mùa các loại chim này có nhu cầu kiếm thức ăn và chung đụng với các gia cầm các vi khuẩn này truyền sang gia cầm và trở thành vi khuẩn nguy hiểm. Cách truyền bệnh này giải thích tại sao cúm gia cầm thường xuất hiện tại Trung quốc và các nước Á châu. Tại đó gia cầm được nuôi trong những điều kiện thiếu vệ sinh, gần với thiên nhiên và gần với nơi ăn chốn ở của người.

Hiện nay Trung quốc có 1.3 tỉ dân, nuôi gần 13 tỉ con gà trong những trang trại thiếu tiêu chuẩn vệ sinh nên vi khuẩn cúm lây lan dễ dàng chẳng những từ gia cầm sang gia cầm mà còn từ gia cầm qua người. Người ta ghi nhận vào cuối thế kỷ 20 mỗi năm ít nhất có thêm hai loại vi khuẩn cúm có khả năng truyền bệnh từ người này qua người khác. Sự lây lan trở nên nguy hiểm vì vi khuẩn khi lây lan biến thái từ loại vi khuẩn này sang vi khuẩn khác có tính kháng sinh mạnh. Các nhà khoa học nhận diện vi khuẩn cúm bằng cách ghi hai loại protein chính là H và N cấu tạo nên vi khuẩn. Protein khác nhau (như H1, H2, … N1, N2, …) cấu thành vi khuẩn khác nhau, thí dụ vi khuẩn  H5N1, H3N2, H1N1 v.v…

Trong mùa dịch cúm gia cầm tại Hồng Kông năm 1997 các khoa học gia Trung quốc tìm thấy vi khuẩn chính là vi khuẩn H5N1. Vi khuẩn này rất nguy hiểm đối với gia cầm. Từ năm 1997 đến đầu năm 2005 nó đã làm cho kỹ nghệ gia cầm của các nước Á châu tổn thất ít nhất 15 tỉ mỹ kim. Nhưng nó còn là một mối đe dọa đối với người. Gần 100 năm qua các nhà khoa học đã nuôi vi khuẩn cúm để nghiên cứu, và chưa hề thấy loại vi khuẩn H5N1 hiện diện nơi người. Điều này nói rằng không một người nào đang sống có tính miễn nhiễm đối với vi khuẩn H5N1. Cho nên nếu dịch gia cầm hiện nay với vi khuẩn H5N1 truyền sang người và sau đó có khả năng truyền từ người này sang người khác thì sẽ là một đại họa.

Các nhà khoa học tiên báo rằng nếu cúm gà H5N1 lây sang người và từ người sang người thì ít nhất 80 triệu người Mỹ bị nhiễm bệnh và sẽ có ít nhất 16 triệu người chết. Tổn thất tài chánh ước lượng 166 tỉ mỹ kim. Và trong trường hợp lạc quan nhất - nghĩa là thuốc chủng ngừa được sản xuất kịp để đương đầu với sự biến thái của vi khuẩn H5N1- thì ít nhất cũng có trên 200.000 người Mỹ chết vì cúm gia cầm.

            Nếu đối với Hoa Kỳ là quốc gia tiên tiến nhất về y khoa mà dịch cúm có thể hoành hành như vậy thì người ta có thể tưởng tượng nạn dịch cúm gia cầm nếu bộc phát sẽ tàn phá thế giới như thế nào. Đa số các quốc gia đang phát triển và chưa phát triển thường không có phương tiện và cơ chế để chống sự bộc phát của bệnh cúm gia cầm. Nhiều quốc gia sẽ bế môn tỏa cảng và tạo nên những xáo trộn kinh tế không lường trước được. Đó là chưa nói đến tình hình an ninh trên thế giới với cuộc chiến chống khủng bố sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.

            Vấn đề đặt ra là các nước G-8 hay nói chung là các nước sung túc trên thế giới sẽ phải làm gì trước nguy cơ này?

            Hiện nay chưa có triệu chứng gì cúm gia cầm một khi truyền sang người sẽ trở thành dịch cúm của người, nhưng viễn ảnh đó không xa, trong khi thế giới chưa có gì chứng tỏ sẵn sàng.

            Hằng năm vào tháng Hai, các nhà khoa học thuộc Cơ quan Y Tế Thế giới ngồi lại với nhau, trao đổi kết quả theo dõi sự lan truyền của bệnh cúm trên thế giới, và chấm định một số vi khuẩn họ cho rằng sẽ là vi khuẩn chính cho mùa cúm năm đó. Năm 2005 này WHO chấm định hai loại vi khuẩn H3N2 và H1N1. Cơ quan WHO gởi mẫu vi khuẩn đó đến các cơ sở bào chế  thuốc chủng ngừa trên thế giới để các cơ sở này chế tạo thuốc chủng ngừa. Thuốc chủng ngừa sẽ có sẵn vào tháng Chín hay chậm lắm là tháng Mười, lúc các nước Âu Mỹ bắt đầu có bệnh cúm. Cúm tại Á châu có thể xuất hiện truớc đó vài tháng (thường là vào mùa hè). WHO không thể chọn mẫu vi khuẩn trước tháng Hai vì chọn sớm sự chấm định vi khuẩn sẽ thiếu chính xác và thuốc chủng ngừa làm ra cũng vô dụng.

            Thế giới có khả năng sản xuất bao nhiêu thuốc chủng ngừa? Khả năng hiện nay chừng 300 triệu liều mỗi năm. Nhưng dù có khả năng sản xuất thêm cũng chỉ đủ cho  dân các nước giàu chứ không thể đủ cho 6 tỉ người hiện nay sống trong các nước đang phát triển. Người ta có thể xử dụng kho thuốc dự trữ chống cúm như thuốc Tamiflu nhưng cơ quan WHO tính ra rằng nếu dùng hết mọi khả năng cũng vẫn còn ít nhất 1 tỉ 800 triệu người trên thế giới bị nhiễm bệnh nếu có một nạn dịch.

            Nói riêng các nước tiên tiến cũng không phải không có vấn đề. Trong tình trạng bối rối có nước đủ thuốc, có nước thiếu thuốc nhưng không một nước nào có thể chờ đợi sự giúp đỡ của nước khác, dù là bạn bè thân thiết. Sự thiếu thuốc chủng ngừa cúm trong mùa thu năm 2004 của Hoa Kỳ cho ta thấy vấn đề. Hằng năm Hoa Kỳ thuê hãng Chiron của Anh chế thuốc ngừa cúm. Năm 2004, Chiron không sản xuất được vì phương pháp bị nhiễm trùng. Hoa Kỳ thiếu thuốc quay qua cầu cứu Canada và Đức thì hai nước này quay lưng lại mãi cho đến đầu năm 2005 khi hãng bào chế Sanofi Pasteur  của Pháp sản xuất đủ Hoa Kỳ mới có thuốc chủng cho dân, vào lúc bệnh cúm theo mùa đã dịu xuống.   

            Vấn đề của Hoa Kỳ là các sở bào chế thuốc của Hoa Kỳ không chế thuốc chủng ngừa vì không có lợi. Cách tính toán theo lợi nhuận này không thích hợp cho một nước đang có chiến tranh, khi mà sự bảo vệ sức khỏe của quân nhân là thiết yếu cho an ninh quốc gia. Dịch cúm rất dễ tấn công quân nhân vì đồn trú và di chuyển tập thể. Và chính phủ Hoa Kỳ chưa có một phương sách gì để giải quyết vấn nạn này. Trong trận dịch 1918-19, 43.000 binh sĩ Mỹ chết vì bệnh cúm trong các trại lính chật chội và trên các chuyến tàu xuyên Đại Tây Dương mang quân sang hành quân tại Âu châu vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến.

            Ảnh hưởng đối với kinh tế toàn cầu của một trận dịch cúm mới thật là điều đáng lo. Nó có thể làm tê liệt hệ thống phân phối và lưu thông trên thế giới, những yếu tố căn bản của sinh hoạt kinh tế toàn cầu. Đó là chưa nói đến cuộc chiến chống khủng bố. Đã đành dịch cúm không tha cả hai bên lâm chiến, nhưng cán cân tàn phá của một trận dịch cúm có thể nghiêng về phía Tây phương. Một mặt dịch cúm sẽ làm cho thế giới Tây phương mất bớt khả năng chống khủng bố, một mặt kẻ khủng bố với chủ trương hủy diệt có thể cố tình tiếp tay cho sự lây lan của bệnh.

            Để có một ý niệm về ảnh hưởng kinh tế và an ninh toàn cầu của một trận dịch cúm chúng ta hãy nhớ lại những gì xẩy ra năm 2003 khi bệnh SARS xuất hiện. SARS do một loại vi khuẩn truyền từ loài vật có bệnh sang người và sau đó từ người này qua người khác xuất phát từ tỉnh Quảng Đông, Trung quốc, một nơi mà điều kiện giết súc vật và chợ búa chưa đạt tiêu chuẩn vệ sinh thông thường. Sau khi xuất hiện chỉ trong vòng 24 giờ SARS đã có mặt tại 5 nước khác và trong 6 tháng đã mang bệnh đến cho 30 quốc gia trên thế giới. Với trình độ y khoa sẵn có thế giới đã chận được tác hại của SARS không cho phép nó giết hại nhiều người, nhưng ảnh hưởng kinh tế hết sức lớn lao. Thống kê cho thấy trong 6 tháng hoành hành SARS đã làm thiệt hại cho các nước trong vùng Á châu Thái Bình Dương 40 tỉ mỹ kim. Tại Canada 438 người nhuốm bệnh và 43 người chết làm thiệt hại 419 mỹ kim cho ngành du lịch Canada. Bang Ontario tiêu tốn 763 triệu tiền bệnh viện, thuốc men và cung cấp phương tiện phòng bệnh cho nhân viên y tế. Ngành hàng không dân sự bị ngưng trệ. Các chuyến bay trong vùng Á châu Thái Bình Dương giảm 45%, và các chuyến bay từ Hông Kông đi Hoa Kỳ giảm 69%.

            Từ bức tranh đó chúng ta có thể tưởng tượng một trận dịch cúm hoành hoành trên thế giới với tầm vóc của trận dịch 1918-1919 kéo dài trong một hay hai năm sẽ như thế nào?

            Hai câu hỏi được đặt ra. Có khả năng xẩy ra một trận dịch như thế hay không? Và thế giới phải chuẩn bị những gì cho trận chiến chống dịch? Đối với các nhà khoa học, khả năng của một trận dịch rất cao. Nó có thể đến trong mùa hè năm nay, năm tới, hay năm tới nữa. Về câu hỏi thứ hai, thì thế giới còn rất nhiều việc phải làm để chống dịch. Hiện nay cơ quan WHO có kế hoạch tổng quát, bộ Y tế và Xã hội Hoa Kỳ (Department of Health & Human Services – HHS) có kế hoạch nghiên cứu và bào chế thuốc chủng ngừa. Nhưng WHO và Hoa Kỳ cũng như các quốc gia khác trên thế giới chưa có quốc gia nào đi vào kế hoạch chi tiết nhất là chuẩn bị tâm lý quần chúng. Dư luận chung trên thế giới còn xem dịch cúm là một chuyện xa vời. Và đó mới là nguy cơ chính. Không chuẩn bị tinh thần, do đó thiếu chuẩn bị vật chất, một khi tai họa đánh xuống “thấy quan tài mới đổ lệ” lúc đó thì đã quá muộn.

            Trong phiên họp G-8 đầu tháng 7 năm nay tại Scotland, thủ tướng Anh Tony Blair đã có sáng kiến nhắc nhở thế giới, nhất là lưu ý tổng thống Bush về tai họa của việc bầu khí quyễn nóng, và khối G-8 đã đồng ý sẽ làm việc với nhau giải quyết vấn đề, và sự cam kết này đi xa hơn là thỏa ước quốc tế Kyoto. Đó là một sáng kiến tốt. Nhưng nếu thủ tướng Blair đã phóng viễn kiến của mình về dịch cúm để thuyết phục các nước G-8 cùng làm một cái gì đối với tai họa trước mắt này (nhưng ít lộ diện hơn là bão tố, hạn hán) thì thế giới chúng ta sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Trong hai tai họa đe dọa nhân loại, dịch cúm và khí quyễn nóng, dịch cúm là một đe dọa tiềm ẩn nhưng nguy hiểm hơn nhiều./.

 

Trần Bình Nam

July 27, 2005

BinhNam@sbcblobal.net

http://www.vnet.org/tbn

 

Tài liệu tham khảo:

* The Next Pandemic? by Laurie Garrett, Foreign Affairs July/August 2005

* Preparing for the Next Pandemic by Michael T. Osterhohm, Foreign Affairs July/August 2005.  

 


Trần Bình Nam

http://www.vnet.org/tbn