Bệnh tưởng và thuốc men
Trần Bình Nam
Một hôm tôi hỏi một
người bạn: đường trong máu bao nhiêu, cholesterol
bao nhiêu, ông ta nói ông không biết. Tôi ngạc nhiên hỏi thế thỉnh thỏang bạn không
kiểm soát sao? Ông nói: Không! Kiểm soát làm gì để thêm lo. Tục ngữ Việt Nam có
câu “bói ra ma, quét nhà ra rác” thì khám bệnh ra bệnh thôi. Một người bạn khác
của tôi có một người vợ để ý từng dấu hiệu bất thường trong cơ thể và tham khảo
ý kiến bác sĩ gia đình, bác sĩ chuyên khoa và bất cứ bạn bè nào và dùng đủ
thuốc nam, thuốc bắc, thuốc tây để chống lại bất cứ thứ bệnh tưởng tượng nào.
Tuổi bà trong khoảng 60, trông có sức khỏe và mỗi ngày bà uống ít nhất 5 hay 7
thứ thuốc tây và vài ba loại thuốc bắc, thuốc nam.
Theo
bà Shannon Brownlee trong một bài báo đăng trên tờ tuần báo Washington Post National Weekly Edition
số ngày 7-13/4/2008 thì cả hai trường hợp đều quá đáng. Người bạn tôi khi biết
bệnh phải đi bác sĩ thì có thể đã quá muộn. Còn bà vợ bạn tôi cũng có thể chết
vì thuốc. Theo bà Brownlee cách tốt nhất là quan tâm vừa phải và đừng lo lắng
thái quá .
Bà
Brownlee kể trường hợp cá nhân của bà. Trên 50 tuổi, tráng kiện, không hút
thuốc, mỗi ngày đi bộ năm ba cây số, chơi tennis
và đôi khi thắng những tay vợt 40 tuổi là thường. Thế nhưng một hôm đi lên một
con dường dốc bà thấy hụt hơi và bà đâm lo. Bà tự hỏi: “Có phải đây là dấu hiệu
của một heart attack không? Không lẽ.
Mình khỏe mà. Nhưng biết đâu. Sách báo thường cảnh giác có nhiều phụ nữ trung
niên, sức khỏe tốt vẫn bị heart attack
mà.”
Có
thể đa số chúng ta đều có những lo lắng và thắc mắc như bà Brownlee. Thấy đau
đau nơi vùng ngực, không biết vì acid
trong bao tử hay máu cơ tim không đủ đây. Thấy nhức đầu, không biết vì áp huyết
cao hay dấu hiệu của stroke? Gia đình
bà Brownlee khi có dịp gặp bạn bè thường bàn luận về chính trị, khoa học, tôn
giáo và con cái, nhưng khi nào cũng kết thúc với những câu hỏi về sức khỏe như
đường trong máu, cao áp huyết hay không và cholesterol
bao nhiêu, đi bộ hay chạy tốt hơn, và ngáy khi ngủ có phải là triệu chứng mất
hơi thở khi ngủ (sleep apnea) không. Hỏi han nhau y như là ai cũng có bệnh cả .
Lẽ
dĩ nhiên, trong chúng ta có người cao áp huyết. Và có thể một người bạn cùng
lứa với chúng ta vừa chết vì bệnh ung thư hay heart attack, và chúng ta biết rằng tuổi càng về chiều chúng ta sẽ
vướng một thứ bệnh nào đó, it nhất cũng là bệnh già. Nhưng điều đó không có
nghĩa chúng ta cứ phải chăm chăm canh chừng bệnh.
Theo
bà Brownlee chính vì biết mọi người canh chừng bệnh để sống lâu nên truyền
thông và các bác sĩ càng làm cho mọi người lo lắng hơn tưởng rằng mình phải có
một thứ bệnh nào đó. Để rồi cứ ngay ngay ôm một mối lo, nhưng chưa chắc nhờ vậy
mà sống lâu hơn. Nên biết rằng cơ thể con người có sự điều chỉnh tự nhiên để
cho phép chúng ta không nên dành một chỗ quá lớn cho các bác sĩ và thuốc men
trong cuộc đời chúng ta .
Là
một phóng viên theo dõi về y khoa bà Brownlee nói bà biết quan điểm này làm cho
y khoa chậm phát triển. Nhưng cứ nhìn xem hằng ngày các nguồn thông tin về sức
khỏe bảo ta những gì: kiểm soát trọng lượng; thử cholesterol; coi chừng dấu hiệu của stroke; ngủ đầy đủ nếu không muốn bị tai nạn khi lái xe; có một cục
u nhỏ trên lưng, coi chừng ung thư da; bị táo bón, coi chừng ung thư buồng trứng
… Hãy đi thử máu, hãy gặp bác sĩ … ôi chao, thật là nhức đầu .
Làm
cho người ta lo sợ là một trong những nguyên tác đề phòng bệnh. Và cơ sở y khoa
có uy tín như American Cancer Society
cũng áp dụng nguyên tắc này. Từ năm 1936 American
Cancer Society đã đưa ra khẩu hiệu “không ai bảo đảm rằng mình không bao
giờ bị ung thư” để thúc đẩy phụ nữ đi khám vú. Hiện nay các tổ chức quan tâm
đến sức khỏe, nếu quan tâm đến một thứ bệnh, thường có khuynh hướng phóng đại
con số người bị bệnh đó và đưa ra những dữ kiện (không lấy gì thuyết phục) để
chứng minh bệnh đó rất nguy hiểm. Thí dụ Tổ chức lo về giấc ngủ (National Sleep
Foundation) mới đây đưa ra con số thống kê (tưởng tượng) là 75% người thiếu ngủ
sẽ mất khả năng sinh lý. Mấy năm trước đây Hội chống bệnh ung thư vú quảng cáo
rằng bệnh ung thư vú là bệnh làm chết nhiều phụ nữ nhất (trong khi ai cũng biết
phụ nữ chết nhiều nhất về bệnh tim, thứ đến là ung thư phổi).
Bà
Brownlee nói điều cần biết là các hãng bào chế thuốc chỉ muốn bạn quan tâm đến
bệnh hoạn. Có quan tâm mới đi bác sĩ, và họ mới bán được thuốc. Cho nên họ bỏ
ra khá nhiều tiền để quảng cáo sự nguy hiểm về loại bệnh trạng mà thuốc họ vừa
chế là thuốc chữa trị. Đôi khi họ tạo ra một thứ bệnh mới cần thuốc của họ.
Lấy
thí dụ về bệnh “osteopenia”, một bệnh mới được khai sinh tạm dịch là bệnh “tiền
loãng xương”. Bệnh loãng xương gọi là bệnh osteoporosis. Hiện nay tại Hoa Kỳ
mỗi năm có hằng triệu phụ nữ trên 50 tuổi đi khám xem mình có bị “osteopenia”
không. Theo quảng cáo của giới bào chế thuốc thì tình trạng osteopenia là tình
trạng báo trước bệnh loãng xương. Bệnh loãng xương nặng sẽ làm cho bệnh nhân
cao niên khi té dễ bể xương chậu và có thể kéo theo bệnh sưng phổi sinh ra tử
vong.
Vấn đề ở đây là
“osteopenia” và “osteoporosis” không phải là bệnh mà là một ‘tình trạng”. Trước
thập niên 1990 các bác sĩ định nghĩa tình trạng
osteoporosis là tình trạng một người lớn tuổi đã bị gãy xương một lần.
Nhưng khi hãng bào chế Merck chế ra thuốc Fosamax chống tình trạng osteoporosis
hãng Merck muốn thuốc Fosamax của họ chữa trị một triệu chứng khác nữa, hơn là
chỉ chữa cho người lớn tuổi đã bị gãy xương một lần. Hãng Merck thuê một số bác
sĩ nghiên cứu (với đơn đặt hàng được viết sẵn) để xác định một tình trạng của
xương báo hiệu trước triệu chứng osteoporosis mà không cần chờ bị gãy xương mới biết. Các bác
sĩ này đơn phương ấn định hai thứ tỷ trọng của xương. Tỷ trọng trung bình của
các phụ nữ 30 tuổi khỏe mạnh là tỷ trọng A. Tỷ trọng B thấp hơn là tỷ trọng của
những phụ nữ bị osteoporosis. Bây giờ nhóm bác sĩ nghiên cứu kết luận rằng phụ
nữ nào có tỷ trọng xương ở giữa A và B là người
có bệnh osteopenia (chuẩn bệnh loãng xương), một danh từ mới trong y
khoa do các vị bác sĩ trên đặt ra. Và thuốc để chữa osteopenia không gì khác
hơn là thuốc Fosamax!
Vì
khoảng 30% phụ nữ sau khi mãn kinh đều có tỷ trọng xương giữa A và B cho nên
bỗng chốc 30% phụ nữ mãn kinh bỗng thấy mình có bệnh “osteopenia” và hãng Merck
tha hồ hốt bạc. Hãng Merck còn chế ra máy DEXA bán rẻ cho các bác sĩ dùng để đo
tỷ trọng của xương một cách mau chóng .
Các
hãng bào chế tạo ra nhiều trường hợp “chuẩn bệnh” khác để bán thuốc và chúng ta
vì lo cho sức khỏe trở thành những con mồi ngon. Đường trong máu hay áp huyết
của bạn có thể bình thường nhưng cũng không nên ngạc nhiên nếu bác sĩ (với thiện
chí) bảo bạn nên uống thuốc này thuốc nọ đề phòng tiểu đường hay áp huyết cao.
Một bác sĩ chuyên về da có thể cắt một cục u nhỏ trên cơ thể bạn nói là để
tránh ung thư, nhưng thực ra nó có thể chỉ là một cục u bình thường trên mọi cơ
thể. Bạn có thể được bác sĩ cho thuốc chống cholesterol
trong khi bạn chỉ có cholesterol
hơi cao mà nếu không uống thuốc gì suốt đời bạn cũng không bị nhồi máu cơ tim.
Cách đây mấy năm khi hãng bào chế Pfizer chế ra thuốc Lipitor trị cholesterol cao, Pfizer dùng hình ảnh
một phụ nữ 50 tuổi qua đời vì nhồi máu cơ tim (do không biết trị cholesterol cao sớm) để quảng cáo
Lipitor. Chính sách vừa quảng cáo vừa đe dọa đã làm cho két bạc của Pfizer càng
ngày càng đầy.
Bà
Brownlee nói có một sự thật không ai để ý là chúng ta vẫn sống được trong cuộc
đời có nhiều bất trắc dù chúng ta không thể tiên đoán mọi cảnh huống. Người Tây
phương muốn sự việc gì cũng phải có câu trả lời, trong khi văn hóa của Đông
phương cho rằng chúng ta không thể có mọi câu trả lời trước huyền bí của vũ trụ
.
Vì
quá lo bảo vệ sức khỏe, tính trước để tránh mọi thứ bệnh, tìm tòi cho ra nguyên
ủy tại sao bụng mình xót, tại sao vùng ngực nhói đau trong khoảnh khắc, vô tình
chúng ta làm mồi cho các bác sĩ và các hãng bào chế thuốc. Chúng ta lo già,
chúng ta lo chết, nhưng già và chết là chuyện sẽ đến không sao tránh được .
Thế
giới chúng ta đang sống là thế giới của thuốc men, và ai nghi ngờ khả năng của
thuốc được xem là người không có óc khoa học. Bà Brownlee nói bà sống với nghề
làm phóng sự y khoa nên bà biết khả năng huyền diệu của thuốc cho người thật sự
bệnh hoạn, và bà từng đau lòng thấy người có bệnh mà không có khả năng mua
thuốc chữa trị. Nhưng bà cũng nghĩ rằng chúng ta sẽ trả một giá rất mắc nếu
nhìn đâu cũng thấy bệnh. Trước hết cần biết rằng thuốc nào cũng có tác dụng phụ
có hại cho cơ thể từ Aspirin đến Zocor ( A đến Z) và đôi khi còn gây tác hại
hơn là bệnh. Lấy thí dụ thuốc Fosamax được quảng cáo chống bệnh chuẩn loãng
xương. Thuốc Fosamax có thể làm xương hàm chết dần. Và cho đến nay không có một
điều tra y khoa nào đứng đắn cho thấy thuốc Fosamax giúp người dùng tránh được
chứng loãng xương và gãy xương khi té. Thuốc Fosamax còn sinh ra acid trong bao tử, và để trị chúng ta
phải dùng thuốc chống acid (như
Nexium được quảng cáo rầm rộ chẳng hạn), và thuốc Nexium làm cho người dùng bị
nước trong phổi. Và nếu cứ chăm chăm tìm thuốc chữa trị mọi biểu hiện bất
thường nơi cơ thể chúng ta sẽ bị bệnh lo âu . Lo âu có thuốc lo âu và càng làm
chúng ta lo âu!
Bà
Brownlee khuyên chúng ta nên sống điều độ và không nên quá âu lo về bệnh tật.
Bệnh là điều không ai tránh được dù có sẵn thuốc tiên. Khi nào bệnh thì tìm
cách chữa trị, đo áp huyết, đo đường trong máu, đo cholesterol, và nếu là phụ nữ thì đi soi vú .
Bà
thổ lộ rằng điều bà làm hằng ngày là tập thể dục vừa phải, ăn thức ăn lành,
ngon và chừng mực nhưng bà không kiểm soát cholesterol
định kỳ, bà không uống thuốc đề phòng bệnh gì cả vì bà biết chúng không giúp bà
tránh bệnh. Bà nói: nếu hôm nay tôi có việc cần phải thức khuya tôi không ưu tư
tự hỏi có hại gì không, tôi chờ tối hôm sau sẽ ngủ bù. Tôi biết xương tôi xốp
dần theo tuổi tác, nhưng tôi không uống thuốc vì biết rằng chỉ có hại nhiều hơn
là lợi .
Bà
Broenlee kết luận: “Để tránh bệnh lo âu, trong các phóng sự y khoa tôi cố gắng
trấn an người nghe đồng thời để trấn an tôi hơn là theo đường lối của các hãng
bào chế làm cho mọi người âu lo. Nguyên tắc của tôi là quẵng gánh lo đi và vui
sống.”
Trần Bình Nam
April 22, 2008
Trần Văn Sơn
|
http://www.tranbinhnam.com |