Testing
Template
Trần Bình
|
http://www.tranbinhnam.com |
Chuyện mạo hiểm của cô bé Abby Sunderland
Trần Bình Nam
Cô bé Abby Sunderland tóc vàng, 16
tuổi, cùng bố mẹ và 6 anh chị em sống ở Thousand Oaks, quận Ventura,
California. Ông bố, Laurence Sunderland làm nghề sửa chữa và đóng thuyền.
Hôm 23/1/2010 cô bé Abby rời bến tàu Marina del Rey thuộc quận
Los Angeles, bang California, một mình lái chiếc thuyền buồm Wild Eyes dài 13 mét, trang bị đầy đủ dự
định chạy vòng quanh thế giới: Từ California vòng xuống Nam Mỹ châu, Nam Phi
châu, băng qua Ấn Độ Dương rồi vượt Thái Bình Dương trở về California.
Anh ruột của Abby là Zac Sunderland 17
tuổi vừa chiếm giải người trẻ tuổi nhất đi vòng quanh thế giới bằng thuyền buồm
cuối năm 2009. Tháng 10/2009 tại Úc châu cô bé Jessica Watson 16 tuổi (sinh
ngày18/5/1993) khởi hành từ Sidney ngày 18/10/2009 cũng bằng thuyền buồm với ý
định giựt giải của Zac. Đó là lý do ngày 23/1/2010 cô bé Abby (sinh ngày
19/10/1993) rời bến Marina del Rey với quyết tâm chiếm giải quán quân người trẻ
tuổi nhất đi vòng quanh thế giới một mình bằng thuyền buồm. Khi rời bến Jessica
Watson được 16 tuổi 5 tháng, trong khi Abby mới 16 tuổi 3 tháng 4 ngày!
Sau 4 tháng 17 ngày một mình ngoài
biển, Abby đã chạy xuống Nam Mỹ, vòng quanh Cape Horn, vượt nam Đại Tây Dương
đến Cape Town, vòng Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) và vào giữa tháng 6 lênh đênh theo gió
giữa Ấn Độ Dương. Trên đường
Abby đã ghé lại cảng Cabo San Lucas,
Mexico 3 ngày (từ 2/2 đến 6/2) để sửa chữa thuyền. Và trước khi vào Ấn Độ Dương
ghé Cape Town, Nam Phi 16 ngày (từ 5/5 đến 21/5) để sửa chữa máy lái tự động
(autopilot).
Ngày Thứ Năm 10/6/2010 lúc 7:00 sáng
khi thuyền Wild Eyes đang chạy giữa
Ấn Độ Dương thì sóng và gió đánh gãy cột buồm.
Được điện cấp cứu chính phủ Úc thuê
một máy bay của hãng hàng không Qantas Airways bay rà suốt vùng biển phía Tây
và các tàu đánh cá viễn duyên thuộc nhiều quốc tịch trong vùng đều ra sức giúp
tìm kiếm. Trong suốt 2 ngày thuyền của Abby vẫn còn phát ra điện báo nhưng
thuyền không buồm không lái, máy định vị bất khiển dụng người ta không biết
Abby đang trôi dạt về đâu, và thuyền có thể bị sóng biển lật úp bất cứ lúc nào.
Trong khi thế giới đang ra sức tìm
kiếm Abby, dư luận tại Hoa Kỳ chê trách bố mẹ Abby, ông Laurence và bà Marianne
đã để con gái còn quá nhỏ làm một việc nguy hiểm. Ông Laurence chống chế rằng
Abby 16 tuổi nhưng Abby không phải là con nít đối với việc đi biển. Từ năm 13
tuổi Abby đã một mình mang thuyền đi giao cho khách và trong 16 năm tuổi Abby
sống trên thuyền hơn nửa thời gian đó. Biển cả, sóng gió là môi trường thử
thách yêu thích của Abby.
Ông Laurence nói tuổi của Abby không
liên hệ gì đến việc đã xẩy ra. Abby đã một mình vượt qua mũi Cape Horn, Nam Mỹ
nơi những thủy thủ dày dạn trên thế giới cũng không muốn qua lại nhiều lần.
Abby đã an toàn vượt qua mũi Cape of
Good Hope (Nam Phi) một vùng đầy chướng
khí chứng tỏ khả năng đi biển của Abby. Và nếu bão tố trên Ấn độ Dương không
đánh gãy cột buồm thì ai sẽ trách vợ chồng chúng tôi. Và chuyện sóng đánh gãy
cột buồm thì có liên quan gì đến tuổi. Dù vậy, nhiều người chủ trương đưa ông bà Sunderland ra
tòa về tội đặt con nít vào chỗ nguy hiểm.
Hôm Thứ Bảy 12/6, máy bay của hãng
hàng không Qantas thấy thuyền của Abby trôi dạt trên biển tại một nơi cách phía
Tây Úc đại Lợi 3.700 km. Được thông báo, chiếc Ile de la Reunion, một
tàu đánh cá viễn duyên của người Pháp đang đánh cá gần đó đã cho một chiếc bè
cao su chạy bằng máy đến cứu Abby vào lúc 3 giờ chiều sau 20 giờ chơi vơi giữa
đại dương. Abby bỏ lại chiếc yatch
gãy cột buồm lên bè cao su và sau đó lên tàu Ile de la Reunion an toàn.
Abby nói chuyện với bố mẹ 20 phút. Bà
Marianne nói: “Abby có vẻ mệt, giọng trầm nhưng không quên khôi hài với mẹ” Bà
Marianne sắp sinh đứa con thứ tám, con trai, trong vòng 2 tuần lễ, đã chọn tên
là Charlie. Và Abby “pha trò” với mẹ rằng, thuyền con gãy cột buồm làm mẹ lo,
chắc đẩy thằng Charlie ra đời sớm hơn. Ông Laurence cho biết Abby bị trầy da
đây đó nhưng không thương tích.
Trên Ile de la Reunion, Abby viết vào blog của mình: “Vấn nạn của tôi là một cái dài và một cái ngắn: một
làn sóng biển quá dài, và một cột buồm bị gió đánh gãy còn quá ngắn. Và danh từ
“crazy” của Anh ngữ diễn tả mọi sự
tốt xấu một cách thích hợp nhất. Abby thuật lại rằng một đợt sóng “crazy” cao 8
mét phối hợp đứng lúc với gió đã đánh gãy cột buồm của cô.
Ile
de la Reunion tạm ngưng đánh cá đưa
Abby về quần đảo Kerguelen, một trung tâm hẻo lánh dành cho các nhà khoa học
nghiên cứu về biển. Tại đó một chiếc tàu sẽ đưa Abby về đảo Reunion dự trù đến
nơi vào cuối tháng 6. (Đảo Reunion là một hòn đảo thuộc Pháp gần đảo
Madagascar, tây Ấn Độ Dương, nơi đây Pháp đã lưu đày vua Thành Thái -1907, và
vua Duy Tân – 1916.)
Nếu bà Marianne chưa sinh Charlie, ông
Laurence sẽ đi đón Abby. Chưa biết khi nào Abby trở về Thousand Oaks. Nơi cổng
nhà Abby ở một góc đường yên tĩnh ở Ventura đã có hàng tá bong bóng đủ màu và
một biểu ngữ lớn “Thank God Abby’s Alive!” chờ cô bé Abby.
Trước những chất vấn của dư luận càng
lúc càng nhiều, ông Laurence nói dù biết Abby đủ bản lãnh vượt trùng dương, ông
cũng đã khuyên Abby thận trọng. Ông kể cho Abby nghe sự hung dữ của biển cả tại
Point Conception… Nhưng – ông nói – có
thể sau khi Jessica Watson bên Úc lên đường thì Abby không chần chờ nữa. Abby
muốn giựt giải người trẻ tuổi nhất vòng quanh thế giới một mình bằng thuyền
buồm .
Biết bố mẹ đang bị dư luận chỉ trích
Abby viết trên blog “Tôi không biết
đên tuổi nào hay thời đại nào thì không còn sóng gió và bão táp? Thực tế là tôi
gặp bão. Có ai băng qua Ấn Độ Dương mà không chờ đợi ít nhất là một trận bão!
Ai định đi vòng quanh thế giới bằng thuyền dù ở tuổi nào, tháng nào, thời tiết
nào cũng phải chuẩn bị gặp bão như là người bạn đường bất đắc dĩ”
Trả lời phỏng vấn của đài radio Úc
ABC, Abby nói sóng lớn phối hợp với gió mạnh 60 hải lý một giờ làm nghiêng
thuyền đã xô ngã cô 4 lần. Lần cuối khi thuyền trở lại vị trí thăng bằng thì
sóng lớn tiếp đến đánh gãy cột buồm. Cột buồm làm bằng fiber không gãy lìa chúc đầu xuống nước. Abby nói cô không chặt dứt cột buồm dùng phần chìm
trong nước để giữ cho thuyền khỏi bị lật úp.
Hỏi có sợ không Abby nói cô lo nghĩ
cách nào giữ cho thuyền khỏi lật nên không có thì giờ để sợ. Và cô thêm: “Tôi
biết sợ hãi và lo âu không giúp được gì được trong hoàn cảnh đó.”
Abby đi theo một con đường khác với
đường Zac đã đi. Zac gặp may chuyến đi tương đối bình an. Trong khi Abby gặp
gió to, bão lớn, và một lần xuýt gặp bọn cướp biển.
Ông bà Sunderland nói trở về nhà việc
ưu tiên của Abby chắc là chống cơn buồn phiền vì cuộc mạo hiểm bất thành thì ít
mà bỏ mất người bạn quý, chiếc Wild Eyes,
cô đơn ngoài biển thì nhiều.
Khi được hỏi Abby cần học bài học gì
qua chuyến đi thất bại này, ông Laurence trầm ngâm và trả lời: “Phải chi Abby
chạy chệch về hướng Bắc thêm 1o nữa, đường đó gió thường nhẹ hơn.
Bà mẹ thì triết lý: “Người tính nhưng
trời định. Đó là điều cốt lõi trong mọi công cuộc mạo hiểm của con người”./.
Trần
Bình Nam
June 17,
2010