LY NƯỚC LƯNG DẦN

 

Trần Bình Nam

Lời nói đầu:  Về thăm quê hương lần này (tháng 3 và tháng 4 năm 2001) tôi ít xúc động hơn chuyến đi cách đây 2 năm. Lần ấy tôi được nhìn lại đất nước Việt Nam sau 22 năm xa cách, và tôi bàng hoàng lâng lâng khi người sĩ quan công an hải quan ở Tân Sơn Nhất đóng dấu vào chiếu khán cho phép tôi nhập cảnh.  Lần này thủ tục nhập cảnh đơn giản hơn. Người công an hải quan trẻ tuổi chỉ hỏi tôi: “Bố về bao lâu?” Tôi trả lời 5 tuần. Anh công an liếc nhanh vào ngày tháng tôi ghi trên phiếu nhập cảnh, đóng dấu rồi cho tôi ra cổng.  Sau 2 ngày ở lại Sài gòn với gia đình  một người cháu tôi ra Nha Trang thăm ông anh ruột và bạn bè, sau đó ra Hà Nội viếng vịnh Hạ Long và đảo Cát Bà, lên Lạng Sơn thăm Chi Lăng và ải Nam Quan. Tôi định đi viếng Điện Biên Phủ nhưng thời gian không cho phép. Từ Hà nội muốn đi Điện Biên Phủ có thể dùng đường bộ qua dịch vụ du lịch,  đi về hai ngày đường , ở lại hai ngày, hoặc dùng Air Việt Nam mỗi tuần có hai chuyến bay. Bay lên ở lại chờ về chuyến sau. Cách nào cũng mất  ít nhất 4 ngày. Từ Hà nội tôi về Huế thăm   chị ruột, và mộ ba mẹ. Trở lại Nha Trang mấy tuần, có vợ chồng bạn Hồng Giũ Lưu và Diệu Trang từ Sài gòn bay ra chơi và tắm biển 5 ngày. Diệu Trang nguyên Hiệu Trưởng trường Nữ Trung Học Nha Trang từ 1973 đến 1975 nên thầy cô cũ và bạn bè của bà làm Lưu và tôi cũng bận bịu lây. Những ngày mùa Xuân nóng ở Nha Trang chóng qua tôi vào Sài Gòn để chuẩn bị trở về Hoa Kỳ. Cùng đi về Việt Nam lần này với tôi có Cương, con trai, vợ chồng Phương Tâm và Paul, con gái đầu. Cả ba đều trở về Hoa kỳ trước tôi mấy ngày.

Chuyến đi của tôi được ghi lại sau đây.

BẠN CŨ NGUYỄN XUÂN THÂM

Trước khi lên đường bạn Quỳnh Tiêu ở Dallas cho tôi địa chỉ của Nguyễn Xuân Thâm ở Hà Nội và dặn: “Ra Hà Nội xem có kiếm thăm hắn được không?” Nguyễn Xuân Thâm học trung học với chúng tôi ở Quốc học Huế. Năm 1954 chưa xong lớp đệ nhị Thâm bỏ nhà lên chiến khu, sau đó theo đoàn người tập kết ra Bắc. Đến Sài Gòn tôi viết một thư ngắn gởi Thâm yêu cầu nếu nhận được thì viết thư cho tôi về Nha Trang. Tôi ghi điện thoại của anh tôi để Nguyễn Xuân Thâm gọi nếu cần.

Ra Hà Nội, vừa tới khách sạn tôi nhận được điện thoại của Thâm. Nhà Thâm ở đường Bà Triệu không xa khách sạn Phú Gia nơi tôi đang ở,  nên 10 phút sau chúng tôi gặp nhau. Bốn mươi bảy năm! Xa nhau từ lúc trên dưới 20 tuổi bây giờ đã thành  hai ông già. Nguyễn Xuân Thâm đen và già khọm đi. Thâm kể cho tôi nghe quảng đời từ lúc ra Bắc vừa học vừa làm để kiếm sống. Thời gian mới ra ở Thanh Hoá hằng ngày vào rừng lấy củi bán cho dân. Hết cấp trung học được đảng cho đi du học ở Liên bang Xô viết (bây giờ là Liên bang Nga) lấy bằng Phó Tiến Sĩ. Về  nước  dạy học và viết văn. Sau năm 1975 được đặc phái đi làm nhiệm vụ quốc tế tại Angola. Trở về Việt Nam dạy Đại Học Bách Khoa Hà nội với hàm Phó Giáo sư. Anh vừa nghỉ hưu được một tháng và giám định y khoa cho biết anh bị ung thư hàm trên. Các bác sĩ đã chuẩn bị mổ vào cuối tháng 3. Anh trầm trầm kể lại quá khứ phấn đấu và sự đối đầu với tử thần trong hiện tại như trong cuộc đời không có chi là quan trọng. Thỉnh thoảng anh cao giọng để bày tỏ sự phấn khởi cần thiết như thói quen của những người ở lâu năm dưới chế độ xã hội lâu ngày gặp lại bạn cũ. Tôi hỏi Thâm việc mổ ung thư, săn sóc và thuốc men được  chuẩn bị thế nào. Thâm nói: Qui chế giáo sư đại học cho mình nằm bệnh viện hạng trung cấp, mổ và thuốc miễn phí. Nhưng các bác sĩ cho biết thuốc theo qui chế không được tốt lắm. Chứng ung thư của mình nếu mổ thành công cũng cần thuốc tốt mới hy vọng dứt.” Tôi hỏi thuốc tốt mua ở đâu và chừng bao nhiêu mới đủ. Thâm đáp: Mua ở Hà nội và chừng mười triệu”. Tôi tính nhẫm: 700 mỹ kim. Thâm đưa cho tôi xem một tập thơ đã được kiểm duyệt chờ in và nói: Mình đã để dành được mấy triệu để in tập thơ, nhưng thôi cứu mình trước đã, tiền in tạm dùng mua thuốc sau sẽ tính.” Nguyễn Xuân Thâm nói tiếp: Mình nói như lạy ông bác sĩ sẽ mổ mình, xin thi ân cứu mạng. Tôi không ham sống, chỉ muốn kéo dài ngày sống để viết thôi. Tôi ham viết và có nhiều chuyện để viết.” Ngạc nhiên tôi hỏi Nguyễn Xuân Thâm sao bệnh nhân phải van xin? Bác sĩ nào chẳng muốn cứu mạng bệnh nhân. Thâm nói: Trừ các ông trong Bộ chính trị và các Ủy viên trung ương đảng sao mình không biết, còn ai vào bệnh viện muốn được chữa trị tử tế đều phải chi tiền. Không có tiền thì năn nỉ. May mình còn một chút thế giá trong xã hội.”

Hai ngày trước khi Thâm vào bệnh viện,  tôi mời Thâm dùng cơm trưa. Thâm chọn một tiệm bán thức ăn biển bên bờ Hồ Tây. Từ đường Bà Triệu xe taxi đưa chúng tôi chạy dọc đê sông Hồng. Đê là một xa lộ kiên cố,  xe cộ đông đúc. Nếu thỉnh thoảng không có những lối nhỏ chạy xuống bờ sông thì khó biết đây là một con đê. Mười năm trước đê còn bằng đất và những người có thế lực ở Hà nội đã chiếm đất xây nhà bên bờ đê. Trước sự than vãn của dân Hà Nội vì nguy cơ vỡ đê chính quyền Hà nội đã triệt hạ một vài khu nhà của những người kém thế nhất. Và rồi con đê được biến thành xa lộ kiên cố để yên lòng dân và - nhất cử lưỡng tiện - để yên lòng các chủ nhân những ngôi nhà đồ sộ ở mé đê..

Xe taxi chạy qua đường Thanh Niên, một con đường đá tráng nhựa khá rộng nằm giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Thâm nói vào tai tôi: Mình từng đổ mồ hôi ở đây. Đường này ngày trước là đường Cổ Ngư  nhỏ hẹp làm đề tài cho nhiều thi nhân yêu Hà Nội. Nó biến thành đường Thanh Niên năm 1955 do bàn tay lao động của thanh thiếu niên Hà Nội và của các tỉnh miền Bắc đổ về, cùng với đoàn người trẻ từ miền Nam tập kết ra.” Thâm nói tiếp: Mình nhớ khi vận chuyển đá lấp con đường nhỏ mình tiếc nhất những cây ổi hai bên đường với những chùm ổi nhỏ chín mọng thơm phức. Ăn không hết, bức bỏ không đành.

Qua khỏi chùa Trần Quốc taxi đưa chúng tôi chạy qua khách sạn Thắng Lợi vòng lên phía bắc Hồ Tây chạy ra Phủ Tây Hồ. Phủ Tây Hồ là một điện thờ nằm cuối một doi đất nhỏ chọc thẳng ra giữa Hồ Tây. Một con đường tráng nhựa nhỏ chạy dài giữa doi đất . Hai bên nhìn ra Hồ Tây bát ngát phẳng lặng là các tiệm bán đặc sản đồ biển sát cánh nhau. Phía bắc Hồ Tây nhiều biệt thự xây bằng gạch đỏ chói xúm xít quanh bờ hồ. Nhớ một thời có tin đồn các Ủy viên Trung ương đảng có thế lực chiếm những vùng đẹp nhất quanh bờ hồ xây dựng nhà riêng tôi hỏi người tài xế taxi một cách vô thưởng vô phạt: Biệt thự của những ai mà đẹp thế? Do dự một chút anh tài xế dè dặt trả lời: Nhà của dân. Nguyễn Xuân Thâm tiếp Nhà của dân, của dân 'gian' ấy mà!

Trên đường trở về Thâm bảo xe taxi chạy qua công viên Lenin. Giữa công viên chiếc tượng Lenin bằng đá sừng sững, cô đơn, lưng tựa vào một hàng cây xanh thẳng tắp. Thâm bảo tôi: Bạn nhìn tượng Lenin kìa. Đó là bức tượng duy nhất còn lại trên thế giới. Nước ta cái gì cũng khác người! Tôi im lặng hiểu Thâm muốn nói gì. Người tài xế taxi cũng im lặng nốt. Năm 1991 sau cuộc đảo chánh lật đổ Gorbachev bất thành, Gorbachev ra lệnh giải tán đảng cộng sản Liên xô dân chúng Mạc Tư Khoa xuống đưòng giật sập tượng Lenin ở trung tâm thành phố. Dân các nước Đông Âu nhanh chóng theo gương dân Mạc Tư Khoa. Theo yêu cầu của Thâm taxi đưa anh đến bệnh viện nơi anh sẽ được mổ. Bệnh viện nằm đối diện với Hà Nội Towers trước kia là nhà lao Hỏa Lò nơi từng giam giữ các nhà cách mạng chống Pháp và gần đây nhất giam phi công John McCain sau trở thành Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Nhà thiết kế Hà Nội Towers để dành một dãy nhà gồm mấy căn mái ngói và một tháp canh để - theo tài liệu - nhớ đến tội ác của đế quốc. Tôi hỏi Thâm xuống bệnh viện làm gì. Thâm nói: Mình vào thay áo quần bệnh nhân nằm một chút rồi về. Nếu không giữ chỗ mỗi ngày người khác sẽ giành mất giường khi mổ không có chỗ nằm” Nghe Thâm giải thích tôi vẫn không hiểu nổi cách quản trị của các bệnh viện ở Hà Nội. Thâm bắt tay tôi và xuống xe. Tôi bùi ngùi nhìn theo Thâm bước vào bệnh viện. Ngày mai tôi vào Huế.

ẢI NAM QUAN

Nếu không có vụ ghi vé máy bay đi Trung quốc của Phương Tâm và Paul trục trặc tôi đã không có dịp thăm Aûi Nam Quan. Không lấy được vé chuyến bay Hà Nội - Côn Minh như  đã định, Phương Tâm và Paul quyết định dùng đường bộ đi Trung quốc qua ải Nam Quan. Tôi và Cương tháp tùng và nhân thể thăm cửa ải lịch sử Việt Trung. Ải Nam Quan còn được gọi là cửa Hữu Nghị để ghi tình bằng hữu giữa Trung quốc và Việt Nam. Hữu nghị nhưng vẫn đánh nhau trong suốt chiều dài của lịch sử . Trận đánh gần nhất cách đây hơn 20 năm. Hằng vạn quân Trung hoa tràn qua san bằng hai thành phố Đồng Đăng và Lạng Sơn, tiến sát Bắc Giang, uy hiếp thành phố Hà Nội. Nếu Trung quốc không sợ Liên bang Xô viết đánh úp sau lưng phá hủy cơ sở nguyên tử của mình có lẽ Trung quốc đã tiến xuống Hà Nội.

Quốc lộ số 1 nối liền Hà Nội - Lạng Sơn dài chừng 150 cây số đã được trải nhựa và nới rộng. Xe chạy hai chiều, hai bên có lối dành cho xe gắn máy, xe đạp và người đi bộ. Xe du lịch thuê bao có thể chạy 80 cây số giờ. Vào tỉnh Lạng sơn tuy đường núi quanh co hiểm trở xe vẫn còn chạy được 40 cây số. Bỏ đồng bằng Bắc Giang vào tỉnh Lạng Sơn phong cảnh thật là hùng . Những ngọn núi đá cao thấp san sát chen nhau điểm giữa những cánh rừng thưa tưởng như một vịnh Hạ Long khác trên đất liền nếu rừng ngập nước. Qua ải Chi Lăng, nơi sáu thế kỷ trước vua Lê Lợi giết Liễu Thăng trên vách núi còn ghi trang sử cũ. Nhìn đồi đá cheo leo lối đi hiểm trở tôi thầm phục người xưa khéo chọn chỗ phục kích giết tướng địch và tưởng tượng trước mắt mình hàng ngàn chiến sĩ anh dũng đang ào ạt lăn xả vào đoàn quân Bắc xâm lăng. Tướng Liễu Thăng chết, Việt Nam thu hồi lại nền độc lập.

Đây rồi Lạng Sơn, thành phố lớn địa đầu! Năm 1950 Lạng Sơn chứng kiến cuộc rút lui thê thảm của quân đội viễn chinh Pháp. Năm 1979 Lạng Sơn bị quân Trung quốc san thành bình địa. Nhà cửa đã được tạm xây cất lại cùng với thị trấn biên giới Đồng Đăng. Lạng Sơn và Đồng Đăng phố xá luộm thuộm đây đó còn dấu vết đá tảng, gạch vụn của những vụ xây cất  dở dang. Đường phố bụi mờ nóng như lửa của tháng Tư vùng núi. Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, ca dao hát vậy nhưng chợ Kỳ Lừa không còn ở Đồng Đăng. Kỳ Lừa nằm sừng sững giữa thành phố Lạng Sơn. Hỏi tại sao? Dân địa phương không ai giải thích. Sinh hoạt buôn bán vùng biên giới quá bận rộn, và họ còn bận tâm xây dựng nhà cửa. Rời Lạng Sơn trực chỉ hướng Bắc lên biên giới, cột cây số đường ghi: Hữu Nghị Quan 11 cây số, Đồng Đăng 8 cây số. Một trạm hải quan lớn nằm giữa Lạng Sơn và Đồng Đăng. Hàng trăm xe tãi từ Trung quốc chở hàng vào nằm chờ khám biến một khoảng đường quốc lộ dài gần một cây số thành một chợ nhỏ, đường sá bụi mờ như một đoàn quân chờ ra mặt trận. Một mặt trận kinh tế. Số hàng chính thức qua biên giới và hàng trăm tấn hàng hằng ngày qua các lối khác giữa biên giới dài giữa hai nước Việt Trung là một mặt trận kinh tế lớn của Việt Nam.

Qua khỏi Đồng Đăng tôi nóng lòng xem ải Nam Quan. Sách sử địa lớp ba thời Pháp thuộc in hình ải Nam Quan uy nghi như  cửa Thượng Tứ hay cửa Đông Ba của kinh thành Huế. Trạm hải quan gồm một ngôi nhà trệt rộng thênh thang có đủ phòng sở quen thuộc của một cơ sở hải quan biên giới nằm bên trái quốc lộ số 1 cách biên giới chừng trăm thước. Tận cùng của quốc lộ là cổng biên giới.  Cổng đơn giản chỉ là một thanh gỗ dài vắt ngang qua quốc lộ quay lên xuống được và một trạm gác nhỏ do một tiểu đội công an canh giữ. Phóng mắt nhìn phương Bắc sau trạm gác nhỏ tôi không thấy hình bóng gì của ải Nam Quan. Tôi hỏi một sĩ quan hải quan trong khi Phương Tâm và Paul làm thủ tục nhập cảnh: Tôi muốn xem Hữu Nghị Quan có được không? Anh sĩ quan trẻ tuổi chỉ chiếc cổng biên giới trả lời: Sau chiếc cổng kia 20 thước là hết biên giới nước ta. Hữu Nghị Quan nằm sâu trong đất Trung quốc ở đây không thấy được.” Còn thắc mắc nhưng tôi không hỏi thêm. Tiễn vợ chồng Phương Tâm tay xách lưng mang hành lý bước qua biên giới tôi thấy cách một độ đường sau cổng nhỏ một bệ đá xi măng bên vệ đường ghi nguệch ngoạc: Cửa Hữu Nghị. Hai năm trước Việt Nam và Trung quốc ký một thỏa ước về biên giới trên đất liền. Bản văn của thỏa ước không được phổ biến, và có tin đồn Việt Nam đã nhường cho Trung quốc nhiều cao điểm biên giới. Mới đây sau Đại Hội 9 của đảng Cộng sản Việt Nam, Lê Khả Phiêu mất chức Tổng bí thư. Nội bộ đảng kết ông Lê Khả Phiêu 4 tội trong đó có tội đã nhượng bộ quá nhiều cho Trung quốc khi ký thỏa ước biên giới trên đất liền. Sự thật còn chờ đảng phổ biến bản thỏa ước biên giới Việt-Trung. Như nhận xét của giáo   Nguyễn Xuân Thâm, nước ta cái gì cũng khác người. Một thỏa ước biên giới liên quan đến vận mệnh và an nguy của đất nước dân cũng không có quyền biết!

CHUYẾN TÀU THỐNG NHẤT S7:

Hôm 27/3  Cương và tôi đáp chuyến tàu Thống Nhất  S7 từ Huế đi Nha Trang. Có hai loại tàu Thống Nhất xuyên Việt. Loại mới nhất chạy nhanh, chỉ ngừng ở một số ga chính như Vinh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang. Loại thường chạy chậm hơn và ngừng ở  nhiều ga. S7 là tàu Thống Nhất loại thường từ  Huế vào Nha Trang ngừng ở Lăng Cô,  Đà Nẵng, Tam Quan, Diêu Trì, Qui Nhơn, Tuy Hòa. Tôi định lấy chuyến tàu Thống Nhất chạy nhanh nhưng vì một lý do chợ đen chợ đỏ, cô bán vé ở ga Huế không muốn bán cho chúng tôi bảo rằng chuyến tàu tôi muốn đi không đáp tại Nha Trang. Sau này hỏi nhân viên hỏa xa trên tàu tôi biết chuyến tàu Thống Nhất nào cũng đều ghé Nha Trang. Nhưng chuyện đã rồi.

Ngăn phòng ngủ của chúng tôi có 2 dàn, mỗi dàn có đến 3 giường chồng lên nhau khá chật. Cương và tôi mỗi người một giường dưới cùng. Ngăn phòng đã có 3 người khách. Bên trái, chị Lan 45 tuổi giáo sư trường đại học sư phạm Kontum nằm giường trên, chị Vân 37 tuổi nhà báo quân đội nằm giường giữa. Bên phải, cũng giường giữa, anh Vinh, 35 tuổi Trung úy công an; giường trên cùng còn  trống dành cho bà Hồng một phụ nữ  người Huế khoảng 55 tuổi trông còn xuân sắc mới lên tàu cùng với Cương và tôi ở ga Huế. Lên tàu bà Hồng leo lên giường ngủ, cằn nhằn: Cái nước gì mà mua vé tàu cũng phải đút lót. Cần đi gấp chạy vạy mãi mất thêm 50 ngàn đồng mới được cái chỗ quí báu này đây” Tàu vừa chạy đã nghe tiếng bà ngáy đều. Trước khi tàu đến Huế hai giường dưới còn trống nên chị Lan và Chị Vân dùng giường bên trái - giường của Cương - làm chỗ ngồi nói chuyện với nhau. Anh sĩ quan công an nằm nghiêng nơi giường mình góp chuyện với hai người. Cương ra cửa sổ hành lang nhìn phong cảnh.

Qua khỏi Phú Bài đường xe lửa xuôi nam thẳng tắp. Chuyến tàu S7 phom phom phóng mình dưới bầu trời sáng điểm mây thấp, bên phải là đồi núi, bên trái là đồng lúa xanh rì. Xem phong cảnh chán, Cương ngồi ghé ở giường mình không tỏ  ý muốn nằm. Được thể, chị Lan và chị Vân tiếp tục ngồi nói chuyện với anh Vinh. Câu chuyện của 3 người khá tương đắc. Họ kể cho nhau nghe công tác hiện tại. Chị Lan vừa xong khóa tu nghiệp giáo   Hà Nội trở về nhiệm sở. Chị sẽ xuống ga Diêu Trì đáp xe đò đi Kontum. Chị là con một huyện ủy viên   Phú Yên thời chống Pháp. Chị theo cha mẹ tập kết ra Bắc năm 1 tuổi. Chị nói giọng Hà Nội pha Bình Định, âm điệu và nội dung còn tha thiết với quê hương của bố mẹ. Chị Lan đẹp một cách gọn gàng. Chị Vân từ Hà Nội được phái vào Nha Trang tham dự thành phần giảng huấn cho một khóa huấn luyện phóng viên quân đội ngắn ngày. Giọng Hà Nội, trẻ, khuôn mặt xinh xắn, nước da trắng ngà, hơi đẫy người, tính tình cởi mở. Chị nói biến cố giải phóng miền Nam năm 1975 không để lại một ấn tượng gì sâu đậm nơi chị. Năm ấy chị mới 10 tuổi. Chị hài lòng với công việc hiện tại. Anh Vinh ít nói chỉ tiếp chuyện với hai chị Lan và Vân và đặc biệt lịch sự với chị Vân. Hai người trạc cùng tuổi. Anh uống bia và mời chị Vân. Chị Vân từ chối viện cớ hơi mệt.

Tàu chạy nhanh đong đưa điểm nhịp khi bánh xe chạm chỗ nối của đường sắt. Tôi nằm yên không ngủ được theo dõi câu chuyện của 3 người. Câu chuyện cởi mở nhưng dè dặt và tôi nghĩ nếu họ có gì không bằng lòng với hiện tại họ cũng không thổ lộ với nhau. Tàu ngừng ở Lăng Cô để thêm một đầu máy trước khi lên đèo Hải Vân. Trời mưa lất phất. Nhiều cô bé co ro trong chiếc áo mưa không che kín thân chạy tới chạy lui rao mời khách mua cũ lang, cũ khoai mì luộc, bánh tráng, mía tiện thành thỏi nhỏ bọc trong túi ni lông. Có cả mực khô và bia lon. Một số người tàn tật lê mình khó nhọc trên chiếc nạng gỗ đến xin tiền bố thí của khách. Tiếng động khác lạ bên ngoài làm bà Hồng thức giấc. Bà nhanh nhẹn leo xuống giường, mua một túi mía, một chai nước ngọt, cho tiền những người tàn tật rồi im lặng ngồi ké bên giường tôi uống nước.

            Một người đàn ông trung niên đi qua ngoài hành lang. Chị Lan chào thầy Mẫn. Nhận ra cô học trò cũ xinh đẹp từng học với thầy tại trường đại học sư phạm Huế thầy cười thật tươi. Chị Lan kể: “Thầy Mẫn đỗ tiến sĩ văn chương tại Trung quốc, dạy môn văn. Thầy hiền lắm. Lúc dạy lớp cao học, ai cũng được thầy cho điểm cao. Có người chất vấn thầy sao giỏi dốt gì thầy cũng cho điểm cao, thầy cười trả lời rất tếu: Đã học cao học rồi thì ai cũng đáng được điểm cao.” Đang trầm ngâm bà Hồng chen vào câu chuyện: Chuyện thầy bà của chị làm tôi giật mình. Giáo dục là điều quan trọng nhất của một quốc gia. Người thầy không làm tròn chức năng để di họa cho muôn người. Thầy Mẫn của cô tốt thật nhưng lối giáo dục của thầy có hại cho thế hệ tương lai. Nước mình làm sao khá lên được!” Cương im lặng ngồi nghe. Tôi chờ đợi phản ứng của chị Lan, hay nếu không chị Lan sẽ là chị Vân hay anh Vinh. Nhưng chị Lan chỉ hơi xoay người lại tỏ ý không muốn lý sự  với bà Hồng. Vân và Vinh im lặng. Vinh tiếp tục nhắp bia, mời chị Vân một lần nữa mắt đăm chiêu nhìn bên ngoài.

Cương gợi chuyện với bà Hồng. Bà tâm sự: Chị đi buôn. Khi tan hàng chị đã có 6 con, con năm một, chồng chị đi học tập, trước khi đi ảnh còn để cho chị một cái bầu. Năm 1976 chị sinh cháu út bà con ai cũng lo cho tương lai của chị. Nhưng chị quyết phấn đấu nuôi con chờ chồng. Các tuyến đường xe lửa là nơi sống của chị, chị mua hàng từ thành phố này sang bán thành phố kia. Đàn con chị gởi cho một người chị coi sóc. Nói là gởi nhưng thật ra đứa con lớn 10 tuổi coi đàn em nhỏ dưới mái nhà của người chị.” Bà thủ thỉ với Cương: Em ơi, khổ lắm, đang học đại học chị lấy chồng có biết buôn bán là gì. Thế rồi vật lộn với đời sống, vật lộn với những cuộc đuổi bắt của công an trong thời kỳ xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa cấm buôn bán rồi cũng quen dần. Một thằng con trai của chị cực quá chịu không nổi bỏ nhà theo bạn bè vượt biên nay ở Seattle bên Hoa Kỳ. Còn bầy con ở lại bây giờ đứa nào cũng đã lập gia đình và tạm ổn định. Chỉ tội không có đứa nào được ăn học, thiếu thốn tiền bạc một phần, nhưng chính yếu vì lý lịch.” Bà Hồng nói lúc này bà vẫn còn đi buôn nhưng chỉ giao hàng sỉ. Hàng được đóng thùng có người đưa lên tàu, đến nơi có người nhận lãnh, bà chỉ theo hàng để thanh toán tiền nong. Chồng chị tù cải tạo 12 năm, đang chờ phỏng vấn diện HO thì mắc bệnh qua đời. Thế là cả gia đình chị kẹt lại.”

Tỏ ý không quan tâm câu chuyện giữa bà Hồng và Cương, chị Lan, chị Vân và người sĩ quan công an nối lại câu chuyện với nhau. Chị Vân kể chuyện một lần đi công tác xuống ga Đà Nẵng ban đêm chị thấy những người phu khuân vác không nhà ngủ la liệt trên sân ga. Theo chị làm việc đâu ngủ đó thật là giản tiện. Không bỏ lỡ cơ hội bà Hồng khiêu khích: Giản tiện nhưng đau lòng. Một nước cũng như một nhà. Nếu bố mẹ không làm tròn bổn phận con cái phải khổ. Dân còn không nhà không cửa cù cù bất sau bao nhiêu năm hòa bình thì ai có trách nhiệm?” Chị Vân đỡ lời: Thì cũng phải có thì giờ cho các cụ (người trong nước có thói quen gọi một cách vô thưởng vô phạt mấy ông già trong Bộ chính trị bằng cụ.)  Bà Hồng tiếp: Học cũng phải có căn bản. Một ông bác sĩ học 6 tháng có thể làm ruộng giỏi như một nông dân, nhưng người nông dân học mãi cũng chẳng trở thành bác sĩ. Toa giường ngủ trở nên im phăng phắc chỉ còn nghe tiếng gió xào xạt ngoài thân tàu hòa với tiếng bánh xe đập lạch cạch trên đường sắt. Chị Lan xoay người quay lưng lại bà Hồng giả vờ ngủ. Anh sĩ quan công an mang một cuốn sách nhỏ ra đọc trong khi chị Vân im lặng trầm ngâm. Để đánh tan không khí căng thẳng, Cương gợi chuyện với chị Vân. Cương trạc tuổi chị Vân. Chị hỏi về nước Mỹ, cách sống và không dấu diếm ước vọng phải chi có dịp đi Mỹ một chuyến cho biết. Tôi thấy chị và Cương trao đổi địa chỉ e-mail với nhau.

Tàu đến ga Tam Kỳ anh sĩ quan công an xuống xe. Chị Lan sắp xuống ga Diêu Trì. Chị nhờ Cương: Đến ga chị nhờ em mang giúp chị hai va-li ra cửa ga, chị còn hai xách tay nữa. Lúc nãy thầy Mẫn hứa đến ga thầy giúp nhưng chị ngại làm phiền thầy.” Bà Hồng can thiệp: Thôi chị ơi, tàu chỉ ngừng ở ga Diêu Trì mấy phút, lỡ trễ xe con người ta thì sao. Cho phu vài ngàn đồng họ mang ra cho, làm gì mà hà tiện quá vậy. Thấy bà Hồng có lý tôi qua ngăn tàu bên cạnh nhắc thầy Mẫn. Tàu ngừng, thầy Mẫn sang lễ mễ xách hai chiếc va-li nặng trĩu của chị Lan xuống tàu. Tôi chúc chị Lan trở về bình an và nói nhỏ với thầy Mẫn: Dạy nữ sinh viên trẻ đẹp cũng phiền nhĩ? Ở ga Diêu Trì hai cô sinh viên khác lên tàu trám chỗ. Tàu chạy bà Hồng leo lên giường và chỉ một chốc đã nghe tiếng bà ngáy ngon lành. Tôi chợp mắt được một lát thì  tàu tới Nha Trang. Đúng nửa đêm ngày 27 tháng 3. Tàu trễ một giờ.

TRỊNH CÔNG SƠN VĨNH BIỆT CUỘC ĐỜI

Tôi ở Nha Trang. Hôm nay là ngày 1 tháng 4. Người Pháp gọi là Poisson d'Avril, người Mỹ gọi là April Fool, người Việt nói theo người Pháp gọi là Cá tháng Tư. Loan tin vịt gì cũng được, ai tin ráng chịu. Hôm ấy mấy chuyện nho nhỏ đối với tôi rất thật, không fool chút nào cả. Bác Chuẩn, người bạn già của tôi 78 tuổi đạp xe đạp 10 cây số 6 giờ sáng đã có mặt ở bãi biển Nha Trang để cùng tắm với tôi. Chúng tôi thân nhau, hiểu nhau và coi nhau như anh em. Phương Tâm từ Hà Nội bay vào, vợ chồng Lưu và Diệu Trang từ  Sàigòn bay ra. Sáu giờ chiều ăn cơm ở Biển Tiên nằm trên một con đường lớn mới mở chạy thẳng từ đường Duy Tân - nay đổi là Trần Phú - dọc bờ biển Nha Trang qua cửa sông Nha Trang băng qua Bãi Dương, Đồng Đế với vợ chồng Lưu Diệu - Trang, vợ chồng Lý, vợ chồng Duy, vợ chồng Châu và Nhự độc thân tại chỗ.

Mặt quốc nội và quốc tế hôm ấy có nhiều tin giật gân. Quốc nội, tại Hà Nội các Ủy viên Bộ chính trị đấm đá nhau ác liệt giành chức tổng bí thư. Tại Sài Gòn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chết vì bệnh tiểu đường. Tin quốc tế, máy bay khu trục Trung quốc ép và đụng máy bay trinh thám Mỹ ngoài khơi bờ biển Trung quốc. Phi công Tàu nhảy dù xuống biển mất tích, máy bay Mỹ bể một đầu cánh đáp an toàn đáp xuống Hải Nam với phi hành đoàn 24 người. Tất cả đều là tin thật. Nhưng ở Việt Nam không ai quan tâm đến nội bộ đảng cộng sản dù những ngày đầu tháng Tư cuộc tranh chấp gay cấn đến độ nơi làm việc của một vài Ủy viên quan trọng Bộ Chính Trị đã được bố trí súng phòng không. Tin đồn Lê Khả Phiêu nhất định bám chức Tổng bí thư mỗi đêm phải đổi chỗ ngủ sợ phe chống đối áp lực bằng vũ lực. Dân cũng không chú ý đến căng thẳng ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung quốc.

Hình như đối với dân trong nước tin gì cũng là tin dõm đáng liệt vào loại “cá tháng tư,”  chỉ có tin Trịnh Công Sơn qua đời là tin thật. Cả nước xôn xao, nhất là giới trẻ. Trong quán ăn, rạp hát, quán cóc bên hè phố, nơi bạn bè gặp gỡ nhau, trong công sở nơi nào cũng nói đến Trịnh Công Sơn. Tin chung quanh cái chết của Trịnh Công Sơn là tin hàng đầu của báo chí. Đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3 nơi quàn linh cửu của Trịnh Công Sơn xe cộ không thể lưu thông, chật cứng bởi hàng ngàn xe hai bánh của giới trẻ. Giới trẻ ngưỡng mộ Trịnh Công Sơn một cách tự nhiên. Họ yêu nhạc của anh, yêu lời của những bài hát thách thức mọi nguyên tắc văn phạm như xuất ra từ những giấc mơ miên viễn của người nhạc sĩ đa tài lừng lững thấm vào tâm thức người nghe. Nguyễn Minh Triết, thành ủy Sài gòn, người đảng viên lớn nhất ở miền Nam, nhạy cảm với phản ứng của giới trẻ đã trân trọng đến chia buồn với thân nhân và phúng điếu trước linh cửu Trịnh Công Sơn. Ông Triết cẩn thận cho chụp hình ông - áo sơ mi trắng, cà vạt đen - thân mật ngồi bên cạnh hai cô em gái của Trịnh Công Sơn để đăng báo. Hai ông Võ Văn Kiệt và Nguyễn Văn Linh một thời từng giữ các chức vụ thành ủy Sài Gòn, thủ tướng và Tổng bí thư sợ bị dân chúng chê quê một cục cũng gởi quà phúng điếu với tư cách cá nhân. Dư luận Sài gòn mổ xẻ từng chữ cảm tưởng của ca sĩ Khánh Ly, người Trịnh Công Sơn ghi trong một thủ bút của anh năm 1995 là một người bạn của định mệnh, vĩnh viễn thương yêu nhau. Khánh Ly nói: Cách đây hai năm tôi gặp ông lần cuối ... tôi cũng linh cảm điều đó ... Thật ra ông Trịnh Công Sơn không phải của riêng ai cả, ông là của tất cả mọi người ... Việc ông ở lại và nằm xuống trên quê hương là điều đúng bởi vì ông Sơn là người yêu quê hương và dân tộc. Từ ông tôi thành danh và quan trọng hơn cả là tôi thành nhân. Tôi đã sống  cùng tên tuổi ông gần 40 năm với những lời ông dặn. Phải luôn luôn sống giữa đời với một tấm lòng và sống với người với sự tử tế. Ông Trịnh Công Sơn là một nửa đời sống của tôi. Tình cảm Khánh Ly dành cho Trịnh Công Sơn thật tha thiết đậm đà, nhưng sao chữ  Ôngơ hờ lạc lõng thế? Khánh Ly cần một khoảng cách tế nhị với Trịnh Công Sơn để làm gì?

Đa số người lớp tuổi 60 không thích Trịnh Công Sơn như giới trẻ 30. Họ trách Trịnh Công Sơn đã sáng tác những bài ca ru ngủ trong thời kỳ chiến tranh, trách anh “phản chiến”, trách anh say sưa. Chỉ một phần nhỏ thông cảm sự trăn trở của Trịnh Công Sơn trước thân phận một nước nhược tiểu trần mình giữa hai lằn đạn. Anh đắm chìm vào những giấc mơ kỳ bí bằng rượu mạnh để toát ra những lời ca buốc lòng người. Quá trình quan hệ giữa Trịnh Công Sơn với chính quyền từ năm 1975 cho đến ngày anh nằm xuống là một quá trình đấu tranh để giữ tư cách của người nghệ sĩ.  Sau khi thành lập chính quyền mới đảng cộng sản ao ước gì hơn là Trịnh Công Sơn sáng tác cho một bản nhạc ca ngợi Hồ Chí Minh, ca ngợi đảng. Bài hát chờ đợi không ra đời, anh bị trù yếm. Người ta đưa anh về quê ở Huế giao cho những chức vụ thật kêu. Người ta cho anh đi nước ngoài thầm mong anh ở lại luôn cho rảnh mắt anh vẫn lù lù trở về. Bằng sự can đảm hiếm có anh nắm được quả tim của quần chúng buộc người cầm quyền không thể hờ hững trước cái chết của anh để vớt vát rằng Trịnh Công Sơn trước sau vẫn là “phe ta.” Anh không là của ai cả.

TIẾNG VIỆT CÒN, NƯỚC VIỆT CÒN

Nhà nước cộng sản chủ trương làm trong sáng tiếng Việt. Trong thời kỳ còn chiến tranh và nhất là sau khi chiến thắng họ đẩy chủ trương trên đến độ lố bịch. Nhà hộ sinh đổi lại là xưỡng đẻ, nam học sinh, nữ học sinh gọi là học trò trai, học trò gái, cầu tiêu gọi là nhà ỉa... Vì chướng tai nên các danh từ năng nổ trên biến mất với thời gian. Một hiện tượng ngược lại xuất hiện. Nhiều tiếng Việt thông dụng được thay bằng tiếng Hán Việt lù mù hơn. Dàn bài dạy học gọi là giáo án, khởi công gọi là thi công ... Lúc ngược lúc xuôi tùy hứng và tùy tiện không theo một nguyên tắc nào.

Chưa hết, chính sách (hoặc không chính sách) của Nha Du  lịch Quốc gia mới là lạ. Ngoài Hà Nội gợi hiếu kỳ, Huế là nơi thu hút nhiều du khách sau khi kinh thành Huế với lăng tẩm và hoàng thành được Liên hiệp quốc công nhận là bảo vật của thế giới. Trong các lăng tẩm lăng vua Tự Đức đẹp nhất. Lăng vua Tự Đức gọi là Khiêm Lăng nằm vắt trên một ngọn đồi thông hùng ở Vạn Niên bên hữu ngạn sông Hương.

Thăm Huế lần này tôi trở lại Khiêm Lăng, nơi mang nhiều kỷ niệm của tôi thời thơ ấu. Bước qua cổng chính, một con đường lát gạch tảng hai bên đường trồng hoa sứ  nở trắng xóa, cánh trắng, lòng vàng tỏa ra mùi thơm mát dịu dẫn vào lăng. Nhà mát, nơi vua Tự Đức câu cá thuở sinh tiền dựng trên một hồ sen bên phải. Giữa hồ là một núi non bộ. Bên trái chót vót trên mấy chục bậc thang là mộ vua Tự Đức. Leo hết các bậc thang tôi ngẫu nhiên đứng trước tấm bia đá lớn chằng chịt chữ Hán được dựng trước mộ vua Tự Đức cùng với một du khách người Canada. Du khách hỏi tôi có phải là người Việt? Tôi trả lời khẳng định. Ông ta hỏi tiếp: Có hai cách viết tiếng Việt phải không? Tôi chưa kịp hiểu câu hỏi thì du khách chỉ vào tấm bia giải thích: Tôi biết người Việt dùng mẫu tự  a, b, c. như chúng tôi, còn chữ  kia giống chữ của người Tàu là lối viết khác? Vỡ lẽ, tôi bỗng thấy ngượng vì nhìn tấm bia chằng chịt chữ Tàu tôi cũng không hiều một chữ nào. Tôi trả lời: Thưa không, chúng tôi chỉ có một lối chữ viết, chữ trên tấm mộ bia kia là chữ Tàu. Vẫn chưa hết ngạc nhiên du khách hỏi: Thế sao không có bản dịch ra chữ Việt cho người Việt và một bản tiếng Anh cho người nước ngoài. Tôi không biết phải trả lời sao với du khách. Chẳng lẽ nói Nha Du Lịch Quốc Gia bận chưa làm, hay Nha Du Lịch không quan tâm, Nha Du Lịch ....

Sự tò mò của người du khách làm tôi liên tưởng đến những tấm bia chữ Hán khác khắc trên đá cẩm thạch, những tấm hoành phi rực rỡ chữ vàng viết trên nền đỏ gạch tôi thấy ở Văn Miếu, Phủ Tây Hồ,  đền Quán Thánh,  chùa Trấn Quốc ở Hà Nội, ở cửa Ngọ Môn, Phu Văn Lâu và trong hoàng thành Huế, và vô số những nơi khác. Đứng trước chúng như đứng trước một rừng cây. Tôi  bỗng ước ao được hiểu ý nghĩa của những dòng chữ trên những tấm bia, những bức hoành phi chữ Hán. Tôi sẽ biết nhiều hơn các bài sử  khô khan đã học. Tôi sẽ gần gũi hơn với lịch sử  nước nhà và biết đâu tôi sẽ tự hào hơn về quê hương mình. Tôi tự hỏi tại sao một vấn đề đơn giản như vậy mà Nha Du Lịch có từ ngày chính phủ Bảo Đại, qua chính phủ ông Diệm, ông Thiệu, ông Hồ với 26 năm hòa bình và ngành du lịch là ngành được Nhà nước khuyến khích mà không ai làm. Tự vấn mình sao những rừng chữ Hán đó thấy từ thuở còn để chỏm mà không thắc mắc, cho đến khi bị một người ngoại quốc chất vấn? Có lẽ ảnh hưởng của Khổng học thấm vào xương tủy mà chúng ta không hay. Chúng ta vọng ngoại, chúng ta coi thường chính chúng ta. Chúng ta là những người thiếu văn hóa. Tôi bỗng tìm ra nguyên nhân tại sao giải đất Việt Nam hình chữ  S được thiên nhiên ưu đãi như vậy, con người Việt Nam thông minh kiên cường như vậy, mà bước vào thế kỷ 21 đất nước vẫn điêu linh, dân vẫn khổ.

HUYỀN THOẠI CỦ CHI

Gái Củ Chi, chỉ cu anh, hỏi: củ chi?

Đó là câu đối tôi nghe người tài xế xe taxi bảy chỗ ngồi chở chúng tôi đi thăm địa đạo Củ Chi đố người phụ xe. Thấy người phụ xe chưa hiểu, anh tài xế nói: mầy nói lái Củ Chi thành chỉ cu thì hiểu.

Hôm 10 tháng 4 tôi cùng vợ chồng một người bạn thân và 2 cô cháu gái đi viếng địa đạo Củ Chi. Quận Củ Chi thuộc tỉnh Bình Dương là một quận trù phú gồm đồng bằng và rừng cây thấp cách Sài Gòn khoảng 30 cây số về hướng Tây Bắc. Trong vùng rừng cây thấp có một địa đạo đào sâu dưới lòng đất gồm 3 tầng hầm cao thấp khác nhau để cho các du kích ẩn náu, nghỉ ngơi và đánh phá các đơn vị Mỹ đóng trong vùng Bắc Sài Gòn. Trong thời kỳ chiến tranh các bản tin quân sự thỉnh thoảng thông tin các cuộc đụng độ tại Củ Chi giữa quân đội Mỹ và du kích Bình Dương.

            Sau chiến tranh địa đạo Củ Chi được miêu tả như là một hệ thống địa đạo dài mấy trăm cây số  đào ngay dưới các đơn vị đóng quân của Hoa Kỳ và quân đội Mỹ đã dùng mọi vũ khí có trong tay vẫn không hủy diệt được địa đạo. Nhân viên hướng dẫn nói với du khách ngoại quốc rằng trong thời kỳ chiến tranh các du kích dưới các địa đạo thường xuất hiện từ  các miệng hầm nằm ngay giữa căn cứ  quần thảo với quân đội Mỹ rồi chui biệt tăm vào hệ thống hầm hằng chịt ở dưới.  Qua miêu tả chính thức của chính quyền và qua những lời truyền miệng của các du khách nước ngoài dễ tính, Củ Chi biến thành một huyền thoại, một địa danh du lịch hấp dẫn. 

            Chúng tôi đến nơi vào một buổi sáng nóng và ẩm. Địa đạo nằm bên trái tỉnh lộ Bình Dương, bên kia đường là cơ sở tiếp khách, quầy bán vé, phòng chiếu phim tài liệu, phòng triển lãm và quán giải khát, quán ăn. Ở đây ngoại trừ các cô ngồi ở quầy vé, các nhân viên phục dịch khác đều ăn mặc như du kích. Chúng tôi đến nơi vừa hết giờ xem chiếu phim nên chúng tôi theo người du kích hướng dẫn viên đi xem địa dạo trước. Chúng tôi được hướng dẫn qua các đường hầm gồm cửa vào và cửa ra gần đó và được giới thiệu là một phần của một hệ thống địa đạo dài 250 cây số, qua phòng trưng bày hầm chông và mìn bẩy, các phòng họp, phòng nghỉ ngơi dưới mặt đất, được cho xem những quả bom không nổ đã được rút ngòi và một hố bom B52 đường kính rộng chừng 10 mét sâu chừng 8 mét cỏ đã phủ kín. Người hướng dẫn cho biết người Mỹ đã thả hàng trăm trái bom như vậy nhưng sau chiến tranh đã được lấp bằng. Nhìn quanh tôi không thấy dấu vết của tàn phá như vậy. Trước một miệng hầm một chị du kích hướng dẫn đang thuyết phục một phụ nữ Nhật Bản không nên xuống hầm vì “thiếu không khí, chị có thể bất tỉnh”. Người phụ nữ Nhật Bản, có lẽ là một phóng viên đi tìm sự thật, nhất định xuống hầm. Tôi chờ chị xuống và thấy chị tươi tỉnh ra khỏi miệng hầm đầu kia. Trở về phòng chiếu phim chúng tôi được xem một cuốn phim đen trắng, nội dung đơn sơ,  phần đầu tuyên truyền công cuộc “chống Mỹ cứu nước”, phần còn lại nói về các cuộc bỏ bom của không quân Hoa kỳ và các cuộc tấn công bằng thiết giáp và cuộc đánh trả của du kích Bình Dương. Không thấy cuốn phim nói gì nhiều về địa đạo Củ Chi: công trình xây cất, chiến công ... như du khách chờ đợi. Cũng may bên trái màn ảnh là một họa đồ địa đạo Củ Chi có 3 tầng được vẻ một cách đơn sơ. Thấy phim không hấp dẫn tôi bước lại gần quan sát họa đồ.

Sau cuộc tham quan tôi có cảm tưởng Củ Chi là một huyền thoại hơn là sự thật, hay sự  thật chỉ là một phần của huyền thoại. Huyền thoại có thể đã được xây dựng bởi các phóng viên báo chí Mỹ không ủng hộ sự can thiệp của Hoa kỳ và được khai thác bởi người chiến thắng. Trong thời kỳ chiến tranh họ ngồi ở Sài Gòn góp nhặt tin tức qua các bản tin quân sự, thêm thắt và phóng đại các chiến công của đối phương. Những chi tiết như hệ thống địa đạo dài 250 cây số, có nhà máy điện, bệnh viện, có nơi nghỉ ngơi cho cả tiểu đoàn v.v... những chi tiết cần nhiều bằng chứng hơn để chứng tỏ là có thật. Về phương diện quân sự một hệ thống địa đạo như vậy cũng có thể được phá hủy nếu quân đội Hoa kỳ tận dụng các vũ khí cổ điển có trong tay.

            Sau chiến tranh nhiều chiến binh Hoa Kỳ đã đến viếng địa dạo Củ Chi. Bây giờ chỉ còn du khách trẻ đa số từ  Âu châu, Canada, rất ít du khách Hoa Kỳ. Người Mỹ đã chán. Tại sao họ không nói ra? Có lẽ vì tự trọng. Người thua không có quyền đính chính những gì người thắng nói. Hơn nữa huyền thoại Củ Chi nếu có cũng do Hoa Kỳ mà ra.

Tôi hỏi chú du kích hướng dẫn.

- Hồi còn chiến tranh em có biết gì về địa đạo Củ Chi không?

- Không. Em còn nhỏ, nhưng cha em từng chiến đấu ở đây.

- Chắc cha em kể lại nhiều chiến công li kì của ổng tại đây?

- Cũng ít thôi. Cha em đã hơn 50 tuổi, vốn ít nói. Hơn nữa ông còn bận chạy máy đuôi tôm chở khách nuôi mấy đứa em của em.

LY NƯỚC  LƯNG DẦN:

Trên đường lên Tân Sơn Nhất trở về Hoa Kỳ tôi thấy một khẩu hiệu lớn viết trên tường một cao ốc ở quận 1: “Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa để làm cho dân giàu nước mạnh, tạo lập công bình và xây dựng nếp sống văn minh.” Từ cuối thập niên 1980 áp dụng kinh tế thị trường thì sinh hoạt kinh tế trở nên dễ chịu đối với giới buôn thúng bán mẹt, nhưng dân chưa giàu. Giàu chăng là cán bộ, đảng viên có quyền có thế và một số nhỏ không ở trong đảng nhưng biết mánh mung trong hệ thống thị trường lỏng lẻo. Đa số dân, nhất là nhân dân sống ở thôn quê làm ăn khó khăn và rất nghèo. Nước chưa mạnh. Sự kính nể của các nước láng giềng càng lúc càng giảm sút. Trung quốc áp lực lấn đất biên giới trên đất liền và các hải đảo. Không  sự công bình trong sinh hoạt chính trị độc đảng và do đó không có sự công bình trong xã hội. Nếp sống văn minh? Nếu xem văn minh là một ít phương tiện vật chất như truyền hình, máy lạnh, bếp ga, điện thoại cầm tay ... thì Việt Nam có chút văn minh. Nhưng nếu hiểu văn minh là nếp sống tử tế, thành phần xã hội nào cũng biết sống trong khuôn khổ và nhiệm vụ của mình, ngay thẳng với nhau, có luật có lệ, người cầm quyền ra người cầm quyền, quan tòa ra quan tòa, thầy ra thầy, thợ ra thợ thì Việt Nam chưa thể gọi là có nếp sống văn minh.

Tôi liên tưởng đến thành phố Hồ Chí Minh, nơi các nhà mặt tiền rộng rãi thênh thang đều là nhà của cán bộ lớn của nhà nước, những người chẳng bao giờ biết đến địa đạo Củ Chi.

Ly nứớc Việt Nam lưng dần! (May 2001)

 

 


Trần Bình Nam

http://www.vnet.org/tbn