Iran và tổng thống Bush

Trần Bình Nam

Bush đang đứng trước một vấn đề nan giải. Bất chấp khuyến cáo của nhóm Nghiên cứu Iraq (Iraq Study Group – ISG) là chuẩn bị “Iraq hóa chiến tranh” để rút chân dần ra khỏi vũng lầy Trung đông (1) và cũng có vẻ bất chấp ý kiến của dân qua cuộc bầu cử quốc hội ngày 7/11/2006 đưa đảng Dân chủ trở lại nắm hai viện quốc hội, ngày 23/1/2007 trong bài diễn văn về tình trạng liên bang đọc trước lưỡng viện quốc hội tổng thống Bush tuyên bố sẽ đưa thêm 21.500 quân sang Iraq.

Và trong khi quốc hội đang thảo luận một quyết nghị tỏ ý bất đồng ý kiến với tổng thống thì tổng thống hình như không quan tâm gì đến cuộc thảo luận này. Ông theo đuổi một nghị trình của riêng ông. Ngày Thứ Tư 14/2/2007 tổng thống họp báo tố cáo Iran đã đưa những thứ vũ khí giết người vào Iraq và làm tăng số tổn thất của quân đội Hoa Kỳ. Là tổng tư lệnh quân đội điều này không có nghĩa gì hơn là ông sẽ phải đánh trả. Các diễn biến này cho thấy cuộc chiến Iraq đang biến chuyển sang một chiều hướng mới và cuộc chiến tranh có thể lan rộng.

Nhưng tổng thống và ông bộ trưởng quốc phòng Robert Gates đều tuyên bố Hoa Kỳ không có kế hoạch tấn công Iran. Mục đích của tổng thống có thể chỉ để khuyến khích các dân biểu Cộng hòa tại quốc hội hăng hái hơn trong việc ngăn cản Hạ nghị viện thông qua quyết nghị chống tổng thống. Và ông đã thành công. Trong khi Hạ nghị viện thông qua quyết nghị chống việc gởi thêm 21.500 quân, Thượng nghị viện bị bế tắc không thông qua được vì thủ tục filibuster (2).

Nhưng đó là chuyện chiến thuật đánh qua đánh lại giữa tòa Bạch ốc và Quốc hội. Câu hỏi chính là: tổng thống Bush có đánh Iran trước khi hết nhiệm kỳ không? Không ai có câu trả lời dứt khoát lúc này nhưng có thể có điều bất ngờ là không phải Iraq, mà Iran mới là vấn đề quyết định trong cuộc tranh cử tổng thống 2008.

Nói đến cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2008, cho đến lúc này không có vườn nhà nào (Dân chủ hay Cộng hòa) có một cái hoa thật thơm, thật đẹp để chọn. Danh sách tuyên bố sẽ ra tranh sự đề cử của đảng nào cũng chật cứng, thượng vàng hạ cám. Bên Dân chủ có bà Hillary Clinton sáng giá nhất, bên Cộng hòa có Thượng nghị sĩ John McCain, nhưng hình như cả hai nhân vật này cũng chưa nắm được thượng phong trong đảng của mình. Và càng nhiều ứng cử viên trong một đảng, càng lắm lời qua lại và cuối cùng ứng cử viên được chọn sẽ không đủ mạnh để giải quyết những công việc trước mắt càng lúc càng phức tạp: giải quyết cuộc chiến Iraq; đương đầu với Trung quốc, Nga, Iran, Bắc hàn; và tái lập uy tín của Hoa Kỳ trên thế giới.

Hình như việc trước mắt là dù quốc hội quyết định thế nào (ngay cả cắt ngân khoảng gởi thêm quân) bộ quốc phòng Hoa Kỳ vẫn còn tiền dự trữ để gởi thêm 21.500 quân sang Iraq. Và  nếu Hoa Kỳ định “Iraq hóa chiến tranh” để rút quân như ẩn ý đề nghị của nhóm nghiên cứu ISG, Hoa Kỳ cũng có nhu cầu thêm quân ở Iraq để bảo đảm an ninh cho quân đội rút lui.

Vì vậy dù tình hình diễn biến thế nào, trên thực tế vào cuối năm 2008 tình hình nội chiến Iraq chắc đã rõ. Nghĩa là vào lúc đó Hoa Kỳ đã biết rõ phe thắng ở đâu, phe bại ở đâu, Hoa Kỳ sẽ phải làm gì, tái phối trí quân làm sao để bảo đảm kho dầu Trung đông không lọt vào tay của nhóm chống Hoa Kỳ, và quan trọng nhất là Iran đang đóng vai trò gì trong toàn bộ tình hình Trung đông.

Iran có ba kế hoạch: giúp nhóm Shiite chống Hoa Kỳ, chế tạo bom nguyên tử và giúp các nhóm Shiite (đặc biệt nhóm Hezbollah ở Liban) nắm chính quyền. Điều ông tổng thống Ahmadinejad của Iran từng tuyên bố là xóa Do Thái trên bản đồ Trung đông chỉ là để tuyên truyền.

Chưa ai quên ngày 29/1/2002 trong bài diễn văn đầu tiên về tình trạng liên bang tổng thống Bush đã đích danh chỉ ba nước Bắc hàn, Iran và Iraq là một trục ma quỷ (axis of evil) chỉ chực đánh phá Hoa Kỳ. Hiện nay vấn đề Bắc hàn tạm ổn vì ngày 13/2 vừa qua tại Bắc kinh khối sáu nước (Trung quốc, Nga, Mỹ, Nam, Bắc hàn và Nhật bản) vừa đạt được một thỏa thuận, qua đó Bắc hàn sẽ ngưng chương trình nguyên tử để đổi lấy một triệu tấn dầu thô và sau đó trong vòng 60 ngày Bắc hàn sẽ bắt đầu chương trình hủy bỏ kho vũ khí nguyên tử trước sự kiểm soát của quốc tế. Nhưng không ai tin lời hứa của Bắc Hàn. Vấn đề này sẽ trở lại làm nhức nhối của Hoa Kỳ trong một thời gian ngắn. Nhưng dù sao không phải chỉ một mình Hoa Kỳ lo chuyện bom nguyên tử của Bắc hàn. Ngoài Hoa Kỳ còn Trung quốc, Nhật bản và Nam hàn. Chỉ còn lại vấn đề Trung đông với tình hình càng lúc càng trở nên phức tạp là quan tâm số một của Hoa Kỳ.

Năm tới (2008) khi cuộc bầu cử tổng thống của Hoa Kỳ bước vào cao điểm có thể Iraq không còn là một vấn đề lớn. Vấn đề lớn là Iran, và chính sách của Hoa Kỳ đối với nước này sẽ là mối quan tâm của thế giới. Hiện nay vấn đề Iran cung cấp vũ khí tối tân và làm tăng số tổn thất của binh sĩ Hoa Kỳ tại Iraq và Afghasnistan là một vấn đề nóng bỏng đòi hỏi giải pháp tức thời. Nhưng chính phủ Bush đang gặp hai trở ngại. Thứ nhất là không có bằng chứng chính phủ Iran cho phép chuyển những vũ khí đó qua IraqAfghanistan (mà chỉ bị đưa lén qua bởi những nhóm chống Hoa Kỳ). Thứ hai là trước đây đã có vụ Hoa Kỳ quyết đoán Saddam Hussein có vũ khí giết người tập thể để có cớ đánh Iraq nên lần này dư luận thế giới và dân chúng Hoa Kỳ cũng nhìn những bằng cớ đưa ra với đôi mắt nghi ngờ. Nhưng vì là một vấn đề cấp bách liên quan đến sự sống chết của binh sĩ ngoài chiến trường nên Hoa Kỳ đã bắt đầu có một vài hành động cụ thể. Tổng thống Bush ra lệnh cho phép quân đội Hoa Kỳ bắt giữ một số giới chức Iran làm việc tại Iraq bị nghi ngờ ngầm giúp Iraq và đóng cửa nhiều đường qua lại giữa biên giới Iran với Iraq và giữa Iraq với Syria.

Tính sổ, sau gần bốn năm từ khi cuộc chiến Iraq bắt đầu, uy tín Hoa Kỳ trên thế giới giảm trong khi Iran được thế giới chú ý hơn. Vấn đề không còn tập trung chung quanh chuyện Iran chế tạo bom nguyên tử nữa mà là sự tranh giành ảnh hưởng giữa hai giáo phái Shiite và Sunni trong thế giới Hồi giáo. Sunni là thiểu số tại Iraq nhưng tại Iran người Shiite là đa số. Sau khi Saddam Hussein bị lật đổ, và dù Hoa Kỳ nỗ lực giúp các nhóm Shiite, Sunni và người Kurds hòa giải với nhau để thiết lập một chế độ dân chủ ở Iraq, cuộc chiến tranh ở đó đang biến thành một cuộc nội chiến giữa người Shiite và Sunni làm cho tình hình tôn giáo toàn vùng Trung đông bỗng nhiên trở nên căng thẳng. Iran là nước có khả năng tài chánh và đang đứng sau lưng các lực lượng nổi dậy người Shiite tại Iraq vừa chống người Sunni, vừa chống quân đội Hoa Kỳ. Iran cũng là nước tài trợ cho nhóm Hezbollah đang là một thế lực chính trị tại Liban và đã chứng tỏ khả năng trong cuộc đánh nhau với Do Thái trong mùa hè 2006 vừa qua. Iran cũng đang trợ giúp nhóm Hamas sau khi nhóm này thắng cuộc bầu cử tại Palestine, và vì chọn lập trường không chấp nhận sự hiện hữu của Do thái nên bị thế giới lên án và cắt ngân khoảng viện trợ.

Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran càng lúc càng căng thẳng. Sau khi cho phép quân đội Hoa Kỳ ở Iraq bắt giữa các nhân viên Iran bị nghi ngờ giúp đỡ các nhóm nổi dậy, ngày 28/1/2007 tổng thống Bush cho gởi thêm một lực lượng Hàng không Mẫu hạm Đặc nhiệm (Carrier Task Force) đến vịnh Ba tư để uy hiếp Iran (3), và tòa Bạch Ốc và các nhân vật quân sự của Hoa Kỳ ở Baghdad không ngừng công bố các chi tiết Iran đã trang bị những vũ khí tối tân cho các nhóm khủng bố tại Iraq như súng phóng bom có sức xuyên phá đặc biệt. Các tướng lãnh Hoa Kỳ nói rằng những vũ khí này đã làm thiệt mạng nhiều binh sĩ Hoa Kỳ, đặc biệt từ đầu năm 2007 đến nay có gần 10 chiếc trực thăng của Hoa Kỳ bị bắn hạ, trong đó có một số do hỏa tiễn SAM mang trên vai và có nhiều lý cớ để tin rằng do Iran cung cấp. Sự yểm trợ của Iran đã bắt đầu một cách kín đáo từ lâu. Tình báo Hoa Kỳ tiết lộ rằng từ tháng 6/2004 đến nay vũ khí của Iran đã giết 170 binh sĩ Mỹ và làm bị thương 629 người khác. Hoa Kỳ nói rằng các vũ khí này đã được Iran chuyển cho đội quân Mahdi, một đội quân toàn người Shiite dưới quyền của tu sĩ Muqtada al-Sadr, một tu sĩ trẻ tuổi đang ngấm ngầm tranh chấp quyền hành chính trị với thủ tướng Nouri al-Maliki, một người đang được Hoa Kỳ ủng hộ.

Câu hỏi chính là: tổng thống Bush sẽ làm gì trước các biến chuyển của tình hình Trung đông trước khi rời chức vụ vào cuối năm 2008? Việc quyết định đưa thêm 21.500 quân sang Iraq của tổng thống đang là một vấn đề bất hòa giữa tòa Bạch Ốc và quốc hội do đảng Dân chủ kiểm soát. Nhưng đó không phải là vấn đề chính. Có thể trong toan tính của các nhà quân sự đang cố vấn cho tổng thống Bush, việc đưa thêm quân sang Iraq chỉ có mục đích duy trì an ninh cho vùng Green Zone trước khi Hoa Kỳ có thể tiến hành một chương trình tái phối trí. Còn vấn đề chính là đối sách đối với toàn vùng Trung đông nhất là đối với Iran, nếu không muốn nói là chính sách của Hoa Kỳ đối với thế giới trong cuộc tranh chấp giữa thế giới Tây phương và thế giới Hồi giáo sẽ còn kéo dài trong nhiều thập niên tới.

Nếu dựa vào cung cách tổng thống Bush giải quyết vấn đề người ta có thể nghĩ rằng ông ta sẽ không để yên cho Iran trước khi rời chức vụ. Chúng ta cũng không nên vội kết luận đây là một hành động liều lĩnh mà là một tính toán để lại một dấu ấn trong lịch sử Hoa Kỳ của ông. Ngoài những trách nhiệm khác ông còn trách nhiệm đối với vị thế của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử cuối năm 2008.

Cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống tháng 11/2008 sẽ là một sự cố chính trị quan trọng. Nếu từ đây đến ngày bầu cử đảng Dân chủ chỉ nói mà không đưa ra được một kế hoạch cụ thể nào ngoài những đạo luật trói tay tổng thống và không làm cho Hoa Kỳ mạnh hơn thì đảng Dân chủ chưa chắc đã thắng đảng Cộng hòa như nhiều người có thể nghĩ như vậy vào thời điểm này.

Một thực tế trước mắt dân chúng Hoa Kỳ đang quan tâm là Hoa Kỳ đang có chiến tranh, một cuộc chiến tranh không được lòng dân và Hoa Kỳ rút ra sớm ngày nào tốt ngày đó. Nhưng đảng nào làm việc đó mà không có chính sách làm cho Hoa Kỳ mạnh hơn, gây lại uy tín đã mất trên thế giới thì đảng đó cũng sẽ thất bại.

Cuộc chiến tranh tại Iraq tuy còn nhì nhằng, nhưng sẽ không còn là một yếu tố ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 cho bằng chính sách của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đối với tình hình Trung đông nói riêng và sự ổn định thế giới nói chung. Chính sách của Hoa Kỳ đối với cuộc tranh chấp Do Thái- Palestine, đối với Trung quốc và Liên bang Nga, nhất là đối với Iran mới là những yếu tố quyết định.

Đảng nào qua các chính sách trên củng cố được uy tín của Hoa Kỳ đảng đó sẽ được dân chúng Hoa Kỳ ủng hộ. Cử tri Hoa Kỳ tuy trầm lặng nhưng họ có nhận xét rất bén nhạy trong việc chọn lựa người lãnh đạo quốc gia.

Trần Bình Nam

Feb. 20, 2007

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

 

Ghi chú:

 

(1) Một ủy ban mà người cầm đầu không ai khác hơn là ông James Baker III, cựu bộ trưởng ngoại giao, một đảng viên Cộng hòa trung kiên, nhiều kinh nghiệm và rất thân cận với đại gia đình họ Bush.

 

(2) Thượng nghị viện Hoa Kỳ có một thủ tục là nếu còn người phát biểu thì không thể chấm dứt cuộc thảo luận để biểu quyết. Muốn chấm dứt cuộc thảo luận phải có sự đồng ý của ít nhất là 60 Thượng nghị sĩ. Vì vậy nếu có một Thượng nghị sĩ không muốn biểu quyết một điều gì chỉ cần lên diễn đàn phát biểu thật dài (thí dụ mang một cuốn sách ra đọc) để không thể nào biểu quyết. Một thủ tục Thượng nghị viện Hoa Kỳ gọi là filibuster.

 

(3) Một Carrier Task Force gồm một hàng không mẫu hạm và nhiều chiến hạm yểm trợ và là một lực lượng chiến đấu có hỏa lực rất mạnh.

 

 

 

 

 

  


Trần Bình Nam

http://www.tranbinhnam.com