Luật Quốc Tịch Việt Nam

Trần Bình Nam

Ngày 20 tháng 5 năm 1998, Quốc hội Việt Nam tại Hà nội thông qua "Luật Quốc tịch Việt Nam". Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh ban hành.

Bộ luật gồm 6 Chương, 42 Điều. Chương I: Những Quy Định Chung; Chương II: Có Quốc Tịch Việt Nam; Chương III: Mất Quốc Tịch Việt Nam; Chương IV: Thay Đổi Quốc Tịch của Người Chưa Thành Niên và Của Con Nuôi; Chương V: Thẩm Quyền và Thủ Tục Giải Quyết các Vấn Đề Về Quốc Tịch; và Chương VI: Điều Khoản Thi Hành.

Sau năm 1975, và trước khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa cho nước ngoài đầu tư, áp dụng kinh tế thị trường vào năm 1987, chính quyền cộng sản Việt Nam không quan tâm đến vấn đề quốc tịch, cho rằng người Việt bỏ nước ra đi năm 1975 và những người vượt biên sau đó là thành phần xấu không đáng để tâm, đừng nói đến vấn đề quốc tịch.

Nhưng từ 1987 chính quyền Hà nội có nhu cầu ve vãn người Việt hải ngoại, khuyến khích họ về thăm nhà, tăng cường các dịch vụ liên hệ để thu ngoại tệ, vấn đề quốc tịch của người Việt ở hải ngoại được đặt ra.

Trong thời gian đầu Nhà nước cộng sản Việt Nam khăng khăng cho rằng những người sinh đẻ tại Việt Nam đều có quốc tịch Việt Nam, dù qua thời gian định cư ở nước ngoài đã lấy quốc tịch một nước khác. Chính quyền cộng sản chủ trương như vậy để, nếu cần, có thể bắt bớ, giam cầm hay truy tố người Việt có quốc tịch nước khác như một người Việt Nam. Nhưng từ đầu thập niên 1990 khi khối cộng sản Xô viết sụp đổ, đảng cộng sản Việt Nam lại có một nhu cầu khác trước áp lực cởi mở chính trị, và gần đây áp lực bầu cử tự do với sự giám sát quốc tế. Đảng lo ngại người Việt ở hải ngoại, nếu còn quốc tịch Việt Nam, có thể trở về tranh cử.

Trong thời gian thương thuyết tái lập bang giao với Hoa Kỳ, qua nhiều căng thẳng cuối cùng chính quyền Hà Nội công nhận tư cách quốc tịch Mỹ của người Việt có quốc tịch Hoa Kỳ về mặt thông báo và thăm viếng với viên chức Hoa Kỳ trường hợp bắt giữ các đối tượng trên vì nghi phạm tội khi đang ở Việt Nam, nhưng vẫn không từ bỏ lập trường xem những đối tượng trên còn có quốc tịch Việt Nam. Điều này cũng áp dụng cho những người gốc Việt Nam có quốc tịch khác.

Ba năm qua, từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ chính quyền Hà nội bắt đầu tham khảo ý kiến các luật sự trong và ngoài nước để xác định vấn đề quốc tịch của người Việt hải ngoại. Kết quả là "Luật Quốc tịch Việt Nam" ban hành ngày 20/5/1998 tại Hà nội.

Luật bao gồm nhiều lĩnh vực liên quan đến quốc tịch, nhưng do quá trình và nhu cầu, người ta chờ đợi "Luật Quốc tịch Việt Nam" xác định rõ vấn đề quốc tịch của người Việt ở hải ngoại đã có quốc tịch một nước khác. Thì đó là điều "Luật Quốc Tịch Việt Nam" vẫn không xác định rõ ràng.

Đọc "Luật Quốc tịch Việt Nam" chúng ta thấy nhiều định nghĩa không rõ, hành văn mơ hồ, hai ý.

Về định nghĩa không rõ ràng:

Điều 2 là Điều "Giải thích từ ngữ" định nghĩa nơi Điều 2(3) "Người Việt Nam ở nước ngoài" là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang "thường trú" hay "tạm trú" tại nước ngoài. Sau đó tại Điều 2(4) định nghĩa "Người Việt Nam định cư tại nước ngoài" là "công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài". Trong Việt Ngữ chữ "thường trú" ở nước ngoài có nghĩa "sinh sống lâu dài ở nước ngoài" nên theo định nghĩa trên "Người Việt Nam ở nước ngoài" hay "Người Việt Nam định cư tại nước ngoài" cũng chỉ là một.

Nếu nhà làm luật hiểu "thường trú tại nước ngoài" không phải là "cư trú, làm ăn, sinh sống tại nước ngoài" thì phải định nghĩa "thường trú tại nước ngoài" là gì. Trong bản văn không thấy chỗ nào định nghĩa cụm từ "thường trú tại nước ngoài"

Danh từ "người gốc Việt Nam ở nước ngoài" cũng không được định nghĩa mặc dù đây là danh từ cần định nghĩa rõ ràng. Chế độ Đức quốc xã xem bất cứ ai có tí máu Do thái đều là người gốc Do thái. Tại Hoa Kỳ ai có tí máu người da đen đều được xem là người da đen. Tuy nhiên nhờ Điều 6 và Điều 7 phân biệt "người gốc Việt Nam ở nước ngoài" với "công dân Việt Nam ở nước ngoài" và Điều 6(2) nói đến "... tạo điều kiện thuận lợi cho người đã mất quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam" người ta có thể hiểu "người gốc Việt Nam ở nước ngoài" là những người có nhiều ít huyết thống Việt Nam đã có quốc tịch khác.

Về hành văn mơ hồ:

Điều 3 "nguyên tắc một quốc tịch" ghi "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.". Điều này chưa gián tiếp trả lời câu hỏi: một công dân Việt Nam khi tuyên thệ nhận quốc tịch một nước khác có còn quốc tịch Việt Nam không? Nói "không còn" cũng đúng, vì nếu "còn" thì trái với "nguyên tắc một quốc tịch." Nhưng không ai cấm nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lý luận: "theo nguyên tắc một quốc tịch chúng tôi chỉ công nhận quốc tịch Việt Nam của anh, còn việc anh vào quốc tịch nước khác chúng tôi không biết."

Điều 14 nói về "Người có quốc tịch Việt Nam" ghi "Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày luật này có hiệu lực ..."

Đây là Điều mơ hồ nhất của bộ luật. Lấy thí dụ hai vợ chồng ông bà Nguyễn Văn A sinh đẻ tại Việt Nam, sau đó hoặc vượt biên, hoặc đi theo diện đoàn tụ sang định cư tại Hoa Kỳ và nhập quốc tịch Mỹ trước ngày 20/5/98 là ngày "Luật Quốc Tịch Việt Nam" được ban hành. Theo Điều 16 " ... sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam ... không kể ... sinh trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam" ông bà Nguyễn Văn A vốn là công dân Việt Nam, và theo Điều 14 nói trên ông bà Nguyễn Văn A sau ngày 20/5/98 vẫn là "người có quốc tịch Việt Nam". Cũng theo Điều 16 các con của ông bà Nguyễn Văn A sinh ra tại Hoa Kỳ (theo luật Mỹ đương nhiên có quốc tịch Mỹ) cũng vẫn được xem là người có quốc tịch Việt Nam.

Nhưng nếu vậy thì "nguyên tắc một quốc tịch" áp dụng ở chỗ nào? Đúng là một mê hồn trận. Tại các quốc gia dân chủ, quốc hội thảo luận luật, và khi có điều gì không rõ quan tòa có thể dùng biên bản ghi nội dung các cuộc thảo luận để tìm hiểu ý muốn của nhà làm luật. Tại Việt Nam quốc hội chỉ đóng dấu vào bản văn do Ban Bí thư Trung ương đảng soạn sau khi thảo luận lấy lệ nên các quan tòa nếu muốn tìm hiểu cũng chẳng biết tìm hiểu ở đâu. Cuối cùng đảng làm luật, đảng giải thích và đảng thi hành ... tùy tiện sao cũng được!

Sự thiếu sót của "Luật Quốc Tịch Việt Nam" nếu không phải do khả năng làm luật yếu kém của những người trong tòa nhà làm luật của Việt Nam hiện nay vì nước nhà chưa có dân chủ, thì nó là bằng chứng chính quyền cộng sản Việt Nam không thành thật với dân, ít nhất là với người Việt đang sinh sống ở nước ngoài và với cộng đồng quốc tế.  (August 1998)


Trần Bình Nam

http://www.vnet.org/tbn