Nếu Tôi là Một Người Cộng Sản

 

Trần Bình Nam

Nếu tôi là một người cộng sản tôi sẽ rất khổ tâm trước tình hình của đất nước. Đại hội thứ 10 của đảng sắp được triệu tập. Hội nghị Trung ương đảng thứ 13 khóa 9 họp trong tháng 1/2006 nói là hội nghị cuối cùng hoàn tất bản báo cáo chính trị và sắp xếp nhân sự lãnh đạo đảng đã không hoàn thành như dự kiến, nay phải có thêm hội nghị trung ương thứ 14, và có ai biết chắc sẽ không có thêm hội nghị Trung ương thứ 15.

Nhưng Đại hội toàn đảng thứ 10 sẽ giải quyết được gì? Tôi không thấy có chương trình gì giải quyết bế tắc của đảng và của đất nước. Bên cạnh những người đang cầm quyền, những đảng viên đang ở ngoài bộ máy quyền lực đã đưa ra nhiều sáng kiến, trong đó có cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Lê Hồng Hà, nhà kinh tế Lê Đăng Doanh. Nhưng hình như mấy vị đó đều đưa ra ý kiến chỉnh đốn đảng và tin rằng chỉnh đốn đảng, đảng sẽ có khả năng chỉnh đốn đất nước. Nhưng tôi không nghĩ nếu để cho các ông Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, Lê Hồng Hà, Lê Đăng Doanh trở lại quyền hành thì tình hình đất nước sẽ sáng sủa hơn. Vì một lẽ đơn giản là nhân sự chỉ là vần đề ngoài da. Cái bệnh của đảng và của đất nước có nguồn gốc sâu xa hơn.

Nếu là một đảng viên cộng sản tôi phải lo lắng cho tương lai của đảng. Nhưng tôi biết một điều là đảng nào cũng vậy, sẽ không có chỗ đứng trong lòng người dân nếu thất bại trong việc làm cho đất nước phú cường. Thất bại, đảng sẽ đi vào lịch sử  như một kẻ phản bội. Và nhìn lại quá trình của đảng trong 30 năm qua tôi không khỏi hãi hùng với viễn ảnh trước mắt.

Từ những ngày chống Pháp giành độc lập đảng đã chiếm được một thế đứng trong xã hội Việt Nam, mặc dù sự tin cậy này phai nhạt dần khi đảng phát động cuộc chiến chống miền Nam để thống nhất đất nước dưới quyền lực của đảng. Sau khi thống nhất đất nước, trong 11 năm đầu (từ 1975 đến 1986) tôi biết đảng không có con đường nào khác hơn là theo chủ thuyết Mác-Lê về tổ chức chính trị và kinh tế, vì đó là cuốn tự điển Mác-Xít đảng có nhiệm vụ lật từng trang để thi hành. Đảng đã có chính sách hà khắc đối với cựu sĩ quan và viên chức của chính quyền miền Nam sau khi chiến thắng, nhưng công bình nhận xét, đảng còn nhẹ tay hơn Stalin, Mao, hay Pol Pot đối với các thành phần trong hàng ngũ bên kia sau khi chiến thắng. Năm 1986 qua đại hội 6, đảng đã quyết định đổi mới chính sách kinh tế trước sự suy sụp của nền kinh tế quốc gia do chính sách kinh tế tập trung, và đã kịp cứu đất nước ra khỏi nạn đói. Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một quyết định sáng suốt của đảng. Tôi cho là một quyết định đúng nhưng không do sự sáng suốt của đảng. Quyết định này có được do ảnh hưởng của chính sách PerestroikaGlasnost của Mikhail Gorbachev, tổng bí thư đảng cộng sản Liên bang Xô viết.

Chỉ trong một thời gian ngắn, nạn đói được giải quyết, và mấy năm sau, trước sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, đảng mở rộng cửa cho đầu tư nước ngoài. Việt Nam bắt đầu đi vào vận hội mới. Nhưng đó chỉ như một con bệnh thập tử nhất sinh được uống trúng thuốc, thoát chết và bắt đầu có da có thịt, nhưng không phải là một cơ thể phát triển bình thường.

Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng sau “đổi mới” đã sống, nhưng sống lăn sống lóc và tiềm năng càng ngày càng suy giảm trước sự tiến bộ vượt bực của những nước chung quanh. Việt Nam thua Nam Hàn, Singapore và Thái Lan đã đành. Việt Nam đang thua Ấn Độ, và sắp thua cả Phi Luật Tân.

Việt Nam mở cửa, một số người “nhanh tay” trở nên giàu có trong đó có không ít đảng viên đang có quyền có thế, nhưng mức sống giữa thành thị và nông thôn càng ngày càng xa cách. Tình trạng y tế và giáo dục xuống dốc. Bệnh viện gọi là công nhưng ai không có tiền không được săn sóc chu đáo. Giáo dục gọi là miễn phí nhưng trẻ em mà bố mẹ không có tiền cho học tư xem như không được học. Đa số thành phần trẻ trong nước không tin vào tương lai đất nước chỉ mong có dịp đi ra nước ngoài làm ăn và xây dựng tương lai. Trong khi đó khả năng quốc phòng suy giảm cực độ. Việt Nam gần như mất khả năng tự vệ trước sức ép của Trung quốc về cả hai mặt lãnh thổ (gồm đất và biển) và kinh tế.

Trước thềm Đại hội 10, đảng hứa hẹn chỉnh đốn nội bộ, tìm nhân sự lãnh đạo tốt, đưa ra kế hoạch năm năm làm căn bản đưa đất nước tiến lên nhưng tôi không thấy một điều gì hứa hẹn như vậy. Chỉ thấy trước mắt một màu đen ảm đạm.

Nếu là một đảng viên tôi muốn được tự hào về đảng của mình. Tôi muốn đảng đóng góp cho sự phú cường của đất nước và có một chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử và trong lòng dân tộc, một chỗ đứng như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi hay Quang Trung. Nhưng trước mắt tôi thấy đảng đã không làm gì để bức phá cái vòng vây vô minh đang vây hãm mình và đảng đang đi vào lịch sử như một đảng hại dân hại nước để lại tiếng xấu muôn đời.

Nếu là một đảng viên tôi không muốn đảng tôi đi vào lịch sử như một kẻ phản bội. Tôi muốn những người đảng viên cộng sản tìm kiếm một con đường cứu đảng qua con đường cứu nước, vì cứu nước là tâm nguyện của mỗi một đảng viên khi đưa tay tuyên thệ gia nhập đảng.

Một số người đòi giải thể ngay đảng cộng sản và thiết lập một chế độ dân chủ đa nguyên. Nhưng đó là một đòi hỏi của quần chúng và trí thức ngoài đảng, không thực tế đối với đảng. Nền hành chánh một nước cần có sự liên tục, nếu có thay đổi phải thay đổi trong cái liên tục đó. Hiện tại bản Hiến pháp quy định đảng Cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo mọi sinh hoạt quốc gia nên toàn bộ bộ máy hành chánh, tư pháp, lập pháp, bộ đội, công an đều ở trong tay đảng nên giải thể đảng ngay tức khắc thì không còn gì khác hơn là rối loạn. Và cho dù có một giải pháp nào cho phép giải thể đảng mà không rối loạn những người đang lãnh đạo đảng cũng không để việc đó xảy ra vì an ninh của bản thân và của gia đình họ. Bất cứ một giải pháp chính trị nào cho Việt Nam cũng cần phải có biện pháp bảo đảm an ninh cho những người đang cầm quyền.

Nhưng vấn nạn là, đảng nắm tất cả sinh hoạt quốc gia nên nước nhà mới đi vào ngõ cụt. Nạn tham nhũng là một. Tôi tin những người có trách nhiệm lãnh đạo quốc gia cũng muốn chống tham nhũng. Nhưng thực tế là chừng nào đảng còn nắm tất cả, trong đó các quan tòa là những đảng viên có bổn phận tuân lệnh đảng thì chừng đó không thể chống tham nhũng. Tham nhũng do định chế mà ra chứ không do con người. Người cầm quyền ở bất cứ quốc gia nào cũng có khuynh hướng lạm dụng quyền hành (như nước chảy xuống), và từ lạm dụng đưa đến tham nhũng. Người cầm quyền chỉ không lạm quyền và không thể tham nhũng khi định chế cho phép kiểm soát lẫn nhau.

Nếu là một đảng viên cộng sản, hướng suy nghĩ tự nhiên của tôi là tìm một giải pháp giải quyết bế tắc chính trị hiện tại thế nào để không đe dọa sự an ninh của những người đang lãnh đạo, giữ sự liên tục của bộ máy hành chánh để duy trì ổn định và không xóa bỏ tư thế một đảng chính trị của đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng trên hết phải là một giải pháp cứu nước, đưa đất nước ra khỏi bế tắc, có khả năng huy động khả năng nơi con người Việt Nam làm cho đất nước phú cường. Và toàn bộ kế hoạch cải tổ phải đặt trên căn bản trọng tài của dân qua bầu cử tự do trong một môi trường tự do ngôn luận.

Trong năm qua, trong không khí chuẩn bị Đại hội 10, tôi thấy nhiều đảng viên trăn trở, đưa ra nhiều ý kiến để cứu đảng. Những thành phần này đòi dân chủ hóa nội bộ, đòi mở rộng Quốc hội cho thành phần đại diện ngoài đảng, đòi đảng khép mình hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật, nhưng không thấy vị nào mạnh dạn đưa ra giải pháp thiết lập một hệ thống chính trị có nhiều hơn là một đảng (ít nhất như ông Ủy viên Bộ chính trị Trần Xuân Bách trước đây). Chính vì thiếu một hệ thống chính trị đa nguyên, có đảng cầm quyền, có đảng đối  lập, đảng cộng sản Việt Nam và đất nước Việt Nam mới rơi vào vòng tròn luẩn quẩn muốn tiến lên mà chỉ thấy thụt lùi. Tình trạng xấu của đất nước hôm nay là vì đảng cộng sản Việt Nam tự đặt mình trên đầu trên cổ của nhân dân, có quyền quyết định tối hậu mọi vấn đề. Nhà nước, quốc hội, tòa án chỉ là những con dấu cao su thi hành các quyết định của Bộ chính trị đảng. Dân chủ hóa nội bộ nếu được cũng chỉ để đảng mạnh hơn và có nhiều cơ hội phạm lỗi lầm hơn và cán bộ đảng lại có dịp tham nhũng hơn. Mở rộng Quốc hội cho thành phần ngoài đảng thì cũng không làm cho quốc hội bớt tính chất của một dấu cao su của đảng. Còn nếu đảng khép mình sinh hoạt trong khuôn khổ luật pháp và Hiến pháp (như phần cuối của Điều 4 Hiến pháp) thì phần đầu của Điều 4 của bản Hiến Pháp rành rành chữ nghĩa xác định rằng đảng cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo theo luật và theo hiến pháp. Một vòng tròn luẩn quẩn cho tay này lấy lại tay kia, không giải quyết được gì cả.

Tất cả các phương thuốc đưa ra trước ngày đảng triệu tập đại hội 10 chỉ là nhưng phương thuốc ngoài da. Thoa vào cảm thấy ấm ấm, êm êm, nhưng vi trùng nằm tận trong lục căn ngũ tạng vẫn tiếp tục tục hoành hành. Con vi trùng đó là Điều 4 quái ác của bản Hiến pháp năm 1992.

Nếu là một người cộng sản tôi mong những người lãnh đạo của đảng tôi can đảm hành động để cứu đảng và cứu dân. Bộ chính trị có thể chỉ thị cho Quốc hội với biểu quyết 2/3 theo điều 147 (quy định thể thức tu chính Hiến pháp) tu chính Điều 4. Điều mới sẽ xác định rằng tại Việt nam có thể có nhiều đảng và đảng Cộng sản là một đảng chính trị như các đảng khác. Ba hay bốn đảng có thể là một con số thực tế tại Việt Nam.

Sau khi Hiến Pháp được tu chính, nền hành chánh của quốc gia vẫn giữ như hiện trạng, nói cách khác là vẫn nằm dưới sự kiểm soát của đảng cộng sản, nhưng Quốc hội (sau khi Hiến pháp được tu chính) sẽ thông qua luật thành lập các đảng chính trị, và luật cho phép báo chí  đối lập xuất hiện, và luật bầu cử Quốc hội.

Nếu là một đảng viên cộng sản tôi không lo đảng sẽ mất đa số trong tân quốc hội. Với phương tiện đảng hiện có trong tay, trong một cuộc vận động tự do, đảng có nhiều may mắn nắm đa số, và đảng tiếp tục cầm quyền, tiếp tục bổ nhiệm chủ tịch nước, thủ tướng và nội các. Chỉ khác là bây giờ đảng cầm quyền hợp pháp (chứ không bị chỉ trích là tiếm quyền bằng vũ lực) và những gì đảng làm đều được dư luận quần chúng qua báo chí tự do phê phán, và thành phần đối lập trong Quốc hội kiểm soát theo luật định.

Một tiến trình dân chủ hóa đất nước sẽ được mở ra. Người dân có cơ hội phát biểu ý kiến và chọn đảng cũng như nhân sự lãnh đạo quốc gia qua bầu cử tự do. Không một người đang cầm quyền nào bị đe dọa,

Nếu cái quá trình này tối hậu thải hồi đảng cộng sản Việt Nam ra khỏi quyền lực thì đảng vẫn còn đó, và đảng vẫn còn cơ hội trở lại quyền hành nếu đảng có chương trình tốt, và đảng nào đó đang lãnh đạo không mang lại tin tưởng cho người dân.

Hủy bỏ điều 4 Hiến pháp chấp nhận đa nguyện chính trị đảng sẽ không mất gì cả, mất chăng là mất tiếng xú uế ngàn đời để lại trong sử xanh, và cái được là một chỗ đứng trong lòng dân tộc.

Hội nghị Trung ương đảng thứ 13 khóa 9 đã qua, và những người có trách nhiệm vẫn chưa có một chương trình cụ thể nào. Hội nghị Trung ương thứ 14 sẽ làm gì, hay vẫn cãi vã, vẫn bế tắc?

Sự toàn cầu hóa kinh tế thế giới và trào lưu dân chủ đang từng bước đi tới. Không ai chờ đợi chúng ta. Đất nước đang khắc khoải. Những người có trách nhiệm hãy nhìn tận vào nguồn gốc của vấn nạn hôm nay mà ban cho đất nước một cơ hội.

Nếu những người trách nhiệm trong đảng không làm gì trong đại hội 10 năm 2006 thì sẽ quá muộn. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ.”

Nếu là một đảng viên cộng sản tôi sẽ rất buồn phiền vì tôi sợ rằng đảng của tôi sẽ ghi khắc trên bia miệng ngàn đời là một đảng phản dân hại nước.

Vẫn còn thỉ giờ, vẫn còn giải pháp, và tôi vẫn còn hy vọng.

Trần Bình Nam

Jan. 24, 2006

BinhNam@sbcglobal.net

http://www.tranbinhnam.com 


Trần Bình Nam

http://www.tranbinhnam.com