BÊN SÔNG Ô LÂU

 

Trần Văn Sơn

Nam, Sang và Vạn, ba người học một trường. Trong những năm kháng chiến chống Pháp trường trung học Trần Cao Vân tại Thanh Hóa qui tụ những thành phần sinh viên ưu tú từ nhiều gia đình cấp tiến trên đất nước về học. Hà Nội vào, Huế, Quảng Trị ra.

Nam thuộc gia đình trung nông. Thân sinh của Nam có một thửa ruộng ba mẫu tại huyện Triệu Phong do cụ cố để lại. Ông cày cấy mỗi năm đều đặn hai mùa, một mùa khô và một mùa lúa ướt đủ hoa lợi  nuôi ba người con, hai trai một gái. Nam là con đầu. Quen nếp sống nông thôn, đất đai của mình mình làm mình sống nên thân sinh của Nam không quan tâm đến vấn đề chủ quyền quốc gia. Ông nghe nói người Pháp bảo hộ nước Việt Nam nhưng đó không phải là điều làm ông nghĩ ngợi. Chung quanh ông là quan huyện, ông chánh tổng, ông lý trưởng rồi đến tuần đinh ai cũng có thể hách dịch với một nông dân như ông. Một hôm ông ngà say sau buổi tiệc cưới của cô cháu gái ông chữi đổng ông lý trưởng hách dịch, ông lý trưởng cho tuần đinh trong làng bắt và cùm ông một đêm tại điếm canh trong làng. Nội vụ đưa lên tỉnh và ông được thả ra theo lệnh của ông công sứ Lavignon, bãi miễn mọi vi phạm nhẹ về hình trong năm đó. Tại Quảng Trị đang có nhiều hoạt động chống chính phủ bảo hộ nên Pháp muốn mua chuộc dân. Sau vụ đó ông tìm hiểu và biết rằng ông huyện, ông chánh tổng, ông lý trưởng chỉ là cấp thừa hành của bộ máy cai trị của người Pháp. Đầu năm 1947 khi Pháp tái chiếm Việt Nam ông cho Nam, lúc đó mới 16 tuổi, thoát ly gia đình. Nam vào lớp tám, hệ trung học mười năm trường Trần Cao Vân.

        Sang nhỏ hơn Nam hai tuổi, Ông cụ thân sinh xuất thân là giáo viên tiểu học huyện Vĩnh Linh bên kia sông Thạch Hãn. Mẹ Sang là thứ nữ của quan tuần vũ Quảng Trị. Bà gặp cha Sang trong một dịp cha Sang được quan đốc học tỉnh phái đến tỉnh đường làm thông ngôn cho quan khâm sứ  khi ngài khâm sứ thanh sát tỉnh. Cuộc gặp gỡ dẫn tới tình yêu và hôn nhân. Tuy làm rễ quan tuần vũ cha Sang là người có chí hướng. Năm quân Pháp trở lại tái chiếm miền Trung, ông gởi Sang theo một người chú ruột ra Bắc. Đến Thanh Hóa, ông chú nhận một công tác khẩn cấp phải đi ngay, gởi Sang vào trường Trần Cao Vân nhờ một đồng chí coi sóc.

        Vạn cùng quê với Nam ở Triệu Phong, trạc tuổi Sang. Vạn mồ côi cha được bà dì ruột mang về Huế nuôi cho ăn học. Sau cách mạng tháng 8, Vạn làm đoàn trưởng đoàn thiếu niên tiền phong thành phố Huế. Sau ngày toàn quốc kháng chiến Vạn làm liên lạc viên cho ông Lê Tự Đồng khi  các đơn vị của ông Đồng bao vây quân Pháp đóng tại Huế. Khi mặt trận Huế vỡ đơn vị ông Lê Tự Đồng kéo ra bắc Huế, ông Đồng gởi Vạn ra Thanh Hóa tiếp tục học.

        Cùng quê, cùng hoàn cảnh, và có cùng ước nguyện học thành tài gia nhập giải phóng quân theo chân các bậc đàn anh đánh Pháp, nên Nam, Sang và Vạn thân nhau như anh em ruột tuy học khác lớp nhau. Nam học hơn Sang và Vạn một lớp. Ngoài 20 giờ một tuần ở trường Nam, Sang và Vạn ít có thì giờ với nhau, họa hoằn mới có cơ hội rũ nhau ra một cánh đồng nhỏ cạnh trường chơi bóng đá. Ngoài giờ học Vạn lên rừng lấy củi kiếm tiền ăn học. Nam may mắn hơn, kèm dạy tư cho nhà bà Liễu, một gia đình còn phong lưu từ Huế ra. Sang thì giúp trông coi đường tải gạo từ quê lên tỉnh cho các đơn vị đồn trú tại Thanh Hóa.

       

Thanh Hóa ai cũng biết gia đình bà Liễu. Bà có ba cô con gái đẹp. Lan, cô chị, và hai cô em Kim và ngân. Từ Huế ra trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến bà Liễu mua một căn nhà tại một khu vắng vẻ của thành phố, trên đường Hàng Thông, hai bên đường trồng toàn thông. Nam dạy kèm ở nhà bà Liễu qua sự giới thiệu của một giáo viên trường Trần Cao Vân. Lần đầu tiên đến nhà bà Liễu - số 44 Hàng Thông – để nhận dạy kèm cho Lan, Nam thấy một ngôi nhà gạch mới được tu sửa như mới. Cỗng nhà có hai cánh cửa gỗ hé mở đủ ra vào. Qua một chiếc sân đất rộng bước lên mấy bậc thềm lủng lẳng mấy lẵng hoa lan đã hết mùa chỉ còn lá xanh nho nhỏ tủa thẳng lên trần hiên. Bước vào phòng khách, trần nhà cao thoáng mát. Sau phòng khách là các phòng ngủ và sau nữa là nhà bếp. Mỗi cô gái của bà Liễu có một phòng ngủ riêng vừa dùng làm phòng học. Phòng bà Liễu rộng hơn, cửa trông ra cửa phòng của các con. Từ phòng khách nhìn ra cổng hai cây thông lớn vi vu theo gió, lá thông nhỏ như những sợi chỉ mầu vàng nhạt có bàn tay tinh nghịch nào cắt ngắn rãi trên sân nhà, nhiều chỗ còn thấy rêu phong. Sau lưng nhà qua một patio lợp bằng lá kè là một thửa đất rộng cỏ lác đác mọc được giới hạn  bởi một hàng cau dưới gốc là những bụi hồng già đủ màu sắc trồng lẫn lộn với hoa dâm bụt đỏ. Sau hàng cau là một đường mương cạn phân ranh với vườn nhà bên.

Bà Liễu được giới chức thành phố kính nể. Không biết ông Viên chồng bà Liễu làm gì, thỉnh thoảng thấy ông cỡi ngựa về thăm nhà trong chốc lát rồi ra đi, có một vệ sĩ cũng cởi ngựa đi theo, và một viên  chức thành phố tháp tùng. Trước chiến tranh ông là chủ một xưởng đúc lớn ở Huế. Năm 1945 ông lãnh nhiệm vụ đúc tiền cho chính quyền mới, và từ năm 1946 ông lo việc sản xuất vũ khí cho quân đội giải phóng. Người ta đồn người Pháp lùng bắt ông rất dữ. Vốn là chủ lò đúc, ông để dành được một ít tiền của nên sinh hoạt gia đình bà Liễu thoải mái. Người con trai thứ, Hùng, được gởi sang Liên xô học lái máy bay. Cô Trà, trưởng nữ, đi du học tại Pháp trước năm 1945. Bà Liễu sống với ba cô con gái xấp xỉ tuổi nhau tại Thanh Hóa. Lan 15, Kim 13 và Ngân 12 tuổi. Ba cô nổi tiếng là ba bông hoa của thành phố. Ở Thanh Hóa, 44 Hàng Thông còn có nghĩa là những người đẹp ở đường Hàng Thông.

        Lần đầu tiên gặp Lan, Nam thấy Lan đẹp một cách kín đáo, vừa mời gọi, vừa xua đuổi. Nam cảm thấy tự hào được làm thầy của Lan và tự hứa sẽ đem hết khả năng chỉ dẫn Lan. Năm ấy Lan học lớp sáu trung học. Nhưng, ngay từ phút đầu, như một linh tính, Lan dè dặt đối với Nam. Thái độ của Lan có một chút kiểu cách. Lễ độ, quý trọng những giờ Nam đến giảng bài, hỏi những gì cần hỏi và chăm chú nghe Nam trả lời, nhưng Lan không lộ vẻ cung kính thường thấy giữa thầy và trò. Lan ý thức được vị trí  của mình.

        Lan thông minh, học đâu nhớ đó và Nam nghĩ Lan không cần một người kèm dạy. Nhưng Nam không xin thôi. Những giờ đến 44 Hàng Thông trở thành sinh hoạt hằng tuần không thể thiếu đối với Nam. Tính ít nói, dè dặt nơi Lan bao phủ quanh Lan một cái gì bí hiểm cần khám phá, càng lúc càng kích thích tính tò mò của Nam. Giữa những lúc giảng bài thỉnh thoảng Nam hỏi Lan về trường, về lớp, về bạn. Lan trả lời vừa đủ không để hé lộ một tình cảm gì đặc biệt. Nam nghĩ Lan có một đời sống nội tâm phong phú, có cá tính mạnh và biết kềm chế hơn là một thiếu nữ vô tình. Tình cảm của Nam cứ vậy nảy nở theo thời gian.

Một hôm Lan hỏi một bài toán khó, Nam đang suy nghĩ chọn một cách giải thật gọn thì Lan đã tìm được cách giải. Nam khen Lan thông minh. Lan phấn khởi mang chuyện thân phụ kể cho Nam nghe như ngầm bảo nàng hấp thụ sự thông minh của cha. Nàng kể chuyện cha đã sáng chế nhiều kiểu súng mới biến cải từ loại súng mousqueton của Pháp, đã sáng chế một thứ ngòi nổ mới của lựu đạn làm cho sác xuất nổ của lựu đạn rất cao. Hồi đó lựu đạn hay bị tịt ngòi không nổ làm cho nhiều chiến sĩ vây đánh quân Pháp tại khách sạn Morin phải bỏ mình. Pháp biết ông Viên là một nhà sáng chế giỏi nên khi kéo quân từ cửa Thuận An lên giải tỏa thành phố Huế Pháp đã bỏ tiền mua tin tức và phái một trung đội  chuyên công tác lùng bắt ông. Lan kể lại có một lần ông bị lộ trong khi đang chờ tiếp liên tại làng Kế Môn để đi Quảng Bình, một đơn vị Pháp đến bao vây làng. Ông núp trong hầm bí mật đào dưới một bụi rậm và nghe rỏ tiếng lá khua sột soạt khi mấy nguời lính Pháp đi qua vừa quơ súng vào bụi vừa nói chuyện. Nam lơ đãng nghe Lan kể chuyện, cố tìm ra một chút tình cảm dành cho mình trong câu chuyện của cha nàng.

Bà Liễu dành nhiều cảm tình cho Nam. Thỉnh thoảng bà mời Nam ở lại ăn cơm tối và tạo không khí để Nam và Lan có thể trò chuyện thân mật với nhau. Bà biết trong những giờ kèm bài cho Lan không khí giữa hai người có một chút gì căng thẳng. Bà biết con gái của bà tính tình hiền lành, nhưng kiêu kỳ và tự hào quá đáng về gia đình. Thấy các cô con gái lớn lên bà nghĩ đến tương lai của các con. Thời chiến tranh, thứ tự giai cấp của xã hội thay đổi, cái giá trị của một người con trai không còn là dòng dõi, giàu sang, của chìm của nổi mà ở nơi ý chí và phong độ. Bà thấy Nam có đủ cả hai. Đẹp trai, con nhà nghèo, thoát li gia đình sớm, học giỏi. Mùa hè năm 1948, Nam lãnh giải thưởng học lực và hạnh kiểm lớp chín trường Trần Cao Vân cả thành phố Thanh Hóa ai cũng biết. Nếu trời đất xui khiến hai đứa thương nhau thì bà cũng được yên tâm. Ngoài Lan bà  còn hai cô gái khác ở nhà phải lo chưa nói đến cô gái lớn đang học ở xa.

 

Tháng năm, thành phố Thanh Hóa nóng như lửa. Hôm nay Thứ Bảy giảng bài xong Nam sắp về thì trời đổ mưa. Cơn mưa chiều ào ạt  đổ xuống chỉ trong chốc lát nước đã đầy đường mương sau nhà. Nam đang phân vân thì bà Liễu nghiêng đầu vào cửa phòng hé mở nói:

“Trời còn mưa, cháu ở lại ăn cơm, rồi xem có gì giảng thêm cho em, tối hãy về.”

Lan định nói với mẹ Lan không cần giảng thêm, nhưng nhìn qua cửa sổ thấy mưa còn nặng hạt nàng im lặng.

Nam do dự một chút trả lời:

“Dạ, hôm nay cháu cũng rảnh, Lan cần gì thêm thì cháu giúp.”

Cơm xong Nam và Lan vào phòng học. Bà Liễu kéo nhẹ cánh cửa cho kín hơn để tránh gió cho con gái. Hiểu ý mẹ, Lan nói với Nam:

“Có mấy cuốn sách ba cho em để trên kệ sách, thầy lấy mà đọc, sách hay lắm. Em có cái áo đan dở.”

Nói xong Lan cúi người kéo cái giỏ may dưới chiếc bàn học. Nam nhìn Lan. Cái ót trắng ngần của Lan lấm tấm tóc mai. Chiếc áo sơ mi trắng dài tay bó sát lưng để hằn lên đường viền của chiếc nịt vú cũng mầu trắng. Trong giỏ may có một tà áo len mầu bót-đô còn dính vào hai que đan bằng nhựa mầu hồng. Lan bỏ thêm mấy búp len vào giỏ, mặc thêm chiếc áo len tay dài mầu xanh thẩm, kéo một chiếc ghế mây để sát cửa sổ nhìn ra vườn, ngồi xuống đan áo.

Nam hơi lúng túng, đẩy cánh cửa hở thêm một chút, bước lại kệ sách của Lan lướt mắt rồi nhẹ nhàng kéo ra cuốn Phan Bội Châu của Trần Thanh Mại đến ngồi nơi chiếc ghế thường ngồi giảng bài cho Lan đọc sách.

Mưa tạnh dần, nước mương sau nhà chảy róc rách, khí trời dịu hẳn, nhưng Nam không thấy thư giản. Sự im lặng của Lan làm Nam khó chịu.

“Lan đang nghĩ gì?” Nam tự hỏi.

Câu hỏi cứ ám ảnh những trang sách Nam đang đọc. Giữa hai người bỗng nhiên có một sự xa cách ngột ngạt Nam chỉ mong chóng trôi qua, trả lại cho Nam những buổi giảng bài thường lệ hằng tuần để Nam được ngồi bên cạnh Lan nghe thấy bộ óc Lan vận dụng theo dõi lời giảng của Nam.

Ghi dấu trang đang đọc, gấp sách lại, Nam ngước đầu nhìn Lan. Làn gió mát sau cơn mưa thổi nhẹ qua cửa sổ làm tóc Lan bay lòa xòa trước trán. Nam hỏi:

 “Em đan áo cho Ba hả? Mầu bót-đô em chọn đẹp quá”

 “Không, Ba có đủ áo dùng. Em đan áo cho chiến sĩ bảo vệ thủ đô,” Lan ngừng đan, ngẫng đầu nhìn Nam trả lời, không lộ vẻ ngạc nhiên, như đoán trước câu hỏi của Nam.

 “Quân Pháp đã chiếm Hà Nội, quân ta đã rút lên Việt Bắc, đâu còn thủ đô mà bảo vệ.” Nam cắt lời.

Không ghi nhận sự hậm hực trong câu nói của Nam Lan nói:

“Người chiến sĩ lên Việt Bắc đã lâu và cần áo cho mùa đông sắp đến. Anh ấy là Dũng, người chiến sĩ bảo vệ Ba.”

“Mầu bót-đô rất hợp với khung cảnh mùa đông của rừng núi Việt Bắc.” Nam nói không suy nghĩ, mở cuốn sách đọc tiếp. Những dòng chữ nhòa dần trên trang sách.

Nam gặp Dũng một lần khi ông Viên về thăm nhà cách đây hai tháng, vào một hôm Nam đang giảng bài cho Lan. Dũng tuổi độ hai mươi. Mặc áo chẽn bộ đội chính qui, mang súng ngắn, hùng dũng khi xuống ngựa trước ngõ, cột ngựa dưới gốc thông, đẩy nhẹ cánh cửa giúp ông Viên kéo ngựa vào sân. Nghe tiếng ông Viên, Lan bỏ phòng học chạy ra sân. Nam bước theo. Ngoài sân bà Liễu, Kim và Ngân đang xúm xít quanh ông Viên. Dũng im lặng mĩm cười hài lòng nhìn các cô tíu tít quanh ông Viên như một người anh nhìn đàn em khi ông vừa xoa đầu vừa hôn vào mái tóc của các cô con gái. Nam thoáng thấy, qua vòng tay của ông Viên, Lan nhìn Dũng một cách thán phục như thèm khát đời sương gió của người chiến sĩ trẻ tuổi. Nam thấy mình nhỏ bé bên cạnh Dũng.

Nhìn ra cửa sổ mưa đã tạnh. Nghe tiếng guốc bà Liễu ngoài nhà Nam gấp cuốn sách đẩy nhẹ vào kệ sách, với tay lấy cặp sách, nhìn Lan như muốn nói lời từ biệt. Lan nghiêng đầu nhìn Nam. Nam đẩy cửa lách ra ngoài, chào bà Liễu rồi nhảy lên xe đạp đạp nhanh ra cổng. Trời vừa tối. Những vì sao lấp lánh ẩn hiện trên bầu trời sau mấy nhành thông. Qua đường Hàng Thông, Nam rẽ vào đường Nguyễn Công Trứ hai bên là những thửa ruộng còn đầy nước, tiếng ễnh ương nghe như tiếng vọng từ âm phủ.

Nam suy nghĩ mông lung về đến nhà lúc nào không hay. Nam không nhầm lẫn được sự vô tình của Lan dành cho mình. Nam lan man ý tưởng đi xa, đi thật xa, thử thách với định mệnh và để quên. Để nguyên quần áo Nam lên chiếc giường tre kéo vội chiếc mền bông đã cũ đắp ngang mình. Nam không ngủ được, tiếng gió sau cơn mưa đập phành phạch vào phên nhà, mơ màng thấy mình khoác tay nhau đi chơi với Lan trên một cánh đồng đầy hoa hổ ngươi, mỗi lần đạp chân qua, cánh lá xanh xanh  nhỏ li ti e lẹ khép lại làm Lan cười khinh khích thích thú. Qua một mô đất Lan mất thăng bằng té về phía Nam. Nam đưa hai tay đở thân thể của Lan lòng tràn ngập hạnh phúc. Lan tránh đôi tay của Nam, cả hai mất thăng bằng ngã lăn trên bãi cỏ còn ẩm mùi sương. Nam tỉnh lại, mồ hôi ướt đẫm trán. Chỉ là một cơn mơ, dấu ấn của một nổi thất vọng vu vơ. Nam nằm đó mà người như đã xa cách với thành phố Thanh Hóa, với hàng thông luôn luôn vui đùa trước gió như ngã ngớn chào đón Nam mỗi lần Nam đến giảng bài cho Lan. Những ngày vui đã hết. Lan chỉ là một hình bóng. Nàng đang mơ những chuyện anh hùng, đang dệt lụa may áo cho người lý tưởng phương xa, đâu còn lòng dạ nào để ý đến tình cảm của ông thầy nghèo dạy kèm nhà nàng để ăn học. Cái giai cấp người ta đang chủ trương cởi bỏ vẫn còn là một thứ ngăn cách giữa con người.

 

Học chưa xong lớp mười Nam nộp đơn thi và trúng tuyển vào trường bách khoa trung cấp Tuyên Quang, ngành xây dựng. Tuyên Quang là vùng giải phóng. Từ Thanh Hóa muốn đến Tuyên Quang phải lên thượng lưu sông Mã, băng qua Hòa Bình, Phú Thọ, rồi ngược hướng bắc.

Hai năm nay Nam không kèm Lan nữa. Nam giúp ông chủ tịch xã Bắc Sơn gần thành phố khai phá mấy mẫu đất của xã. Những ngày trần mình dưới nắng làm Nam nhớ những ngày giúp cha làm ruộng ở Triệu Phong và giúp Nam quên.

Trước khi lên đường Nam đến thăm bà Liễu. Gặp Lan. Lan vừa độ dậy thì, như trái cây mới chín. Lan mặc đồ bộ may bằng lụa mỏng mầu đen tuyền đủ để ẩn hiện chiếc áo lót bên trong, một thứ lụa ít khi Nam thấy thiếu nữ Thanh Hóa mặc. Mầu lụa đen làm cho nước da trắng trên khuôn mặt Lan trộn lẫn với ánh nắng chiều xuyên qua cửa phòng khách ửng lên một mầu hồng nhạt như vừa được đánh một lớp phấn mỏng. Mái tóc dày mềm mại của Lan lưa thưa rủ xuống trán, phía sau kẹp gọn gàng phủ xuống chiếc cổ vừa độ no tròn. Lan đi đôi guốc sơn đen quai nhung làm nổi bật đôi bàn chân trắng của Lan trên nền gạch. Lan chuyện trò với Nam như tiễn một người anh sắp đi xa, trên môi giữ một nụ cười  thân mật. Nam cảm thấy vui vì lối trang phục của Lan và thái độ của nàng là một lời nhắn kín đáo Lan hiểu tình cảm của Nam dành cho nàng.

Đưa Nam ra cổng bà Liễu an ủi Nam. Bà khéo trách Lan. Nam biết bà thành thật. Nhưng bà có thể làm được gì khác hơn là bảo đảm một cuộc sống đầy đủ và bình yên để các con gái bà có thể sống với những ý tưởng lãng mạn của chúng. Bà hiểu nổi buồn của Nam, nhưng bà không giúp được Nam. Bà không muốn ép con.

 

Đến Tuyên Quang, Nam gặp Vạn đang học ngành nông nghiệp tại đó. Một năm nay Nam không thấy Vạn đến trường.Vạn không nói gì với Nam trước khi đi. Nhưng Nam không thắc mắc. Thời kháng chiến, kẻ đến người đi. Thanh Hóa là thị trấn nổi riếng nhiều gián điệp của Pháp nên kín miệng là tốt. Nam thỉnh thoảng gặp Vạn ở nhà bà Liễu. Vạn nói có họ hàng với gia đình bà Liễu.

        Gặp Vạn, Nam cảm thấy nhẹ nhõm. Những ngày nơi chốn rừng núi Tuyên Quang sẽ bớt cô đơn.

Vạn nói, thật ra Vạn không có họ hàng gì với bà Liễu. Vạn theo đuổi Ngân, cô gái thứ ba của bà và khai họ hàng để lui tới cho dễ.

Thấy Nam chú ý đến câu chuyện, Vạn tiếp:

“Nhân một dịp đi Lăng Cô tắm biển mình gặp Ngân và mấy người bạn của cô ta đang nghỉ mát ở đó. Một buổi sáng trời trong xanh, nắng chưa lên, trên bãi cát trắng tinh mình thấy ba thiếu nữ  đi lại phía mình như  ba nàng tiên bỗng xuất hiện giữa chốn trần gian. Cô nào cũng quần dài trắng áo dài trắng, nón Huế nghiêng nghiêng che tóc thề như đi học, nói cười ríu rít giả vờ như không thấy mình. Cô đẹp nhất chính là Ngân. Sau này mình biết thêm gia đình mình có quen biết với gia đình của nàng. Ông bà Viên gốc Kim Long. Không biết bà Liễu và mẹ mình bà con thế nào, nhưng bà hay gọi mẹ mình bằng dì  đưa mình lên ngang hàng với bà, và mấy cô con gái của ông Viên tự nhiên gọi mình bằng cậu. 

“Vì công tác ở Huế quá bận rộn, nhất là sau khi một số đơn vị Pháp lên đóng tại khách sạn Morin, mình không còn thì giờ để nhớ đến chị em nhà bà Liễu. Ra đến Thanh Hóa tình cờ mình biết gia đình ông Viên cũng đã tản cư ra đó. Mình tìm tới thăm - có lần gặp cậu đang kèm cho Lan chị của Ngân ở đó. Bà Liễu tiếp mình như một người cùng quê, còn Ngân lần nào thấy mình tới cũng bước ra “thưa cậu, mời cậu vào chơi.” Tiếng thưa cậu làm mình cụt hứng. Mỗi khi lấy lại được bình tỉnh mình nhắc khéo đến buổi gặp gỡ bất ngờ trên bãi biển Lăng Cô và tâm sự đeo đẳng đến tận thành phố Thanh Hóa thì Ngân cười hồn nhiên, tưởng như cậu Vạn đang nói tới một trong những người bạn của cô. Mình chán Thanh Hóa trước khi xong trung học đệ nhất cấp cũng vì vậy. Lợi dụng trường bách khoa Tuyên Quang tuyển học năm thứ ba trung học cho trường canh nông mình nộp đơn thi và trúng tuyển. Ra đi bỏ lại sau lưng thành phố Thanh Hóa và hình ảnh người thiếu nữ đó thật là buồn.”

Vạn ngừng kể, nhìn thật sâu vào đáy mắt của Nam rồi tiếp: “Nam biết không? Trong số bạn của tụi mình Sang là người có phúc phận nhất. Kim, chị của Ngân thương hắn mà hắn làm như không biết.”

 

Sang là học sinh hay vắng mặt ở lớp. Trường có chế độ riêng cho Sang do ông Tâm, tỉnh ủy viên trưởng ty kinh tế Thanh Hóa, người bạn của ông chú của Sang sắp xếp với nhà trường để Sang vừa học vừa giúp ông trong công tác thu mua lúa gạo. Sang vắng mặt một tuần ba ngày để về miền quê công tác trong đường dây thu mua thóc do ông Tâm phụ trách. Thanh Hóa là nơi thu mua lúa để phân phối cho hai vùng kháng chiến phía bắc gồm Nam Định, Ninh Bình và vùng Quảng Bình, Quảng Trị phía nam.

        Sang gặp Kim trong một buổi trình diễn văn nghệ tại làng Hòa Vân, ngoại ô Thanh Hóa. Hôm đó đoàn văn nghệ học sinh trường nữ Thanh Hóa nhập với đoàn văn nghệ tỉnh đi ủy lạo chiến sĩ bị thương đang dưỡng bệnh tại bệnh viện Hòa Vân. Đoàn thu mua của Sang đang có mặt tại chỗ và phối hợp với đoàn văn công tỉnh do anh Phan phụ trách giúp vui. Anh Phan trước kháng chiến là một nhà viết kịch nổi tiếng tại Hà Nội, nhân cơ hội có Sang và Kim là hai nam nữ học sinh thành thị đã sáng kiến phóng tác tại chỗ một vở kịch phỏng theo chuyện dài Tiêu Sơn Tráng Sĩ. Sang đóng vai Phạm Thái, Kim đóng vai Quỳnh Như. Vỡ kịch diễn phần đầu của mối tình đầy nước mắt lúc Phạm Thái trên đường lưu lạc tá túc tại nhà quan tổng đốc tỉnh Lạng Sơn, cha của Quỳnh Như. Yêu Quỳnh Như, Phạm Thái ra đi mang hình ảnh của người yêu trong trái tim rực lửa đấu tranh.

Sang vốn nổi tiếng về môn văn và là một người có tài diễn xuất bẫm sinh. Sang hòa nhập vào hình ảnh của Phạm Thái và diễn xuất một cách tuyệt vời làm cho các thương binh khóc sướt mướt, tình yêu bừng dậy trong mỗi trái tim, cùng với tình yêu quê hương và sức sống trai trẻ chỉ muốn lên đường giết giặc. Kim cũng lột được tâm trạng của một thiếu nữ đài các đa tình trong vai Quỳnh Như, nhưng không khỏi bị lu mờ trước tài năng của Kim trong vai Phạm Thái.

        Buổi  văn nghệ thay đổi cuộc đời của Kim. Hòa mình với khung cảnh của sân khấu trước sắc đẹp quyến rủ của Kim trong vai Quỳnh Như, Sang cao hứng biến đổi những lời anh Phan soạn sẵn thành những câu nói bóng bẫy mà Kim có cảm tưởng như những lời Sang lợi dụng cơ hội để nói riêng với mình. Nhưng đối với Sang chỉ là nghệ thuật. Sang chỉ muốn vở kịch thành công.

Trở về Thanh Hóa, Kim và Sang tìm gặp nhau. Nhưng Sang không đi sâu vào mối tình thắm thiết của Kim. Mối tình giữa hai cô cậu học sinh trung học trẻ tuổi có một vẻ đẹp khác thường trong không khí kháng chiến. Những lúc Kim bày tỏ tình yêu thì Sang nói đến tình cảm đối với quê hương và trái tim dành cho cuộc đấu tranh giành độc lập như một lời hứa đợi chờ. Sang mơ tưởng những vùng đất xa vời, Mạc tư Khoa, Đông Đức, Tiệp Khắc, và mơ màng đến những nơi xa lạ hơn như Paris, Geneve, Nữu Ước ... Sang xem tình cảm Kim dành cho mình là một ân huệ để đó. Sang không xua đẩy đi nhưng cũng không đưa tay nhận lấy.

Xong trung học cấp 2, Sang tham gia đoàn văn nghệ lưu dộng quốc gia đi trình diễn từ vùng Cao Bằng Lạng Sơn cho đến tận những vùng trong đồng bằng châu thổ sông Hồng chung quanh Hà nội. Hoàn tất công tác với nhiều bằng khen thưởng, Sang được ông Tâm và ông Viên vận động đi Tiệp Khắc học.

         

Chiến cuộc trở nên ác liệt. Pháp được sự trợ giúp dồi dào của tổng thống Mỹ Eisenhower, đã nâng cấp sân bay Quảng Trị từ đó phát xuất những cuộc không kích càng lúc càng dữ dội vào thành phố Thanh Hóa. Ủy ban kháng chiến Thanh Hóa ra lệnh sơ tán. Gia đình bà Liễu bỏ Thanh Hóa lên vùng Tam Điệp mua một thửa đất dựng nhà để sống. Lan kết hôn với Công, một  bác sĩ đang công tác tại đó sau khi biết Dũng không còn nữa. Dũng tử trận trong một cuộc phục kích của quân Pháp khi một mình bám một ổ đại liên chận đường truy kích để cho ông Viên thoát thân. Ngân thoát ly nhập đoàn thanh niên xung phong, và trở thành người nữ đại diện tỉnh Thanh Hóa chỉ huy đoàn dân công tỉnh.

 Trong một chuyến tiếp tế chiến trường Điện Biên đoàn dân công của Ngân có nhiệm vụ tải bộ phận rời của đại bác bị không quân Pháp chận lại tại đèo Hòa Bình. Vì nhu cầu chiến trường Ngân quyết định chọn một đêm không trăng cả đoàn vượt đèo. Ngân dẫn dầu doàn dân công và nàng đã bỏ mình khi hằng loạt phi cơ được chỉ đường bằng trái sáng đã ồ ạt bỏ bom và nả đại liên khi Ngân đang ở trên đỉnh đèo. Ngân hy sinh, nhưng đoàn dân công và bộ phận đại bác cần thiết cho các đơn vị trọng pháo Điện Biện đã vượt qua.

Riêng Kim, chiến cuộc không làm cho nàng ra khỏi giấc mộng Phạm Thái, Quỳnh Như. Sang đi Tiệp Khắc không một lời từ biệt, không thư từ, và nàng sống trong mong chờ. Trong một lá thư  ông Viên cho biết Sang sau khi đỗ bằng tiến sĩ triết học tại Viện triết học Mác-Lênin ở Prague đã trở về Việt Nam và đang phụ trách giảng huấn cho cán bộ cao cấp tại trường đảng tạm thời hoạt động trong vùng Hòa Bình vừa được giải phóng.

        Từ Hòa Bình về Thanh Hóa công văn quan trọng được chuyển bằng ngựa phát một tuần một lần. Thư tín tư nhân chuyển bằng xe đạp thồ phát hằng tháng. Mỗi tháng là một ngày chờ đợi của Kim. Kim có thư đi nhưng không có thư trở lại. Ý tưởng quyên sinh như Quỳnh Như  nhiều lần hiện đến với nàng trong giấc ngủ, nhưng Kim không nở để mẹ đau khổ vì cái tang của Ngân còn nóng hỗi.

Xong năm cuối cùng của trung học, thấy sức khỏe của Kim không tốt  bà Liễu không cho nàng đi học xa nhà. Lan đã theo chồng vào công tác ở Khu 5; ông Viên cũng ít về vì nhu cầu chiến cuộc; sức khỏe của bà mõi mòn, bà cũng cần có người sớm tối bên cạnh. Ngôi nhà số 44 Hàng Thông tươi vui đầy sức sống của tuổi trẻ vào những ngày mới vỡ mặt trận bỗng trở nên hiu quạnh. Thỉnh thoảng người ta thấy bà Liễu đi chợ một mình. Và Kim hay vắng lặng ngồi một mình bên bờ sông Mã.

       

Sau ngày Điện Biên Phủ thất thủ, cuộc kháng chiến toàn quốc chuyển mình.

Một hôm ông Viên ghé nhà thăm bà Liễu và Kim. Ông là chủ nhiệm một đoàn chuyên viên đi từ đồng bằng sông Hồng xuống Bình Trị Thiên có nhiệm vụ bố trí chuyên viên chế tạo vũ khí theo nhu cầu của tình hình mới.

Bà Liễu nói với ông Viên:

“Ông phải làm gì giúp con, nếu không Kim nó chết mất. Ông có thể khéo léo cho Sang nó biết tâm trạng của con không? Ít nhất ông cũng đã giúp anh ấy đi du học.”

Ông Viên nói: “Còn tự ái gia đình. Tôi biết Sang từ khi ở Tiệp Khắc về có được thư của Kim và biết tâm sự của Kim, nhưng lòng anh ấy dững dưng thì mình làm sao được. Tôi giúp anh ấy đi học vì muốn đào tạo nhân tài cho đất nước. Hơn nữa bây giờ anh ấy là nhân vật quan trọng của trường đảng, nói chuyện tình cảm lúc này với anh ấy là trái chính sách. Anh ấy có mộng lớn và sẵn sàng gạt một bên chuyện cá nhân. ”

        Ông Viên suy nghĩ nhiều. Trong đoàn chuyên viên của ông có nhiều kỹ sư tốt nghiệp ở  Nga và Đông Đức. Ông có thể sắp xếp và bố trí cho một người rễ tương lai ở lại công tác tại chỗ. Ông chọn Vĩnh, chuyên viên về hầm hố chống bom. Vĩnh là con một cán bộ người Tày tại tỉnh Lạng Sơn. Ông chết trên quốc lộ 4 trong chiến dịch giải phóng Cao-Bắc-Lạng. Chính phủ nâng đỡ Vĩnh, người con trai duy nhất của ông và gởi Vĩnh du học Đông Đức.

Bà Liễu sắp xếp một bữa cơm chiều thân mật. Vĩnh là người duy nhất trong đoàn được mời. Trong bữa cơm ngoài hai ông bà Viên chỉ có Kim và Vĩnh. Vĩnh hiểu cảm tình đặc biệt thủ trưởng dành cho mình. Kim đẹp, và dưới khuôn mặt buồn dồn nén bao nhiêu ngày tháng mong chờ làm cho Kim càng đẹp. Vĩnh cố làm cho Kim vui, hỏi chuyện học hành, sở thích. Kim nói chuyện tự nhiên với Vĩnh như nói chuyện với một người anh. Nhưng Kim chỉ nói về Sang, về người thanh niên có tài về văn chương, hội họa, kịch nghệ và bây giờ là giáo sư trường đảng. Nàng không dấu tình cảm của nàng dành cho Sang. Vĩnh biết Sang trong thời gian du học tại Đông Âu. Hai người gặp nhau khi các nghiên cứu sinh học ở Tiệp Khắc và Đông Đức được tổ chức đi thăm thành phố lịch sử Leipzig. Sang là sinh viên xuất sắc nổi tiếng Đông Âu. Vĩnh còn nhớ dáng dấp của Sang và sức thuyết phục tiềm ẩn nơi khuôn mặt lúc nào cũng sẵn sàng hội nhập với khung cảnh chung quanh nhưng không quên giữ một nét riêng cho mình. Anh dung hòa mà trầm tỉnh, mang một chút tự kiêu tin tưởng ở tài năng của mình. Vĩnh thấy Sang là một thứ nam châm của phái yếu, những thiếu nữ đa cảm như Kim. Vĩnh không hiểu tại sao Sang có thể vô tình trước một bông hoa như Kim. Vĩnh biết một điều, Sang có nhiều tham vọng. Và bây giờ Vĩnh biết thêm quả tim của Kim không dành cho ai khác hơn là Sang.

Nhận định được hoàn cảnh, Vĩnh giữ đủ độ thân mật và quan tâm đến Kim để đáp lại lòng tốt của gia đình ông Viên. Với một chút cố gắng Vĩnh có thể được ông Viên bố trí ở lại công tác ở Thanh Hóa. Nhưng Vĩnh không muốn. Vĩnh không muốn giành một quả tim đã chọn người để hiến dâng. Vĩnh mong bữa cơm chóng xong để chàng có thể chuẩn bị ngày mai lên đường. Vĩnh không ác cảm với Kim nhưng Vĩnh thấy nơi Kim có một cái gì yếu đuối đáng thương hại.

 

Ba mươi năm sau.

Gia đình Sang, Nam và Vạn gặp nhau tại thành phố Hồ Chí Minh trong một đại hội hằng năm của các cựu học sinh trường Trần Cao Vân lớp 46-52. Học sinh Trần Cao Vân lớp 46-52 chết hơn một nửa trong chiến tranh. Những người sống sót đa số đều có gia đình và địa vị trong xã hội. Buổi họp do Kính, thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, một cựu học sinh Trần Cao Vân tổ chức tại khách sạn Majestic nằm bên bờ sông Sài gòn. Majestic là một khách sạn trước kia dành riêng cho các phái đoàn quốc tế và báo chí nước ngoài, bây giờ thuộc quản trị của thành ủy dùng làm nơi tiếp các phái đoàn quốc tế và trung ương.

        Sang, Nam và Vạn giới thiệu các bà vợ với nhau. Hân vợ Sang, trẻ hơn Sang chừng mười tuổi. Sang phụ trách trường đảng từ năm 1960  cho đến năm 1975 biệt phái tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, sau đó ở lại công tác cho đến năm 1980, trở về Hà Nội làm việc trong Ban Bí thư trung ương đảng. Sang gặp Hân trong một dịp về Huế phụ trách một khóa chỉnh huấn cho cán bộ cao cấp. Hân là sinh viên năm thứ tư đại học Huế ngành khoa học tự nhiên được trường phái đến lo chương trình du ngoạn cho các giảng viên ở xa. Trong một cuộc du ngoạn bằng thuyền máy ngược dòng sông Hương đi thăm lăng tẩm của các vì vua triều Nguyễn, Sang chú ý đến Hân. Bằng một giọng đặc Huế làm cho người sinh trưởng ở xứ Huế đi lâu xa trở về cũng phải ngỗnh đầu lại, Hân giải thích tường tận lịch sử lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn nằm hai bên bờ sông Hương. Trên đường về, thuyền ghé chùa Thiên Mụ giải khát. Lời thuyết minh củaHân còn

 

thu hút tâm hồn Sang, cả hai đứng tần ngần dựa bờ thành chùa Thiên Mụ trông xuống sông Hương đang cuồn cuồn chảy phía dưới quên cả đoàn du khách đã xuống thuyền và đang chờ đợi người hướng dẫn. Trở về Hà Nội Sang viết thư cho Hân. Một năm sau lễ cưới được cử hành tại Huế khi Hân vừa tốt nghiệp đại học. Sang và Hân được hai con.

        Kể chuyện cuộc đời mình xong, Sang quay qua hỏi Tiên, vợ Nam:

“Anh chị đã được mấy cháu?”

Tiên, một thiếu phụ trông trẻ như mới dậy thì, ngước nhìn Nam. Nam khuôn mặt đượm nét phong sương, nhưng còn tráng kiện trông rất xứng đôi với Tiên. Thay lời Tiên, Nam thong thả kể lại cho hai bạn cuộc đời mình.

        Sau khi tốt nghiệp cán sự  xây dựng, Nam sung vào đoàn công binh nhiệm vụ chính là duy trì đường sá để bảo đảm cho luồng tiếp vận từ Trung quốc, và sau đó tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Bị thương ở chiến trường, Nam được đưa lên Việt Bắc dưỡng bệnh trong hai năm. Sau khi bình phục Nam trở về Hà nội, bấy giờ đã được giải phóng và công tác tại bộ Xây dựng.

Thời gian mới giải phóng, đường liên lạc với miền Nam qua cảng Hải Phòng chưa đóng, tại Hà nội vẫn còn vài tiệm nhảy mở cửa như níu kéo thời gian. Nhớ Lan, Nam tìm đến các tiệm nhảy mua vui. Tại tiệm nhảy Lido trên đường Bà Triệu, Nam mê Tầm, một cô gái nhảy quê Bắc Ninh. Ở trong đôi tay của Tầm dưới ánh đèn mầu và nhạc nhảy Nam không kiểm soát được mình. Và hai người có một đứa con gái với nhau. Nam định cưới Tầm, nhưng Tầm đã theo một thanh niên khác bồng con vào Nam trên chuyến tàu há mồm cuối cùng rời Hải Phòng.

Sau năm 1975 Nam được chuyển vào Huế giữ chức vụ trưởng khu công chánh phụ trách ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên. Nam vào Sài gòn nhiều lần cố ý tìm con nhưng không gặp. Bạn bè cho biết Tầm đã mang con di tản ra nước ngoài. Tại Huế Nam kết hôn với Tiên con một thương gia bị phá sản sau vụ đánh tư sản mại bản của chính phủ mới. Tiên là hoa khôi của Huế. Nàng mới có 18 tuổi khi lấy Nam.

        Sang quay sang nhìn Vạn hỏi: “Còn bạn?”

Sang biết Xieng Kra vợ của Vạn là người  Lào nói tiếng Việt rất giỏi. Vạn gặp vợ khi cùng công tác tại Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp tại Vạn Tượng năm 1970. Vạn được phái sang làm cố vấn nông nghiệp cho chính phủ Lào.

        Vạn kể lại rằng sau khi tốt nghiệp cán sự canh nông tại trường bách khoa Tuyên Quang, Vạn được phái lên vùng Lao Kay, Lai châu phụ trách các dự án dẫn thủy nhập điền ở đó. Sau một thời gian Vạn được gởi sang Vân Nam để tu nghiệp thêm về kỹ thuật dẫn thủy nhập điền miền núi. Chương trình trường canh nông Tuyên Quang chú trọng nhiều vào lối canh tác miền xuôi. Ở Lao Kay Vạn kết hôn với Vịnh, con gái đầu của ông Tỉnh, thủ trưởng khu canh nông miền Tây Bắc. Ông Tỉnh người Việt gốc Trung hoa. Ảnh hưởng của hai dòng máu Vịnh đẹp và đa tình. Vạn có hai con với Vịnh. Thời gian Vạn tu nghiệp ở Vân nam, Vịnh buồn, bỏ Vạn để đi theo một người cố vấn Trung quốc. Trở về Lao Kay, Vạn ở vậy nuôi con cho đến khi đổi sang Vạn Tượng và gặp Xieng Kra. Kể xong Vạn nhìn Kra. Kra cười hồn nhiên.       

Trên sân khấu ca sĩ Hồng Vân đang hát bài Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao. Ba người bạn kéo nhau ra quầy lấy rượu và không ai bảo ai kéo đến một góc phòng cạnh một chiếc cửa sổ lớn có chắn kính trông ra bờ sông. Hân, Tiên và Kra kéo ghế xích lại gần nhau.

Trời đã tối. Bên kia bờ Thủ Thiêm đèn đã lên phản chiếu ánh sáng trên mặt nước sông Sài Gòn đục ngầu hắt lên bầu trời đầy mây như báo trước một cơn giông.

Tiếng hát thánh thót của bài nhạc trữ tình đưa Nam, Sang và Vạn về những kỷ niệm xa xưa.

        Vạn hỏi Nam:

“Cậu có tin tức gì về mấy chị em Lan và Kim không?”

Không chờ Sang, Nam trả lời Vạn:

“Nghe đâu Kim đã có mấy đời chồng. Và chỉ ở với mỗi người một thời gian. Cô ấy không thể sống một mình nhưng lại bị bệnh dị ứng  đàn ông. Năm 1954, khi bộ đội vào tiếp thu Hà Nội, Kim xin mẹ về Hà Nội chơi, rồi lén về Hải Phòng vào Nam”

 Kể đến đó Nam ngước mắt nhìn Sang ngầm hỏi có biết gì thêm về Kim không.

        Sang thở dài chậm rãi:

“Cố đô Huế với dòng máu lãng mạn của bao nhiêu đời quan lại tội lỗi đã tích tụ nơi người thiếu nữ bất hạnh đó”

Sang nói tiếp rằng từ miền Bắc về Huế Sang được một người bạn cho biết năm 1975 Kim theo một viên chức của tại tòa đại sứ Mỹ tại Sài gòn di tản qua Mỹ và hiện nay đang sống tại New York. Vẫn sống một mình và không có con cái.

        “Còn Lan?” Vạn lại  hỏi.

Nam kể rằng: khoảng năm 1953 bác sĩ Công chồng Lan ngoại tình với một y tá trẻ tuổi người Hà Nội công tác tại bệnh viện Khu 5 và Lan bỏ Công. Hình như Lan có một con với Công, giao cho ông nội săn sóc. Sau năm 1975 Lan vào Nam và sau đó được Trà, chị ruột ở Pháp bảo lãnh qua Pháp. Lan tái giá, không có con và nghe đâu  cũng không có hạnh phúc gia đình.

        Ba ly rượu vừa cạn. Ngoài cửa sổ cơn giông bắt đầu tới. Ba người bạn nhìn nhau như cùng một ý nghĩ: nếu giòng đời trôi theo một lối khác thì cuộc đời của Lan, Ngân và Kim có khác gì không? Hay giữa Quảng Trị và Huế cứ tiếp diễn những mối tình trắc trở bất tận như tình sử bên sông Ô Lâu của công chúa Huyền Trân.

Mưa rơi nặng hạt. Cơn mưa quen thuộc ồ ạt chóng tàn của chiều hè Sài Gòn.

 

Trần Văn Sơn

July 17, 2003

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com