CÔ DÂU CÒN TRINH

 

Trần Bình Nam

 

Khi hấp hối cha của Thìn trối trăng nhờ tôi nuôi nấng dạy dỗ Thìn. Tôi với ông ta là bạn học tiểu học với nhau. Tôi vui mừng nhận lời bạn vì vợ chồng tôi lấy nhau đã hơn 10 năm vẫn chưa có mụn con. Thìn ngoan, dễ dạy. Nhưng đến tuổi trăng tròn tôi bắt đầu lo. Dáng người cục mịch, rụt rè, ít nói, tránh bạn trai, không thích trang điểm, cả ngày lui cui giúp vợ tôi làm việc nhà, ngoài giờ đi học.  Tôi lo không biết làm sao kiếm chồng cho Thìn.

 

Bỗng Huỳnh Bảo làm quen với Thìn rồi xin cưới. Tôi mừng ít hơn ngạc nhiên. Hai đứa chưa đủ thì giờ tìm hiểu nhau. Huỳnh Bảo là một công nhân nghiêm chỉnh nhất trong đám thợ trẻ của xưởng dệt Hải Dương. Đi làm đúng giờ, nói năng nhỏ nhẹ, dáng dấp e lệ như một cô gái. Trong xưởng người ta đồn Bảo còn biết tự may áo quần lấy. Tôi tự hỏi hắn có biết việc lấy vợ lấy chồng là một việc quan trọng không? Hắn đã suy nghĩ kỹ chưa hay bốc đồng như mấy chú con trai mới lớn sau chiến tranh?

 

Lễ nghĩa đầy đủ, ba tháng sau lễ cưới được cử hành trước sự chứng kiến của ông Thân bí thư chi bộ xưởng. Tôi thở ra nhẹ nhỏm. Tôi nghĩ thầm, tuy Thìn không xứng với Bảo, ăn ở với nhau có  một mụn con thì đâu lại vào đấy. Thế nhưng những câu hỏi vẩn vơ vẫn ám ảnh tôi. Có cái gì nơi Thìn hấp dẫn đối với Bảo? Hay hắn thích đôi má phúng phính của Thìn. Tôi nghe có nhiều người đàn ông thích phụ nữ có nhiều thịt, to con đẩy đà như đàn ông. Tìm được một cách giải thích tôi tạm yên tâm ngoại trừ những lúc bực mình nghe mấy cô thợ trẻ xì xầm chuyện của Thìn rồi rúc rích cười với nhau như có cái gì bí mật họ muốn dấu tôi. Ở chức vụ chủ nhiệm an ninh của chi bộ xưởng dệt, tôi lại chịu khó săn đón biếu xén ông trưởng ty nhà đất, nên mấy tháng sau tôi xin được cho vợ chồng Bảo một căn hộ gần xưởng. Cũng là một cách ràng buộc Bảo với Thìn, phòng khi hắn trở chứng. Gần một năm qua tháng nào vợ tôi cũng khéo léo cho tôi hay kinh kỳ củaThìn. Vẫn đều đặn. Và tôi lo. Vợ chồng tôi thỉnh thoảng nhìn nhau thầm cầu nguyện     

 

Một buổi sáng sau Tết Nguyên Đán, tôi vừa đến văn phòng chưa kịp ngồi xuống thì Thìn mếu máo bước vào phòng. “Cậu ơi! Đêm qua anh Bảo đi đâu cả đêm không thấy về.” Cố đè nén cơn lo tôi hỏi: “Con có biết nó đi đâu không?”

 

“Dạ không!  Sáng nay dậy sớm con đã đi hỏi vài nơi nhưng không ai biết.”

 

“Hôm qua nó đi lúc nào?” Tôi hỏi.

 

“Ăn cơm tối xong ảnh nói ảnh đi thăm mấy người bạn. Ảnh có mấy người bạn mới.”

 

“Thôi được. Con yên tâm xuống làm việc đi và đừng làm ầm ĩ lên. Để cậu hỏi xem sao.” Tôi trấn an Thìn.

 

Thìn mệt nhọc bước ra khỏi phòng, không quên cầm chiếc nón vừa quạt vừa đi. Từ ngày lấy chồng đến nay, Thìn thêm ít nhất 5 kilô, chiếc áo xanh đồng phục chật cứng, nhìn phía sau không khác một bà đầm.

 

Tôi gọi vài tiệm ruợu, mấy tiệm cà phê hy vọng Huỳnh Bảo đến chơi vui bạn vui bè ngủ quên chưa về. Bỗng chuông điện thoại reo trước khi tôi chạy xuống xưởng xem có người thợ nữ nào vắng mặt không. Biết đâu. Từ ngày Bảo lấy vợ mấy cô thợ trẻ tuổi trong xưởng vẫn không ngừng tán tỉnh Bảo xem như hắn chưa lập gia đình.

 

Trưởng ty công an tỉnh gọi, cho biết công an kiểm tục vừa bắt giữ một công nhân của xưởng tên là Huỳnh Bảo. Ông ta vắn tắt: “Tôi đang bận, không tiện giải thích, mời đồng chí đến ty ngay. ”

 

Tôi phóng nhanh lên chiếc xe máy dầu cọc cạch bất chấp trời mưa phùn lạnh thấu xương chạy vội đến ti công an. Chất chua làm tôi cồn cào trong bụng. Chứng đau bảo tử của tôi mấy tháng nay nhờ thuốc thang tưởng đã thuyên giảm. Tôi giận Bảo vô cùng. “Biết mà”, tôi tự nhủ. Tôi biết một ngày nào đó Bảo sẽ đi tìm gái để mua vui. Bây giờ bị kiểm tục bắt. Cả tỉnh sẽ biết, còn gì uy tín của mình đối với công nhân viên và Thìn làm sao ngẩng mặt nhìn ai bây giờ. Tiếng đồn “chồng đi chơi gái bị bắt” không phải là tiếng đồn người vợ nào cũng chịu được.

 

Tại ty công an nhiều người đã có mặt, thủ trưởng, giám đốc và có cả một vị hiệu trưởng trường trung học, và vài viên chức đã nghỉ hưu. Tôi biết hầu hết, và toàn là những người có máu mặt trong tỉnh. Một chị công an trẻ mời mọi người vào phòng họp phía sau. Phòng mới xây, vách tường còn thơm mùi sơn, giữa phòng là một chiếc bàn gỗ mới quét lớp vét ni đầu. Nhìn quanh tôi thấy người nào cũng có vẻ bồn chồn lo lắng. Tôi nghĩ đến một vụ hiếp dâm tập thể. Nhưng tôi tự trấn an. Bảo hiền lành, phạm thuần phong mỹ tục thì có thể nhưng ép người khác làm việc bậy bạ thì không.

 

Tôi đang suy nghĩ thì  một sĩ quan công an tuổi chừng 40 bước vào, theo sau là một người phụ tá cầm một xấp hồ sơ dày cộm.  Ông ta còn ngái ngủ, mí mắt che hết nửa đôi mắt. Cởi chiếc áo bông, choàng lên ghế chủ tọa để lộ 3 ngôi sao trên cổ áo mầu vàng đồng phục của ngành công an ông kéo xấp hồ sơ người phụ tá vừa để trên bàn đến trước mặt. Tôi biết ông, đại úy Minh , trưởng ty công an tỉnh Hải Dương, một người nổi tiếng làm việc nguyên tắc.

 

Không dài dòng ông ta nói tỉnh nhà đang dính vào một vụ tai tiếng liên quan đến tội đồng tính luyến ái. Cả phòng xôn xao nhìn nhau. Ai cũng ít nhiều có nghe danh từ đồng tính luyến ái nhưng ít ai hiểu thật sự là cái gì? Thấy mọi người ngạc nhiên đại úy Minh giải thích, “Nó là một bệnh xã hội như đánh bạc, bán hay mua dâm, nghiện hút và ... bệnh lậu hay bệnh giang mai”. Khi nói mấy chữ  sau cùng môi ông trề ra, mắt sáng lên như phải nói đến một cái gì dơ dáy.

 

Chưa hết thắc mắc, một người trẻ tuổi bạo dạn hỏi, “nhưng ... nhưng thưa đồng chí, thật sự đồng tính luyến ái là gì?

 

Đại úy Minh cười như nhắm mắt lại: “Là người cùng giống làm tình với nhau.”

 

Cả phòng cùng ồ lên mĩm cười nhìn nhau.

 

Đại úy Minh giải thích thêm: “Đồng tính luyến ái là một căn bệnh của thành phần tiểu tư sản, sản phẩm của thế giới tư bản.  Xã hội ta xem nó là một sự trụy lạc làm mất trật tự xã hội. Ai bị bắt sẽ bị phạt từ 3 tháng đến 2 năm tù tùy vi phạm nặng hay nhẹ.”

 

Tiếng ken két của một chiếc xe hàng thắng nhanh dưới đường làm tim tôi thót lại. Nếu Bảo ở tù, Thìn là gái không chồng. Tôi ăn nói làm sao với người bạn đã khuất. Tôi không hiểu tại sao hắn cưới Thìn để làm hại cuộc đời con gái của Thìn như vậy?

 

Câu chuyện như thế này. Một nhóm đàn ông gồm công chức, nghệ sĩ, giáo viên lập một câu lạc bộ đặt tên là “Câu lạc bộ Thứ Tư”. Mỗi tối Thứ Tư họ gặp mặt nhau tại phòng họp ở tầng thứ ba của ty điện lực, một ngôi nhà gạch dùng làm công sở nằm khuất trên một đồi thông để vui chơi với nhau. Trưởng ty điện lực là một thành viên tích cực của câu lạc bộ. Thấy khả nghi, công an cho người theo dõi. Không khí của câu lạc bộ vui nhộn. Họ nói đủ thứ chuyện, chuyện văn chương, chuyện kinh tế thị trường, chuyện tình, ôm nhau, hôn hít nhau và thỉnh thoảng trổi nhạc nhảy với nhau như các buổi nhảy đầm tại các khách sạn mới mọc sau thời đổi mới ở Hà nội. Có khi họ đến từng cặp, một trong hai người giả gái, choàng tay nhau như đi dự dạ hội. Sau khi thu thập đủ bằng chứng bằng hình ảnh, video, âm thanh,  công an kiểm tục bắt trọn ổ chừng 20 người.

 

Sau khi đại úy Minh tóm tắt nội vụ, các đại diện được gặp riêng nhân viên của mình. Tại một phòng nhỏ bên cạnh một người công an cho tôi xem lời khai của Bảo trong khi họ đi kiếm hắn. Lời khai gồm 3 trang viết tay, Bảo nhận mình là người đồng tính luyến ái, nghe đồn có một câu lạc bộ của những người đồng tính nên đến tìm bạn để giải trí.  Bảo mới đến câu lạc bộ lần thứ hai và mới thấy thích một thanh niên trạc tuổi tên Tân thì bị bắt.

 

Mùi hôi khai từ cầu tiêu bên cạnh làm tôi muốn nhức đầu. Người công an dẫn Bảo vào và đẩy ngồi vào một chiếc ghế trước mặt tôi. Bảo bị còng hai tay ra sau lưng, nhưng vẻ mặt bình tỉnh, đầu hơi cúi như muốn tránh đôi mắt tôi. Mặt Bảo sưng vù, vết dùi cui bề rộng hơn 3 phân tây còn hằn đỏ trên trán, một vết hằn nhỏ hơn trên cổ. Tôi thấy thương hại Bảo nhưng tôi không dằn được cơn giận trước sự bình tỉnh của hắn.

 

Làm mặt nghiêm tôi nói: “Anh biết anh có tội chứ?”

 

“Con có làm gì đâu. Con chỉ đến đó để nghe họ nói chuyện thôi.”

 

“Thế anh chưa làm gì với tên Tân sao.” Tôi có ý tìm bằng chứng để gỡ tội cho Bảo.

 

Bảo ngước mắt nhìn tôi ngây thơ trả lời: “Con chưa làm gì, nhưng cũng rất có thể”

 

“Nghĩa là sao?”

 

“Con thấy mến Tân. Nếu, nếu .... Tân đề nghị với con chắc con  sẽ không thể từ chối” Bảo nói với sự trong trắng của một người đàn ông lần đầu tiên biết yêu và không muốn phản bội người yêu.

 

Đập mạnh bàn tay xuống bàn, tôi nói như thét:

 

“Anh là một người bệnh hoạn”

 

Tôi ngạc nhiên khi Bảo đổi cách xưng hô, trả lời: “Tôi biết tôi có bệnh.” Và nói tiếp: “ Mấy năm rồi tôi đã tìm đủ mọi cách để chữa trị. Ai bảo gì tôi  cũng làm. Thuốc bắc, thuốc nam. Có khi tôi nuốt cả bò cạp, thằn lằn và rắn mối nướng. Nhưng bệnh không hết. Tôi vẫn thấy thích đàn ông. Trước đàn bà tôi không có cảm xúc gì cả”

 

“Thế sao anh lại cưới Thìn để làm khổ nó và bây giờ làm xấu tôi.” Chất chua ựa lên như chận ở cổ tôi.

 

“Tôi đâu có ác ý đó. Trước khi cưới tôi thú thật với Thìn tôi không thích đàn bà, và tôi không thể làm tình với cô ta được.”

 

“Nó tin anh sao?”

 

“Cô ta nói cô không cần. Cô chỉ muốn được tiếng là gái có chồng.”

 

“Nó ngu quá.” Tôi vừa nói vừa hỉ mũi vào chiếc khăn tay còn ỉ mùi trong túi áo. “Còn anh là một thằng đểu.”

 

Lại đổi cách xưng hô, Bảo từ tốn trả lời: “Nếu con không cưới Thìn thì ai cưới? Hôn nhân có lợi cho cả hai. Con dấu được bệnh, và Thìn khỏi mang tiếng ế chồng. Và cậu thấy đó, con có xử tệ với Thìn đâu.”

 

Người công an ra hiệu hết giờ. Tuy còn giận tôi cũng hứa với Bảo sẽ làm những gì có thể làm để giúp hắn. Tôi khuyên Bảo phải biết ăn năn hối lỗi, và có thái độ hợp tác khai báo với công an. Tôi nghĩ, Bảo có tội, nhưng là một thành phần trong gia đình, cứu nó là cứu tôi.

 

Trên đường về nhà tôi cho xe chạy chậm, đầu óc suy nghĩ mông lung. Tôi nghĩ cách cứu Huỳnh Bảo. Trước hết Bảo chưa làm điều gì phạm thuần phong mỹ tục nghĩa là chưa phạm tội. Tôi sẽ biện minh trước tòa nó có bệnh và cần chữa bệnh hơn là trừng phạt. Nếu hắn đi tù thì lý lịch xấu ảnh hưởng đến cả gia đình không thể nào tẩy xóa được.

 

May cho Bảo, ông Đình giám đốc, và ông Thân bí thư đồng ý xem Bảo có bệnh. Nhất là ông Thân vốn có cảm tình với Bảo vì với tính tình hòa dịu mấy năm trước đây đã giúp chỉ bảo cho thằng con trai nhỏ tuổi ngổ ngáo của ông trở nên ngoan ngỗn. Ông Thân bảo tôi: “Ông Thành đừng quá lo, tôi sẽ vận động để Bảo khỏi ngồi tù”

 

Chuyện đồng tính luyến ái bỗng trở thành đề tài đầu môi của mọi người trong xưởng dệt. Người tỏ ra thạo chuyện nói rằng thời nhà Lê các nam diễn viên trong đoàn ca vũ của triều đình thường ngủ chung và làm tình với nhau vì luật vua không cho nữ diễn viên lẫn lộn trong đoàn ca vũ. Ông giám đốc Đình quả quyết ông đọc sách thấy nói một vài vị vua đời Trần tuyển cả cung phi phái nam vào cung. Và sách Tàu ghi rằng vua Phổ Nghi, vị vua cuối cùng của đế chế Trung quốc thường bắt hoạn quan vuốt ve dương vật của ông. Một vài nữ công nhân có cảm tình với Bảo nói đồng tính luyến ái là bệnh của giới thương lưu xã hội. Mỗi lần nghe trong xưởng kháo về chuyện đó tôi chỉ muốn bịt tai lại.

 

Một buổi tối cơm xong tôi đến thăm Thìn. Căn phòng năm thước trên ba của hai vợ chồng Bảo được chia làm hai phần thật ngăn nắp. Một phần làm phòng ngủ, một phần làm chỗ tiếp khách và ăn cơm cách nhau bằng một tấm màn mầu xanh có điểm hoa hướng dương mầu đỏ nhạt. Từ chiếc ghế gỗ lót nệm trông ra vườn trong phòng khách trong tầm tay là một kệ sách nhỏ đủ thứ sách, sách dạy may vá, sách thuốc nam, vài cuốn tiểu thuyết dịch của Tolstoi, và điều làm tôi ngạc nhiên là một bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của Nga được dịch ra Việt Ngữ. Bộ bách khoa không dày lắm, gồm 3 cuốn, và mấy năm trước khi phát hành đài nhà nước loan tin và bình luận suốt mấy tuần lễ. Ngoài ra là mấy tờ nguyệt san về phụ nữ. Nơi cửa sổ treo lũng lẳng một chậu hoa quỳnh có ba nụ hoa sắp nở và một chậu hoa tím nhỏ hơn. Ánh sáng từ bóng đèn điện 40 watt của cây đèn có chân để bên góc trái vợ chồng tôi mua tặng hồi đám cưới mang đến cho căn phòng một không khí ấm áp.

 

Nhấp li trà nóng Thìn vừa rót ra chén tôi nói: “Thìn, cậu thật buồn cho con. Cậu không ngờ Bảo tệ vậy”

 

“Không cậu! Bảo là một người tốt.” Thìn nhìn thẳng vào mắt tôi đáp.

 

“Sao con nói vậy.”

 

“Anh ấy rất tốt với con.”

 

“Nhưng hắn không phải là một người chồng ... ”

 

“Cậu nói vậy nghĩa là sao?”

 

“Nghĩa là ... ”, tôi nói thẳng, “ ... Vì hắn không thể ngủ với con.”

 

“Anh ấy nói anh đang tu một pháp môn thiền đặc biệt. Thầy của ảnh dạy muốn đạt phải kiêng đàn bà.”

 

“Và con chịu sao?” Tôi nghĩ thầm, con bé này thật là ngu xuẩn.

 

“Vô lẽ con đòi!” Thìn trả lời, chịu đựng.

 

“Nhưng hai đứa con thỉnh thoảng cũng ngủ với nhau chứ?”

 

“Không.”

 

“Không một lần nào sao?”

 

“Dạ không” Thìn đỏ mặt, lơ đãng nhìn ra cửa sổ, tay phải đưa lên vuốt mũi như thói quen của Thìn mỗi khi lúng túng. Trời ở ngoài đã tối hẳn.

 

Tôi không biết tôi đang nghĩ gì. Trời! Con bé thật đáng thương. Lấy chồng hơn cả năm rồi mà vẫn còn trinh. Tôi nâng cốc trà uống một mạch quên trà còn nóng để đuổi những ý nghĩ khó chịu trong đầu.

 

Thìn và tôi ngồi im một lúc. Ngồi đó mà đầu óc tôi để đâu đâu, không nhận ra loa phát thanh ở góc đường loan tin muộn quan trọng buổi chiều. Sáng nay quân Trung quốc pháo kích qua biên giới Cao Bằng. Tin nói đây là lần pháo kích thứ 107 trong chín năm qua kể từ năm hai nước đụng độ biên giới với nhau.

 

Một lúc sau tôi nói với Thìn: “Phải chi cậu biết trước ...”

 

“Xin cậu đừng buồn.” Thìn an ủi tôi.

 

“Sao? Mày nói sao!” Tôi hỏi lại như nạt.

 

“Đàn ông ai cũng thích đàn bà đẹp. Nhưng Bảo chỉ có bạn trai. Trong xưởng dệt mấy con quỹ nhỏ ỷ xinh đẹp hơn con cứ ghẹo anh ấy hoài thế mà anh ấy có thèm để mắt đâu. Anh ấy đâu có sống sa đọa. Vậy có phải tốt cho con không.”

 

Tôi kìm lại để khỏi bật cười. Làm sao nói cho Thìn biết chồng nó có thể ngủ với một người đàn ông khác chứ không phải chỉ là bạn khơi khơi. Và vì vậy mà bị kiểm tục bắt.

 

Nhưng tôi không nói gì và bắt qua bàn chuyện cứu Bảo. Tôi khuyên Thìn viết cho ban kiểm tục một lá thư nói Bảo là một người chồng tốt. Tôi dặn Thìn đừng đá động đến chuyện hai vợ chồng chưa hề chung đụng xác thịt với nhau. Trong xưởng, ai nói gì cũng mặt đừng lời qua tiếng lại. Tôi cho Thìn biết công an đang cho người dò la phản ứng trong sở.

 

Đêm đó tôi nói cho vợ tôi biết quan niệm của Thìn về đàn ông. Bà ta tỉnh bơ nói: “Thằng Bảo không xấu. Và con Thìn cũng không ngu như mình tưởng.”

 

Tôi gởi tặng đại úy Minh một chai mai quế lộ thượng hảo hạng của Trung quốc và năm cân nhãn Thái Bình. Tôi nhắc ông lá thư tường trình của Thìn và nhờ ông quan tâm. Qua điện thoại ông nói ông sẽ cố gắng nhưng ông không hứa hẹn gì. Tôi sốt ruột, trằn trọc mỗi đêm làm bà vợ tôi sợ chứng đau bao tử của tôi lại tái phát.

 

Một buổi chiều sắp tan sở đại úy Minh điện thoại báo tin cấp trên chấp thuận cho chuyển Bảo đến bệnh viện tâm thần của tỉnh nếu xưởng chịu trả chi phí phòng ốc và điều trị. Sau này sau tôi biết nhà lao của tỉnh không đủ phòng giam vì loại tù nhân này không thể giam chung với các tù nhân khác, nên tỉnh quyết định gởi 13 người đi lao động cải tạo, hai người vào bệnh viện, hai đảng viên trong đó có ông trưởng ty điện lực được lãnh án treo và chuyển qua tỉnh khác. Chỉ có ba người bị án tù.

 

Tôi chạy vội đến nhà Thìn bảo chuẩn bị gấp một ít hành lý để sáng hôm sau kịp mang lên trại giam cho Bảo. Thìn khóc nức nở vì tin mừng. Sáng hôm sau khi tôi và Thìn đến trại giam thì thấy Bảo và người công an áp tải đang đứng chờ xe trước cổng trại. Vết bầm trên mặt Bảo đã lành, khuôn mặt Bảo trông thật hiền. Bảo ráng nở một nụ cười nói với tôi, “Cậu làm ơn đừng nói cho mẹ con biết việc này.”

 

“Thế mẹ anh không biết bệnh của anh sao?” Tôi ngạc nhiên hỏi.

 

“ Dạ không. Cậu nói con bị bệnh tâm thần phải đi chữa bệnh vài tháng.”

 

Thìn vừa khóc vừa nói: “Anh đừng lo”,  tay nhét vội gói quần áo và một hộp thịt heo ran mặn vào tay Bảo khi chiếc xe chở bệnh nhân vừa tới.

 

Tôi bắt tay Bảo. Bảo nhìn Thìn với đôi mắt trấn an rồi bước lên xe. Người công an bước theo sau. Chiếc xe lăn bánh từ từ rồi rẻ vào một lối khuất sau công xưởng giấy của Thụy Điển viện trợ. Tôi cho nổ máy xe. Thìn tần ngần ngoảnh lại xem còn thấy bóng dáng chiếc xe chở Bảo không rồi mới nhảy thót lên sau xe. Chiếc xe hai bánh của tôi dẹp xuống dưới sức nặng của Thìn.

 

Hai tuần lễ sau, vào một ngày Thứ Sáu tôi đến bệnh viện thăm Bảo, ở ngoại ô thành phố chừng 10 cây số. Con đường dẫn tới bệnh viện đã được tráng nhựa. Hai bên đường là những thửa ruộng lúa đang trổ xanh rờn. Trời còn lạnh nhưng sinh hoạt tấp nập. Nông dân  ra đồng làm cỏ lúa. Phụ nữ bận tộn quảy hàng ra chợ. Bầu trời xanh lơ, ánh sáng chan hòa tỏa xuống trên những sườn đồi trông thật hữu tình. Không ai nghĩ xa kia sau mấy ngọn đồi thấp là một bệnh viện. Bệnh viện nằm trên một ngọn đồi cao hơn, chỉ có một lối vào. Dưới chân đồi là một trạm công an. Tôi nghe nói bệnh viện dùng để chữa trị tâm thần những người vì một lí do nào đó không thuận với đường lối của đảng.

 

Người ta đưa tôi đến phòng Bảo. Đúng lúc bác sĩ đang khám. Trong y phục trắng ông bác sĩ  chừng 50 tuổi, to con, da ngăm đen, dễ dải. Tôi đoán ông là người Việt gốc Nùng. Ôâng bắt tay tôi giới thiệu ông là bác sĩ Nam và nói tình trạng sức khỏe của Bảo tốt.

 

“Ở đây phương thuốc dành cho anh Bảo là tắm điện. Và hôm nay là buổi tắm định kỳ.” Ông nói với tôi.

 

“Tắm điện là sao, thưa bác sĩ? ”, Tôi hỏi.

 

“Nghĩa là tắm trong nước có điện”

 

Tôi quay sang Bảo, hỏi: “Tắm có dễ chịu không?”

 

“Dễ chịu lắm.’ Bảo trả lời, miệng mím lại và đôi mắt ngước nhìn tôi như không đồng tình với lời anh nói.

 

Tôi hỏi bác sĩ Nam tôi có thể xem Bảo tắm điện không. Ông chấp thuận. Ngoài việc xem tắm điện tôi còn tò mò muốn quan sát cơ thể của Bảo. Ở xưởng dệt người ta đồn Bảo không có dương vật, vì vậy Bảo không bao giờ tắm ở chỗ công cọng.

 

Người y tá còn trẻ, lứa tuổi của Bảo – tự giới thiệu tên là Ứng, tốt nghiệp khoa điện trị liệu tại Hà nội, và là người y tá đàn ông duy nhất ở đây - đưa tôi vào phòng tắm bên cạnh. Phòng tắm điện trang bị đơn sơ. Một bồn nước hình vuông bằng sành tráng men trắng đặt ở một góc phòng có một vòi dẫn nước vào và một lỗ thoát nước. Trên tường nhìn xuống bồn nước là một bảng điều khiển có nhiều núm điện. Hai sợi dây cáp nối liền bảng điện với hai khung thép nằm lơ lửng trong hồ.

 

Ứng mở nước làm đầy 2/3 hồ rồi ra hiệu cho Bảo cởi áo quần sau một tấm vải mỏng. Khi bước vào hồ Bảo còn mặt quần lót, vẻ mặt thản nhiên chịu đựng.

 

Tôi hỏi Bảo: “Điện vào cơ thể có đau không?”

 

“Dạ không.”

 

Tôi hỏi y tá Ứng: “Đã có điện trong nước chưa?

 

Ứng trả lời, tay đặt vào núm điện. “Tôi đang cho điện vào.” Và nói thêm: “Người con rể của ông may lắm mới được tắm điện. Các bệnh nhân khác được trị điện trực tiếp bằng cách gắn cực điện vào người và mỗi lần chữa trị  thét lên như súc vật bị chọc tiết. Có người bị chết giấc.

 

“Khi nào thì Bảo hết bệnh.” Tôi hỏi.

 

“Tôi không biết” Người y tá trả lời.

 

Trong bồn tắm Bảo nằm yên, chân duỗi thẳng, đầu gác lên một miếng cao su kê trên mép bồn, hai mắt nhằm nghiền vẻ mặt chăm chú như đang chờ đợi một cái gì.

 

Tôi kéo chiếc ghế đẩu lại sát bồn tắm, im lặng quan sát. Thân thể Bảo chắc nịch, đôi chân trắng nhợt nhạc, láng, không có lông chân, chiếc quần lót cộm lên như mọi người đàn ông khác. Thỉnh thoảng Bảo hít vào rồi thở ra thật dài.

 

Người y tá vặn nút tăng thêm điện. Bảo co người lại, nét mặt nhăn nhó. Lo lắng tôi hỏi: “Anh thấy sao?”

 

“Dạ.” Bảo trả lời, mắt vẫn nhắm. Da mặt Bảo tái xanh, mồ hôi lấm tấm trên trán, môi dưới thỉnh thoảng cong lên liếm vào môi trên như khát nước. Ứng vặn nút điện thêm một nấc. Bảo rên nho nhỏ, người cong lên như muốn thoát ra khỏi bồn tắm. Bảo đau. Ứng lấy khăn lau mồ hôi trên trán Bảo, giọng trìu mến: “Ráng chút nữa thôi, tôi xuống điện ngay bây giờ.”

 

“Không, tăng thêm nữa đi. Tôi chịu được” Bảo vừa nhăn mặt nén đau vừa nói một cách quả quyết.

 

Căn phòng trở nên im lặng. Trong một phút không ai nói với ai một lời. Hai bàn tay của Bảo bám chặt mép bồn run cầm cập.

 

Ứng giảm sức điện, khuôn mặt Bảo trở nên thanh thản, hai ngón chân cái không còn cựa quậy như trước.

 

Thấy đã đủ tôi im lặng đi ra định tìm bác sĩ Nam để cám ơn. Bác sĩ Nam không có ở bàn giấy. Tôi ra ngoài trời tìm một chiếc ghế ngồi, lục túi tìm bao thuốc Điện Biên. Mặt trời lên đã khá cao, ánh nắng chan hòa chiếu qua mấy cây thông đầy lá, chim chóc tung tăng kiếm mồi, kêu ríu rít.  Qua khói thuốc một không khí thư thái bình an khác với căn phòng chạy điện bên trong.

 

Tôi thấy Bảo thật đáng thương. Một thanh niên khỏe mạnh hiền lành mà không thể sống với đàn bà và có một gia đình như mọi người.

 

Nửa giờ sau tôi trở lại phòng của Bảo. Bảo có vẻ mệt mỏi, người còn run vì lạnh. Bảo nói với tôi khi điện vào như có hàng ngàn mũi kim nhỏ cắm vào bứng từng lớp da lên, vì vậy mổi lần tắm không thể quá 20 phút.

 

Tôi rùng mình, nói: “Cậu sẽ cho ông bí thư và ông giám đốc sở biết thiện chí và sự chịu đựng chữa trị của anh.”

 

“Hy vọng các ông ấy vui.” Bảo lắc cái đầu còn ướt. Và chợt nhớ ra: “À con cám ơn lon thịt chà bông của cậu.”

 

“Anh cần gì khác không?”

 

“Lần sau cậu mang cho con mấy cuốn bách khoa tự điển. Con muốn hiểu thêm về bệnh đồng tính luyến ái và cách chữa trị của người Nga.”

 

“Cậu mong anh sớm được trở về nhà”

 

“Con cũng chỉ mong có vậy.” Bảo trả lời không tin tưởng.

 

Kiểng báo giờ cơm. Ứng đẩy cửa bước vào, hai tay bưng khay thức ăn, vui vẻ nói: “Hôm nay có canh rau dền, tôm kho khô và đậu phụ rán. Tôi đã lấy cho bạn đây.”

 

Tôi đứng lên từ biệt ra về, yên tâm vì sự săn sóc đặc biệt của y tá Ứng dành cho Bảo.

 

Xuân sang đã lâu. Bảo vào bệnh viện đã hơn một tháng. Ở xưởng dệt Bảo vẫn còn là một đề tài. Thìn không còn im lặng như trước, thỉnh thoảng hóm hĩnh thêm mằm thêm muối vào câu chuyện.  Mọi người cảm thấy dễ chịu chờ đợi Bảo trở về.

 

Ngày Thứ Bảy tôi và Thìn cùng lên thăm Bảo. Gặp Bảo tôi để Thìn nói chuyện riêng tôi đi kiếm thăm y tá Ứng. Trong khu y tá làm việc cửa phòng của Ứng mở, Ứng đang chăm chú ghi chép sổ tay. Thấy tôi ở cửa phòng Ứng ngạc nhiên gấp vội sổ tay đứng lên bước ra bắt tay mời tôi vào.

 

“Tôi xin lỗi.” Tôi nói.

 

“Không, tôi chỉ ngạc nhiên vì ít ai lại phòng làm việc của tôi.”

 

Tôi rút một tút thuốc lá ba số năm trong chiếc bị cầm tay để vội trên bàn Ứng và nói: “Tôi sẽ không làm mất nhiều thì giờ của cháu. Món quà này không phải để hối lộ cháu mà chỉ để nói lên sự biết ơn của gia đình bác đối với cháu đã tận tình săn sóc cho rể bác.”

 

“Đừng cho cháu quà như vậy.”

 

“Cháu không biết hút thuốc sao?”

 

“Cháu biết hút. Nhưng cháu muốn giúp anh Bảo. Hãy để tặng bác sĩ Nam”

 

Tôi ngạc nhiên trước thái độ của Ứng. Biết hút thuốc mà từ chối một tút ba số năm là chuyện lạ ở tỉnh nhỏ này. Thấy tôi lúng túng Ứng  nói: “Dù có quà tặng hay không cháu cũng đối xử tốt với anh ấy. Chúng tôi đã là bạn với nhau. Người cần tặng quà là bác sĩ. Bác sĩ giúp thì lợi hơn nhiều.”

 

“Tôi còn một tút khác dành cho bác sĩ”

 

“Ở đây tiêu chuẩn với bác sĩ là hai tút. Bác thêm tút này cho đủ tiêu chuẩn.”

 

Tôi cảm động vì chân tình của Ứng, đút vội tút thuốc vào bị, cáo từ.

 

Bác sĩ Nam đang ngồi đọc báo trong phòng, điếu thuốc lá còn cháy dở trên tay. Tôi gỏ cửa bước vào. Ông ngước mắt liếc nhanh vào chiếc bị cồm cộm của tôi, thoải mái bỏ tờ báo xuống, ra hiệu cho tôi khép cửa phòng và mời tôi ngồi. Ông ngồi trên một chiếc ghế da, sau lưng là hai kệ gỗ đầy sách y khoa, ngăn trên cùng là năm chiếc ống điếu nhiều kiểu khác nhau. Trong phòng ngộp mùi khói thuốc lá.

 

Sau vài lời trao đổi tôi rút trong bị ra hai tút thuốc lá đưa cho ông và nói: “Thưa bác sĩ đây là chút quà mọn của chúng tôi nhân dịp Xuân sang.”

 

Ông kéo chiếc ngăn kéo to tướng bên phải bỏ hai tút thuốc vào, và nói: “Cám ơn” chỉ vừa đủ nghe.

 

“Thưa bác sĩ, Huỳnh Bảo có hy vọng hết bệnh trước khi hết mùa Xuân không.” Tôi hỏi.

 

“Ông nói gì? Hết bệnh hả?õ” Bác sĩ Nam lộ vẻ ngạc nhiên.

 

“Vâng.”

 

Bác sĩ Nam lắc đầu, liếc nhìn chiếc cửa xem đã đóng kín chưa, ra hiệu cho tôi xích lại gần hơn. Tôi kéo ghế lại gần để hai tay lên bàn chờ đợi.

 

“Nói thật với ông, anh ấy không hết bệnh được.”

 

“Bác sĩ nói cái gì?” Tôi sững sốt.

 

“Đồng tính luyến ái không phải là một cái bệnh nên không có vấn đề hết bệnh. Nhưng ông đừng nói với ai tôi nói với ông như vậy nhé.”

 

“Không phải bệnh tại sao bệnh viện nhận chữa.”

 

“Công an gởi đến thì chúng tôi phải nhận. Ngoài ra còn có tác dụng tâm lý.”

 

Ngừng một lát, bác sĩ Nam tiếp: “Đúng, không phải là bệnh. Anh ấy không có thể trở thành một người đàn ông bình thường được. Đồng tính luyến ái chỉ là một khuynh hướng sinh lý, do bẫm sinh, như người thích dùng tay trái người thích tay phải vậy. Nghĩ cho cùng chẳng hại ai.”

 

“Vậy tại sao lại tắm bằng điện?” Tôi gặn hỏi.

 

“Điện là phương pháp trị liệu theo chỉ dẫn của Bộ Y tế nên y sĩ chúng tôi phải theo. Vì vậy tôi không dùng cách chạy điện nặng hơn với rể ông. Tắm điện là cách trị ít đau nhất. Tôi cần nói ông biết thêm điều này: theo thống kê trong một ngàn người đồng tính luyến ái chỉ có một người chạy điện mà bớt. Theo tôi, mỡ cá moruy, chô cô la hay thịt heo rán hay cái gì khác còn có kết quả hơn. Thế đủ rồi. Tôi đã nói nhiều quá.”

 

Tôi điếng người, ngồi bất động. Trông ra cửa sổ trên một cành thông khô một bầy quạ đang vây đánh một con chim cheo bẻo vừa chạy trốn vừa kêu lanh lảnh. Tôi đứng dậy cám ơn bác sĩ Nam. Ông ta dụi  điếu thuốc vào chiếc gạt tàn bằng sành trên bàn và nói: “Ông yên tâm. Tôi sẽ để tâm giúp đỡ anh ấy.”

 

Tôi trở ra kiếm Thìn. Bảo mặt mày tươi tỉnh như vừa tìm thấy sinh lực bên cạnh Thìn. Riêng tôi có trăm câu hỏi trong đầu: Nếu đồng tính luyến ái không phải là một cái bệnh thì tại sao Bảo lại thấy mình có bệnh và chịu đau đớn để chữa trị? Bảo bị mặc cảm vì áp lực xã hội chăng?

 

Mấy tuần nay Thìn bận rộn chuẩn bị nhà cửa đón Bảo. Thay bình hoa mới, lau sàn nhà. Hắn đến thăm bạn bè hỏi cách làm món chạo tôm, một món ăn Bảo rất thích. Thấy Thìn lăng xăng tôi thật băn khoăn. Tôi cũng mong Bảo sớm được xuất viện. Nhưng nếu bệnh không thuyên giảm thì ai cho về? Tôi không dám thổ lộ tâm sự với ai kể cả vợ tôi. Vợ tôi biết thì ai cũng sẽ biết. Chính vì vợ tôi mà cả xưởng dệt ai cũng biết Thìn chưa biết mùi đàn ông. Họ trêu Thìn là “cô dâu còn trinh.”

 

Tôi phải làm gì đây? Ai cũng cho đồng tính luyến ái là một cái bệnh, ngoại trừ bác sĩ Nam. Tôi cũng không dám nói với ai những gì bác sĩ Nam nói. Ông bí thư biết thì lớn chuyện. Xưởng đã chi trả hơn 3 triệu đồng để chữa trị cho Bảo do thế lực và sự mua chuộc cảm tình của tôi trong xưởng. Trong đầu tôi cứ lởn vởn mấy câu hỏi: Nếu đồng tính luyến ái là một hiện tượng tự nhiên tại sao lại có đàn ông và đàn bà? Tại sao hai người đàn ông không thể lấy nhau và sinh con đẻ cái. Tại sao trời không cho người đàn ông thêm một bộ phận giống như đàn bà cho tiện việc sổ sách? Càng nghĩ tôi càng nhức đầu. Phải chi tôi có thể hỏi ý kiến nơi một bác sĩ khác hay có một người bạn đủ tin cậy để bày tỏ sự thắc mắc của tôi.

 

Còn 10 ngày nữa là đến Tết Đoan Ngọ. Một buổi sáng đại úy Minh gọi giây nói báo cho tôi biết Bảo lại phạm tội và công an đã đưa Bảo về lao xá tỉnh. “Lần này hắn bị bắt quả tang.” Đại úy Minh nói.

 

“Trời đất! Tôi kêu lên.

 

“Công an có bằng cớ và nhân chứng. Hắn cũng đã nhận tội.”

 

“Trời!” Tôi cứng họng.

 

“Hắn bị nhốt rồi.” Đại úy Minh tiếp.

 

“Hay hắn là một người ái nam ái nữ?” Tôi cố vớt vác.

 

“Không. Bác sĩ đã khám kỹ. Hắn là một người đàn ông khỏe mạnh, bình thường. Hắn bị bệnh tâm thần và phạm tội sa đọa, xúc phạm thuần phong mỹ tục.” Tôi như nghe được tiếng cười chế nhạo của đại úy Minh.

 

Buông điện thoại xuống tôi trút tất cả nổi giận dữ vào Bảo. Hắn đã làm hỏng cả cuộc đời nó và làm phiền lụy đến bao nhiêu người khác.

 

Vỡ lẽ ra là hắn và y tá Ứng đã thương nhau và lén lút ngủ với nhau. Ứng thường dành phần cơm và thức ăn gấp đôi cho Bảo và Bảo đã đan tặng Ứng một chiếc áo len mầu đỏ cực kỳ duyên dáng. Một hôm hai người ôm nhau hôn hít trong phòng y tá không biết cửa phòng bị gió lùa mở lúc nào không hay. Một người lao công đi qua thấy và đằng hắng ra hiệu. Ứng tin rằng người lao công đã báo cáo cho ban giám đốc viện, nhưng Bảo khuyên Ứng đừng quá sợ hải vì có thể người lao công chưa thấy gì. Nhưng Ứng biết. Ứng nói mỗi lần gặp hắn người lao công lém lĩnh mĩm cười và nheo một con mắt như thầm bảo “tôi đã thấy rồi.” Không chịu nổi áp lực của sự chờ đợi Ứng đã thú thật mọi chuyện với cấp lãnh đạo bệnh viện. Nhờ tự thú Ứng bị tù treo một năm trong khi Bảo bị phạt hai năm tù ở. Ứng sẽ không bị mất việc nếu biết ăn năn hối cải.

 

Chiều hôm đó tôi đến nhà báo cho Thìn biết mọi chuyện. Thìn  khóc sướt mướt. Bình hoa trên bàn đã bắt đầu tàn. Sàn nhà đã thấy rác. Chén bát dơ còn nằm trong chậu. Lau nước mắt với một chiếc khăn trắng đã ngả mầu Thìn hỏi tôi, “Con phải làm gì bây giờ. Có nên cho mẹ anh ấy biết không?”

 

“Nói cho bả biết. Dấu sao được nữa. Phần con nộp đơn xin ly dị là vừa.”

 

“Không” Thìn khóc lớn tiếng “Anh ấy là chồng của con. Con đã là vợ anh ấy. Chúng con đã thề ăn đời ở kiếp với nhau. Con sẽ trung thành với anh ấy cho đến chết. Mặc ai dị nghị. Riêng con con biết anh ấy là một người tốt.

 

“Tốt sao lại ngủ với một người khác.”

 

“Ở bệnh viện buồn anh ấy tìm một chút thoải mái thôi. Đâu có phải là chuyện ngoại tình hay lấy hai vợ.”

 

“Thoải mái kiểu đó là phạm trọng tội nên nó phải đi tù.” Tôi nói.

 

Trong thâm tâm tôi biết Bảo là một người tốt ngoại trừ việc ưa thích đàn ông. Nhưng tôi không bênh Bảo được. Tôi phải bảo vệ vị trí tôi là người phụ trách an ninh của một xưởng dệt lớn nhất nhì của nước. Nếu rể tôi là một phạm nhân thì còn ai nể tôi? Tôi sẽ bị cách chức. Không có tôi ai bảo vệ Thìn? Người ta sẽ cho Thìn nghỉ việc dành chỗ cho một người có lý lịch tốt hơn.

 

Thấy Thìn vẫn im lặng, tôi hỏi: “Con tính sao?”

 

“Con quyết đợi anh ấy mãn tù.”

 

Tôi mệt mỏi đứng dậy, rồi lại cúi xuống nâng cốc trà đã nguội uống một ngụm. Lưỡi thấy chát, tôi bước đến cửa sổ nhìn ra ngoài . Xa xa lấp lánh ánh đèn, một vài con đôm đốm lập lòe bay. Tôi quay lại nói với Thìn, “Nó không xứng đáng để con phải hy sinh. Con phải ly dị nó.”

 

“Không, con không ly dị.” Thìn mếu máo.

 

Tôi nổi giận gắt: “Mày biết tao không thể có một thằng rể là tù nhân được. Nhục nhã lắm. Nếu mày muốn chờ nó thì từ nay đừng đến nhà tao nữa.” Nói xong tôi mở cửa bước ra khỏi nhà đóng sầm cửa lại sau lưng.

 

Đứng yên một lúc trên ngưỡng cửa tôi mới thấy lối đi. Bầu trời tối om và đầy sao.

 

Trần Văn Sơn (April 14, 2002)

Binhnam@aol.com

http://www.vnet.org/tbn

 

(Viết phỏng theo The Bridegroom của Ha Jin trong The Best American Short Stories  2000, Houghton Mifflin Company)

 

                       

 


Trần Bình Nam

http://www.vnet.org/tbn