Bản án bốn nhà dân chủ ngày 20/1/2010

tại Sài Gòn

 

Trần bình Nam

 

Bốn nhà dân chủ là các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long. Cả bốn người đều bị kết vào tội hoạt động nhằm “lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự.

Thật ra họ chỉ là luật sư, chuyên viên hay thương gia có nhiều quan hệ với các đại công ty Hoa Kỳ buôn bán làm ăn với Việt Nam. Các công ty này đều là thành viên của Phòng Thương Mãi Hoa Kỳ có chi nhánh ở Hà Nội và Sài gòn. Trước đây 11 năm Phòng Thương Mãi Hoa Kỳ vận động quốc hội Hoa Kỳ chấp thuận quy chế thương mãi song phương với Việt Nam và từ quan hệ đó dẫn Việt Nam vào Tổ chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) năm 2007. Phòng Thương Mãi Hoa Kỳ đã thuyết phục quốc hội Hoa Kỳ rằng mở rộng giao thương với Việt Nam là khai thông con đường  dân chủ nhân quyền và cởi mở chính trị tại Việt Nam.

Dựa vào nguyên tắc đó các ông Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long quan hệ làm ăn với Việt Nam, đồng thời kéo theo Nguyễn Tiến Trung hoạt động chính trị thúc đẩy Việt Nam vào con đường dân chủ đa đảng.

Hoạt động của các ông đã làm cho đảng cộng sản Việt Nam (dù đang làm ăn buôn bán với Hoa Kỳ) lo sợ và quyết định lôi các ông ra tòa. Các ông Định, Thức, Long và Trung lần lượt bị bắt từ tháng 6/2009.

Theo cáo trạng do công an Việt Nam thiết lập, ông Trần Huỳnh Duy Thức 43 tuổi nguyên tổng giám đốc Công ty cổ phần Internet Một Kết Nối (One Connection Internet) đã thành lập một nhóm nghiên cứu gọi là “Nhóm nghiên cứu Chấn”, và quan hệ với luật sư Lê Công Định, một đảng viên đảng Dân Chủ (vốn là ngoại vi của đảng cộng sản Việt Nam thành lập trong thập niên 1940 sau đó giải thể và được ông Hoàng Minh Chính phục hoạt) để cùng hành động. Hoạt động của Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Định nhắm vào nhóm cấp tiến trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam để loại  trừ nhóm cơ hội.

Ông Trần Hùynh Duy Thức đã cho đăng nhiều bài viết có nội dung chống báng sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam trên 3 blog do ông lập ra.

Luật sư Lê Công Định 41 tuổi, học luật tại Hoa Kỳ, vốn là Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, gia nhập tổ chức của ông Trần Huỳnh Duy Thức giữa năm 2008 và được phân công vào ban thường vụ. Luật sư Lê Công Định đã phối hợp với đảng Nhân Dân Hành Động của ông Nguyễn Sĩ Bình viết một bản Hiến pháp dùng để thay thế bản Hiến pháp hiện nay sau khi đảng cộng sản bị lật đổ. Đầu năm 2009, luật sư Lê Công Định đi Thái Lan tham dự một khóa huấn luyện phương pháp đấu tranh “bất bạo động” do đảng Việt Tân tổ chức tại thành phố nghỉ mát Pattaya.

Ông Nguyễn Tiến Trung 26 tuổi. Giữa năm 2006, khi đang học tại Pháp ông Trung thành lập “Tập hợp thanh niên dân chủ”. Mục đích của tập hợp này nhằm hoạt động chống sự cai trị độc đảng của đảng cộng sản Việt Nam. Cuối năm 2006 ông Nguyễn Tiến Trung gia nhập đảng Dân Chủ Việt Nam.

Ông Lê Thăng Long 42 tuổi, thương gia ở Hà Nội (trong khi 3 ông Trần Hùynh Duy Thức, Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung đều ở Sài gòn) tham gia “Nhóm nghiên cứu Chấn” của ông Trần Huỳnh Duy Thức. Theo kế hoạch ông Lê Thăng Long sẽ ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 12, len lõi vào bộ máy cầm quyền của đảng để vận dụng đảng cộng sản theo trào lưu dân chủ.

Hai ông Thức và Long là chuyên viên tin học và trong 10 năm trở lại đây đã đóng góp nhiều trong việc phát triển kỹ thuật tin học tại Việt Nam và cùng với luật sư Lê Công Định đều là thành viên của Phòng Thương Mãi Hoa Kỳ (American Chamber of Commerce) tại Sài Gòn. Hai ông Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long có nhiều quan hệ với giới làm ăn trong lĩnh vực kỹ thuật cao cấp tại Silicon Valley, California.

Tòa Sơ Thẩm Sài gòn ngày 20/1/2010 đã xét xử một cách nhanh chóng, hình thức lấy lệ. Hai ông Trần Hùynh Duy Thức và Lê Thăng Long phản cung không nhận tội. Riêng hai ông Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung nhận tội trước tòa như đã nhận trước đây tại cơ quan điều tra. Vào cuối ngày tòa tuyên án:

Trần Hùynh Duy Thức: 16 năm tù ở, 5 năm quản chế.

Nguyễn Tiến Trung: 7 năm tù ở, 3 năm quản chế.

Lê Công Định: 5 năm tù ở, 3 năm quản chế.

Lê Thăng Long:  5 năm tù ở, 3 năm quản chế. Phúc thẩm ngày 11/5/2010 giảm xuống 3 năm 6 tháng tù ở, giữ nguyên 3 năm quản chế, do ông Lê Thăng Long xin khoan hồng trước tòa.

Nhà nước đảng cộng sản Việt Nam thỉnh thoảng mở những phiên tòa xử những người bất đồng chính kiến dựa vào những điều luật do chính họ đặt ra để dằn mặt nhân dân trong nước và duy trì quyền hành của đảng. Tội danh do dảng tạo ra và tuyên án nặng nhẹ tùy theo nhu cầu. Và cái loa tuyên truyền của đảng không ngớt giải thích một cách bịp bợm là “trấn áp các lực lượng phản động chống lại nhân dân.”.

Vì vậy không ai ngạc nhiên (dù tức giận) trước những phiên tòa xử những nhà đấu tranh dân chủ tại Việt Nam trước đây như linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân và các nhà đấu tranh dân chủ khác .

Tuy nhiên lần này khi đảng cộng sản Việt Nam đưa 4 nhà dân chủ Trần Hùynh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định và Lê Thăng Long ra tòa với tội trạng “âm mưu lật đổ chính quyền” có thể đưa đến án tử hình và sau đó là các bản án thô bạo bất chấp dư luận quốc tế làm cho thế giới sửng sốt.

Sau phiên tòa, nhiều quốc gia bày tỏ sự quan ngại trong đó có đại sứ Đan Mạch, đại sứ Hoa Kỳ, đại diện Liên hiệp châu Âu tại Hà Nội và một số tổ chức bất vụ lợi quốc tế khác như Human Rights WatchAmnesty International. Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông David Kent nói bản án làm tổn hại cho uy tín của Việt Nam. Trong khi đó bà Hillary Clinton, bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ đã nhân vụ án đề cập đến sự quan trọng của tin học – trong đó có internet - xem đó là phương tiện khoa học cần thiết để phát triển kinh tế và thúc đẩy sinh hoạt dân chủ và nhân quyền.

Một giới duy nhất không có phản ứng trước các vụ bắt bớ xét xử này là Phòng Thương Mãi Hoa Kỳ. Họ ngại lên tiếng sẽ làm ảnh hưởng đến sự làm ăn béo bở với tập đoàn làm ăn Việt Nam có gốc Đảng sau lưng.

Thông thường, đảng cộng sản Việt Nam đo lường mức độ trấn áp vừa đủ để đe dọa nhân dân và làm im tiếng thành phần trẻ và trí thức trong nước, đồng thời không làm tổn hại đến uy tín của đảng trước dư luận thế giới.

Lần này hình như trước các hoạt động có tổ chức của lớp người trẻ, có học và có nhiều quan hệ với các nhà kinh doanh nước ngoài đã làm cho đảng cộng sản hoảng hốt và đã thi hành những biện pháp mạnh tay bất chấp dư luận thế giới.

Nếu những thông tin của ông Nguyễn Ngọc Giao (một nhà trí thức ở Pháp, từng có thái độ thông cảm với chính quyền Hà Nội, được xem là  một Hanoi apologist nặng ký) qua bài viết của ông nhan đề Vụ án "lật đổ" hay bản án chế độ?” ngày 23/1/2010 đăng trên web Diễn Đàn (www.diendan.org) bình luận về vụ án 4 nhà dân chủ ngày 20/1 là chính xác thì đảng cộng sản Việt Nam đã thật sự  bàng hoàng và lo sợ trước quyết tâm của các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định và Lê Thăng Long dựa vào nguyên tắc kinh tế thị trường để đấu tranh cho dân chủ nhân quyền và một chế độ đa đảng.

Sự bàng hoàng của đảng cộng sản Việt Nam biểu hiện qua cung cách Bộ chính trị lấy quyết định bắt giữ 4 nhà dân chủ. Theo ông Nguyễn Ngọc Giao, trong số 15 ủy viên Bộ chính trị chỉ có 4 người đồng ý bắt giữ để chận đứng các hoạt động của nhóm trí thức trẻ này. Một ủy viên bỏ phiếu chống, còn lại 10 ủy viên bỏ phiếu trắng.

Động thái khác thường của đảng cộng sản Việt Nam lần này đối với 4 nhà đấu tranh dân chủ, cộng với sự bức xúc xã hội qua các vụ đàn áp tăng chúng Bát Nhã và vụ đập phá thánh giá tại Đồng Chiêm có thể sẽ kéo theo phản ứng của thành phần trẻ và giới trí thức trong nước làm thức dậy tinh thần quật khởi tiềm tàng trong dòng máu của dân tộc mà cho đến giờ này đảng cộng sản còn kềm kẹp trong xiềng xích.

Khi người trí thức không sợ bạo quyền, chấp nhận tù đày, nếu cần là xương máu (như 243 nhà trí thức Tiệp Khắc ký vào Hiến chương 77 công bố năm 1977 và đã bị đảng cộng sản Tiệp Khắc thẳng tay trù dập)  thì giới trẻ và nhân dân sẽ không còn gì e ngại.

Ngọn cờ chính nghĩa khi đã giương lên nhân dân sẽ theo gót xuống đường. Và các lực lượng đảng cộng sản dùng để đàn áp nhân dân như quân đội và công an sẽ đứng về phía nhân dân (như quân đội và công an Romania đã làm năm 1989 hạ bệ lãnh tụ Nicolae Ceausescu).

Tức nước vỡ bờ. Người trí thức Việt Nam còn chờ gi`?

 

Trần Bình Nam

Jan. 27, 2010 – edited May 12, 2010

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

 

Tài liệu tham khảo:

The Rushford Report 2009

by Greg Rushford Jan. 25, 2010

http://www.rushfordreport.com/2010/100125Commies.htm