Nhìn
lại tình sử giữa
thi
sĩ Hàn Mạc Tử và bà Hoàng Thị Kim Cúc
Qua
cuốn “Lá
Trúc Che Ngang: chuyện tình của cô tôi”
Của Hoàng
Quỳnh Hoa
Trần Bình Nam
Hàn
Mạc Tử là một thi sĩ có tài. Ông sinh năm 1912, lớn lên bị bệnh nan y và qua
đời năm 1940 khi người Pháp còn đô hộ Việt Nam. Thơ văn và những mối tình lớn
nhỏ của ông tạo thành một biến cố văn học tại Việt Nam sau khi ông chết. Cả một
thế hệ cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940 bừng dậy vì những vần thơ trữ tình
đầy nước mắt của ông. Nhất là những vần thơ thi sĩ dành cho bà Hoàng Thị Kim
Cúc, người yêu trong mộng của ông.
Năm 1939 thế giới chiến tranh bùng nổ. Năm
1945 Nhật đảo chánh Pháp kéo theo cuộc cách mạng chống Pháp giành độc lập. Đất
nước chia cắt. Sau đó là cuộc nội chiến khốc liệt, Nam Bắc thống nhất, dân tình
phân ly, chia rẽ. Thế nhưng hiện tượng văn học Hàn Mạc Tử hình như không bị ảnh
hưởng bởi những xáo trộn chính trị tại Việt Nam. Trước chiến tranh, trong chiến
tranh, và sau khi thống nhất, ở trong Nam cũng như ngoài Bắc, trong nước cũng
như hải ngoại giới văn học vẫn viết về Hàn Mạc Tử mà không hề bị ảnh hưởng bởi
cuộc tranh chấp Quốc-Cộng. Trong đó có các nhà văn nhà thơ nổi tiếng như Trần
Thanh Mại, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Võ Long Tê và Nguyễn Đình Niên, Nguyễn Bá
Tín …
Và mới đây cuối năm 2013, nhân kỷ niệm 100 năm
ngày sinh của bà Kim Cúc, người cháu gọi bà Cúc bằng cô ruột là bà Hoàng thị
Quỳnh Hoa cho xuất bản cuốn “Lá Trúc Che
Ngang: chuyện tình của cô tôi” (nhà xuất bản Đà Nẵng – Hiệu sách Tường Tâm,
Huế phát hành). Cuốn “Lá Trúc Che Ngang” tiết lộ nhiều tư liệu liên quan
đến mối tình Hàn Mạc Tử - Kim Cúc trước đây chưa được công bố do bà Kim Cúc
chuyển lại cho bà Quỳnh Hoa trước khi qua đời. Bà mất tại Huế năm 1988, sáu
tháng sau một tai nạn lưu thông tại Sài gòn .
Theo
cuốn “Lá Trúc Che Ngang” thì sau khi
Hàn Mạc Tử qua đời, qua thơ văn được phổ biến, bà Kim Cúc biết tình cảm sâu đậm
nhà thơ dành cho mình, nên bà đã thu thập và lưu giữ mọi tư liệu liên quan đến
Hàn Mạc Tử. Bà Kim Cúc rất buồn phiền vì đa số sách hay các bài viết về mối
tình của Hàn Mạc Tử đối với bà đều sai sự thật. Bà nghĩ những gì chung quanh
Hàn Mạc Tử là chuyện văn học cần được đính chính, chưa nói đến cần được đính
chính để giữ gìn uy tín của gia đình bà .
Cá nhân bà từ năm 1971 từng biên thư cho các
nhà văn nhà thơ viết không đúng về Hàn Mạc Tử. Và mấy chục năm sau bà nhờ giáo
sư Võ Long Tê, ông Nguyễn Đình Niên, một giáo sư cùng dạy trường Đồng Khánh
Huế, và cô cháu Quỳnh Hoa viết sách đính chính.
Ông Võ Long Tê (1) là người nhận được nhiều tư liệu do bà Kim
Cúc gởi đến, nhưng vì một lý do nào đó sách ông hứa viết vẫn chưa ra đời. Ông
Nguyễn Đình Niên thì bận việc dạy học và dịch kinh sách không có điều kiện để
viết. Cuối cùng bà Quỳnh Hoa – như đã nói – đã thực hiện lời yêu cầu của người
cô xấu số bỏ công nghiên cứu, viết và in cuốn “Lá Trúc Che Ngang: chuyện tình của cô tôi” - LTCN.
Nhà thơ Hàn Mạc Tử có tên là Nguyễn Trọng Trí,
sinh năm 1912 tại làng Lệ Mỹ, Đồng Hới thuộc tỉnh Quảng Bình, lớn lên cùng bố
mẹ vào sống và lập nghiệp tại làng Thanh Tân, Thừa Thiên. Đầu thập niên 1930
ông là một công chức chập chững vào đời làm việc tại ty Đạt Điền Quy Nhơn. Năm
1932, cụ tham tá Hoàng Phùng, thân sinh cô Kim Cúc cũng được đổi từ Huế vào Ty
Điền Địa Quy Nhơn. Cô Kim Cúc, một thiếu nữ
xinh đẹp năm đó vừa tròn 19 tuổi đi theo thân phụ.
Chàng thanh niên Nguyễn Trọng Trí gặp cô Kim
Cúc tại một hội chợ do chính quyền bảo
hộ tổ chức hằng năm tại Quy Nhơn. Bị
tiếng sét ái tình, Trí tìm cách tiếp xúc
với cô, nhưng cô Kim Cúc, vốn thuộc gia đình giáo dục khắt khe, cô luôn tìm
cách tránh né. Nhân Trí làm việc cùng sở với Hòang Tùng Ngâm, em con chú con
bác với cô Kim Cúc nên đã thổ lộ tâm sự với bạn và nhờ bạn làm cánh nhạn đưa
thơ. Nể bạn Ngâm nhận thơ nhưng không chuyển, nghĩ là không thích hợp với gia
phong, và khuyên Trí nếu yêu cô Kim Cúc thì nên nhờ mai mối đi hỏi chính thức.
Có ít nhất hai lần Hàn Mạc Tử tìm cách đón gặp
cô Kim Cúc trên đường phố định ý đưa thư, nhưng cô Kim Cúc né tránh không tiếp
chuyện, cũng không nhận thư.
Về mai mối thì văn học không ghi lại gì khác
hơn là năm 1987 trong một lá thư bà Kim Cúc viết cho Nguyễn Bá Tín, em ruột của
Hàn Mạc Tử, bà cho biết đầu năm 1936 Hàn Mạc Tử nhờ một người cậu đến nhà thăm
ông cụ của cô dọ ý, và khi ra về ông để quên một bức thư Hàn Mạc Tử viết cho
bạn kể lể sự thầm yêu trộm nhớ Kim Cúc của mình (LTCN – trang 62). Thế nhưng
trước đó 20 năm do lời đồn đãi, ông Quách Tấn đã viết trong số 73 báo Văn rằng
“gia đình Kim Cúc đã từ chối lời cầu hôn
của Hàn Mạc Tử với lý do không môn đăng
hộ đối” (LTCN – trang 28).
Sự thật là, cô Kim Cúc theo đúng gia phong đất
thần kinh của thời đại, nghiêm cấm phụ nữ tiếp xúc với phái nam nên cô không có
một tình ý gì với Hàn Mặc Tử qua những cố gắng tiếp xúc làm quen và chuyện mai
mối của người thi sĩ.
Dư luận cho rằng Hàn Mạc Tử thất tình nên năm
1934 đã bỏ Quy Nhơn vào Sài gòn lập sự nghiệp. Đầu năm 1936 Hàn Mạc Tử trở lại
Quy Nhơn, và mấy tháng sau thì cô Kim Cúc theo thân sinh trở về Huế. Nổi thất
vọng của Hàn Mạc Tử trở nên chất chứa.
Năm 1937 Hàn Mạc Tử bị bệnh cùi, một chứng
bệnh nan y. Ông đau khổ vì mối tình ôm ấp không được đáp lại, lại đau đớn vì
cơn bệnh hành hạ thể xác, nhưng ông dấu bố mẹ vào nằm điều trị tại trại cùi Quy
Nhơn và chỉ biết thổ lộ nổi lòng với người bạn thiết là Hoàng Tùng Ngâm. Bệnh
càng nặng mối tình của Hàn Mạc Tử càng nóng bỏng và thơ của ông càng rung động
lòng người đã giúp đưa Hàn Mạc Tử vào bầu trời vinh quang của văn học Việt Nam
sau khi ông qua đời .
Thương bạn, năm 1939 Hoàng Tùng Ngâm viết thư
cho chị Kim Cúc yêu cầu cô viết thư thăm hỏi Hàn Mạc Tử. Và cô Kim Cúc đã gởi
một tấm bưu thiếp (carte postale) cô mua tại tiệm ảnh Tăng Vinh in hình một
thiếu nữ chèo đò trên sông Hương với vài lời thăm hỏi, không đề ngày, không ký
tên. Cảm động, Hàn Mạc Tử đáp lễ với bài
thơ viết tay:
Ở đây thôn Vỹ Giạ
Sao
anh không về chơi thôn Vỹ ?
Nhìn
nắng hàng cau nắng mới lên,
Vườn
ai mướt qua xanh như ngọc
Lá
trúc che ngang mặt chữ điền
Gió
theo lối gió, mây đường mây;
Giòng
nước buồn thiu, hoa bắp lay .
Thuyền
ai đậu bến sông trăng đó ?
Có
chở trăng về kịp tối nay ?
Mơ
khách đường xa, khách đường xa,
Áo
em trắng quá nhìn không ra
Ở
đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai
biết tình ai có đậm đà ?
Đầu thơ Hàn Mạc Tử viết mấy lời:
Túc
hạ,
Có
nhận được bức ảnh Bến Vỹ Dạ lúc hừng đông, hay là một đêm trăng? Và mấy hàng
chữ của túc hạ gởi thăm. Muôn vàn cảm tạ. Túc hạ còn nhớ đến nghĩa năm xưa thì phúc hậu lắm rồi. Mong ơn trên
xuống lộc cho túc hạ thật đầy đủ. Và mong rằng một mùa xuân nào đó được gặp lại
túc hạ mới phỉ tình cho .
Thăm
túc hạ bình an và vui vẻ .
Hàn
Mạc Tử (ký) –
(Xem bút tự của Hàn Mạc Tử - LTCN - trang 88
& 89)
Ngày 11-11-1940 Hàn Mạc Tử qua đời tại trại
cùi Quy Nhơn và chuyện tình của ông qua những bài thơ đẫm nước mắt, chứa đầy máu và trăng trở thành một đề tài lớn trong giới văn học khắp ba kỳ.
Tuy không có quan hệ tình cảm qua lại gì trước
với Hàn Mạc Tử, danh tiếng, thơ văn và mối tình thầm kín đậm đà của Hàn Mạc Tử
đã làm cho quả tim Kim Cúc rung động.
Đáp
lễ bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Giạ” (sau
này giới văn học tự động viết lại chữ “Dạ” cho đúng chính tả) bà Kim Cúc chép
lại bài thơ của Hàn Mạc Tử và viết một bài cảm tác cùng tên bên cạnh, với lời nhập đề: Ngày đầu Xuân đề tặng hương hồn anh H. M. Tử, người tài hoa bạc phận,
một tâm hồn tha thiết yêu đương, và một cuộc
đời vô cùng đau khổ. (LTCN – trang 91)
Bao
năm Hoa sống nơi thôn Vỹ
Thầm
giữ trong lòng một ý thơ
Vẫn
biết cách xa ngoài vạn dặm .
Tình
anh lưu luyến cảnh quê mơ !
Một
mình một cõi với nước mây
Với
cả đau thương với hận này
Anh
khéo lột hết tài nghệ sĩ
Lẫy
lừng danh tiếng kể từ đây.
Hồn
anh lẫn khuất tận mô xa,
Hoa
biết cùng ai thổ lộ ra
Tuy
sống giữa đời phức tạp ấy
Ai
biết tình ai vẫn đậm đà !
H.H.
thôn nữ
H. H. là Hoàng Hoa, một bút hiệu khác của bà
Kim Cúc.
Sau đây là thủ bút của bà Kim Cúc (LTCN –
trang 91)
Tháng 11 năm 1942 nhân lễ giỗ lần thứ hai của
Hàn Mạc Tử, bà Kim Cúc đã viết một bài văn xuôi ca ngợi thành tích văn học của
Hàn Mạc Tử trong đó bà cho rằng mộng
thành danh của Hàn Mạc Tử đã thành:
Âm
dương đôi ngã làm sao nhắn
Sự
nghiệp trăm năm chí đã thành
Trong bài văn xuôi này Kim Cúc tự cho là người
thân của Hàn Mạc Tử cám ơn ông Quách Tấn đã hết lòng sốt sắng đối với Hàn Mạc
Tử và ước mong rằng ông Quách Tấn sẽ nổ lực thu góp xuất bản thơ của Hàn Mạc Tử
nhiều hơn nữa (LTCN – trang 104)
Một năm sau cũng nhân lễ giỗ lần thứ ba của
Hàn Mạc Tử bà Kim Cúc viết một tự truyện
nhan đề: “Thi sĩ Hàn Mạc Tử với người
gái quê”(LTCN – trang 107). Tự truyện được phóng tác dựa vào những tâm tình
của Hàn Mạc Tử đối với cô Kim Cúc gởi
cho bạn năm 1936.
Người “Gái Quê” trong tự truyện chính là cô và
cũng là nhan đề của tập thơ “Gái Quê”
in năm 1936 của Hàn Mạc Tử trong đó chan chứa mối tình kín đáo của Hàn Mạc Tử
dành cho cô.
Lời văn của tự truyện ướt át không giấu dấu sự
đáp ứng ân tình muộn màng của bà Kim Cúc dành cho Hàn Mạc Tử. Bà trích dẫn từng câu từng ý trong tập thơ “Gái Quê” để diễn lại cơn sóng lòng của
Hàn Mạc Tử trong từng giai đoạn yêu đương của Tử mà bà không hề biết.
· Chàng thơ thẩn vì yêu:
“Tứ
gió xuân đi gió hạ về
Anh
thường gởi gắm mối tình quê
Bên
em mỗi lúc trên đường cái
Hóng
mát cho lòng được thỏa thuê”
Em
có ngờ đâu trong những đêm,
Trăng
ngà giải bóng mặt hồ êm,
Anh
đi thơ thẩn như ngây dại
Hứng
lấy hương nồng trong áo em
(Trích “Âm
thầm” – Gái Quê)
· Chàng thất vọng quyết bỏ xứ “Quy Nhơn” vào miền Nam “xa ngút ngàn” để xây đắp sự
nghiệp.
Nước
non muôn dặm tình đương nặng
Sự
nghiệp trăm năm chí chửa thành
· Chàng trở về cũng để chỉ:
….
Nép mình trong cánh cửa
Hé
nhìn dáng điệu của người yêu
Bước
đi ngượng nghịu trên đường cái
Mỗi
lúc ngang qua trước mặt lều.
(Trích “Tôi
không muốn gặp” – Gái Quê)
· Chàng từng điên cuồng không kềm chế được khi nghe tiếng đàn
trong nhà Kim Cúc vọng ra:
Đêm
nay ta lại phát điên cuồng
Quên
cả hổ ngươi cả thẹn thuồng
Đứng
rũ trước thềm nghe ngóng mãi
Tiếng
đàn the thé ở bên trong
(Trích “Tình
thu” – Gái Quê)
Qua tự truyện “Thi sĩ Hàn Mạc Tử với người gái quê” Kim Cúc viết “về sau
lâu lắm có lẽ những nén hương tâm chàng đốt chân thành quá nên đã kinh động đến
lòng người thiếu nữ vô sự kia …. Nhưng
mà đáng buồn cho thi sĩ, thiếu nữ vẫn không thể làm thỏa lòng chàng được…”.
Cô Kim Cúc không giải thích tại sao tim cô đã kinh động mà cô không thể đáp
trả. Phải chăng gia đình cô không thuận như tin đồn và năm 1988 khi xuất bản
cuốn “Đôi nét về Hàn Mạc Tử” ông
Quách Tấn vẫn giữ nguyên đoạn ông viết trong báo Văn số 73 năm 1967, mặc
dù năm 1971 cô Kim Cúc đã biên thư yêu
cầu ông đính chính và ông đã hứa sẽ đính chính
(LTCN - trang 28).
Theo
“Lá Trúc Che Ngang”, trong những điều
chuyện thêu dệt chung quanh mối tình Hàn Mạc Tử - Kim Cúc, bài viết “Ba mối tình của Hàn Mạc Tử” của ông
Kiêm Đạt đăng trong một tờ Phụ Nữ Diễn
Đàn năm 1985 tại Nam California là có tính thêu dệt nhất (LTCN - trang
181).
Ba mối tình ông Kiêm Đạt nói đến là ba mối
tình với Mộng Cầm, Thương Thương và Kim Cúc. Theo bà Quỳnh Hoa, nội dung bài
viết của ông Kiêm Đạt hoàn toàn không đúng sự thật, nhất là khi ông viết rằng
giữa Hàn Mạc Tử và bà Kim Cúc đã có “những
ngày yêu thương cuồng nhiệt”.
Cuốn“Lá
Trúc Che Ngang” có một đặc điểm. Nó không làm cho “chuyện tình của cô tôi” thêm hoang đường mà chỉ có mục đích trả lại
sự thật cho văn học. Sự thật đó là: Có một mối tình giữa nhà thơ Hàn Mạc Tử và
bà Kim Cúc. Nhưng nó không ướt át hai chiều như các cây bút nổi tiếng thời đó
và sau này tô vẽ. Nó là mối tình của Hàn Mạc Tử đối với một người thiếu nữ xuân
sắc đang tuổi dậy thì trong khung cảnh thơ mộng của thành phố biển Quy Nhơn.
Nàng biết, nhưng lễ nghi ràng buộc không cho phép nàng đáp lại. Rồi để nó đi
qua như nước chảy qua cầu, cho đến khi nhà thơ
yểu mệnh năm 28 tuổi. Và cơn bão văn học sau đó đã làm động lòng người
thiếu nữ một thời chưa dám yêu .
Cuốn “Lá
Trúc Che Ngang: chuyện tình của cô tôi”của bà Quỳnh Hoa là một đóng góp cho
văn học. Nó cho thấy trước khi Hàn Mạc
Tử chết đó là mối tình một chiều. Bà Kim Cúc chỉ viết một tấm thiệp nhỏ an ủi
người bệnh và thi sĩ đáp lễ bằng một bài thơ. Ngoài ra hai người chưa từng trao
đổi một lời qua lại. Cuốn “Lá Trúc Che
Ngang” giúp cho những ai viết về Hàn
Mạc Tử sau này có những tư liệu chính xác .
Nhưng còn một câu hỏi cuốn “Lá Trúc Che Ngang” không có câu kết
luận: Bà Kim Cúc không lấy chồng, tu tại
gia, sống một cuộc đời ăn chay niệm Phật có phải vì cô đã yêu và sống vậy để
đáp ân tình người đã khuất không?
Bài thơ cảm tác đáp bài “Ở đây thôn Vỹ Dạ” và trong tự truyện “Thi sĩ Hàn Mạc Tử với người gái quê” tình yêu muộn màng của bà Kim
Cúc đối với Hàn Mạc Tử đã thể hiện rõ nét. Trong cái khung văn hóa của đất thần
kinh thập niên 1940, một người con gái chưa chồng đặt bút xuống với nội dung và
cách hành văn đó là một nhìn nhận “công
khai và minh bạch” quả tim mình đã có chủ bởi một người đã khuất. Cho nên
nếu bà Kim Cúc ở vậy cũng không phải là một điều ngạc nhiên.
Nhờ bà
Kim Cúc kho tàng thi văn Việt Nam thêm phong phú nếu chỉ nói đến bài thơ “Ở đây thônVỹ Dạ” và tập “Gái Quê”. Cuộc đời ở vậy của bà Kim Cúc đã làm cho văn học sử Việt Nam có thêm một
thiên tình sử cực đẹp. Và cuốn “Lá Trúc
Che Ngang: chuyện tình của cô tôi” đã giúp làm nổi bật nét đẹp hiếm có
này./.
Trần Bình Nam
March
14, 2014
(1)
Hiện ở Hoa Kỳ (google)