Hồi Giáo đối đầu với Tây phương

Chiến tranh & hóa giải

 

                 Trần Bình Nam

 

Thế giới vừa bước qua ngưỡng cửa năm 2015. Sau Tết Tây là Tết Nguyên Đán cổ truyền. Người Việt Nam trong và ngoài nước theo thông lệ chờ đón năm mới với  nhiều hy vọng, và chúc nhau một năm mới bình an. Nhưng thế giới hòa bình có vẻ là một món quà khan hiếm.

Mặc dù cuộc chiến tại Iraq đã chính thức chấm dứt, và cuộc chiến tại Afghanistan đang nằm trong thời biểu kết thúc, năm 2014 vừa qua là một năm bất ổn với nhiều biến động. Liên bang Nga chiếm Crimea;  bệnh truyền nhiễm Ebola bộc phát tại Phi Châu; thời tiết khắc nghiệt toàn cầu; và tại Hoa Kỳ nạn “đen-trắng” trở nên cực kỳ căng thẳng; Liên quốc Hồi giáo (Islamic State of Iraq and Syria –ISIS) xuất hiện tiến công chiếm gần hết lãnh thổ Iraq và đe dọa thủ đô Baghdad. Bối cảnh đó báo hiệu năm 2015 là một năm nhiều sóng gió .

Trung đông, trung tâm của cuộc tranh chấp văn hóa Tây phương và Hồi giáo có thể sẽ là nơi  phát sinh ra một cuộc chiến mà tai họa của nó khó lường.

Qua các biến loạn khởi phát từ khi tổ chức al-Qaeda tấn công khủng bố Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9 năm 2001 (vụ 911), và sự đánh trả của Hoa Kỳ dai dẵng qua hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan, một phong trào Hồi giáo cực đoan gọi là Liên quốc hồi giáo Iraq và Syria (Islam State of Iraq and Syria – viết tắt ISIS) ra đời với một đường lối đấu tranh cực đoan dùng khủng bố làm phương tiện (*)

[(*) Nhóm ISIS có tham vọng hình thành một Liên quốc Hồi giáo gồm Syria, Lebanon, Do Thái, Jordan, Cyprus & phần đất phía nam Thổ Nhĩ Kỳ  gọi đơn giản là Liên quốc Hồi giáo (Islamic State – IS)]

Những sai lầm về chính sách của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Iraq đã đóng góp một phần trong sự hình thành của IS. Sau khi lật đổ chính quyền Saddam Hussein năm 2003, thay vì duy trì quân đội của Saddam Hussein và dựa vào bộ máy an ninh và hành chánh sẵn có (chỉ cần rốt ráo thay nhân vật chỉ huy) để ổn định tình hình dần, ông Paul Bremer với chức vụ toàn quyền (hành chánh và quân sự) tại Iraq đã giải tán quân đội Iraq và bãi chức tất cả đảng viên đảng Baath (đảng cầm quyền đa số là người thuộc giáo phái Sunni). Sự cai trị Iraq giao vào tay một chính quyền gồm tuyệt đại đa số là người Shias từng chống Saddam Hussein.

Quyết định táo bạo của Paul Bremer đã đẩy các sĩ quan và binh lính đa số thuộc giáo phái Sunni của chế độ Saddam Hussein về phía chống quân đội chiếm đóng Hoa Kỳ và chính quyền mới thành lập tại Baghdad. Ông Bremer và các tướng lãnh Hoa Kỳ tin rằng với bộ máy quân sự khổng lồ của Hoa Kỳ tại Iraq, tình hình sẽ ổn định trong một thời gian ngắn.

Nhưng thực tế không diễn tiến như vậy. Thời gian cho thấy bên cạnh cuộc đấu tranh có tính tôn giáo, người Sunnis (theo Saddam Hussein) chống người Shias (theo chính quyền thân Hoa Kỳ) cuộc đấu tranh chống chiếm đóng mang màu sắc dân tộc nhất là khi Hoa Kỳ mất dần sự ủng hộ của thế giới vì không chứng minh được Saddam Hussein (1) liên kết với al Qaeda và đứng sau lưng cuộc tấn công 911, (2) có vũ khí hóa học và (3) âm thầm chế tạo bom nguyên tử.

Saddam Hussein không có vũ khí giết người tập thể cũng như không liên hệ gì đến Al Qaeda. Sự việc này làm cho quyết  định xâm lăng của Hoa Kỳ mất tính chính đáng trước dư luận quốc tế, và là một khích lệ tinh thần cho các nhóm chống chính quyền do Hoa Kỳ thiết lập tại Baghdad.

Chiến trận quanh thành phố Fallujah (**) đánh dấu sự khó khăn của quân đội Hoa Kỳ trong nhiệm vụ ổn định Iraq.

[(**) Fallujah là một thành phố nửa triệu dân đậm màu sắc Hồi giáo với hơn 200 nhà thờ nằm trên bờ sông Euphrates cách thủ đô Baghdad 70 km về phía Tây.]

Tháng 4/2003, một tháng sau khi tiến quân vào Baghdad, quân đội Hoa Kỳ đánh chiếm thành phố Fallujah. Sau đó thành phố lọt vào tay quân kháng chiến thân Saddam Hussein. Tháng 11 năm 2004 quân đội Hoa Kỳ phải trở lại giải tỏa Fallujah lần thứ hai và trận đánh giành thành phố giữa TQLC Hoa Kỳ và quân kháng chiến diễn ra trên từng đường phố với nhiều tổn thất đã đi vào quân sử Hoa Kỳ. Trong trận chiến này quân đội Hoa Kỳ không chỉ đánh nhau với tàn quân thân Saddam Hussein mà đánh nhau với quân kháng chiến Hồi giáo gồm nhiều nhóm khác nhau có cùng mục đích chống cuộc chiếm đóng Iraq của Hoa Kỳ. Nhóm kháng chiến này là cái lõi của Liên quốc Hồi giáo IS hiện nay.

Từ đó tình hình Iraq càng ngày càng thiếu ổn định, nhất là khi thủ tướng Nouri al-Maliki  (nhậm chức tháng 5/2006) áp dụng một chính sách kỳ thị người thuộc giáo phái Sunni.   

Vào cuối năm 2006 tình hình Iraq bi đát, quân kháng chiến uy hiếp thành phố này đến thành phố khác, buộc tổng thống Bush đầu năm 2007  tăng 20.000 quân để ổn định tình hình, chính yếu là bảo vệ thủ đô Baghdad không để cho quân kháng chiến chiếm Iraq trước cuộc tranh cử tổng thống năm 2008.

Baghdad đứng vững, tình hình tạm ổn định, nhưng vẫn không giúp đảng Cộng Hòa giữ được tòa Bạch Cung.Tổng thống Obama đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 2008 và từ đầu năm 2009 bắt đầu thi hành lời hứa chấm dứt chiến tranh Iraq. Với một ngân khoản viện trợ khổng lồ và một chương trình huấn luyện cho quân đội và cảnh sát Iraq, ngày 31/12/2011 người lính Mỹ cuối cùng rút ra khỏi Iraq.

Nhưng các nhóm kháng chiến chỉ ngừng hoạt động trong thời gian Hoa Kỳ chuẩn bị rút quân và tái phát các cuộc tấn công vũ trang chống chính quyền Maliki. Hoa Kỳ có tiên liệu các hoạt động này nhưng tin rằng chính phủ Maliki có khả năng bảo toàn lãnh thổ. Nhưng thủ tướng Maliki là một nhân vật cứng đầu và quá khích. Ông không chịu nghe lời cố vấn của Hoa Kỳ mở rộng chính sách hòa giải và chia sẻ quyền hành với các lãnh tụ người Hồi giáo Sunnis. Đồng thời ông áp dụng một chính sách kỳ thị, bắt bớ, giết chóc, giam giữ đối với thành phần dân chúng theo giáo phái Sunni. Phong trào kháng chiến chống Malaki như một đám cháy được đổ thêm dầu lan rộng nhanh chóng và được sự tiếp tay của al-Qaeda vốn bị Saddam Hussein đàn áp (***)

[(***) al-Qaeda tiếng A rập có nghĩa là “căn cứ - the base” do Osama bin Laden thành lập và lãnh đạo. Osama bin Laden, công dân Saudi Arabia thuộc một gia đình giàu có và từng giúp đỡ tài chánh cho du kích mujahideen chiến đấu chống cuộc xâm lăng Afghanistan của Liên bang Xô viết (1979-1989).

Bin Laden chống chính sách của Hoàng gia Saudi Arabia cho phép Hoa Kỳ đóng quân tại Saudi Arabia sau cuộc chiến đánh đuổi quân Iraq ra khỏi Kuwait năm 1991. Ông bị tước quốc tịch và trục xuất ra khỏi nước. Tị nạn tại Soudan từ năm 1991 đến 1996, ông ta là người ở sau lưng cuộc đánh bom trung tâm thương mãi (World Trade Conter) ở New York năm 1993, và sau khi rời Soudan qua Afghanistan (1996) lập căn cứ huấn luyện đoàn viên cho al-Qaeda, ông ta cũng là tác giả các cuộc đánh bom hai tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Kenya và Tanzania năm 1998 .        

Qua các hoạt động khủng bố này al-Qaeda và Osama bin Laden đã nằm trong tầm nhắm của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ và Tây phương. Tuy nhiên al-Qaeda chỉ được thế giới biết đến sau cuộc tấn công 911. Năm 2011 sau khi Osama bin Laden bị bắn chết tại Pakistan, nhà lý thuyết Ayman al-Zawahiri thay thế và tuyên bố tiếp tục đường lối chống sự can thiệp của Hoa Kỳ tại Trung đông]

         Với sự yểm trợ và khả năng tổ chức của al Qaeda các nhóm kháng chiến nhanh chóng trở thành một lực lượng mạnh mẽ gồm chính yếu là người Sunnis và mục tiêu trước mắt là lật đổ chính quyền Iraq thân Hoa Kỳ. Al Qaeda cũng giúp  những phe nhóm chống chính quyền của tổng thống Bashar  al - Assad ở Syria phối hợp với phong trào kháng chiến tại Iraq nhắm mục đích thành lập Liên quốc Hồi giáo (IS) đặt dưới sự lãnh đạo của Abu Bakr al-Baghdadi .Vào tháng 8/2014 Liên quốc Hồi giáo đã chiếm được phần lớn Iraq và Syria tiếp giáp và uy hiếp thủ đô Baghdad buộc Hoa Kỳ phối hợp với Anh và Pháp oanh tạc IS. Cuộc oanh tạc lan rộng sang Syria, và Trung đông lại trở thành chiến trường giữa Tây Phương và Hồi giáo, chỉ khác ở chỗ lần này Hoa Kỳ đánh bằng Không quân không có bộ binh tham dự.Tuy nhiên nếu oanh tạc bằng Không quân không cứu được thành phố Baghdad thì có phần chắc bộ binh sẽ trở lại Trung Đông và những gì diễn tiến trong 2 năm tới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ năm 2016 .

Đó là chưa nói tới chiến tranh Afghanistan. Lễ trao cờ đánh dấu ngày quân đội Hoa Kỳ chấm dứt sự trực tiếp chiến đấu tại Iraq vào tháng 9 năm 2010 được tổ chức long trọng bao nhiêu thì lễ đánh dấu sự chấm dứt các cuộc hành quân của Hoa Kỳ tại Afghanistan ngày 29/12/2014 vừa qua âm thầm bấy nhiêu. Bởi lẽ nhìn về Iraq sau ngày 31/12/2011 khi người lính Mỹ cuối cùng bước qua biên giới Iraq-Kuwait trở về nước tưởng không bao giờ trở lại thì nay 3.000 quân trở lại – tuy không chiến đấu trực tiếp -  để làm công tác huấn luyện, tình báo và phối hợp các cuộc oanh kích quân IS. Ngày 31/12/2015 sắp tới binh sĩ Hoa Kỳ sẽ rút hết ra khỏi Afghanistan, nhưng triển vọng chiến tranh để giành quyền lãnh đạo Afghanistan giữa Taliban và chính quyền thân Tây phương của tổng thống Ashraf Ghani (vừa kế nhiệm tổng thống Hamid Karzai) không thấy một triển vọng gì chấm dứt sớm.

Cục diện tại Trung Đông đang là mối lo của thế giới. Nếu chiến tranh tại Afghanistan có giới hạn lãnh thổ, thì cuộc chiến chống IS có cơ lan rộng, một bên (Hoa Kỳ) nhân danh chống khủng bố để bảo vệ an ninh, quyền lợi và những gía trị tinh thần của Tây phương, một bên (IS) nhân danh bảo vệ nền tảng của Islam mà IS cho là Tây phương đang uy hiếp bằng sự hiện diện lâu dài tại Trung Đông.

Nếu là chiến tranh quy ước giữa nhóm quốc gia này với nhóm quốc gia khác có tuyên chiến và tôn trọng quy chế Geneva về tù binh thì khác. Đằng này là một cuộc chiến không quy ước giữa một khối văn hoá này với một khối văn hoá khác mang màu sắc thánh chiến mà phương tiện và phương pháp chiến tranh không bị hạn chế bởi một quy ước quốc tế nào. IS giết thường dân vô tội không cùng tôn giáo bằng xử tử tập thể hay đóng đinh trên cây thánh giá, và giết quân nhân và thường dân bên địch bằng cách cắt đầu. Những hành động tàn ác này tạo sự phẫn uất và bất mãn trên toàn thế giới. Phía Hoa Kỳ trong không khí chiến tranh nóng lòng bảo vệ người dân đôi khi cũng đi ra ngoài quy ước như tra tấn tù binh.

Nói chung, khung cảnh chiến tranh hiện nay là một sa đọa tinh thần của con người. Và nếu không chấm dứt kịp thời nó sẽ mang lại những hậu quả không lường trước được.

Tây phương có sức mạnh quân sự lớn lao, nhưng không thể thắng cuộc chiến chống khủng bố IS một cách dứt khoát như đồng minh từng thắng trong hai trận thế giới đại chiến.

Cần hóa giải tranh chấp bằng hòa giải. Nhưng hòa giải khó hơn thổi kèn thúc quân. Bằng chứng là tổng thống Obama chủ trương hòa giải, nhưng thực tế sẽ là khi ông rời chức vụ vào tháng Giêng năm 2017 Hoa Kỳ có thể vẫn đang còn chiến đấu tại Trung Đông .

Cuộc tranh chấp Trung Đông có nguồn gốc sâu xa. Thế giới chiến tranh thứ 2 chấm dứt để lại một cấu trúc Liên Hiệp Quốc nếu phản ảnh được cân bằng quyền lực vào thời gian đó đã trở nên lỗi thời. Các thế lực mới như Nhật Bản, Đức, Brazil,  Ấn Độ và nhất là khối các nước Hồi giáo đã làm cho Liên Hiệp Quốc với Hội đồng Bảo an gồm 5 nước Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung quốc có quyền phủ quyết và độc quyền có vũ khí nguyên tử trở thành chông chênh không giải quyết được các vấn nạn trên thế giới. Cuộc chiến giữa Do Thái và Palestines  dằng dai qua bao nhiều đời tổng thống Hoa Kỳ từ tổng thống Carter đến tổng thống Obama và mấy đời Tổng Thư Ký Liên hiệp quốc vẫn không có giải pháp vì sự bất lực của Liên hiệp quốc không tạo đủ áp lực buộc hai bên phải hòa giải để cùng tồn tại.

Sự độc quyền vũ khí nguyên tử của 5 ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc là một nguyên nhân khác đưa đến căng thẳng trên thế giới. Các nước Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung quốc, có quyền có vũ khí nguyên tử và tự do chăm sóc kho bom của mình, trong khi các nước khác (dù tham gia hay không Hiệp ước Hạn chế sự lan truyền của vũ khí nguyên tử) đều được xem là thành phần bất hảo nếu muốn có bom nguyên tử. Sự căng thẳng giữa Hoa Kỳ, Do Thái với Iran do nỗ lực chế tạo bom nguyên tử của Iran làm cho tình hình Trung đông bất ổn thêm là một điều không cần thiết. Do Thái thật ra không sợ Iran có bom nguyên tử vì ai cũng biết Do thái  đã có một kho bom. Và nếu Iran có bom nguyên tử kho bom đó cũng không đáng sợ bằng kho bom của Pakistan hiện nay xét tình hình ổn định chính trị tại đó. Dân Iran gốc Ba tư, tuy theo đạo Hồi giáo nhưng ít quá khích hơn dân Hồi giáo Pakistan.

Tóm lại cấu trúc của thế giới hiện nay ưu đãi các nước Tây phương và Tây phương không ngần ngại xử dụng những ưu đãi này đối với khối Hồi giáo biến thành một cuộc đối đầu văn hóa là nguyên nhân làm cho thế giới bất an.

Từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ, chiến tranh lạnh chấm dứt, người ta đã đặt vấn đề kiến tạo một trật tự mới của thế giới, nhưng không ai dứt khoát trong sự kiến tạo lại cấu trúc của Liên hiệp quốc và chính sách nguyên tử. Đã đến lúc tái cấu trúc Hội Đồng Bảo An để các quốc gia mạnh như Đức, Ấn Độ, Brazil, Nam Mỹ, Nhật Bản, Iran … có tiếng nói, và thay thế quyền phủ quyết bằng biểu quyết đa số 75% hay 80% thành viên của Hội đồng Bảo an.

Và đã đến lúc sắp xếp để một nước trong khối Hồi giáo tham gia cơ cấu quyền lực nhất của Liên hiệp quốc. Đó là một sự công bằng, một thực tế, một chiếc chìa khóa hóa giải cuộc đối đầu văn hóa có khả năng đốt cháy thế giới hiện nay./.

                

                 Trần Bình Nam

                 Jan. 8, 2015

                 binhnam@sbcglobal.net

                 www.tranbinhnam.com