LÊ VĂN THI
Lời nói đầu: Năm 1997 khi
bạn Tôn Thất Thiều và các anh em khác ở San José chuẩn bị Đặc San Khải Định
48/55 số 2, Tôn Thất Quỳnh Tiêu ở Dallas điện thoại bảo tôi: "Sơn ơi, kỳ
này viết về Lê Văn Thi đi. Toa biết rõ Lê Văn Thi đã chết
trong vụ Mậu Thân như thế nào." Tôi đáp: "Moa nghĩ gia đình
Thi không muốn nghe kể lại câu chuyện buồn đó. Mấy đứa em của Thi rất can đảm,
muốn im lặng chịu đựng"
Số 2 ra đời, sau đó Đặc San số 3, phát
hành vào dịp Tết 1998 ở
***
Đường đến nhà Thi?
Các bạn ở Huế đều biết con đường mang tên nàng công chúa
họ Trần xinh đẹp đã hy sinh cuộc đời son trẻ hứa hẹn nhiều thơ mộng, vâng lời
cha kết hôn với vua Chiêm Thành để mang về cho nước Việt hai châu Ô, Rí, nay là
tỉnh Thừa Thiên: Huyền Trân Công Chúa.
Từ ga Huế, hay đúng hơn từ Cầu Lòn, đường Huyền Trân Công
Chúa chạy dọc sông Hương Giang theo hướng Tây, cách bờ hữu ngạn chừng 100
thước. Giải đất 100 thước phì nhiêu đó chia làm hai phần.
Từ Cầu Lòn đến Cống Trắng dài một cây số có vài ngôi nhà của các quan đại thần
triều đình nhà Nguyễn và là nơi sản xuất nhiều hoa khôi của Huế không kém Kim
Long và Vỹ Dạ. Từ Cống Trắng đến chợ Long Thọ khoảng hai cây số là Phường Đúc,
thuộc làng Dương Xuân Hạ, nơi các Chúa họ Nguyễn đúc súng đúc tiền ngày trước.
Từ đó cho đến nay Phường Đúc vẫn là nơi sản xuất đồ đồng như nồi, chảo, mâm, lư đồng, và đúc đại hồng chung, tượng Phật cho cả nước dùng.
Phường Đúc có bến đò ngang Phường Đúc - Kim Long đưa khách
qua lại sông Hương.
Thi ở Phường Đúc gần bến đò, trên nhà
tôi một kiệt. Nhà
Thi ở mé sông Hương từ đường Huyền Trân Công Chúa rẽ vào 50 thước. Nhà ngói ba gian đủ rộng, trang trí gọn gàng trang nhã.
Ba của Thi, ông Lê Văn Nga, người y tá lâu đời của bệnh
viện Huế là anh con cô con cậu lại của tôi. Tôi thuộc vai chú
của Thi, nhưng chỉ hơn Thi 2 tuổi và học cùng lớp nên chơi với nhau như bạn.
Ông nội của Thi với mẹ tôi là anh em con chú con bác, dòng họ Lê xuất xứ từ
Bình Định. Thi có hai em gái: Tỉ và Mỹ, và một em trai út : Thỉnh. Mỹ có lẽ đã
qua đời. Tỉ li dị chồng sống với hai con ở Sài Gòn. Thỉnh ở với vợ con ở Ban Mê
Thuột. Mẹ Thi đã qua đời.
Cùng lớp có Lê Văn Nghị chú ruột của
Thi. Nghị cùng cha
khác mẹ với ba Thi. Nghị ở cùng kiệt đường với Thi,
gần bờ sông hơn. Ba đứa chúng tôi học cùng lớp nhưng
tôi chơi thân với Nghị hơn vì ngang hàng nhau. Còn Thi
thì chơi với tôi nhiều hơn chơi với Nghị. Chơi với ông chú ruột cấn cái hơn
chơi với ông chú xa xa.
Thi cao lớn, đẹp trai, cỡi xe
đạp nhanh như gió, học giỏi và bơi không chê được. Xong cử
nhân khoa học Thi dạy học tại Huế một thời gian, sau đó du học Hoa Kỳ ngành
nguyên tử lực. Về nước Thi làm việc tại Trung Tâm Nguyên Tử Đà Lạt với
ông giám đốc Ngô Đình Long. - đó có Tôn Thất Côn, Nguyễn Nhiếp chuyên viên
nguyên tử được huấn luyện từ Hoa Kỳ. Côn, người được bạn bè đặt cho cái tên
"Côn không già",ụ và Nhiếp, dòng Nguyễn Thân nổi tiếng ở Huế, đều là
bạn cùng khóa Khải Định 48/55 với chúng tôi.
Tết Mậu thân 1968 Thi đưa vợ và con gái mới sinh về Huế
ăn Tết. Tôi cũng về từ Nha Trang với hai đứa con trai, Phương 7 tuổi và Cương 5
tuổi. Thi và tôi gặp nhau mấy ngày Tết cũng vui, nhưng Thi thường dong chơi phố
Huế với các bạn thân hơn như Ngô Bút, Tôn Thất Thiều, Tôn Thất Thọ, Nguyễn Văn
Miễn, Nguyễn Ký ...
Đêm Tết bộ đội cộng sản tấn công Huế,
Thi và tôi ở Phường Đúc. May nhờ
Phường Đúc nằm giữa sông Hương và đường Huyền Trân không có đường rút lui nên
du kích cộng sản không dám xuất hiện, mặc dù bộ đội cộng sản đã chiếm thành phố
Huế và làm chủ hầu hết vùng ngoại ô, ngoại trừ các đồn
bót của quân đội Cộng Hòa. Đường Huyền Trân nối liền Phường
Đúc với Huế bị cắt đứt, nhưng phía tây lên Long Thọ vẫn còn dùng được. Hằng ngày đồn Long Thọ cho lính tuần hành trên đường Huyền Trân từ
Long Thọ đến Phường Đúc.
Trong mấy ngày đầu ông Nga ít lo ngại
cho gia đình. Ông nghĩ Thi là một
chuyên viên kỹ thuật, chưa bao giờ nhập ngũ. Phần ông, càng ít lo hơn. Ông đã thôi không làm việc cho
bệnh viện Huế sau khi Pháp tái chiếm Huế năm 1947 để bày tỏ thái độ không hợp
tác với người Pháp. Ông mở một tiệm bán thuốc tây nhỏ ở Phường Đúc và sống bằng
nghề y tá tận tình săn sóc bà con lối xóm. Ông từng săn sóc
sức khỏe cho những người ông biết là du kích, vì Phường Đúc là vùng xôi đậu
trong thời gian chống Pháp. Từ năm 1965 sau khi người Mỹ đổ quân lên
Việt Nam, tính chất cuộc chiến tranh thay đổi, ông Nga chọn thái độ trung lập.
Qua ngày mồng 5 tình hình bỗng đổi
khác. Cộng quân chiếm Phường Đúc để
đưa quân vượt sông Hương tăng viện cho 4.000 quân cộng sản đang bị bao vây
trong thành nội. Đường tiếp tế từ căn cứ A Sao đã bị Sư đoàn Kỵ binh không vận
Hoa Kỳ đóng chung quanh đồn Văn Thánh cắt đứt. Gia đình Thi kể từ ngày mồng 5 nằm trong vùng Việt cộng chiếm đóng.
Do may mắn tôi không bị kẹt. Từ
ngày mồng 1 ban ngày tôi ở Phường Đúc với hai con, ban đêm tôi lên tạm trú tại
nhà chị Thái, chị ruột tôi, ở chợ Long Thọ gần đồn Long Thọ cho an toàn. Từ nhà
tôi ngược lên nhà chị tôi chỉ chừng 10 phút xe gắn máy
chạy trên đường Huyền Trân Công Chúa. Như mọi buổi sáng, sáng ngày mồng 5 tôi
lái xe từ Long Thọ về Phường Đúc. Đến nửa đường tôi
thấy mấy người lính đồn Long Thọ đứng phía trước khoát tay
ra hiệu đừng đi tới nữa. ỷ mình là sĩ quan tôi cứ bạo
dạn chạy xe tới sát mấy người lính. Tôi thấy một quân nhân
nằm bên đường, sắc mặt bình an như đang ngủ. Tôi hỏi: "Sao ban ngày
lại nằm đây mà ngủ?" Một hạ sĩ quan tỏ vẻ bực mình trả lời: "Thôi ông
ơi, ông ngủ thì có? Việt Cộng mới bắn chết đó. Ông đi lui đi." Vừa nói người quân nhân vừa hất hất mũi
súng về phía tôi. Tôi vội vàng quay xe chạy về nhà chị
tôi. Phường Đúc đã bị Việt Cộng chiếm. Hai đứa con
trai của tôi còn kẹt ở nhà ba má tôi, cùng với gia đình ông anh ruột tôi.
- Phường Đúc Việt cộng gọi đàn ông, thanh niên ra trình
diện, ghi tên, rồi cho về nhà. Ông Nga và Thi cảm thấy bất an. Mấy hôm sau chờ
tối trời, ông Nga, Thi và Sấm, người cháu gọi mẹ tôi bằng bà cô, sĩ quan cảnh
sát mới ra trường, lẻn trốn lên nhà chị tôi ở chợ Long Thọ. Lúc này vùng Long
Thọ còn được đồn Long Thọ bảo vệ.
Khi ông Nga, Thi và Sấm đến nhà chị
tôi, tôi đã vào đồn Long Thọ. - ngoài tôi không thấy yên tâm. Ông đồn trưởng, vốn là anh của đại tá
hải quân Nguyễn Văn Thu, đối đãi rất tử tế.
Mấy hôm sau tôi dùng máy liên lạc với đại úy Bửu Diên chỉ
huy trưởng một duyên đoàn hải quân đóng ở cửa Thuận An. Rất may lúc đó có một
tiểu đỉnh của duyên đoàn do một Thượng sĩ hải quân làm thuyền trưởng đang kẹt
phía trên cầu Bạch Hổ. Việt Cộng làm sập cầu chắn sông không trở về đơn vị được
đang đậu trước bến đồn Văn Thánh bên kia bờ sông Hương đối diện với bến Long
Thọ. Đồn Văn Thánh là một Trung Tâm Huấn Luyện bộ binh do thiếu tá Đẩu làm Chỉ
huy trưởng. Đại úy Diên ra lệnh tiểu đỉnh từ Văn Thánh sang Long Thọ đón tôi và
một đại úy không quân cùng đi với tôi. Tôi không nhớ tên đại
úy này. Anh ở căn cứ Đà Nẵng về Huế ăn tết, nhà ở Cầu Lòn. Đêm nổ súng
anh chạy lên Long Thọ, không quen biết ai nên tá túc từ nhà này qua nhà khác. Khi tôi lên Long Thọ anh nhập bọn với tôi.
Qua Văn Thánh tôi lên trình diện thiếu
tá Đẩu. Tinh thần
binh sĩ đồn Văn Thánh cao. Các làng sau lưng đồn có Sư đoàn Kỵ binh
không vận Hoa Kỳ đóng, phía trước có sông lại thêm một tiểu đỉnh hải quân vũ
trang hùng hậu án ngữ.
Tôi chọn tiểu đỉnh làm nơi tạm trú. Tiểu đỉnh còn hai bao gạo lớn, một ít
nước mắm, tính ra thủy thủ đoàn 4 người, tôi và ông bạn không quân là 6 cũng có
thể sống hơn một tháng. Cùng lắm có thể xin đồn Văn
thánh tiếp tế.
Đồn Văn Thánh có một đơn vị hỏa lực gồm ba khẩu trọng
pháo. Cứ vài ngày trực thăng Hoa Kỳ đến tiếp tế đạn và lượng
thực một lần.
Sang Văn Thánh được một tuần đồn Long
Thọ gọi máy cho biết ông Nga và Thi lên đồn tìm tôi để tính đường rời khỏi Huế. Tôi yêu cầu ông Thượng sĩ thuyền
trưởng cho qua bến Long Thọ đón ông Nga, Thi và Sấm qua đồn Văn Thánh.
Tôi giới thiệu mọi người với Thiếu Tá
Đẩu và xin ông cho phép ông Nga, Thi và Sấm tạm trú trong đồn. Thiếu Tá Đẩu đồng ý nhận Sấm vì là sĩ quan cảnh sát, với
điều kiện mặc quân phục mang vũ khí cùng chiến đấu với binh sĩ trong đồn. Riêng ông Nga và Thi gốc dân sự ông không nhận. Thiếu Tá Đẩu
cho biết cạnh đồn có làng Văn Thánh an toàn có thể ra
đó nương náu qua ngày. Sấm lúc đó đang bị thương chân do một tai
nạn lưu thông ở Sài gòn trước khi ra Huế nên đi theo ông Nga và Thi. Tại làng Văn Thánh đồng bào cho biết không có lương thực. Họ chỉ trao đổi nhau lương thực với nhau thôi. Bí lối, anh Nga, Thi và Sấm trở lại tiểu đỉnh tìm tôi.
Thấy tiểu đỉnh súng ống đạn dược ngổn ngang ông Nga hơi
ngại nên ngỏ ý với tôi muốn trở về Long Thọ. Tiểu đỉnh thuộc loại LCM (tàu đổ
bộ cỡ trung) trang bị một súng cà nông 20 ly ở giữa, hai đầu tàu là hai đại
liên 12.7 ly. Tiểu đỉnh ở tình trạng tác chiến thường xuyên, các băng đạn lủng
lẳng quanh dàn súng. Việc qua lại bằng tiểu đỉnh giữa bến Văn Thánh và Long Thọ
rất nguy hiểm vì du kích cộng sản chiếm cả hai bờ sông, bên này Nguyệt Biều,
bên kia Xuân Hòa có thể nã súng vào tiểu đỉnh. Tôi nói với
ông Nga suy nghĩ kỷ vì nếu trở về sẽ không có dịp trở lại. Tôi nghĩ
người thuyền trưởng không muốn chạy qua chạy lại như chọc tức trước họng súng
của địch, mặc dù đã mấy lần qua lại vô sự. Mấy người du kích có lẽ cũng ngán ba
họng súng đen ngòm của tiểu đỉnh.
Ông Nga quyết định trở về. Ông nói ông không có sự chọn lựa nào
khác. Thật ra ông Nga còn một chọn lựa là xin ở lại tiểu đỉnh, hoặc tôi
lấy sáng kiến xin ông thuyền trưởng cho ông, Thi và Sấm ở lại. Nếu tôi xin có nhiều hy vọng được vì ông thuyền trưởng biết tôi là
giáo sư tại trường sĩ quan hải quân khi đại úy Diên đang thụ huấn tại đó.
Đại úy Diên là chỉ huy trưởng trực tiếp của ông ta. Dù
ông Nga không ngỏ ý, việc tôi không đề nghị vẫn là điều làm tôi ân hận mãi sau này.
Không ai tính trước được hết các nước
cờ. Tôi nghĩ ông Nga vô can, Thi là
chuyên viên, Sấm đang bị thương, lại là con của một liệt sĩ chống Pháp, cả ba
trở về Long Thọ an toàn hơn. - trên tiểu đỉnh đụng
trận bất cứ lúc nào may rủi biết đâu mà lường. Hơn nữa còn
một vấn đề thực tế, tiểu đỉnh không có chỗ ngủ thêm cho 3 người.
Đưa anh Nga, Thi và Sấm về bến Long Thọ chúng tôi bịn rịn
chia tay, không ngờ đó là lần gặp nhau cuối cùng. Hôm đó khoảng rằm tháng giêng, cộng quân chiếm Huế đã được 2 tuần.
Trở về Văn Thánh tôi tìm đường về Nha
Trang. Mấy hôm sau có hai trực thăng
Mỹ bay đến tiếp tế đạn. Tôi xin quá giang trở về đơn vị. Viên sĩ quan lái trực
thăng đồng ý. Trên đường bay 15 phút từ đồn Văn Thánh về Phú Bài có một chuyện
buồn cười.
Hai chiếc trực thăng nối đuôi nhau bay là là sát ngọn cây
băng qua mấy cánh đồng cát đầy mồ mả. Hai cửa trực thăng mở lớn, hai xạ thủ
chĩa súng ra ngoài ở tư thế sẵn sàng nhả đạn. Tôi, phần lo cho mình, phần sợ
cho người, nói với một xạ thủ: "các anh bay thấp quá, không sợ Việt cộng
bắn sao?" Người xạ thủ không quân cỡ 20 tuổi, mái tóc
vàng đầy bụi, rít điếu thuốc đang hút dở xong, cười bảo, "Ông sợ Việt cộng
lắm hả? Chúng tôi không sợ đâu." Tôi nghĩ
thầm cho anh lính trẻ can đảm rởm. Sau này kể chuyện lại cho các phi công trực
thăng của không quân Việt
Từ Phú Bài tôi theo một trực thăng khác bay vào căn cứ Đà
Nẵng. Lúc này cộng quân vừa bị quét khỏi thành phố, vết bom đạn còn nguyên, thị
trấn tiêu điều trống vắng. Chia tay ông bạn không quân
tôi xuống một Duyên Vận hạm của hải quân đang ủi bãi Đà Nẵng, sau đó được một
tiểu đỉnh khác đưa về Nha Trang.
Mấy tuần lễ sau nhờ đại úy Lê Thương ở căn cứ hải quân Đà
Nẵng liên lạc, duyên đoàn Thuận An cho Trung Sĩ Lưu đón hai con tôi Phương và
Cương từ trại tị nạn ở trường Quốc Học Huế, xuống Thuận An đi tàu vào Đà Nẵng.
Sau đó đại úy Thương xin máy bay C-130 đưa vào Nha Trang. Hai
cháu ghẻ lở cùng mình kết quả của mấy tuần thiếu thốn thực phẩm và vệ sinh ở
trại tị nạn.
Xin kể thêm một chuyện "chiến
tranh và con nít." Cuối tháng giêng âm lịch khi quân đội Mỹ đến giải tỏa vùng Phường
Đúc, dân chúng được lệnh rời nhà về tạm trú ở trường Quốc học. Trên
đường Huyền Trân Công Chúa dân Phường Đúc lũ lượt kéo nhau đi, trong đó có ba
mẹ tôi, gia đình ông anh có 4 con, thêm Vân cháu gọi tôi bằng cậu và Phương,
Cương, hai con tôi. Trên trời trực thăng quân đội Mỹ bay bảo vệ. Thấy trực
thăng và tiếng động cơ ầm ầm ngay trên đầu, Cương, 5 tuổi hoảng sợ nắm tay Vân năn nỉ: "Chị Vân cho em mượn cái nón để che máy
bay sợ nó bắn." Cả nhà cười ồ mặc dù đang lo sốt vó.
Tháng sau anh tôi đưa gia đình vào Nha
Trang. Vừa thấy tôi nơi ngưỡng cửa
anh tôi nói: "Anh Nga, Thi, Sấm, Hoành đều bị chôn sống."
Tôi bàng hoàng. Sau này do thân nhân kể lại tôi được biết chuyện như
sau. Sau khi chia tay với tôi ở bến Long Thọ ông Nga,
Thi và Sấm về trú tại nhà chị tôi. Một đêm tối trời, 6, 7 người du kích từ
Phường Đúc lên chợ Long Thọ vây nhà chị tôi bắt anh Nga, Thi và Sấm dẫn về Phường
Đúc. Họ nhỏ nhẹ "ơn nghĩa" với ông Nga, "Chúng
tôi biết gia đình ông tốt, không hiểu tại sao ông lại chạy trốn cách mạng, vợ
con ông yêu cầu chúng tôi đưa ông trở về với cách mạng thôi." Họ để
ông Nga, Thi và Sấm tự do ở nhà.
Đêm 25 tháng giêng, cộng quân rút lui
khỏi thành phố Huế và vùng phụ cận.
Chiều hôm đó -theo lời anh tôi thuật lại- một anh công
an vũ trang đi với một người phụ tá cầm một danh sách ra vùng Phường Đúc bảo
những người trong danh sách chuẩn bị ba ngày gạo để đi học tập. Trong danh sách
có anh Nga, Thi, Sấm và anh Hoành, anh con cô con cậu với tôi, chú ruột của
Sấm, và nhiều người khác. Anh Hoành làm nghề sửa xe
đạp và xe gắn máy hiền lành nhất Phường Đúc, không có một ý niệm gì về chính
trị, không biết tại sao có tên trong danh sách đảng viên Đại Việt.
Đêm hôm đó rải rác chung quanh lăng vua Tự Đức, Vạn Niên,
Tuần, Bãng Lãng , chùa Từ Hiếu, công an cộng sản ra lệnh nạn nhân tự đào hố,
rồi trói từng hai người một đẩy xuống hầm chôn sống. Cộng sản
không muốn bắn gây tiếng động trước khi rút lui. Hơn
tuần sau, bà Nga kiếm được xác ông Nga và Thi, chôn cùng một hố. Mẹ Sấm,
người từng khóc trên xác chồng, cha của Sấm theo kháng chiến chết trong một
trận càn quét của quân đội Pháp, một lần nữa khóc trên xác con do "các
đồng chí" của cha Sấm giết.
Bà Nga chôn ông Nga và Thi trong khu
vườn nhỏ của gia đình. Mộ của Sấm nằm bên cạnh.
Dòng họ Lê của Lê Văn Thi chết vì súng đạn hoặc bị bức tử
trong cuộc chiến tranh khá nhiều. Năm 1947, cậu Lê Văn Hay tôi, trưởng ga Truồi
bị người Pháp nghi thân Việt Minh bắt tra tấn gần chết mới cho về chết tại nhà.
Lê Văn Học, cha của Sấm chết trận. Chết thảm có ông Lê Văn
Nga, Lê Văn Thi, Lê Văn Sấm, Lê Văn Hoành. Năm 1973 hai người con gái
của một người cậu khác của tôi (cậu Tuyển), trưởng ga Bosquet gần Đà Lạt cũng
chết vì súng đạn, Lê Thị Lan chết vì một vụ ghen tương, Lê Thị Huệ bị giết
trong một vụ ép tình. Sau năm 1975 Lê Thị Mỹ, em ruột của Thi
vượt biên mất tích trên biển cả.
Gia tộc họ Lê tin dị đoan cho là do báo oán nhưng chỉ dám
thì thầm. Lê Văn Thi thuộc dòng Đô Đốc Lê Chất (1768-1826) quê thôn Trinh Vân,
xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, vốn là con của quan Đại Tư Lệ Lê
Trung (1748-1798), một trong 14 danh tướng của nhà Nguyễn Tây Sơn. Lê Trung bị
vua Nguyễn Quang Toản giết vì nghi giúp Nguyễn Bảo con Nguyễn Nhạc cướp ngôi.
Đô Đốc Lê Chất đang cầm quân ở cửa Thị Nại được tin cha chết thảm kéo quân về
đầu Nguyễn Ánh. Được trọng dụng ông Lê Chất làm quan lên đến chức Thống chế
dưới hai triều Gia Long và Minh Mạng. Ông Lê Chất phục vụ nhà Nguyễn đồng thời
với tả quân Lê Văn Duyệt, tiền quân Nguyễn Văn Thành, hữu quân Phạm Đăng Hưng
và trung quân Trịnh Hoài Đức. Tin đồn rằng, Đô đốc Lê Chất vì thù cha nên trong
các cuộc hành quân ông hiếu sát, nhiều người vô tội đã bỏ mình dưới bàn tay
ông.
Con của ông Lê Chất là Lê Hậu (1788-1853) đậu tiến sĩ
dưới triều Minh Mạng, được vua gã con gái. Về sau vua Minh Mạng biết rằng, sau
khi anh ruột là Hoàng tử Cảnh chết hai ông Lê Văn Duyệt và Lê Chất không muốn
vua Gia Long phong thái tử cho mình để nối ngôi, vua Minh Mạng trả thù ra lệnh
xiềng lăng hai ông Duyệt và Chất, và ra lệnh giết vợ con của ông Lê Chất. Lê
Hậu được vợ xin khỏi chết chém và bị đày ra Nghệ An với một người hầu gái của
vợ. - Nghệ An hai người có một con trai đặt tên là Lê
Nghệ (1840-1900). Ông Lê Nghệ có 11 người con trai.
Sau này vua Tự Đức muốn giải tỏa hận thù ân xá cho gia đình họ Lê, gọi con cháu về triều phục chức. Ông Lê Hậu đã già. Con là Lê Nghệ nhìn gương dòng họ chán
việc công danh cũng không về triều, chỉ cho hai con lớn về kinh nhận ân huệ triều đình. Chín người con còn lại
trở về quê ở Bình Định sống bình an như các nông dân khác.
Hai người về kinh, người anh làm quan lên đến Đề Đốc (một
chức quan võ), là cố nội của Lê Văn Thi, ông nội của Lê Văn Nghị. Người em
không có chức phận gì đáng kể là thân sinh của mẹ tôi. Ông mua đất lập nghiệp ở
Phường Đúc thuộc làng Dương Xuân Hạ, huyện Hương Thủy và lập lò đúc nồi đồng,
chuông, tượng để sống.
Trần Văn Sơn
Trần Văn Sơn
|
http://www.vnet.org/tbn |