Việt Nam: Trên đe dưới búa

 

Trần Bình Nam

         

Giữa tháng 6/2008, giáo sư Carlyle Thayer cho phổ biến một bản nghiên cứu về chính sách quốc phòng của Việt Nam và phân tích đường lối ngoại giao của Việt Nam để thực hiện chính sách quốc phòng đó (sẽ gọi tắt là chính sách “ngoại giao-quốc phòng”). Tài liệu dài 42 trang cung cấp cho người đọc nhiều dữ kiện hữu ích để hiểu đảng cộng sản Việt Nam đã xoay trở ngoại giao như thế nào từ năm 1975 sau khi thống nhất đất nước cho đến chuyến công du Trung quốc sau cùng của ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tháng 5 năm 2008 vừa qua.

Chính sách “ngoại giao-quốc phòng” của Việt Nam thay đổi từ đại hội 6 năm 1986 của đảng cộng sản Việt Nam, chuyển đổi từ chính sách phát triển chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam rồi ra toàn thế giới sang đặt trọng tâm vào quốc phòng do sự thay đổi đường lối của Gorbachev tại Liên bang Xô viết và căng thẳng với Trung quốc.

 Từ tháng 11/1991 khi Việt Nam tái lập bang giao với Trung quốc (sau trận đánh  biên giới tháng 2/1979) cho đến năm 2004 hoạt động “ngoại giao-quốc phòng” của Việt Nam được tràn ngập bởi các cuộc thăm viếng thân hữu của các phái đoàn quốc phòng. Việt Nam gởi ra nước ngoài 157 phái đoàn và tiếp 207 phái đoàn cấp dưới bộ, nhiều nhất là với 3 nước Trung quốc, Lào và Thái Lan. Các nước khác theo thứ tự gồm Cambodia, Ấn độ, Phi luật Tân, Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Pháp,  Indonesia, Singapore, Cuba, Nhật bản, Úc, Bắc Hàn, Nam Hàn, Mã Lai Á, Ý, Miến Điện, Ukraine, Ba Lan, Slovakia…  Ngoài ra Việt Nam 34 lần đón tiếp bộ trưởng quốc phòng các quốc gia khác và gởi bộ trưởng quốc phòng của mình thăm đáp lễ 40 lần đến 29 quốc gia trên thế giới, trong đó nhiều nhất là Trung quốc và Lào.

Lịch trình trao đổi và thăm viếng dày đặt đó cho thấy sự nóng lòng của Việt Nam trong sự tìm kiếm đồng minh cho quốc phòng. Riêng với Trung quốc để hàn gắn mối quan hệ vừa được thiết lập và với Lào để duy trì ảnh hưởng của Việt Nam tại quốc gia này hầu bảo vệ sườn phía tây.

Ngoài ra Việt Nam không quên thắt chặt mối quan hệ quốc phòng với các nước trong khối Asean sau khi trở thành thành viên năm 1995, nhất là với Thái Lan và Phi Luật Tân. Quan hệ quốc phòng với Thái Lan trở nên dễ thở sau khi Việt Nam rút quân ra khỏi Cambodia, và với Phi Luật Tân do sự tranh chấp chủ quyền trong biển Đông. Qua các quan hệ này Việt Nam nhắm tìm kiếm sự yểm trợ kỹ thuật quốc phòng như sửa chữa và bảo trì vũ khí của các nước như Singapore, Indonesia, Mã Lai Á.

Về trang bị, kho vũ khí của Việt Nam đa phần do Nga chế tạo, và Liên bang Nga vẫn còn bán vũ khí cho Việt Nam (với giá thị trường thanh toán bằng đồng mỹ kim) lên xuống theo nhu cầu và giá cả. Tuy nhiên Việt Nam không còn trông cậy hoàn toàn ở Liên bang Nga như trước. Và Việt Nam tiếp xúc với bất cứ thị trường nào khi cần trang bị thêm vũ khí. Năm 1991 Nga bán cho Việt Nam 1.1 tỉ mỹ kim, đến năm 1992 còn 10 triệu mỹ kim, năm 1994 lên 90 triệu, năm 2003 lên 480 triệu. Năm 1975 Hà Nội thu được một số vũ khí lớn của Việt Nam Cộng Hòa do Hoa Kỳ chế tạo, và vì thiếu bộ phận thay thế nên sau năm 1988 có tin Việt Nam bán số vũ khí đó cho El Salvador, Iran và Miến Điện.

Ngoài Liên bang nga Việt Nam còn mua vũ khí của Ukraine, Ấn độ, Âu châu và một mức độ ít hơn của Do thái, Bắc Hàn, Nam Hàn.

Thời gian từ 1991 đến cuối năm 2006 (trước khi Việt Nam gia nhập WTO) quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Trung quốc tuy thân hữu nhưng không phải không phức tạp. Theo giáo sư Carlyle Thayler Việt Nam thực hiện quan hệ tế nhị này qua quan hệ với khối Asean, và qua quan hệ song phương. Từ năm 1994 Trung quốc thỏa thuận với khối Asean thành lập hai ủy ban: Ủy ban về khoa học kỹ thuật, và Ủy ban kinh tế mậu dịch. Năm 1996 Trung quốc trở thành đối tác chính thức của khối Asean và năm 1997 khối Asean-Trung quốc (Asean-China Joint Cooperation Committee – ACJCC) ra đời.  Cuối năm 2002 Trung quốc đã ký được với khối Asean 3 thỏa ước: (1) Thỏa ước khung về hợp tác thương mãi [Framework Agreement on Comprehensive Economic Cooperation Between Asean and China], (2) Thỏa ước về các vấn đề không thuộc lĩnh vực quân sự [Joint Declaration between China and Asean on Cooperation in Non-Traditional Security Fields], và (3) Thỏa ước về cung cách hành xử và giải quyết các tranh chấp trên biển Đông [Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea – DOC]. Thành công nhất của Trung quốc là thỏa ước DOC ràng buộc Việt Nam như một thành viên của Asean không thể đòi chủ quyền trọn vẹn quần đảo Trường Sa.

Năm 2003 Trung quốc thỏa thuận được với Asean ký thỏa ước “Quan hệ chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng” (Strategic Partnership for Peace and Prosperity). Thỏa ước này nhắm mục đích chận ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong vùng Á châu, Thái bình dương. Đó là lý do làm cho các nước trong khối Asean trở nên dè dặt trong quan hệ quốc phòng với Trung quốc, ngoại trừ Việt Nam và Phi Luật Tân (Việt Nam và Phi Luật Tân có cùng quan tâm lớn đến quần đảo Trường Sa).

Quan hệ quốc phòng song phương giữa Việt Nam và Trung quốc tập trung vào 3 lĩnh vực (1) an ninh vùng, (2) bảo vệ chủ nghĩa xã hội, và (3) an ninh biên giới. Từ năm 1991 sau khi tái thiết lập bang giao Trung quốc bắt đầu gỡ mìn nơi biên giới, và sau khi ký hiệp ước biên giới trên đất liền (12/1999), Việt Nam và Trung quốc bắt đầu cắm mốc (sẽ hoàn tất trong năm nay). Tháng 10/2005 hai nước thảo luận hợp tác sản xuất quốc phòng như chế tạo vũ khí nhỏ, súng đại bác, quân xa, đạn dược và súng liên thanh. Trong năm 2006, hải quân Việt Nam và Trung quốc hai lần tuần hành chung trong vịnh Bắc việt (4/2006 & 12/2006).

Tháng 11/2006 công ty dầu khí quốc doanh Việt Nam (Vietnam Petroleum Corposration – PetroVietnam) ký với công ty dầu khí Trung quốc (China National Offshore Oil Corporation) một thỏa ước khai thác dầu mỏ chung trong vịnh Bắc Việt, sau chuyến thăm viếng Bắc Kinh của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tháng 8 trước đó. Tháng 1/2007 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký văn kiện cho phép PetroVietnam khởi công.

Khởi điểm từ đại hội 10 của đảng cộng sản Việt Nam (4/2006), tháng 11/2006 tổng thống Hoa Kỳ George Bush đến Hà Nội dự hội nghị thường niên APEC, và sau khi Việt Nam vào WTO, có những chuyển biến ngoại giao theo hướng căng thẳng giữa Việt Nam và Trung quốc. Theo ông Alexander Vuving (tiến sĩ khoa học chính trị, thành viên của International Security Program tại trung tâm Belfar, phụ trách nghiên cứu các vấn đề Á châu liên quan đến sự lớn mạnh của Trung quốc) trong nội bộ lãnh đạo tại Hà Nội xuất hiện hai khuynh hướng. Một khuynh hướng bảo thủ (anti-imperialists) cảnh giác chính sách diễn biến hòa bình của Hoa Kỳ, và một là khuynh hướng hội nhập (integrationists) chủ trương hòa mình nhanh chóng vào kinh tế toàn cầu mà Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng.

Tháng 1/2007, trong tinh thần hội nhập, hội nghị 4 Trung ương đảng 4 (khóa 10), đảng cộng sản Việt Nam thông qua quyết nghị giải tư các cơ sở thương mãi của đảng, quân đội, công an và các tổ chức ngoại vi của đảng. Đối với quân đội quyết nghị này làm cho quân đội hao hụt ngân sách cho kế hoạch bảo vệ và phát triển kinh tế vùng biển theo quyết định của đại hội 10. Quân đội Việt Nam lúc đó làm chủ 140 xí nghiệp và đầu tư chung với 20 công ty khác bao gồm sản xuất và xuất cảng cà phê, than đá, áo quần, vật liệu truyền tin, mở bệnh viện và đầu tư chứng khoáng, với tiền lời trong năm 2006 lên đến 2 tỉ mỹ kim tức bằng 3% tổng sản lượng quốc gia.

Chương trình an ninh và phát triển kinh tế vùng biển thông qua tại đại hội 10 quy định phát triển kinh tế biển Đông làm xương sống cho nền kinh tế và quốc phòng Việt Nam. Chương trình này dự trù đến năm 2020 kinh tế vùng biển Việt Nam sẽ đóng góp 55% GDP và  55-60% tổng số xuất cảng. Chương trình này nhắm vào sản xuất dầu mỏ.

Cuối năm 2006, một bản nghiên cứu về chương trình phát triển kinh tế biển đã hoàn tất và trình Bộ chính trị, nhưng đảng không công khai tiết lộ trong Hội nghị Trung ương 4 (khóa 10) đế tránh làm Trung quốc khó chịu. Nhưng theo giáo sư Carl Thayler tình báo Trung quốc có được bản nghiên cứu này và ngấm ngầm cảnh cáo các công ty ngoại quốc rằng nếu liên hệ với Việt Nam khai thác tài nguyên trong vùng biển Đông mà Trung quốc xem là sở hữu của họ sẽ phải gánh chịu hậu quả kinh tế. Trung quốc hậu thuẩn sự cảnh cáo bằng các hoạt động ngoại giao tại các thủ đô và bằng hoạt động quân sự ngoài biển Đông . Đầu năm 2007 khi Việt Nam phản đối (không công bố) việc Trung quốc cắm mốc biên giới tại quần đảo Hoàng Sa (Paracels), Bộ ngoại giao Trung quốc công khai tuyên bố rằng “Trung quốc có chủ quyền không thể chối cãi trên Hoàng Sa, Trường Sa và các quần đảo kế cận”. Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Trung quốc cũng nhắc lại rằng, việc cắm mốc của Trung quốc theo đúng tinh thần của Luật Biển của Liên hiệp quốc (ký năm 1882) và Trung quốc đã làm từ năm 1996 (ý nói - mà không thấy Việt Nam phản đối gì). Vụ việc này đưa đến hội nghị song phương họp khẩn cấp tại Nam Ninh trong 2 ngày 19 & 20/1/2007 trong khi đảng cộng sản Việt Nam đang họp hội nghị trung ương 4 và đi đến sự hòa giải chung chung bằng lời lẽ vô thưởng vô phạt không phản ánh gì tình hình trên thực tế

Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung quốc lên cao điểm vào tháng 3/2007 khi hãng dầu BP của Anh (Bristish Petroleum) đệ nạp Bộ Kỹ nghệ & Đầu tư Việt Nam dự án 2 tỉ mỹ kim thiết lập hai hệ thống ống dẫn khí đốt từ hai khu Mộc Tinh và Hải Thanh nằm phía nam đảo Côn sơn vào bờ để chạy hai nhà hai nhà máy điện BP dự trì xây dựng tại Nhơn Trách (tỉnh Đồng nai). Các khu Mộc Tinh & Hải Thach đều nằm gần khu khí đốt Lân Tây & Lân Đông có ống dẫn khí đốt vào nhà máy điện Phú Mỹ tại tỉnh Ba Rịa do BP thiết lập và hoạt động từ năm 2002.  Ngày 9/4/2007, ông Chủ tịch quốc hội Trung quốc Wu Bangguo gặp Chủ tịch quốc hội Việt Nam Nguyễn Phú Trọng áp lực Việt Nam xét lại quyết định đưa ra quốc hội biểu quyết dự án của BP khai thác khí đốt tại vùng Mộc Tinh và Hải Thanh mà Trung quốc cho là thuộc chủ quyền của mình.

Đồng thời Trung quốc tạo áp lực trên biển. Cuối tháng 4/2007 Trung quốc bắt giữ 4 thuyền đánh cá Việt Nam trong khu Trường sa lâu nay ngư dân Việt Nam vẫn đánh cá. Và sau hậu trường Trung quốc dọa công ty BP nếu duy trì dự án với Việt Nam Trung quốc sẽ hủy bỏ các giao kèo với BP tại Trung quốc. Tháng 6/2007 công ty BP tuyên bố tạm ngưng các thí nghiệm dò tìm khí đốt trong biển Đông để Trung quốc và Việt Nam giải quyết các bất đồng.

Căng thẳng tiếp diễn. Ngày 9/7/2007 hải quân Trung quốc đụng thuyền đánh cá Việt Nam ngoài khơi giữa bờ biển Quảng Nam và Hoàng Sa làm chết một ngư dân. Việt Nam lên tiếng phản đối (nhưng không công bố, và do đài Á châu Tự do tiết lộ). Tháng 11/20007 hải quân Trung quốc lại ngang nhiên tập dượt trong vùng biển Hoàng Sa lấn vào hải phận Việt Nam.

Căng thẳng khác xẩy ra đầu tháng 12/2007 khi quốc hội Trung quốc ra nghị định thành lập thành phố Tam Sa cấp huyện bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam phản ứng bằng cách để cho sinh viên biểu tình tại Saigòn và Hà Nội trong 2 ngày 9 & 16/12/2007. (Trung quốc thành lập thành phố Tam Sa )

Thời gian này Việt Nam ở trong cảnh trên đe dưới búa. Trong các cuộc gặp gỡ với Việt Nam Trung quốc tỏ thái độ hòa giải của một “người anh cả hiền lành” bằng lời lẽ chung chung, nhưng tại hậu trường Trung quốc tạo áp lực ngoại giao và trên biển tạo áp lực quân sự.

Ngày 18/1/2008 theo chương trình, thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ John Negroponte sau khi thăm viếng thường lệ Trung quốc sẽ đến Việt Nam. Trung quốc đã áp lực Việt Nam, và Việt Nam đã hủy bỏ chuyến thăm viếng của ông Negroponte. Trung quốc cho Việt Nam biết nếu tiếp ông Negroponte, Trung quốc sẽ hủy bỏ chuyến thăm viếng Trung quốc đã lên chương trình của bộ trưởng ngoại giao Phạm Gia Khiêm vào các ngày 22-26/1/2008. (Bão tuyết ngoại giao )

Một kế hoạch lớn hơn có tính chiến lược toàn cầu của Trung quốc là thiết lập căn cứ tàu ngầm nguyên tử tại cực nam đảo Hải Nam sát nách Việt Nam được vệ tinh phát hiện vào tháng 5/2008 và làm Việt Nam nhức nhối không ít cảm thấy cái kẹp Trung quốc đang càng ngày càng siết vào sườn.

Cuối tháng 5 (30/5 – 2/6/08) Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đi Trung quốc gặp Tổng bí thư kiêm chủ tịch nhà nước Trung quốc Hồ Cẩm Đào để giải quyết các căng thẳng. Lại thông cáo với những lời lẽ chung chung tỏ tình giao hảo thắm thiết, trong đó vấn đề trọng tâm là biển Đông không hề được nói tới. Chỉ có điều cụ thể nhất cho thấy sự căng thẳng giữa Trung quốc và Việt Nam là sự đồng ý thiết lập đường giây điện thoại nóng giữa hai thủ đô Bắc Kinh và Hà Nội.

Trước ý đồ phóng sức mạnh quân lực của Trung quốc trong vùng Á châu, các nước trong vùng kết hợp với nhau thành hai khối nhưng không tỏ ra kình chống nhau. Một khối gồm Ấn độ, Úc, Nhật Bản, Singapore nghiêng về Hoa Kỳ, khối kia chính yếu gồm Pakistan, Miến Điện ngả về Trung quốc. Các nước Á châu tìm cách canh tân hải quân để tự vệ khi cần dưới chiêu bài hòa bình như chống hải tặc bảo vệ thủy đạo và làm công tác cứu trợ thiên tai bão lụt nếu cần. Hai nước mạnh nhất trong hai khối là Trung quốc và Ấn độ càng thận trọng hơn không để kèn cựa xẩy ra trên biển. Trong khi đó Việt Nam có ít phương tiện để canh tân hóa quân đội và hải quân theo nhu cầu, và sự chọn lựa cũng không dễ dàng. 

Với những diễn biến giữa Trung quốc và Việt Nam từ khi tổng thống Bush thăm Việt Nam và từ khi Việt Nam gia nhập WTO cũng như các chuyển biến trên bàn cờ Á châu trong mấy năm qua giúp giải thích tại sao bộ ngoại giao Hoa Kỳ vẫn quả quyết Việt Nam không đàn áp tôn giáo và không có lý do gì ghi lại Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm (CPC) và quốc hội Hoa Kỳ không thông qua dự luật nhân quyền. Hoa Kỳ muốn đỡ nhẹ Việt Nam trước các khó khăn của Việt Nam đối với áp lực của Trung quốc.

Trong bối cảnh đó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đến thăm viếng Hoa Kỳ và chính thức đàm thoại với tổng thống Bush tại tòa Bạch Ốc ngày 24/6/2008. Nghị trình chính thức ghi rằng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thảo luận với tổng thống Bush về các vấn đề giáo dục, năng lượng, sự thay đổi nhiệt độ bầu khí quyễn và an toàn thực phẩm thế giới. Tổng thống Bush sẽ thảo luận với thủ tướng Dũng về nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do hội hop.

Người ta hy vọng rằng bên trên nghị trình ngoài mặt kia, hai nước sẽ xích lại gần nhau hơn về mặt an ninh chung trong vùng Á châu - Thái bình dương.

 

Trần Bình Nam

June 20, 2008

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

 

Tài liệu tham khảo:

1.     “Vietnam’s Defense Policy and its Impact on Foreign Relations”, documented by Professor Carlyle A. Thayer, Asien-Africa Institut, Universitat Hamburg, Germany June 6-8, 2008

2.     “Into the wide blue yonder”, The Economist, June 7th-13th, 2008

3.    “Vietnam’s prime minister to visit White House”, World News, 17/6/2008

 

 

 

 

  


Trần Bình Nam

http://www.tranbinhnam.com