IRAQ VÀ VIỆT NAM

 

            Tiếng súng mở màn trận cuộc chiến vùng Vịnh nổ vào ngày 17/3/2003. Ngày 4/4/2003 trong lúc quân đội Hoa Kỳ đang ồ ạt trực chỉ Baghdad, giáo sư sử học Martin Stuart-Fox thuộc đại học Queensland tại Úc châu viết một bài báo nhan đề: “Iraq And The Spectre of Vietnam” (Iraq và bóng ma cuộc chiến Việt Nam) đăng trên tờ Australian Financial Review tại Úc nhắc nhở tổng thống Bush và bộ tham mưu của ông đừng quên kinh nghiệm chiến tranh Việt Nam trong cuộc chiến này.

            Trong phần kết luận giáo   Stuart-Fox viết:

“Trước một lực lượng áp đảo, chiến thuật duy nhất của kẻ yếu là đánh du kích. Hoa Kỳ không tiên liệu được rằng quân đội Iraq sẽ biến thành những đội du kích trước sức mạnh của liên quân, hay ít nhất lực lượng không chính qui Fedayeen sẽ khoác thường phục lẫn vào quần chúng. Du kích chiến không làm cho Iraq thắng trận nhưng sẽ ngăn không cho liên quân ổn định tình hình và tuyên bố chiến thắng.

            “Liên quân sẽ vào Baghdad, và cuộc chiến du kích bắt đầu. Sẽ   những trận đánh trên đường phố, những trận phục kích, những vụ tự sát... Liên quân sẽ đưa thêm quân, và tổn thất dân sự càng ngày càng được thấy trên màn ảnh truyền hình. Và biết đâu sau một thời gian  liên quân bắt đầu đếm xác chết của du kích quân Iraq để đo lường sự tiến bộ của công cuộc bình định như trong cuộc chiến Việt Nam. Cuộc chiến tiếp tục dù Saddam Hussein còn sống hay chết và chế độ của ông ta đã bị lật nhào.

Bài báo của giáo sư đã bị quên lãng vì chiến cuộc Iraq kết thúc quá  nhanh. Khi bài báo đến tay nhiều người đọc trên thế giới thì quân đội Hoa Kỳ đang tiến vào Baghdad (13/4/2003). Hai tuần sau, ngày 1 tháng 5 đứng trên sân bay của hàng không mẫu hạm Abraham Lincoln trên đường chiến thắng trở về tổng thống George W. Bush tuyên bố cuộc chiến đã chấm dứt. Không có gì để bàn bạc nữa.

Nhưng những gì diễn ra tại Iraq cho thấy nhận xét trên của giáo   Martin Stuart-Fox đang biến thành sự thật.

Trong vòng chưa đầy hai tháng sau khi bị đánh bại, các lực lượng quân sự và bán quân sự của Iraq đã tập hợp theo từng vùng và bắt đầu các cuộc đột kích, phục kích, tấn công tự sát, bắn sẻ ... vào quân nhân Mỹ. Các cuộc tấn công này càng lúc càng trở nên bạo dạn hơn và có mọi biểu hiện của một cuộc chiến tranh du kích.

Để đánh trả, quân đội Hoa Kỳ đã mở những cuộc hành quân lớn cấp trung đoàn đánh vào những khu quân Iraq còn kiểm soát trong đó có cả các trung tâm huấn luyện và đã giết chết hằng trăm lính Iraq quân sự và bán quân sự. Tiếp theo là chiến dịch Sidewinder lùng diệt các ổ kháng cự của Iraq và lập kế hoạch bắt hay giết cho kỳ được ông Saddam Hussein mà Hoa Kỳ cho là ở sau lưng các hoạt động đánh phá hiện nay. Giới chức tòa Bạch ốc nghĩ rằng với kỹ thuật quân sự  cao và tình báo tinh vi quân đội Hoa Kỳ sẽ đè bẹp cuộc kháng chiến của Iraq trong một thời gian ngắn. Chỉ thị của tổng thống Bush cho quân đội: “get them in” (đem chúng vào đây cho ta!) Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Các cuộc hành quân chống du kích không tránh được gây tổn thất dân sự và tạo bất mãn thêm trong dân chúng Iraq và trở thành thức ăn nuôi dưỡng du kích.

Các cuộc tấn công của du kích Iraq hình như nhắm hai mục đích. Thứ nhất là làm tiêu hao lực lượng quân sự Mỹ để làm mất tinh thần người lính. Thứ hai là ngăn không cho quân đội Mỹ rút về.

Tinh thần của quân nhân Mỹ  khó giữ vững lâu dài trong điều kiện hiện nay. Người lính có thể không sợ hãi khi ra trận nhưng họ không thể ở mãi trong một tâm trạng bất an lúc nào cũng có thể bị đánh lén, bị phục kích ngay cả trong thành phố hay ngay nơi doanh trại họ đang đóng. Mặt khác, tổng thống Bush từng tuyên bố quân đội Hoa Kỳ không ở lại Iraq quá hơn một ngày cần thiết, hứa hẹn nhanh chóng rút quân về. Theo kế hoạch nguyên thủy vào tháng 7/2003 Hoa Kỳ chỉ giữ khoảng 50.000 binh sĩ tại Iraq, nhưng hôm 10/7 tướng Tommy Franks, tư lệnh chiến trường Iraq báo cáo trước Ủy ban Quân vụ Hạ nghị viện rằng quân đội Hoa Kỳ có thể phải duy trì quân số hiện nay tại Iraq (nếu không muốn nói cần tăng thêm) để đáp ứng với tình hình bất an tại đó từ hai đến bốn năm nữa. Hiện nay Hoa kỳ có 147.000 quân tại Iraq. Một số đơn vị không quân và hải quân đã được rút về.

Sự duy trì một quân số lớn như vậy ở Iraq có hai cái bất lợi. Thứ nhất, chi phí quốc phòng tăng, làm cho sự thâm thủng ngân sách quốc gia vốn đã trầm trọng sẽ trở nên trầm trọng hơn và sẽ ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế quốc gia. Thứ hai là thiếu hụt quân số. Ông Donald Rumsfelt dự tính giải quyết vấn đề này bằng cách  chuyển các đơn vị trừ bị chuyên môn (như  an ninh, tình báo, chuyên chở, tiếp vận ...) sang quân số hiện dịch và thuê nhân viên dân sự  làm các công việc 300.000 quân nhân (theo ước lượng của ông Rumsfelt) đang làm. Nếu không, bộ Quốc phòng Hoa kỳ phải áp dụng lại qui chế động viên đã được hủy bỏ vào tháng 7/1973 sau khi tổng thống Nixon hoàn tất việc rút quân ra khỏi Việt Nam. Điều này không một tổng thống nào có can đảm làm trong thời kỳ tái tranh cử.

Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, nhất là tổng thống Bush và bộ trưởng quốc phòng Rumsfelt vẫn tỏ ra lạc quan để trấn an dư luận quần chúng, nhưng không khỏi tỏ ra lúng túng trước thực tế của tình hình. Những lời tuyên bố của hai ông càng ngày có tính chất chống đỡ. Đầu tháng 6, trước sự nghi ngờ của thế giới và của đảng Dân Chủ đối lập về việc thật sự  chính phủ Bush có nắm chắc Iraq có vũ khí giết người tập thể hay không, trước khi quyết định đánh Iraq bất chấp sự cản trở của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, bộ trưởng Rumsfelt nói rằng Hoa Kỳ tấn công Iraq không phải chỉ dựa vào vào việc Iraq có vũ khí giết người tập thể hay không mà còn đặt trên căn bản an ninh của Hoa Kỳ trong bối cảnh của cuộc khủng bố ngày 11/9/2001. Còn lúng túng hơn nữa khi tổng thống Bush nhìn nhận điều ông nói trong bài diễn văn về tình trạng liên bang ông đọc trước lưỡng viện quốc hội tháng Giêng năm 2003 rằng “theo chính phủ Anh, Saddam Hussein mới đây đã tìm cách mua một số đáng kể uranium ở Phi châu” là không đúng, và rằng chi tiết đó đã được cơ quan tình báo CIA thông qua. Trách nhiệm to lớn này do ông giám đốc   quan tình báo George Tenet, nhưng tổng thống lại khẳng định ông vẫn tin cậy ông Tenet.

Tình hình hiện nay tại Iraq không khác tình hình tại Việt Nam vào năm 1947 khi người Pháp tái chiếm Việt Nam. Những trận đánh du kích lẻ tẻ của các đơn vị Việt Minh đã đưa dần đến trận địa chiến. Lúc đó, bộ đội của ông Hồ Chí Minh bên trong được dân ủng hộ, bên ngoài được Trung quốc giúp đỡ. Lúc này du kích Iraq bên trong có thể được dân Iraq ủng hộ (hay ít nhất cũng không ghét bỏ), bên ngoài được các nước A-Rập như Iran, Syria... ủng hộ (dù không công khai). Khác biệt là lần này Hoa Kỳ có khả năng đánh IranSyria để cắt đứt  sự tiếp viện trong khi  năm 1947 Pháp không có khả năng đánh Trung quốc. Tuy nhiên, nếu Hoa Kỳ đánh IranSyria chưa chắc vấn đề đã được giải quyết. Bình định IranSyria cũng khó như bình định Iraq, và cuộc chiến tranh Trung đông sẽ biến thành một cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và thế giới Hồi giáo.

Tổng thống Bush từng nói Hoa Kỳ sẽ không rút ra khỏi Iraq chừng nào Iraq chưa có tự do. Đó là một mục tiêu đúng. Cho nên, ngoài các hoạt động quân sự  hiện nay, giới chức lãnh đạo chính trị tại tòa Bạch Ốc cần nghĩ đến một giải pháp lâu dài hơn thế nào để duy trì được ảnh hưởng tại Trung đông nhưng không bị sa lầy tại đó. Thiết lập một chính phủ của những người dân chủ Iraq, chuyển dần gánh nặng cho Liên hiệp quốc hay NATO rồi rút dần quân đội về nước có thể là một trong những giải pháp. Vấn đề chính là làm thế nào thực hiện mục tiêu đó cho nhanh với những tổn thất dân chúng Hoa Kỳ có thể chấp nhận được.

Sự ra mắt một  Hội đồng Hành pháp (Governing Council – majlis al hakumaaa) hôm Chủ nhật 13 tháng 7 gồm 25 thành viên (22 nam, 3 nữ) phân phối theo tỉ số dân tộc (ethnicity) và quyền lực chính trị và đảng phái (13 người thuộc thành phần đa số Hồi giáo hệ phái Shiite, 6 thuộc hệ phái Sunni, 6 Kurds, 1 Thiên chúa giáo và 1 Thổ) là bước khởi đầu tốt. Hội đồng Hành pháp lâm thời này có nhiệm vụ tạm thời cai trị Iraq, soạn thảo Hiến Pháp, tổ chức bầu cử để thiết lập một chính phủ dân sự.

Tuy nhiên Hoa Kỳ và Anh Quốc là lực lượng chiếm đóng Iraq với sự đồng ý của Liên Hiệp quốc nên Hoa Kỳ và Anh vẫn có thẩm quyền tối hậu quyết định công việc quản trị Iraq trước khi một chính quyền hợp pháp Iraq được thành hình. Với quyền hành đó bài học khác của Việt Nam cho Hoa Kỳ là: Cần chọn những người Iraq yêu nước, có khả năng lãnh đạo, được lòng dân mà giúp đỡ chứ không nên chọn những người dễ bảo.

 

Trần Bình Nam

July 13, 2003

BinhNam@earthlink.net

http://www.vnet.org/tbn

 


Trần Bình Nam

http://www.vnet.org/tbn