Đài Á châu Tự do phỏng vấn Trần Bình Nam

 

Đài Á châu Tự do (Radio Free Asia - RFA) phỏng vấn ông Trần Bình Nam nhân lời tuyên bố của ông Vũ Dũng, Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam, ngày 26/8/2008 với phóng viên báo điện tử VietnamNet, rằng Việt Nam không chấp nhận lời của Trung quốc nói rằng vùng biển Việt Nam đang ký kết khai thác dầu với hãng dầu ExxonMobil là vùng đang còn trong vòng tranh chấp. Cuộc phỏng vấn được phát sóng trong chương trình Việt ngữ của đài RFA sáng ngày Thứ Sáu 29/8/2008 từ 6:30 đến 7:30, giờ Việt Nam.

RFA: Liên quan đến việc hợp tác tìm và khai thác dầu khí của Việt Nam với hãng BP của Anh và hãng ExxonMobil của Hoa Kỳ. Mới đây trong một tuyên bố phát đi từ Hà Nội, thứ trưởng ngoại giao Việt Nam là ông Vũ Dũng cho rằng khu vực lãnh hải mà Việt Nam đang hợp tác với BP và ExxonMobil là thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong khi Bắc Kinh thì cho rằng đó là vùng biển đang có tranh chấp về chủ quyền.

Do đâu mà Hà Nội lại đưa ra lời tuyên bố vào thời điểm này? Việt Hùng có cuộc trao đổi với ông Trần Bình Nam, một nhà quan sát chính trị Việt Nam. Từ tiểu bang California ông Trần Bình Nam đưa ra nhận định.

Trần Bình Nam: Ghi nhận tình hình, chúng ta thấy có một sự chuyển  hướng về chính sách của chính quyền Việt Nam, hay nói cách khác là của đảng Cộng sản Việt Nam. Và nếu theo dõi các diễn biến chúng ta có thể thấy sự thay đổi này bắt đầu từ đại hội 10 của đảng Cộng sản Việt Nam giữa năm 2006. Cuối năm đó lại có cuộc thăm viếng của tổng thống Bush sang Hà Nội, rồi gần đây ông Nông Đức Mạnh đi thăm Bắc Kinh. Tất phải có một sự căng thẳng nào đó, cho nên hai bên mới có đồng ý với nhau thiết lập một đường dây nóng giữa Bắc Kinh và Hà Nội.

Gần đây nhất là ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Hoa Kỳ. Qua cuộc thăm viếng đó chúng ta thấy có một bản thông cáo chung, có những lời lẽ rất rõ ràng khẳng định rằng quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam là một quan hệ chính trị liên quan đến chiến lược, an ninh và quốc phòng. Quan hệ đó là cần thiết để khẳng định sự ủng hộ của chính phủ Hoa Kỳ đối với chủ quyền quốc gia và an toàn lãnh thổ của Việt Nam.

Trở lại câu hỏi của Việt Hùng, tôi thấy rằng lời tuyên bố của ông Vũ Dũng là một dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy có một sự thay đổi hướng chiến lược của chính quyền Việt Nam trong sự bảo vệ lãnh thổ.

Việt Hùng: Nhưng câu hỏi được đặt ra, tại sao phía Việt Nam lại chọn thời điểm này để tuyên bố?

Trần Bình Nam: Trong thời gian có Thế vận hội tại Bắc Kinh mọi người đều biết Trung Quốc sẽ im lặng, không có hành động gì cả. Nhưng sau Thế vân hội thì thế nào Trung quốc cũng bắt đầu thi hành những đường hướng của mình. Đường hướng đó là làm thế nào giành được quyền lợi trên biển Đông, vì biển Đông bây giờ hứa hẹn có rất nhiều dầu khí. Sự tranh chấp này ngấm ngầm từ lâu và Việt Nam cũng đã bắt đầu thay đổi thái độ. Vì vậy cho nên mọi người đều chờ đợi là sau Thế vận hội thế nào cũng có những diễn biến mới. Vấn đề nếu không bên này nêu ra thì bên kia cũng sẽ nêu ra. Trong thời gian tới thế nào cũng có những diễn biến chính trị quan trọng ở biển Đông.

Việt Hùng: Theo như dấu hiệu cho thấy là một số tàu đánh cá của Trung quốc võ trang đã lai vãng quanh khu vực mà trước đây hãng BP bị áp lực của Trung quốc mà phải rút lui khỏi những hợp tác với Việt Nam. Rồi mới đây với lời tuyên bố của ông đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội vào hôm 20/8 vừa qua, ông nói rằng Washington không muốn một ai can thiệp vào những doanh vụ của các công ty Mỹ đang thực hiện các hợp đồng thương mại.

Trần Bình Nam: Tôi nghĩ lời tuyên bố này là để hỗ trợ cho lời tuyên bố ngày 28/7 trước đây của phát ngôn nhân bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rằng việc làm ăn của ExxonMobil tại Việt Nam hoàn toàn hợp pháp. Lần này ông Michael Mikalak tuyên bố một cách rõ ràng hơn và có tính cách gọi là “dằn mặt” hơn khi ông nói Hoa Kỳ không muốn thấy ai can thiệp vào công việc của các công ty Mỹ tại Việt Nam. Tôi thấy đây là một thái độ yểm trợ ExxonMobil, nhưng cũng gián tiếp yểm trợ những động thái của chính quyền Việt Nam. Đồng thời cũng là một nhắn nhủ Trung quốc rằng họ cần phải thận trọng trong những hành động của họ.

Còn việc Trung quốc đưa tàu có vũ trang ngụy trang làm tàu đánh cá đến những vùng mà BP của Anh trước đây định khai thác cùng với Việt Nam (rồi sau khi Trung quốc đe dọa thì BP tạm ngưng) là vì chúng ta nhớ rằng năm ngoái BP nói là thôi, nhưng sau khi ExxonMobil bắt đầu ký giao kèo với Việt Nam thì BP cho biết họ có thể trở lại khai thác những vùng cũ. Việc đó đương nhiên làm cho Trung quốc bực mình cho nên, nếu bây giờ chưa đến lúc họ đụng chạm thẳng với ExxonMobil, thì họ thử áp lực với BP để dò đường. Ngoài biển, khi dùng lực lượng vũ trang nhòm ngó là một thái độ có tính cách đe dọa.

Việt Hùng: Trong những lời tuyên bố có liên quan đến vấn đề biên giới lãnh hải từ các nhà lãnh đạo Việt Nam với Trung quốc thì thường người ta thấy các nhà lãnh đạo Hà Nội rất dè dặt. Nay với lời tuyên bố của ông Vũ Dũng mạnh như vậy, liệu rằng đó có là một sự bức phá trong thế gọng kìm về sách lược mà Hà Nội đã chọn kể từ đại hội lần thứ 10 của đảng Cộng sản Việt Nam không?

Trần Bình Nam: Trong quan hệ với Trung quốc và Hoa Kỳ, Việt Nam hết sức thận trọng. Nhưng dù thận trọng thế nào đi nữa, việc tới nó phải tới, chớ không thể nào ấp úng, ỡm ờ mãi được. Thành ra tôi nghĩ đến thời điểm này thì Việt Nam cũng không thể nào dùng những lời lẽ nhẹ nhàng tránh né hoài. Đến lúc phải bày tỏ một thái độ, thành ra tôi nghĩ ván bài tay ba Trung quốc - Hoa Kỳ- Việt Nam đến một thời điểm nào đó - cuối năm nay hay chậm lắm là vào năm 2009 - mọi sự sẽ phải rõ ràng trên bàn cờ.

Vấn đề là thái độ của Việt Nam, tôi nghĩ dù tuyên bố mạnh mẽ, nhưng trong lâu dài Việt Nam khi nào cũng chọn thái độ vừa đủ mức để không làm cho Trung quốc lấy cớ gây hấn hay tạo ra những phản ứng mạnh mẽ.

Còn về phía Hoa Kỳ tôi thấy Việt Nam cũng có sự dè dặt cần thiết là tại vì rút kinh nghiệm rằng Hoa Kỳ khi yểm trợ một nước nào thì nhiều khi đến một lúc nào đó xong công việc, xong mục tiêu của mình thì Hoa Kỳ cũng có thể thay đổi chính sách đôi khi cũng hơi dễ dàng.

Tôi nghĩ Hà Nội cũng lo lắng về những điểm đó. Nhưng về lâu về dài nếu nhà cầm quyền Việt Nam biết rút kinh nghiệm của sự quan hệ của Hoa Kỳ đối với các nước khác trên thế giới thì sẽ thấy rằng đó không phải là điểm đáng quan ngại. Tại vì muốn quan hệ với Hoa Kỳ trở nên bền vững thì mình phát huy nội lực để cùng Hoa Kỳ làm công tác chung để bảo vệ quyền lợi chung thì Hoa Kỳ đâu có dễ dàng bỏ một ai. Thí dụ như Hoa Kỳ đâu có bỏ Nam Hàn, Hoa Kỳ cũng đâu có bỏ Do Thái. Là vì những nước đó họ có phát huy nội lực của họ. Rút kinh nghiệm đó thì Hà Nội không có gì để sợ, nếu như chính quyền Hà Nội biết phát huy nội lực của mình bằng cách vận động sự yểm trợ của dân chúng đứng sau lưng mình.

Việt Hùng: Thay mặt quý thính giả của đài, xin cám ơn ông Trần Bình Nam./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  


Trần Bình Nam

http://www.tranbinhnam.com