ĐÔI MẮT

 

            Năm 1963 Văn cùng hai con về Huế thăm ba mẹ và ông bà nội. Một căn nhà nhỏ xinh xắn mới dựng bên cạnh nhà Văn, trong cùng khu vườn. Ngọc Vân cháu gọi Văn bằng cậu cho biết đó là nhà mới cất của Trang Anh, bạn cùng lớp, sống với bà Tâm, mẹ Trang Anh. Hai mẹ con bỏ quê lên tỉnh để tránh chiến tranh. Không ai biết cha của Trang Anh còn sống hay chết. Có người đồn ông đi bưng. Cũng có tin ông đã qua đời.

Ngọc Vân láu lĩnh. “Cậu về Huế chơi có một mình để cháu giới thiệu Trang Anh cho cậu. Trang Anh đẹp lắm”

            Bà Tâm trẻ hơn mẹ Văn chừng mươi tuổi, người tầm thước, nét mặt thoáng buồn. Khi Ngọc Vân giới thiệu Văn bà đáp lễ cầm chừng rồi lảng sang việc khác để Trang Anh nói chuyện với cậu cháu Văn.

            Ý chừng Ngọc Vân báo trước có khách nên Trang Anh có săn sóc chút ít cách ăn mặc. Đồ bộ xếp trắng tinh làm nổi bật thêm làn da trắng của một cô gái thuộc giới trung lưu. Nét mặt hiền, cười nói dè dặt phảng phất nét đượm buồn của mẹ. Bà Tâm và Trang Anh hình như từng chịu đựng nghịch cảnh của chiến tranh, cả hai khuôn mặt như đồng tình kềm chế và che dấu những gì thuộc về ông Tâm làm nản lòng những ai muốn tò mò hỏi chuyện. Đôi mắt bà Tâm buồn như đã buồn nhiều. Bà chấp nhận và xem cuộc sống còn lại chỉ vì Trang Anh, con gái độc nhất của bà. Trang Anh buồn sâu sắc hơn mẹ. Đôi mắt Trang Anh như chứa nổi buồn quá khứ mang lẫn tín hiệu của tương lai bất trắc. Văn vẫn thích những đôi mắt thầm kín u buồn như vậy nên cảm thấy gần gũi Trang Anh như một người bạn từ lâu.

            Ngọc Vân tinh nghịch: “Cậu tao đi Hải quân mới từ Nha Trang về thăm nhà, tao giới thiệu cho mi đó.”

            Trang Anh cười nhẹ nhàng bảo, như riêng cho Ngọc Vân nghe, “giới thiệu ông cậu của mi cho tao thì có ích gì.” Cả ba cùng cười.

            Trang Anh hỏi Văn chuyện hải hồ. Văn kể những chuyến đi thực tập hồi còn ở học viện hải quân Pháp qua các nước Bắc Âu, mấy chuyến du hành trên biển Nam Hải, đi Phi Luật Tân sửa tàu tại căn cứ  hải quân Mỹ ở Vịnh Subic, đến Côn Sơn tiếp tế cho tù, ra đảo Hoàng Sa mang gạo cho lính. Chuyện kể không hay nhưng Trang Anh chú ý nghe không bỏ sót chi tiết nào.

            “Cậu Văn đi nhiều, thấy nhiều thích quá! Ước gì lớn lên Trang Anh cũng được đi nhiều như cậu.” Trang Anh nói, rồi thêm: “Chắc cậu nhiều bồ lắm?”

            Văn cười. Trí nhớ Văn bỗng lướt qua rất nhanh những chuyện tình vớ vẩn vướng víu qua các chuyến đi. Chuyến hải hành thực tập mùa hè năm 1956 đến Malmo, thành phố cảng của Thụy Điển, Văn mê một cô gái tóc vàng chỉ muốn bỏ tầu trốn ở lại. Tại Nice, thành phố nghỉ mát của Pháp trên bờ Địa Trung Hải, Văn theo đuổi cô sinh viên Marie France xuýt trễ chuyến bay về nước.  Năm sau tại Phi Luật Tân,Văn phải lòng Glara, cô gái gốc Phi lai Tây Ban Nha bán tạp hóa trắng trẻo mặn mà. Để lúc chia tay hẹn ngày nào cô đi lấy chồng “sẽ sang mừng đám cưới cô.”

            Như đoán được ý nghĩ của Văn, Trang Anh tinh nghịch: “Chắc cậu Văn đang tính nhẩm xem có bao nhiêu bồ? Càng nhiều Trang Anh càng mừng cho cậu.”

            Văn cười lảng sang chuyện khác. “Xong trung học Trang Anh định học gì?” Văn hỏi.

            “Định gì được cậu, xong trung học cháu đã lớn, lo kiếm việc làm giúp mẹ thôi.” Trang Anh kín đáo trả lời, giọng chịu đựng.

            Ngọc Vân xen vào, “Cậu đừng có tin! Trang Anh khiêm nhượng đó thôi. Hắn có nhiều mộng lắm.” Trang Anh ngắt lời,  Mày chỉ nói nhảm, nghèo như tao thì phỏng có mộng gì?”

            Văn liếc nhìn trong nhà. Nhà bài trí đơn sơ. Ngoài bốn chiếc ghế và một chiếc bàn nhỏ trên có một lọ hoa vườn vừa mới cắm làm nơi tiếp khách trước bàn thờ căn giữa, căn bên phải kê một bộ phản gõ bên cạnh một bàn học bằng gỗ sơn dầu trên để vài cuốn vở, vài cuốn sách giáo khoa, một tấm hình mầu của Trang Anh và bà Tâm chụp chung. Bên trái là phòng ngủ của bà Tâm và Trang Anh trông ra đường, cửa sổ che một nửa bằng một tấm màn mầu xanh nhạt. Cửa phòng hé mở để lộ một phần của một chiếc giường gỗ phủ một tấm chăn bông trắng. Phía sau là nhà bếp. Tất cả nằm trong tầm mắt của Văn.

            Ba mẹ Văn trước kia cũng nghèo như bà Tâm. Những năm đầu Trung học mùa đông Huế lạnh như cắt Văn thường ngủ với chiếc áo ngắn tay, đắp bằng chiếu lát, cuốc bộ bằng guốc gỗ mỗi ngày từ nhà đến trường đi về tám cây số, che mưa bằng nón lá và tơi cá đan bằng lá kè già cứng mầu xanh xám, mùa nắng đi đầu trần. Đến năm thi trung học ba Văn mới mua cho Văn một chiếc xe đạp cũ. Đó là năm tuyệt vời của đời Văn, đôi chân bỗng như có cánh.

            Cảnh nhà đạm bạc của Trang Anh, đôi mắt u buồn gần như một bí ẩn làm cho khoảng cách giữa Văn và Trang Anh thu ngắn lại. Văn quên hẵn Trang Anh là bạn của Ngọc Vân, tìm thấy nơi Trang Anh một thiếu nữ cùng cảnh ngộ với thời thơ ấu của mình.

            Ở Huế chơi một tuần Văn trở về Nha Trang. Trang Anh hỏi, “Khi nào cậu Văn lại về thăm hai bác.” Văn đáp, “Huế và Nha Trang đâu xa cách gì. Hơn nữa năm tới công việc cho cậu nhiều dịp về Huế.”

*

*    *

            Mùa Xuân hai năm sau Văn trở lại Huế. Thời gian hai năm qua Nha Trang nhiều thay đổi, không quân Mỹ mở rộng phi trường và dựng trại bằng lều vải đóng quân bảo vệ căn cứ. Giá sinh hoạt trở nên đắt đỏ. Ngoài lương sĩ quan Văn phải dạy học thêm ở các trường công và tư mới đủ chi phí gia đình. Việc quân trường và sinh nhai chiếm hết thì giờ nên Văn quên bẵng Trang Anh. Văn cũng không tiện hỏi cô cháu tinh nghịch.

            Nhìn ngôi nhà bên cạnh đã đổi chủ, Văn hỏi Ngọc Vân.  Ngọc Vân cho biết Trang Anh đã đính hôn với giáo sư Lê Văn Hạnh đang dạy tại đại học luật khoa Huế và do sắp xếp của giáo sư Hạnh hai mẹ con bà Tâm dọn về một ngôi nhà nhỏ ba từng của một người bà con xa của giáo sư nằm gần thành phố để tiện thăm viếng.

            Văn thắc mắc hỏi Ngọc Vân: “Trang Anh học chưa xong trung học sao đã vội lấy chồng? Mà lại là một giáo sư đại học?”

            “Thì cháu đã nói với cậu Trang Anh có nhiều mộng lớn mà! Ở trường ai cũng ngạc nhiên về cuộc hôn nhân này.” Ngọc Vân đáp.

            Sáng hôm sau Văn đến thăm Trang Anh. Nắng đã lên cao nhưng khí trời còn mát dịu, mùa Xuân như đang còn luyến tiếc gì chưa dứt. Văn Ngọc Vân đi, Ngọc Vân bảo, “Cậu đi một mình đi, Trang Anh muốn nghe những câu chuyện của cậu hơn.”

Ngôi nhà mới của Trang Anh nằm bên bờ sông Hương gần chân cầu xe lửa đối diện với lầu nước mới xây bên kia cồn Giả viên cung cấp nước cho thành phố Huế. Ngôi nhà đã cũ, tường gạch, mái ngói nhiều năm không sơn phết trông khá tiều tụy.

            Vừa bấm chuông lần thứ hai Trang Anh xuất hiện trong khung cửa vừa hé mở, ánh mặt trời chiếu chếch xuyên qua gương mặt dịu buồn một phần còn nấp sau cánh cửa. Trang Anh cao hẳn lên, khuôn mặt đầy đặn, má ửng hồng, đôi môi mang đầy nữ tính khác hẵn với Trang Anh hai năm trước.

            Nhận ra Văn, Trang Anh reo lên: “A! cậu Văn!” 

Văn  đáp: “Tôi mới về ngày hôm qua. Trang Anh trông lạ hoắc, lớn và đẹp hẳn ra! Sắp lấy chồng giáo sư đại học có khác.” Nói xong Văn mới nhận ra rằng lần đầu tiên Văn xưng tôi với Trang Anh như một người bạn cùng lứa không còn là cô bé bạn của cháu mình nữa. 

            Trang Anh mắt chớp nhanh mĩm cười  không trả lời, mời Văn lên phòng khách trên gác. Vừa pha nước Trang Anh cho biết mẹ vừa đi chợ. Phòng khách chưng dọn sơ sài, bốn chiếc ghế da chung quanh một chiếc bàn kính để nước, dưới mặt bàn là một số báo cũ. Sát vách  một tủ chè bên trong đủ thứ li tách. Trên tường nước sơn đã cũ treo hờ hững một bức tranh đen trắng vẽ cảnh vua Quang Trung đại phá quân Thanh lấp lánh dưới ánh nắng lọt qua khung cửa sổ. Gió bên ngoài rì rào thổi qua các nhành phượng, những cánh lá nhỏ li ti đang chuyển từ lục sang xanh.

            Trang Anh bắt đầu câu chuyện. “Ngọc Vân nói với cậu việc em - lần đầu tiên Trang Anh xưng em với Văn - đính hôn với thầy Hạnh chứ gì?” Không chờ Văn trả lời, Trang Anh tiếp: “Kể cũng lạ, thầy Hạnh gặp em chỉ một lần ở nhà một con bạn. Tình cảm chưa có thì giờ xây dựng thầy đã ngỏ ý xin cưới em. Em chẳng biết trả lời sao thì thầy đích thân đưa bố mẹ đến nhà gặp mẹ em để xin em. Mẹ em khuyên em nhận lời thì em nhận lời cho mẹ vui lòng. Biết thầy Hạnh tốt và thương em nhưng em thấy cấn cái thế nào ấy. Thầy là giáo sư đại học, hơn em 15 tuổi. Em là một học sinh nhà nghèo chưa xong trung học. Thầy nói thầy yêu em tha thiết mà sao không làm cho em cảm thấy ái tình nhanh chóng thăng hoa? Có lẽ thầy Hạnh xin cưới em vì thương hại hoàn cảnh của em hơn là yêu em.” 

            Ngạc nhiên trước tâm sự của Trang Anh, không giống như nhận xét “tếu” của Ngọc Vân, Văn lúng túng tìm lời an ủi, mắt liếc nhìn bức tranh treo trên tường để tránh đôi mắt rướm lệ dò hỏi của Trang Anh: “Tình yêu như tiếng sét là chuyện tiểu thuyết, thực tế tình yêu nào cũng cần thời gian. Đã đính hôn rồi tình yêu sẽ tới giữa Trang Anh và thầy Hạnh.”    

            Thấy Văn nhìn bức tranh Trang Anh kể lể: “Thầy Hạnh cho em bức tranh và yêu cầu treo ở phòng khách cho kỳ được. Thầy thích bức tranh và nói với em không gì đẹp hơn hình ảnh Quang Trung đại phá quân Thanh.” Câu chuyện giữa Văn và Trang Anh chuyển qua những chuyện không đâu vào đâu nhưng làm cho Trang Anh vui dần giữa tiếng cười tiếng nói không dứt. Thấy Văn nhìn quanh, Trang Anh lục tủ đồ ăn lôi ra mấy chén chè mời Văn để cầm chân khách, vừa thuyết phục “cậu nán ngồi chơi, mẹ em cũng sắp về.”

            Xế trưa bà Tâm vẫn chưa về, Văn tạm biệt Trang Anh.  Văn có hẹn cơm trưa với một người bạn học ở tiệm Lạc Thành. Trang Anh đưa Văn xuống thang lầu. Thang lầu bằng gỗ chừng mười lăm bậc nối liền phòng khách ở tầng hai với tầng trệt để trống. Trang Anh nói thầy Hạnh khuyên nên ở tầng hai và tầng ba, bỏ trống tầng trệt cho an toàn. Ngoài cửa vào tầng trệt còn một cánh cửa có khóa. Thang lầu ánh sáng lờ mờ. Văn đi trước, Trang Anh nhè nhẹ theo sau. Văn bước chậm như muốn kéo dài thời gian, nghe rõ tiếng bước chân của Trang Anh.

            Bỗng Văn nghe Trang Anh gọi khẽ: “Anh Văn!” Ngoảnh mặt nhìn ra sau, Văn thấy Trang Anh một tay đặt trên tay vịn cầu thang, một tay đè lên ngực.

            “Trang Anh có sao không?” Văn hỏi, tưởng Trang Anh bị cảm.

            “Không, em không làm sao cả.” Trang Anh ấp úng.

            Nhìn nét mặt đè nén xúc động của Trang Anh, đôi môi chín mọng, tóc lòa xòa trên má, chiếc áo ngắn trắng tinh phập phồng dưới bàn tay trên lồng ngực Văn có cảm tưởng nếu Văn bước lên một bậc Trang Anh sẽ rơi gọn vào tay đôi tay của Văn. Đầu óc quay cuồng, tim đập mạnh, Văn đứng yên như tượng đá nhìn Trang Anh.

            Có tiếng gõ cửa của bà Tâm lôi Văn và Trang Anh về thực tại. Văn chỉ kịp nói thật nhỏ đủ cho Trang Anh nghe: “Cám ơn em.”, rồi quay lưng xuống lầu.

*

*   *

            Cuối tháng Giêng dương lịch 1968 Văn cùng hai con đáp máy bay dân sự về Huế ăn Tết với ông bà nội. Mấy tháng trước  trên đường về nước sau thời gian thực tập huấn luyện tại Hoa Kỳ dừng chân tại cảng San Diego cực nam tiểu bang California Văn gặp Trung úy John Hoffman thuộc hải quân Hoa Kỳ mới từ căn cứ Thuận An ở Huế trở về. Trong câu chuyện chếnh choáng hơi men Hoffman nói với Văn Tết này đi đâu thì đi đừng về Huế. Văn không để tâm cho là lời nói bốc đồng của một sĩ quan trẻ.

            Phi cảng Phú Bài rộn rịp đón người tứ xứ về cố đô ăn tết. Trên chuyến xe ca của hãng Air Việt Nam về Huế dài mười cây số Văn thấy không khí chuẩn bị Tết vui nhộn tưng bừng. Vườn cây hai bên đường lá đã lên xanh sau một mùa đông mưa gió. Nhà hai bên lộ đã được sơn quét, treo đèn, cành mai trong sân bắt đầu hé cánh vàng trong nụ.

            Hai con trai của Văn ít xa mẹ nhìn khung cảnh hai bên đường thay đổi, không ngớt hỏi Văn:

            “Hoa gì vậy ba?”

            “Hoa mai.”

            “Núi gì nhỏ tí xíu trước mắt vậy ba?”

            “Núi Ngự Bình.”

            Đến An Cựu, Văn nói với hai con: “Qua khỏi khu chợ này là vào thành phố Huế, các con sẽ thấy cầu Trường Tiền, sông Hương Giang và chợ Đông Ba, trước khi mình lấy xe đò về nhà ông bà nội.”

            Ba năm nay Văn chưa về Huế. Nhìn sáu nhịp cầu Trường Tiền sừng sững vắt qua sông Hương nối liền khu hành chánh bên hữu ngạn với khu phố chính của người Việt có chợ Đông Ba, Thành Nội bên tả ngạn không khỏi làm Văn bồi hồi. Xuống xe ca, Văn tay xách hành lý tay dẫn đứa con nhỏ, đứa con lớn giúp Văn xách một túi hành lý vừa sức nhanh nhẹn theo sau, ra ngay bến xe đò lấy xe về nhà. Văn nôn nao gặp bố mẹ, thăm ông anh ruột, thăm Ngọc Vân và nóng lòng về đến nhà để hỏi thăm về Trang Anh. Trang Anh vẫn như một ẩn số đối với Văn: Tông tích kín đáo của ông Tâm? Hôn nhân với giáo sư Hạnh? Tình cảm dành cho Văn?

            Vừa bước vào sân, Ngọc Vân từ trong nhà chạy ra ôm hôn đứa con nhỏ của Văn, ríu rít: “Bà ngoại ơi! cậu Văn về!”

            Ngọc Vân ở với ông bà ngoại từ hồi còn nhỏ trong một ngôi nhà lợp ngói ba căn nằm kẹp giữa tỉnh lộ Huyền Trân Công Chúa và sông Hương cách thành phố chừng bốn cây số. Ba Văn  xây ngôi nhà trên một khu vườn khá rộng nhiều cây ăn trái của nhạc gia. Nơi đây năm anh chị em Văn đã chào đời. Văn là con út.  Cha Ngọc Vân bỏ mình trong một cuộc tấn công đồn Tây trong thời gian đánh Pháp giành độc lập. Mẹ Ngọc Vân, chị của Văn tái giá.

            Đang xếp hành lý, Ngọc Vân đến gần Văn mau mắn cho biết Trang Anh đã về nhà chồng và sống cùng thầy Hạnh trong khu cư xá dành cho giáo sư đại học. Bà Tâm ở với vợ chồng Trang Anh.

            Ngọc Vân hỏi: “Khi nào cậu định đến thăm Trang Anh ?” Suy nghĩ một giây, Văn đáp: “Chắc không tiện.”

            Chiều 29 Tết Văn dẫn hai con đi chợ Tết. Tết Mậu Thân 1968 Huế tưng bừng chuẩn bị đón Xuân. Chợ Đông Ba đầy hoa mai vàng, các sạp hàng Tết bày bán đủ mặt hàng, mức bánh, pháo Tết. Đường sá đông nghẹt. Hình như năm nay người đi sắm Tết đông hơn thường năm. Đến hàng hoa mai của cô Nguyệt, Văn định chọn một nhành mai thật đẹp để ông nội hai cháu cúng giao thừa và chơi mấy ngày Tết. Hàng mai của cô Nguyệt nổi tiếng chợ Đông Ba vì hoa tươi, nhiều nụ búp, cành hoa cắt cẩn thận, dáng thẳng cắm vào bình rất đẹp mắt nên năm nào hàng cô cũng chật ních người. Định chen vào chọn hoa, Văn chợt thấy Trang Anh tay cầm một cành mai vừa mua xong đang rời tiệm hoa với một thiếu phụ khác.

            Văn mừng rỡ reo lên: “Trang Anh!”

            Nhận ra Văn, Trang Anh mặt biến sắc đột ngột hỏi: “Sao anh lại về Huế ăn Tết?”

            Không hiểu câu hỏi của Trang Anh, Văn hỏi lại, ngạc nhiên : “Tết mà! Tại sao?” 

            Trang Anh liếc nhìn người thiếu phụ bên cạnh, đôi mắt lo lắng nhìn Văn không trả lời. Và như sợ hải điều gì Trang Anh bước nhanh vào đám đông chỉ kịp nói rất nhỏ với Văn: “Thôi em về, anh Văn thận trọng giữ gìn sức khỏe.”

            Mua hoa xong Văn lấy xe đò về nhà, câu hỏi kỳ lạ và đôi mắt như muốn nói điều gì của Trang Anh ám ảnh Văn không dứt.

            Hai ngày sau cộng quân tấn công Huế, Văn gởi hai con lại cho ông bà nội chạy thất điên bát đảo mười ngày sau mới thoát chết về đến Nha Trang. Tin cho biết trong lúc cộng quân chiếm Huế giáo sư Lê Văn Hạnh chồng của Trang Anh hợp tác với chính quyền mới. Văn chợt hiểu ý nghĩa câu hỏi thảng thốt và đôi mắt như muốn nhắn nhủ của Trang Anh. Trang Anh biết sẽ có biến cố.an toàn của chồng hoặc vì người thiếu phụ đi bên cạnh Trang Anh không thể báo cho Văn, nhưng đôi mắt lo lắng của Trang Anh nơi hàng hoa mai không giấu được tình cảm Trang Anh dành cho Văn.

*

*    *

            Bảy năm sau, chiến cuộc tàn, hòa bình trở lại. Từ miền Bắc trở về, mấy năm sau giáo sư Hạnh thất vọng với chế độ mới bỏ nước sang định cư ở Pháp. Văn lúc này ra hải ngoại đã nhiều năm.

            Cuối năm 1990 Văn đi tham dự một buổi hội thảo về dân chủ đa nguyên ở Paris. Buổi hội thảo qui tụ nhiều người thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau. Các nhân vật thuộc chế độ Bảo Đại, chế độ ông Diệm, chế độ ông Thiệu và các nhân vật bất mãn với chế độ mới đều có mặt. Họ gặp nhau để nhận diện quá khứ và để cùng tìm một lối đi mới. Không khí trao đổi lịch sự hòa nhã. Bữa cơm tối mừng hội thảo thành công tổ chức tại tiệm ăn Saigon Mới ở quận 7 Paris thật vui nhộn. Chị Mỹ Huyền, vợ anh Phạm, bông hoa của buổi hội thảo trong chiếc áo dài Việt màu tím nhạt điểm hoa forget-me-not cắt đúng kiểu tíu tít chuyện trò với khách làm cho bữa cơm chưa vào tiệc đã thấy ngon. Văn ngồi cùng bàn với anh Kiên người có sáng kiến tổ chức buổi hội thảo cũng là chủ nhân của buổi tiệc. Buổi cơm tổ chức thân mật không nghi lễ. Anh Kiên cho Văn biết sẽ có chị Thụy Khuê ngâm thơ , nhạc sĩ Phạm Duy hát và giáo sư Lê Văn Hạnh vừa mới từ Đông Âu về chiều nay nói chuyện về cuộc sụp đổ Đông Âu.

            Văn hồi hộp hỏi Kiên, “giáo sư Hạnh nào?”

Kiên cười, “giáo sư Hạnh từng làm mưa làm gió tại Huế trong dịp Mậu Thân chứ còn Hạnh nào nữa.” Kiên vừa nói vừa chỉ một người đàn ông ăn mặc chừng mực, hơi gầy, trạc 60 tuổi, ngồi cách Văn mấy bàn đang nói chuyện với mấy người bạn.

            Nén xúc động, Văn nghĩ thầm, Trang Anh đang ở Paris. Hình ảnh thon nhỏ và đôi mắt nhìn Văn như muốn nói gì ngày Tết năm xưa trước quán hoa mai của cô Nguyệt trở lại ám ảnh Văn. Văn nghĩ đây là cơ hội để thăm và cám ơn Trang Anh.

            Nghĩ đến đó Văn cảm thấy vui. Chờ phần ăn uống xong sắp đến phần văn nghệ, Văn bước đến bàn giáo sư Hạnh, kéo một chiếc ghế trống ngồi bên cạnh. Trước khi giáo sư Hạnh ngạc nhiên về người khách lạ Văn lễ phép: “Thưa anh Hạnh, tôi là Văn, cậu của Ngọc Vân bạn của chị Hạnh, tôi xin được phép hỏi thăm sức khỏe của anh và của chị Hạnh.”

            Giáo sư Hạnh hỏi: “Anh Văn muốn hỏi thăm bà vợ  hiện nay hay bà vợ trước của tôi.”

            Tim Văn thắt lại, lo lắng “tôi muốn hỏi thăm chị Trang Anh.”

            Giáo sư Hạnh trầm giọng: “Trang Anh đã qua đời. Năm 1968 khi tôi bỏ Huế ra Bắc, Trang Anh và mẹ ở lại. Sau đó Trang Anh chết vì không chịu đựng nổi sóng gió của cuộc đời. Mẹ Trang Anh thương con qua đời hai năm sau. Trang Anh và mẹ được thân nhân chôn cất tử tế bên bờ hồ Than Thở ở Đà Lạt.”

            Đánh bạo Văn hỏi: “Còn các cháu của anh và chị Trang Anh?” Giáo sư Hạnh đáp gọn: “Chúng tôi chưa có con với nhau.”

            Văn chớp nhanh mi mắt để kềm chế nước mắt, nói mấy câu không rõ chia buồn với giáo sư Hạnh. Trở về chỗ Văn không biết trên sân khấu nhỏ của tiệm ăn nhạc sĩ Phạm Duy đang trình bày các sáng tác mới của ông và mọi người đang vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng.

            Văn thấy đôi mắt buồn của Trang Anh như vẫn còn lo lắng nhìn Văn từ lòng đất lạnh.

 

Trần Văn Sơn

Tháng 8 - 1998                       

BinhNam@sbcglobal.net


Trần Văn Sơn

http://www.vnet.org/tbn