MỘT CHUYẾN ĐI

Trần Bình Nam

Chuyến bay số 7655 của hãng United Airlines rời Philadelphia lúc 9:50 phút sáng ngày 5/5/99, chặng đầu của hành trình đưa tôi về Việt Nam. Từ phi cảng quốc tế Dulles ở Washington D.C. tôi đổi sang hãng All Nippon Airways đi Tokyo, từ đó bay đi Singapore đổi máy bay về Sàigòn.

Tôi muốn về thăm quê hương đã lâu nhưng còn do dự. Vì nhiều lý do: Tại hải ngoại tôi tham gia nhiều tổ chức đấu tranh đòi thực thi dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Và trong những năm gần đây chuyên viết bình luận chính trị. Các bài bình luận của tôi liên quan đến đất nước thường không vừa tai của những người lãnh đạo Việt Nam nên có muốn về chưa chắc tôi đã được cấp chiếu khán.

Mặt khác về thăm Việt Nam có thể được xem là mất lập trường đối với những người chủ trương đấu tranh cứng rắn. Một số người trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại cho rằng về thăm đất nước khi chính quyền cộng sản chưa ban hành quyền tự do dân chủ tối thiểu cho người dân là gián tiếp công nhận chính quyền cộng sản tại Việt Nam.

Cách nhìn đó không phải không có lý, ít nhất về mặt tâm lý. Nhưng tôi nhìn vấn đề dưới một góc cạnh khác. Đất nước và chính quyền là hai thực thể khác nhau. Người cầm quyền là kẻ gác cổng, đất nước là ngôi nhà. Muốn vào nhà nếu phải xin người gác dỡ cổng thì việc đó không mang ý nghĩa công nhận bất cứ một vị trí nào của người gác cổng.

Dù do dự tôi vẫn đinh ninh một điều - như một lý tưởng nhỏ bé - là thế nào cũng không thể cách li mãi với quê hương. Tôi xa quê hương đã lâu. Ba mẹ tôi đã qua đời, mồ mả cải táng mấy lần tôi chưa một lần nhìn thấy. Người anh và người chị độc nhất còn lại tuổi đều quá thất tuần như hai ngọn đèn trước gió. Và nhất là trăn trở về quê hương. Nguồn thông tin dồi dào trong nước từ hồi cởi mở giữa thập niên 1980 đến nay cho tôi mường tượng được quê hương đang như thế nào, nhưng không có gì thay thế được nhìn tận mắt và nghe tận tai.

Trước khi quyết định về tôi hỏi ý kiến một vài người bạn quan tâm. Tôi nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Có bạn nghĩ rằng đơn xin chiếu khán của tôi sẽ bị từ chối. Có bạn cho là một sự mạo hiểm không cần thiết. Một số ít khuyến khích nếu về được cũng rất nên đi.

Đầu tháng 2/99 tôi gởi đơn xin chiếu khán đến tòa đại sứ Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn. Mẫu đơn có nhiều câu hỏi, đặc biệt như: Rời nước năm nào? Bằng cách gì? Đã về nước mấy lần? v. v... Tôi trả lời các câu hỏi đúng sự thật. Tôi vượt biên năm 1977, và đây là lần đầu tiên tôi xin chiếu khán về Việt Nam. Tôi muốn nhà cầm quyền Việt Nam biết rõ lý lịch của tôi để, hoặc cấp hay không cấp chiếu khán, tránh trường hợp đã xẩy ra với một số người được tòa đại sứ Việt Nam cấp chiếu khán, nhưng công an hải quan không cho nhập cảnh với lý do khai lý lịch không rõ nên tòa đại sứ đã cấp nhầm.

Gởi đơn xong, tôi chờ. Ba tuần sau tôi nhận được chiếu khán.

Theo chỉ dẫn của bộ ngoại giao Hoa Kỳ ghi trong hộ chiếu (passport), trước khi lên đường tôi viết thư thông báo bộ Ngoại giao và tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam chuyến đi và thời gian phỏng định ở Việât Nam, và thuê sẵn một luật sư Hoa Kỳ đại diện trong trường hợp cần thiết.

Chuyến bay số 742 của hãng hàng không Vietnam Airlines cất cánh từ Singapore đưa tôi vào không phận Việt Nam lúc 11 giờ sáng ngày 7/5/99. Sàigòn năm nay mưa sớm. Qua khung cửa sổ nhỏ mấy nhánh sông Cửu Long quen thuộc hiền lành uốn mình qua các cánh đồng và rừng cây xanh mướt chung quanh Sàigòn còn đọng nước.

Phi cảng Tân Sơn Nhất không rộn rịp lắm. Số máy bay lên xuống quá ít đối với một thành phố hơn 3 triệu rưỡi người của một nước 76 triệu dân. Kinh tế Việt Nam chưa có dấu hiệu phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1997 như các nước Á châu khác. Hành khách chờ làm thủ tục nhập cảnh đa số là Việt kiều về thăm nhà. Tôi và vợ chồng cô con gái lớn của tôi sắp hàng một trước một cửa ra, chờ công an hải quan xét giấy tờ. Có sáu cửa, mỗi cửa có hai người công an trẻ tuổi làm việc.

Sau khi kiểm tra lý lịch của tôi bằng máy điện toán, một anh công an yêu cầu tôi vào phía trong để được kiểm tra thêm. Phòng trong một đại úy công an nhận giấy tờ, chăm chú nghe anh công an trẻ tuổi tường trình, ra một lệnh nào đó với một nhân viên khác, xong đẩy giấy tờ của tôi sang một bên, tiếp tục làm công việc đang làm, không nói với tôi một lời. Tôi yên lặng đứng chờ. Khoảng nửa giờ sau, một phụ tá mang đến một điện thư. Anh đại úy đọc thật nhanh, kiểm tra các chi tiết tôi đã khai trên đơn xin chiếu khán nhập cảnh và hỏi tôi:

- "Anh rời nước năm nào?" "Năm 1977," tôi trả lời.

- "Anh rời nước bằng cách gì?" Tôi trả lời, " vượt biên."

          "Anh nhờ ai xin chiếu khán này?" Tôi trả lời: "Tôi không nhờ ai cả. Tôi gởi đơn lên tòa đại sứ Việt

Nam tại Hoa Thịnh Đốn và tòa đại sứ đã cấp cho tôi."

Đọc lại đơn của tôi, anh đại úy hỏi: "Về Nha Trang anh sẽ tạm trú tại phường Lộc Thọ như địa chỉ trong đơn xin phải không?" Tôi trả lời: "Vâng, đúng vậy."

Anh đại úy ký vào đơn nhập cảnh bảo tôi cầm lại cửa lúc nãy để ra cửa.

Tôi chính thức đặt chân lên đất nước Việt Nam sau 22 năm xa cách. Ngoài sân phi cảng, anh tôi, vợ chồng hai người bạn thân hồi trung học và mấy đứa cháu đang sốt ruột chờ.

Đường phố Sàigòn không khác xưa. Quán ăn lớn nhỏ khắp mọi nơi, xe gắn máy đủ loại chạy lẫn với xe đạp và xe hơi trong một lối lưu thông tự dàn xếp với nhau mà chạy, tạo nên một quang cảnh và một thứ tiếng động rất "Sàigòn".

Hôm sau tôi dùng xe lửa đêm có gường ngủ đi Nha Trang. Xe lửa có ba giá, một giá dành cho người nước ngoài, một dành cho Việt kiều, và một dành cho dân trong nước. Riêng máy bay có hai giá, một cho dân trong nước, một cho người mang quốc tịch khác. Chính quyền Việt Nam dự định áp dụng một giá chung cho mọi người vào cuối năm nay. Giá mới là trung bình giá đang áp dụng.

Phòng ngủ trên tàu khá tươm tất, ngoại trừ phòng vệ sinh. Các cửa sổ được đóng lưới cứng để tránh trẻ em ném đá hay kẻ gian nhảy lên tàu quẳng hành lý của khách xuống đường lúc tàu sắp tới ga. Lưới sắt không cho phép hành khách nghiêng mình ra cửa sổ ngắm cảnh vật thiên nhiên, làm mất một trong những cái thú đi tàu đêm. Lưới sắt cũng làm cho toa tàu giống như xe chở tù nhân.

Đường hàng không giữa các thành phố lớn trong nước xử dụng các loại máy bay phản lực nhỏ của Aâu châu hay máy bay cánh quạt của Liên Xô. Máy bay dân sự bay đúng giờ và phục vụ tốt. Các cô chiêu đãi xinh đẹp trong chiếc áo mầu xanh dương tha thước phục vụĩ hành khách chu đáo hơn các cô chiêu đãi các đường bay ngắn trên lục địa Hoa Kỳ. Đa số hành khách các đường bay trong nước là người nước ngoài, Việt kiều và một ít viên chức cao cấp của nhà nước. Nó phản ảnh thực trạng kinh tế Việt Nam và của người dân trong nước.

Tại phi cảng quốc tế Tân Sơn Nhất phòng vệ sinh trong khu chờ lên máy bay sau khi đã qua thủ tục nhập cảnh bày ra một cảnh tượng tương phản khó hiểu. Từ phòng chờ tráng lệ với các quầy hàng bán tặng phẩm xinh xắn bước vào phòng vệ sinh hành khách không khỏi ngạc nhiên vì sự xuống cấp của nó. Tôi cố tìm một lý do nhưng không thể tìm ra. Nhà nước chỉ cần tiêu một số tiền nhỏ để có một phòng vệ sinh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Phi cảng quốc tế là bề mặt của một nước.

Khách sạn tại Việt Nam được xây cất nhiều trong thời kỳ kinh tế hứa hẹn đầu thập niên 1990. Nay số du khách nước ngoài giảm theo đà giảm của đầu tư nên kỹ nghệ khách sạn gặp khó khăn. Do đó các khách sạn nâng cấp tiêu chuẩn phục vụ khách, và "khách là vua". Nhân viên phục vụ là các thiếu nữ trẻ tuổi xinh đẹp không bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến, không thắc mắc bạn-thù, quốc gia- cộng sản, kẻ thắng người thua. Họ lớn lên và cắp sách đến trường trong hòa bình, vào lực lượng lao động trong thời kỳ Việt Nam chuyển mình vào kinh tế thị trường nên họ phục vụ khách một cách tươi vui thoải mái không mặc cảm.

Mặc cảm có thể thấy nơi người lớn tuổi. Tại khách sạn Hương Giang bên bờ sông Hương ở Huế có phục vụ "cơm hoàng đế một đêm" diễn lại cung cách lễ nghi vua chúa triều Nguyễn dùng cơm mỗi ngày. Khi vua và hoàng hậu dùng cơm một đoàn vũ công trẻ đẹp như tiên nga nhảy múa, ca hát nhạc cung đình chúc tụng hoàng đế và hoàng hậu ăn ngon, sống lâu. Tôi nghe Nguyễn phước tộc ở Huế phản đối "cơm hoàng đế một đêm" cho rằng chương trình này có tính cách châm biếm vương triều nhưng hình như chẳng ai quan tâm. Cơm hoàng đế vẫn diễn ra mỗi đêm nếu có thực khách sẵn sàng trả giá.

Một hôm tôi ngẫu nhiên được chứng kiến một bữa cơm hoàng đế một đêm. Hoàng đế và hoàng hậu là một cặp vợ chồng trẻ muốn tìm cảm giác lạ. Người chồng vừa nhắm thức ăn vừa dùng điện thoại cầm tay nói chuyện với bạn, gật gù thích thú. Các cô vũ công trẻ tuổi không quan tâm đến sự lố bịch của "hoàng đế", vui tươi ca hát phục vụ tận tình.

Một vị cao niên đóng vai thái giám điều khiển phần giúp vui. Thỉnh thoảng ông ra hiệu cho các vũ công ngừng ca hát để trịnh trọng ngỏ lời chúc tụng. Ông chúc tụng một cách nghiêm chỉnh nhưng nét mặt ông thoáng buồn. Ông nghĩ gì? Có thể ông nghĩ đến sự phi lý của cuộc đời. Nhưng ít nhất sự nghiêm trang của ông cũng làm cho "buổi cơm hoàng đế một đêm" hôm đó bớt sống sượng.

Việt Nam là một đất nước năng động của những người trẻ tuổi. Lớp người thuộc thế hệ tiền chiến biến mất, nhường chỗ cho lớp thanh thiếu niên trưởng thành sau năm 1975. Kinh tế, nôm na là kiếm sống và làm giàu, là ưu tư lớn của giới trẻ. Không ai quan tâm đến chính trị, và chẳng ai quan tâm đến những gì chính phủ làm.

Tôi ở Việt Nam trong dịp có lễ kỷ niệm 45 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/54). Ngoài báo chí viết bài ca ngợi chiến công, còn có các cuộc hội thảo truyền hình của các sĩ quan từng tham gia chiến dịch Điện Biên. Không kể các tướng lãnh tên tuổi tham gia trận đánh như Vương Thừa Vũ, Cao Văn Khánh, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn đã qua đời, hay Trần Độ đã bị trục xuất ra khỏi đảng không tham dự hội thảo đã đành, người ta cũng không thấy tướng tư lệnh chiến dịch là Võ Nguyên Giáp nay tuy trên 80 tuổi nhưng được biết còn khỏe mạnh và minh mẫn tham dự các cuộc hội thảo. Xem hội thảo về Điện Biên Phủ không có tướng Giáp người dân có cảm tưởng như tham dự một đám cuới không có cô dâu. Có một cái gì thiếu tính hợp lý trong xã hội. Đảng cầm quyền một đằng, dân một nẻo như các miếng puzzles không chịu ăn khớp với nhau để thành một hình thù gì có ý nghĩa.

Thông tin nhà nước ít nhắc đến các vị lãnh đạo đảng, ngoại trừ thủ tướng Phan văn Khải, nhưng đảng hiện diện khắp mọi nơi và kiểm soát dân chặt chẽ. Hôm tôi về tới Nha Trang anh tôi mang giấy tờ ra đăng ký tạm trú ở công an phường. Anh sĩ quan công an cười bảo: "Ông dân biểu về rồi đấy hả?" (Từ năm 1971 đến 1975 tôi là dân biểu của thị xã Nha Trang, quốc hội Việt Nam Cộng Hòa). Một ngày sau khi tôi rời Nha Trang vào Sàigòn chuẩn bị trở về Hoa Kỳ, công an phường Lộc Thọ lại đến kiểm tra anh tôi, hỏi thời gian tôi ở Nha Trang tiếp xúc với những ai và nhắn qua anh tôi rằng, "nhà nước cho ông Sơn về là nhà nước ta đã cởi mở lắm đó!" Tại Huế, hôm tôi về nguyên quán ở xã Thành Trung, thuộc huyện Quảng Điền ở phía bắc thành phố Huế chừng 15 km để thăm nhà thờ họ Trần, một thượng úy công an huyện và viên công an xã đã có mặt ở đó chờ tôi. Thượng úy Lê Phương Nam nhã nhặn kiểm tra giấy tờ của tôi và căn dặn, nếu ở lại đêm phải đăng ký với công an xã. Trước khi về làng chị tôi đã cẩn thận thông báo cho thân nhân trong họ ở xã biết trước.

Tôi viếng thăm thủ đô Hà Nội ba ngày. Tôi chưa có cơ hội đặt chân đến Hà Nội trước đây, và những gì thuộc Hà Nội từ văn học, nghệ thuật đến kho tàng lịch sử đều quyến rủ tôi. Tôi ghi danh tham quan Hà Nội theo một đoàn du lịch do Ủy ban thành phố hướng dẫn. Tôi muốn được xem nhiều trong một thời gian ngắn. Người hướng dẫn đưa chúng tôi qua các nơi cần phô diễn như như lăng ông Hồ Chí Minh, viện Dân Tộc Học mới được tổng thống Pháp Jacques Chirac khánh thành năm 1997, sau đó thăm các di tích văn hóa và lịch sử như Văn Miếu/Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc bên bờ Hồ Tây, thành Thăng Long cũ v.v... Người hướng đẫn cố ý không dẫn khách tham quan qua các nơi từng bị dư luận đàm tiếu như khu Thủy Cung Hồ Tây, và đê sông Hồng nơi những người quyền thế đã xây nhà cửa bất chấp sự đe dọa khả năng ngăn nước của con đê.

Tại chùa Trấn Quốc bên hồ Tây tôi đọc được hai câu thơ:

"Gió đưa cành trúc là đà.

Tiếng chuông Trấn Quốc, canh gà Thọ Xương"

viết chữ lớn bằng bút lông mực tàu. Tôi nhớ ít nhất có một văn nhân miền Nam từng viết bài tranh luận quả quyết hai câu thơ là:

"Gió đưa cành trúc là đà.

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà ThọXương"

gợi ý rằng Thọ Xương là tên ngày xưa của làng Nguyệt Biều đối diện với chùa Thiên Mụ bên kia sông Hương để giành hai câu thơ đó cho Huế.

Tò mò tôi hỏi người hướng dẫn về hai câu thơ. Anh đáp, hai câu thơ có từ lâu, ở Hà Nội ai cũng biết, nó liên hệ đến tiếng chuông chùa Trấn Quốc và tiếng gà gáy buổi sáng nơi làng Thọ Xương bên kia hồ. Tôi gặn hỏi, làng Thọ Xương còn đó không, anh đáp, xưa là Thọ Xương, bây giờ cũng vẫn là Thọ Xương, rất tiếc hàng trúc dài hàng cây số bên bờ hồ Tây bây giờ không còn nữa.

Hà Nội bây giờ cũng "ngựa xe như nước, áo quần như nêm," không khác Sàigòn. Hà Nội đã được ưu ái nâng cấp. Đầu tư nước ngoài tại miền bắc giao kèo dễ được ký hơn đầu tư trong nam, và nhà nước qui định dù đầu tư tại đâu, cơ sở đầu tư phải đặt văn phòng liên lạc chính tại Hà Nội. Con đường nối liền Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài dài 35 cây số đã được cải biến thành xa lộ.

Về mặt phát triển, các thành phố được mở rộng. Đường sá về miền quê tương đối được chỉnh tranh cũng như điện lực và điện thoại. Bãi biển Nha Trang từ Xóm Cồn chạy dài đến khu biệt điện cũ trên đồi Chụt (bây giờ gọi là khu Bảo Đại) nhìn xuống hải cảng Nha Trang là một bãi biển đẹp, nước trong vắt, ấm áp dài bất tận không thua kém gì bãi biển Nice ở nam Pháp bên bờ Địa Trung Hải thường được văn nhân ca tụng. Chạy dài theo bãi biển là các khách sạn 3 sao, 5 sao, tiệm ăn đủ loại và cơ sở phục vụ du khách nối tiếp nhau không dứt đắm mình trong làn gió biển mát rượi suốt ngày đêm.

Vòng sau lưng phi trường và căn cứ không quân Nha Trang, một con đường nhựa rộng mới mở nối liền quốc lộ 1 với Bình Tân trước kia là một làng làm nước mắm cá cách biệt với thành phố. Từ Bình Tân một chiếc cầu hiện đại vắt qua eo biển kéo dài đường nhựa qua mật khu và núi Đồng Bò. Mật khu Đồng Bò đã biến thành một khu canh tác xanh rì, đây đó điểm những ngôi nhà mái ngói đỏ rực.

Sự phát triển của Việt Nam thiếu cân đối. Tuy đường sá có phát triển về miền quê nhưng mức sống của dân quê rất thấp. Giới trẻ ở thành thị không quan tâm đến chính trị và không có thì giờ tìm hiểu thế giới chung quanh. Đối với các vấn đề quốc tế họ mặc nhiên chấp nhận quan điểm của nhà nước qua thông tin. Chỉ có một số ít người lớn tuổi có thói quen nghe các chương trình bằng tiếng Việt của đài BBC hay đài Tiếng Nói Hoa Kỳ là có một cái nhìn khá chính xác về các vấn đề quốc tế, và ở một giới hạn nào đó các vấn đề chính trị trong nước. Nhà nước không cấm dân nghe các chương trình bằng Việt ngữ của nước ngoài.

Một thí dụ, giới trẻ trong nước, theo hướng thông tin của nhà nước công kích cuộc oanh tạc Nam tư của NATO cho đó là sự xâm phạm thô bạo chủ quyền của một quốc gia. Họ không biết rằng NATO phải hành động để chận đứng cuộc diệt chủng của Milosevic đối với người gốc Albania gồm 90% dân tỉnh Kosovo chỉ vì họ dám đòi tự trị.

Không có dấu hiệu gì cho thấy người dân tin tưởng vào tương lai của đất nước và của chính mình, kể cả thành phần do cơ hội cởi mở kinh tế hoặc móc ngoặc với người cầm quyền ăn nên làm ra và sống sung túc. Thành phần trẻ được đào tạo trong nước có bằng đại học, có vốn liếng ngoại ngữ và có công ăn việc làm tại các cơ sở quốc doanh quan trọng hay tại các cơ sở đầu tư của nước ngoài đều lăm le muốn bỏ nước ra đi, nhất là đi Mỹ. Đó là một dấu hiệu đáng lo vì nếu thành phần trí thức trẻ tuổi không tin tưởng vào tương lai của chính mình trên đất nước mình thì quốc gia đó không thể vươn lên. Một cuộc xuất huyết chất xám đang âm thầm xẩy ra tại Việt Nam mà chỉ có một chính sách mang lại lòng tin vào đất nước nơi giới trẻ mới chận lại được. Tham nhũng được định chế hóa và sự thiếu dân chủ trên đất nước là hai yếu tố chính làm mất lòng tin của tuổi trẻ.

Hôm cuối cùng trước khi rời Sàigòn tôi và hai người bạn đi xem kịch tại nhà hát lớn Sàigòn, trước kia là tòa nhà quốc hội. Màn kịch mang tên "Đời Mới" gồm nhiều vở kịch ngắn đo một ban kịch từ Hà Nội vào trình diễn. Thành phần xem hát nhìn qua trang phục thuộc tầng lớp trung lưu và có trình độ. Nghệ thuật diễn xuất của các nghệ sĩ cao. Các vở kịch châm biếm viên chức nhà nước, tình trạng y tế trong nước và các tệ trạng xã hội khác. Khán giả xem cười hả hê, nhưng biết rằng đó chỉ là lời nói gió bay đi không có ảnh hưởng gì ngoài bốn bức tường nhà hát.

Ngồi trong phòng đợi tại phi cảng Tân Sơn Nhất chờ máy bay trở về Hoa Kỳ tôi vui buồn lẫn lộn trước những biến chuyển lạc quan lẫn bi quan của đất nước. Buồn nhiều hơn vui. Một li nước có thể đầy một nửa hay vơi một nửa. Nhưng dù lạc quan cũng khó thấy li nước Việt Nam đầy một nửa. Đất nước còn quá nhiều mâu thuẫn.

Chiếc máy bay phản lực trực chỉ Singapore lấy dần cao độ. Nhìn xuống các nhánh sông uốn éo trên đồng ruộng mênh mông xanh mướt khuất dần sau những đám mây trắng tôi không cầm được nước mắt.   (June 1999)


Trần Bình Nam

http://www.vnet.org/tbn