HAI NGƯỜI BẠN

 

Trời New York năm nay trở lạnh sớm. Tinh mắt đã thấy đốm vàng lấm tấm trên lá cây thích. Văn mở cửa lấy tờ báo New York Times được bọc kỹ trong bao nylon mầu xanh đậm. Ở miền đông nước Mỹ ba tờ báo lớn Washington Post, New York Times và Wall Street Journal tranh độc giả nên người đọc được nuông chiều. Tờ báo được đưa tận nhà đúng giờ đúng giấc, không rách không ước.

            Trang đầu đầy tin kỷ niệm một năm cái chết đột ngột của công chúa Diana. Văn mĩm cười cho cái thế giới kỳ cục mình đang sống. Nhớ tháng này năm trước một bà công chúa 36 tuổi của một nước 59 triệu dân, đã li dị hoàng tử kế vị ngôi vua nước Anh, đi chơi với một triệu phú gốc Ai Cập, không muốn báo chí theo dõi chụp hình, tài xế lái vội đâm xe vào cột cầu tại một khu sang trọng ở Paris tử nạn mà thế giới lên cơn sốt như bố mẹ qua đời. Mẹ Teresa thiếu may mắn, chết ở thành phố nghèo Calcutta vào lúc tang lễ công chúa Diana chưa cử hành nên tin tức hững hờ. Thân sinh Mẹ Teresa gốc Albania, lập nghiệp tại tỉnh Skopje thuộc Nam Tư, nay là đất Macedonia, và sinh Mẹ tại đó năm 1910. Mẹ theo chân Chúa cứu thế tự nguyện hiến cuộc đời cho người nghèo khổ lúc tuổi vừa mới đôi mươi. Đống hoa tặng Mẹ Teresa chưa bằng một góc đống hoa dân Ăng Lê và thế giới thừa tiền bạc gởi đến tặng công chúa Diana. Truyền thông điện tử làm thế giới cong queo méo mó, tạo ra những thần tượng không phải là anh hùng. Một tay chơi “football” giỏi giết người không bị kết án. Một ông tổng thống đủ thói hư tật xấu, kể cả lạm quyền vẫn được dân ái mộ vì đẹp trai ăn ảnh. Một nàng công chúa mà cuộc hôn nhân với hoàng tử Charles cơm không lành canh không ngọt từ những ngày đầu, âm thầm chống lại uy quyền của hoàng gia Anh bằng lối sống tự do phóng túng, biết điểm trang bằng vài hình ảnh làm công tác nhân đạo chọn lọc được xem là hiện thân của lòng từ bi đáng làm gương cho hậu thế. Chưa hết, năm nay vì nhu cầu thu hút du khách thị trưởng thành phố Paris cho xây một đài kỷ niệm nơi công chúa Diana tử nạn, tượng trưng bằng hình thù ngọn lửa nữ thần tự do cầm tay trước cửa sông Hudson tại New York.

            Định lật trang báo chọn tin gì đọc cho thoải mái hơn thì điện thoại reo. Nhấc điện thoại giọng Ninh từ California. Liếc nhìn đồng hồ Văn tính nhẩm, California mới 6 giờ sáng, ông bạn Ninh có gì không ngủ được chăng? Ninh làm nghề tự do, viết văn nghiệp dư, văn phòng mở cửa 10 giờ sáng, nếu có dậy sớm viết văn cũng không sớm như vậy. Mỗi lần về California ghé thăm Ninh 9 giờ có khi Ninh còn ngủ. Chị Ninh luôn tươi cười, “anh ngồi chơi nhà tôi dậy ngay” nhưng cũng 30 phút sau Ninh mới ra phòng khách còn ngái ngủ.

            “Văn có nhận được thư Huấn không?”Giọng Ninh có vẻ bực. Văn và Huấn có thói quen gọi tên nhau không xưng mày tao. Nhắc đến Huấn, Văn nhớ ông bạn trung học giỏi sinh ngữ, viết văn ngọt như mía lùi, sắc như dao, phơn phớt vài chữ có thể làm người ta khó chịu dài dài. Ai bực mình Huấn sẵn sàng thanh minh sòng phẳng không biết nợ trả được không. Huấn du học từ thập niên 60 rồi ở luôn ở Đức ngoài mấy chuyến về quê thăm mặt cưới vợ. Huấn ít viết nhưng viết cho báo hay thư cho bạn cũng như nhau. Ý tưởng tuồn tuột tuôn ra như nước trong vòi chảy ra đọc vui cũng vui, nhức đầu cũng lắm nhức đầu. Thời gian sau này thư cho bạn của Huấn đượm mầu Bát Nhã. Cái sắc sắc không không trừu tượng của thế giới hữu hình từng là đề tài của cái sống cái chết, cái có cái không dưới ngòi bút của Huấn trở nên thêm huyền ảo.

            “Có,” Văn đáp, “kèm một bài viết của Huấn về vụ Huấn đón một vị sư từ trong nước ra thăm Phật tử nước ngoài. Có gì lạ không Ninh?” Có tiếng Ninh văng vẳng trong máy. Văn ngập ngừng: “Mình đồng ý, nhưng cái giỏi của Huấn là lặp đi lặp lại mà ý không trùng nhau, người đọc vẫn thấy có cái mới.”  Chờ nghe hết câu của Ninh, Văn nhỏ nhẹ, “Thôi cứ tạm đồng ý lần này tụi mình bất đồng ý đi,” rồi lảng sang chuyện khác: Trình một người bạn của cả hai đang lâm trọng bệnh; chiều nay có hẹn đi ăn sinh nhật con trai Cân; cuốn sách “Monkey Bridge” của cô Cao Lan vừa xuất bản đang được giới thưởng ngoạn văn học Việt hải ngoại chú ý.

            Nói chuyện với Ninh về lối diễn giải của Huấn về cái có cái không, cái anh cái tôi, Văn nhớ hồi còn nhỏ nghe mẹ tụng kinh Bát Nhã hằng đêm “có có không không” Văn vẫn không tin cái gì trước mắt là không thật. Ba đi làm, Mẹ đi buôn, chị đi chợ, và riêng mình mỗi buổi sáng đến trường thung thăng gặp thầy gặp bạn. Lớp học còn đó, mấy giòng chữ của thầy viết trên bản đen vào giờ cuối vẫn còn kia. Chưa có ý thức về phạm trù tôn giáo Văn nghĩ ông Phật cũng như giáo chủ các tôn giáo khác chỉ bày chuyện để thu phục tín đồ mở rộng đế quốc riêng của mình. Nhưng tuổi về chiều Văn cảm nhận cái vô thường của cuộc sống. Không biết thời tiết vùng đông bắc nước Mỹ bốn mùa thay đổi nhanh chóng có ảnh hưởng đến cách nhìn sự vật của Văn không.

            Có tiếng chuông cửa reo. Đã hơn 2 giờ chiều. Giờ này anh George, người đưa thư quen thuộc đến phát thư. George có thói quen bấm chuông để Văn ra nhận thư. Lẫn lộn trong mấy giấy thông báo tiền điện, thẻ tín dụng, điện thoại là mấy cái thư. Có thư Nhàn. Nhàn rất ít viết thư, chắc phải có gì quan trọng. Và Văn đoán không sai.

            Nhàn với Văn là hai người bạn thân. Rời khỏi ghế nhà trường vào quân ngủ, chiến tranh, sụp đổ, tị nạn Văn và Nhàn vẫn giữ được liên lạc với nhau. Nhưng ổn định ở quê người phương tiện liên lạc không thiếu hai bạn lại thấy xa cách. Một xung lực nào đó như kéo Nhàn xa Văn. Văn chẳng biết tại sao, như là chuyện thiên định. Nếu ở tuổi thiếu thời Văn sẽ tìm đến Nhàn để hỏi cho ra lẽ, nhưng bây giờ Văn chỉ cười.

            Trong những bạn trung học không phải ai cũng vô tư như Văn. Thinh là một. Bài thơ phổ nhạc “Mầu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan đã cám dỗ Thinh khi tuổi chưa đến độ 20, tạo ấn tượng mất mát, vô thường, buồn một cách sâu sắc. Hình ảnh người lính trẻ cầm súng hành quân băng qua những cánh đồi đầy hoa sim mầu tím để nhớ đến người vợ bé bỏng yêu mầu tím chết trong một trận càn của giặc quá đẹp đối với Thinh. Hồi đó Văn và Thinh cùng học ở Pháp, Thinh ở học viện miền Nam, Văn ở học viện miền Tây. Thinh gởi cho Văn bài thơ buồn và hay đến choáng ngợp đó đến cho Văn và bảo đọc đi. Trong thư Thinh, ngoài bài Mầu Tím Hoa Sim là những trang dài dằng dặc ca ngợi chiến đấu, ca ngợi tổ quốc, ca ngợi cái vô thường nhưng đẹp của tình yêu. Văn thích bài Mầu Tìm Hoa Sim từ độ đó, và mãi 40 năm sau Thinh và Mầu Tím Hoa Sim đối với Văn vẫn là một như hai hình ảnh quện vào nhau không tháo rời ra được.

            Cùng lớp với Thinh còn có Mai, Đống và Hùng. Mai hiền như con gái, đối với Văn có một tình cảm đậm đà. Hồi còn ở California, Văn thường đến chơi với Mai. Mai hiền lành như thuở nào, mái tóc vẫn mềm và đẹp như hồi trung học mặc dù đã trãi qua bao phong sương, chiến trận và tù đày. Mai là hiện thân cho một cái gì không bẻ gãy được. Đống đẹp trai, và đa tình là nghiệp của Đống. Yêu một người đẹp nhất xứ Huế, lấy một người cũng đẹp nhất nhì xứ Huế. Anh được tình yêu ưu đãi và ruồng rẫy, trong đó có mối tình đầy nước mắt với một vũ nữ đẹp nhất Sài Thành. Văn học cùng phòng với Đống năm lên trung học đệ nhị cấp. Học với Đống là một cực hình, lơi một chút, ham chơi một chút là sắp hạng cuối tháng sau Đống. Cứ thế Văn và Đống tranh đua nhau, và càng tranh đua hai bạn càng thân nhau và nể nhau. Đống vào Sàigòn học trước Văn một năm. Hôm Văn bay vào Sàigòn bằng máy bay Dakota hai cánh quạt của hãng Cosara, Đống đón Văn ở trạm hàng không Việt Nam gần chợ Bến Thành đưa về tạm trú nơi Đống đang trọ học.

            Hùng là người vô tư, học thành tài, lấy vợ, đẻ con, đi tù, vuợt biên đều là chuyện nhẹ nhàng như chân của Hùng trên sàn nhảy. Hùng có một lối nhảy êm ả. Đối tượng nào biết nhảy hay không đều có thể nhảy giỏi với Hùng. Hùng có một lối sống điềm đạm, yêu mến bạn bè và được bạn bè yêu mến.

            Lớp 48-55 của Văn có nhiều nhà văn và nhà thơ. Văn ngoài Ninh có Linh, Ngân, Định, thơ có Lệnh, có Thìn và Ly. Ninh viết văn dưới nhiều dạng, văn óng ả, diễm lệ, có chủ điểm và nói như Huấn “hắn biết chọn chiến trường và vũ khí”  nên “hắn nheo mắt giương cung bắn đâu là trúng đó”. Ngân phức tạp hơn, khúc mắt hơn và chuyện Ngân viết không rời được nghịch cảnh của miền Nam nước Việt. Ngân thích so sánh cuộc nam bắc phân tranh Việt Nam với cuộc nội chiến thế kỷ trước của Mỹ. Theo Ngân miền Nam thua thì miền Bắc muốn làm mất luôn cả bản sắc của miền Nam nên Ngân khâm phục nàng Scarlett O'hara xinh đẹp, quả quyết, vai chính trong “Cuốn theo Chiều Gió” của nhà văn Margaret Mitchell viết về cuộc nội chiến bắc nam của nước Mỹ theo quan điểm của miền Nam. Dù gió đánh tả tơi cờ vẫn không thay đổi bản sắc. Scarlett O'Hara vượt qua mọi khó khăn trong năm năm nội chiến. Trở về quê, vườn hoang nhà đổ nàng không nản chí và thành công xây dựng cơ sở làm ăn để biểu tỏ sức sống của miền Nam. Tình yêu không đạt với người tình lý tưởng Ashley, nàng quyết xây dựng ái tình mới nhưng không vượt qua được qui luật của con tim. Mỗi lần nghe Ngân say sưa nói về Scarlett O'Hara Văn có cảm tưởng Ngân đang ca ngợi người tình lý tưởng của anh. Người tình của Ngân là miền Nam đã mất.

            Lệnh cũng thích “Cuốn Theo Chiều Gió.” Thơ của Lệnh đượm nét u hoài, nhớ nhung những gì đã mất trong đó có mất mát riêng của Lệnh. Gặp lại bạn bè ở quê người sau nhiều năm xa cách, Lệnh mê mẩn với tiếng hát rưng rưng từ một trời Paris cách trở, Lệnh tươi vui với điệu hát từ thung lũng Hoa Vàng nhưng Lệnh không khỏi nghe trong đó nỗi buồn quê mẹ của Phương Loan và nỗi nhọc nhằn thành bại của Thiên, những người bạn của Lệnh và tất cả đều khởi đi từ miền Trung thương khó, từ chiến tranh và xuyên suốt chiến tranh.

            Linh viết văn không giống các bạn, từ ý xuống chữ viết là một khoảng cách rất ngắn, văn như trãi tấm lòng trên giấy. Linh viết truyện ngắn, truyện dài, ca ngợi cái đẹp và những kỹ niệm của đất Thần kinh nơi Linh sinh ra và lớn lên. Dùng văn chương Linh tô đậm bức tranh của nghịch cảnh chiến tranh và những éo le đau lòng của đời sống mới sau khi rời bỏ quê hương.

            Định ở thành Vienne, lang bạc từ lúc rời ghế trường trung học, theo nghiệp hải hành. Những đêm xuyên đại dương chỉ có trăng sao là bạn Định thấy cô đơn, làm to lớn thêm nổi cô đơn của chính cõi lòng. Nhưng cô đơn không khuất phục được Định. Định biến cô đơn thành ngà ngọc lụa là trên trang giấy. Định trở nên một nhà triết lý thực tiển thấy sự nhỏ bé của con người và nuông chiều cuộc sống. Văn thấy trong văn khí của Định cái lớn nhất và cái nhỏ nhất. Từ đài lái tàu ngẩng nhìn giải Ngân Hà trắng đục hằng đêm Định quên phức chuyện Ngưu Lang Chức Nữ buồn da diết để lượng định khoảng cách tính bằng năm ánh sáng từ hạt bụi nơi mình đang đứng đến giải ánh sáng lờ mờ trước mắt để hỏi những câu bâng quơ, mình từ đâu tới, mình sẽ về đâu? Nhưng công việc trên tàu không cho Định bị ám ảnh bởi câu hỏi nghìn đời muôn kiếp không có câu trả lời kia. Phải đo độ cao mấy vì sao, định vị trí con tàu, điều chỉnh đường đi. Rồi con tàu đưa Định đến những vùng đất lạ. Nhịp sống trở nên vật chất. Những buổi “lạc dục tập thể” sau những bữa cơm đầp ắp những món ăn bổ dưỡng với những cô gái Brazil nước da thăm thẳm mặn mà. Những buổi tắm biển với người đẹp không một mảnh vải dính thân, đuổi bắt nhau trong dòng nước trong như pha lê của vùng nhiệt đới.

            Cách chọn đề tài của Định không giống ai. Định có thể viết về “bánh bèo,”  “bánh ú” nhưng đừng chờ anh chỉ cách làm bánh. Mượn đề tài đó Định vẻ cả quả địa cầu, vũ trụ với cuộc sống muôn màu muôn sắc. Mầu sắc của Định không phải là ánh sáng của Paris, Nữu Ước, hay của Las Vegas mà của những địa danh xa xôi khiêm nhường như Recife của xứ Ba Tây, Abidjan của Ivory Coast, Cayenne của Guyane. Mầu sắc ở những nơi đó không huy hoàng đài các mà trầm buồn như của Huế mộng và thơ có sức thấm vào tận tâm can của Định, đưa Định vào những giấc mộng kỳ thú như Lưu Nguyễn lạc đào nguyên.

            Nghĩ đến Định, Văn lại bực mình Nhàn. Văn dỡ chồng thư mới tới định đọc lại thư Nhàn tìm nguyên nhân của sự bực mình mặc dù trực giác cho Văn biết tại sao Nhàn làm mình bực mình và nguyên nhân nào đã kéo Nhàn cách xa Văn. Lách lách chồng thư Văn thấy có thư Huấn từ Bonn lúc nãy Văn không chú ý.

            Lại chuyện Huấn và Ninh. Huấn thuật chuyện vừa đọc “Trước cửa tam quan” của Ninh đăng trên một tạp chí văn học. Câu chuyện liên quan đến cảm tưởng của Ninh trong chuyến đi thăm một cổ tự ở quê nhà. Ngôi cổ tự nằm sâu trong vùng Liên khang trên cao nguyên Trung việt, không biết được xây từ đời nào, kiến trúc đặc biệt, nguồn gốc tiểu thừa nhưng lối thờ phượng theo đại thừa. Ninh dùng câu chuyện để trình bày quan điểm của Ninh về kinh Bát Nhã.

            Thư Huấn viết: “Mình sợ ngộ nhận Văn ơi, nhưng mình phải viết. Ninh viết chuyện 'Trước cổng tam quan'như một nhà phân tâm học, phân tích bệnh lý bằng cách tạo ra người bệnh. Văn tài của Ninh thu hút độc giả, và hấp lực của văn khí kéo người đọc vào cơn lốc do tác giả tạo ra, một cơn lốc của phòng thí nghiệm, không phải cơn lốc tự nhiên của trời đất. Luận đề: cuộc đời đẹp lắm, đáng sống lắm, đâu phải là không, nó là diệu hữu ... và Ninh dựng chuyện để hạn chế một cách ngon lành kinh Bát Nhã ở câu đầu: 'Quán tự tại Bồ Tát ... ngũ uẩn giai không'. Đọc các bài viết khác của Ninh mình biết Ninh nhuần nhuyễn kinh Bát Nhã, thế sao Ninh cứ lờ cái đoạn sau, 'sắc bất dị không, không bất dị sắc...'? Bát Nhã không phải chỉ nói về cái không, nó nói về cái có và cái không.” Huấn kết thúc lá thư, “Mình nghĩ sáng tác văn chương không phải là đào sâu cái riêng tư, cái trời cho, cái độc đáo, cái không ai có, và đây là một luận đề dài có dịp mình sẽ viết đầy đủ hơn.”

            Văn có cảm tưởng Huấn đọc vội truyện “Trước cổng tam quan” nên không công bình trong nhận định. Tuy Ninh không nêu vế thứ nhì của Bát Nhã “sắc bất dị không, không bất dị sắc” nhưng Ninh đã biện minh đầy đủ khẳng định cái có như một đối cực cần thiết cho cái không. Ninh nhấn mạnh cái ‘không” để nêu cái “có”, đối chiếu “tiểu thừa” với “đại thừa” để làm nổi bật cái tổng thể. Văn nghĩ nếu Huấn chịu khó đọc đoạn kết của “Trước cổng tam quan” chắc Huấn hiểu được cái nhìn thông suốt của Ninh về Bát Nhã. Ninh viết: “Chuyện du ký của tôi nơi cổ tự, chiêm nghiệm cái ngã của tiểu thừa và vô ngã của đại thừa, cái thắc mắc về không và có của tôi bổng nhiên biến mất, tôi như ngộ được lý chân như của Bát Nhã. Chuyện văn chương, chuyện luật, chuyện sống, chuyện đạo chuyện đời bổng nhiên ăn khớp với nhau, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, và hy vọng phần nào trong tương lai. Tôi nghe hòa bình với bản thân và với ngoại giới.”

            Trong số bạn trung học của Văn, có những bạn khắc tính với nhau như Linh và Ngân, Ngạn và Hùng, nhưng Huấn và Ninh khắc tính nhau một cách đặc biệt. Văn có cảm tưởng Ninh không bao giờ đọc kỹ những gì Huấn viết và trái lại. Không có gì ngạc nhiên nếu tranh luận về kinh Bát Nhã. Sự huyền ảo của tâm kinh sẽ còn là đề tài tranh luận chừng nào còn vũ trụ, còn cuộc sống, còn lời còn chữ. Ngạc nhiên là - theo Văn - Ninh và Huấn hiểu Bát Nhã giống nhau lại tranh luận với nhau.

            Những việc nho nhỏ cấu thành sự. Văn nhớ có lần Huấn thuật chuyện nhân một chuyến đi California, Huấn bị đụng xe cần một luật sư. Biết Ninh hành nghề tại địa phương Huấn đến nhờ nhân tiện thăm bạn. Khi cô thư ký đưa Huấn vào phòng luật sư, Ninh đang hí hoáy viết. Ngẩng lên, Ninh hỏi như một cái máy, “ông cần chi”. Huấn khó chịu, “ông luật sư không nhận ra tôi sao?” Ninh lướt nhanh vào trang giới thiệu cô thư ký để trước mắt. Nhận ra Huấn Ninh đứng dậy ôm chầm lấy bạn.

            Một lần khác nhân nhà văn Mai Thảo ở Hoa Kỳ viếng Paris, chị Thụy Khuê tổ chức đón tiếp tại tư gia và mời một số văn nghệ sĩ địa phương tham dự. Nhân có mặt ở Paris tham dự hội nghị luật sư đoàn thế giới, và vốn trong chỗ thân tình chị Thụy Khuê mời Ninh đến tham dự luôn. Hôm đó Huấn đến trước. Khi thấy Ninh bước vào Huấn bỡ ngỡ buộc miệng “lại ông Ninh”. Ninh tươi cười bắt tay Huấn nhưng lòng không vui.

            Đang miên man suy nghĩ về Huấn và Ninh, bổng có tiếng còi xe. Văn nhớ giờ hẹn với Cân chiều nay dự sinh nhật con thứ của Cân. Cân lại đón. Ở New York Văn chỉ có Cân là bạn. Cân có một lối sống gọn gàng, ngăn nắp, một lối suy nghĩ đơn giản nhưng thâm trầm. Cân có khuynh hướng xã hội nhưng chấp nhận sự khác biệt giữa giàu nghèo, giữa người có ưu thế và kẻ bị thống trị. Cân không nghĩ có một chế độ chính trị nào có thể đem lại sự công bình tuyệt đối. Nếu có họa may ở trong trí tưởng tượng của một số người tự cho là nhân hay được tôn phong làm vĩ nhân. Cân lập luận, cỏ mọc dưới gốc một cổ thụ không tránh được ảnh hưởng của cành lá bên trên. Mà nào cây cổ thụ có quyền chọn lựa độ nghiêng! Nền đất chung quanh gốc hay ngọn gió vô tình mạnh yếu hướng nào ai sai khiến được. Đời sống đối với Cân là kết quả của thập nhị nhân duyên nói theo nhà Phật mặc dù Văn không biết Cân học Phật pháp từ lúc nào. Hồi trung học những giờ không thích ý Cân thường bỏ lớp lang thang đến chùa và quen nhiều vị sư lớn. Cân thường tâm sự với Văn, hình ảnh ám ảnh Cân nhất là hình ảnh một người lính trẻ tuổi ngả xuống ngoài chiến trường trong bất cứ cuộc chiến nào từ cổ chí kim. Người lính không chọn lựa cuộc chiến, không chọn lựa chiến trường và cũng không muốn chết mặc dù có thể được tổ quốc ghi ơn hay ghi tên vào bia đá. Một người lính trẻ ngả xuống là một cốt khô trong vạn cốt khô dựng nên danh tướng mặc dù danh tướng cũng chưa chắc là người chọn lựa chiến trường. Mỗi lần nghe Cân nói về vạn cốt khô Văn thấy buồn như nghe hát bài “Hồn Tử sĩ.”

            Trời về chiều, xe cộ lên đèn, đèn xa lộ cũng bắt đầu bật sáng. Xe vừa qua khỏi cầu Williamsburg trên East River nối liền Brooklyn với Manhattan, lưu thông chậm hẳn lại. Thấy Văn yên lặng, Cân hỏi, “cuộc tranh tranh luận về Bát Nhã giữa Huấn và Ninh tới đâu rồi?”. Văn và Cân gặp nhau ăn cơm ở nhà Văn mỗi tuần một lần như một thông lệ. Tuần trước Văn kể cho Cân nghe cuộc tranh luận giữa Huấn và Ninh. Văn nhớ Cân nghe một cách lơ đảng, tính Cân không thích các cuộc tranh luận rắc rối, nên câu hỏi hơi bất ngờ đối với Văn. “Thì cũng vậy,” Văn trả lời. “Tranh luận về Bát Nhã thì có lúc nào xong được. Bát Nhã tâm kinh hay và nhiệm mầu là ở chỗ đó. Nếu mọi người đều hiểu Bát Nhã như nhau thì kinh Bát Nhã không truyền đến được ngày nay. Huấn và Ninh ở cách nhau hai lục địa, thấy mình ở ngay chính giữa nên làm trạm chuyển ý kiến cho cuộc tranh luận nhẹ nhàng hơn. Hai ông ấy khắc tính nhau, tranh luận thẳng thì nổ lớn. Nhưng Huấn và Ninh mến tài nhau, càng tranh luận càng thấy gần nhau hơn. Và nhờ có cuộc tranh luận của Huấn và Ninh mình hiểu thêm được về kinh Bát Nhã.”

            Cân gật gù. Anh đang chú ý đến lưu thông. Bỏ đường Park, Cân quẹo xe vào một con đường nhỏ hơn, nhà cửa hai bên gọn gàng xinh xắn. Cân ngừng xe trước ngôi nhà nhỏ quen thuộc, trước nhà là một cây thông tàn lá xanh biếc quanh năm như một cây noel lớn. Đèn phòng khách sáng choang, trong nhà vẵng ra tiếng nói tiếng cười của số bạn bè đến trước.

            Ngoài đường bóng tối đã xuống từ lâu, gió bắt đầu xe lạnh.

 

Philadelphia đầu Thu 1998

Trần Văn Sơn

BinhNam@sbcglobal.net


Trần Văn Sơn

http://www.vnet.org/tbn