Nghèo phải chịu cái eo

 

Trần Bình Nam

 

Người Việt Nam thường nói “Đã nghèo lại bị cái eo!” để than phiền hoàn cảnh đã nghèo lại gặp phải sự khó khăn. Nhưng ông DeNeen Brown, viết cho báo Mỹ (1) lại nói “Nghèo thì phải mang eo” và dẫn chứng rằng khi nghèo thì cái khó khăn và phiền toái nó chạy theo cái nghèo như nhân với quả chứ không phải là một sự rủi ro. Càng nghèo thì làm gì người nghèo cũng phải tốn nhiều tiền và thì giờ hơn, khó khăn hơn, mệt nhọc hơn, bị đe dọa hơn người có tiền.

Mời các bạn theo dõi câu chuyện “nghèo thì phải mang eo” trong xã hội ngày nay. Ở đây là xã hội Mỹ, một nước ai cũng có cơ hội đồng đều, đa số có xe hơi, không xe mới thì xe cũ, và không ai chết đói.  Ở xã hội khác bức tranh u ám hơn nhiều.

Trước hết nói chuyện mua những thứ lặt vặt dùng hằng ngày trong nhà. Người nghèo có thể không có xe để đi Costco hay Trader Joe phải ra tiệm tạp hóa cạnh nhà mua và cái gì cũng mắc hơn. Một gallon khoảng 4 lít sữa ở đó mắc hơn một gallon sữa ở Costco ít nhất một đồng! Chủ chợ các khu nghèo nói rằng mở chợ ở đó họ phải trả bảo hiểm và chi phí giữ gìn an ninh cao hơn.

Còn nếu đi xa bằng xe buýt để mua rẻ hơn thì một chuyến đi và về cũng mất 5 đồng chưa kể tay xách tay mang lôi thôi lếch thếch.

Nếu bạn nói thì giờ là vàng bạc thì việc giặt áo quần cho mấy đứa nhỏ là tiền bạc. Không có máy giặt trong nhà bạn phải đi giặt ở nhà giặt công cọng. Mất thì giờ và trước khi đi phải chuẩn bị hằng chục đồng quarters 25 xu. Theo thống kê nước Mỹ có 37 triệu người giặt máy công cọng.

Chuyện di chuyển cũng là một cái eo! Nghèo giàu gì ở Mỹ cũng có xe. Khác là người giàu đổi xe mới hằng 5 năm sau khi trả hết nợ xe. Xe mới trong 5 năm đầu tiên chẳng khi nào có vấn đề. Người nghèo đi xe cũ. Xe cũ hay hư lặt vặt. Hỏng xe trên đường lộ vừa mất thì giờ vừa tốn tiền, chưa nói nguy hiểm nếu hỏng xe trên xa lộ. Xe đang sửa phải đi xe nhờ hay xe buýt, biết bao nhiêu phiền toái.

Nghèo thường không mở chương mục ngân hàng (checking account). Lương ba cọc ba đồng tiêu hết ngay không có tiền để dành, mở chương mục làm gì cho tốn giấy mực! Đó là chưa kể nhiều người nghèo không biết cách mở một chương muc ngân hàng. Lãnh chi phiếu tiền lương đổi ra tiền (check cashing) mất ít nhất 2%, chưa nói sau đó phải mất thì giờ ra sở bưu điện hay các cơ sở bán ngân phiếu mua ngân phiếu trả tiền điện nước, tiền thuê nhà, tiền điện thoại, mỗi ngân phiếu ít nhất mất thêm trên dưới 1 mỹ kim.

Bây giờ là chuyện tiêu trước trả sau (gọi là credit), rất thông thường tại các nước vận hành theo kinh tế thị trường. Người nghèo thường không có credit do nhà băng cấp qua một thẻ credit (gọi là thẻ tín dụng), tiện lợi ở chỗ tiêu gì nhà băng trả tiền trước mình trả tiền lại cho nhà băng sau. Nếu trả hết hằng tháng theo “bill” nhà băng gởi tới thì khỏi trả tiền lời.

Người nghèo muốn có tiền tiêu trước phải vay nợ tại các cơ sở “Payday Advance” tức các cơ sở ứng tiền mặt rồi lấy lại khi bạn lãnh lương. Ứng trước bạn trả tiền lời đợt đầu và dịch vụ, khi đổi chi phiếu lương ra tiền bạn trả tiền dịch vụ đợt hai. Cuối cùng cái chi phiếu lương đã không lớn gì lắm bị teo lại. Báo chí và các tổ chức bênh vực người nghèo thường lên tiếng chỉ trích các cơ sở “Payday Advance” làm ăn cắt cổ. Cắt cổ thì cắt cổ thật, nhưng không ai trả lời câu hỏi: nếu không có các cơ sở đó thì người nghèo lấy tiền đâu mua bánh mì cho con, hay trả cái “bill” đáo hạn khi ngày lãnh lương chưa tới mà tiền lương tuần trước đã cạn!

Nếu được cho vay bạn phải trả bao nhiêu tiền lời? Ông DeNeen Brown trong bài báo “Poor? Pay up.”, cho một thí dụ như sau xẩy ra thường ngày trong vùng thủ đô Washington. Tiền lời để được ứng trước $300 trong một tuần lễ là $46.50 (theo giá thông dụng vay $100 trả $15.5 tiền lời), như vậy theo phép tính lãi xuất đơn giản bạn vay với lãi suất hằng năm là 806% . Và bạn trả cách nào? Rất đơn giản! Bạn viết một giấy nợ $347.50 cho chủ nợ (gồm $346.50 vốn và lời cộng $1.00 dịch vụ) chủ nợ giao lại cho bạn $300 tiền mặt. Cuối tuần bạn cầm chi phiếu lương tới, thí dụ chi phiếu $900 (lương một tuần của bạn) để đổi lấy tiền mặt. Chi phí đổi tiền mặt là $2 cho mỗi $100. Giao chi phiếu lương, bạn còn lại $882.00. Chưa hết. Còn trừ $347.50 tiền vay! Bạn sẽ nhận được $534.50. Ít quá so với chi phiếu $900. Bạn than! Nhưng bạn sẽ cố an ủi, vài hôm hết tiền ta lại đến vay lo gì.

Chính quyền Washington D.C. cho rằng cơ sở ứng tiền trước bóc lột người nghèo nên ra luật hạn chế lãi xuất hằng năm không được quá  24%, thế là các cơ sở ứng tiền thi nhau đóng cửa. Người nghèo được bênh vực nhưng thấy khổ hơn vì thiếu tiền trước ngày lãnh lương không biết xoay xở ra sao.

Ông Douglas  J. Besharov thuộc Viện nghiên cứu American Enterprise Institute – AEI (một viện nghiên cứu khuynh hữu tin rằng “chịu làm việc thì giàu, nghèo chỉ vì lười thôi!”) ghi nhận rằng người nghèo bị áp lực tinh thần sinh ra bệnh tâm thần.

Ông Jacob Carter kể lại một chuyện ông thấy tại siêu thị Giant trong vùng SE Washington D.C. Một khách đi chợ áo quần lôi thôi đẩy một xe cart đầy hàng gồm thực phẩm và vật dụng khác ra quầy tính tiền. Nhân viên đứng quầy cho các món hàng qua quầy, máy điện tử đếm và chỉ tổng số $52.07 . Khách nói “Xin lỗi, tôi chỉ có $43”. Người giữ quầy nói: “Vậy hãy bỏ bớt hàng lại ”. Khách hàng bỏ lại một chai soda, một bọc khăn giấy, một hộp cánh gà chiên mỡ vừa càu nhàu: “ Đ. Mẹ mấy thứ này ở đây mắc qua”. Xong, máy chỉ $39.07. Người khách đưa tiền cho người giữ quầy. Thối tiền nữa là xong. Bỗng người khách đổi ý: “Trả tiền lại cho tôi, đ. m. ở đây cái gì cũng mắc quá trời tôi không mua nữa. Bà nội tôi nói cửa hàng này bán gì cũng với giá cắt cổ”. Người giữ quầy giận dữ gọi quản lý.  Chị quản lý đứng tuổi nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp chạy tới, nghe câu chuyện không hỏi thêm một câu gì vội vàng lấy tiền trả lại cho người khách và cười rất tươi “Chúc ông một ngày gặp nhiều may mắn”.

Nghèo còn có nhiều khổ khác. Nghèo vừa thì không có tiền “down payment” để mua nhà phải ở nhà thuê.  Nghèo hơn chút nữa không mua nổi xe phải đi làm bằng phương tiện chuyên chở công cọng, chính yếu là xe buýt. Thuê nhà tiền thuê đôi khi cao hơn tiền trả hằng tháng nếu mua nhà. Ông DeNeen Brown thuật lời cô Nicolas: “Nếu có xe tôi mất 10 phút từ nhà đến chỗ làm. Không xe đi buýt transfer một lần mất tổng cọng 1 giờ. Xe buýt 30 phút một chuyến. Trung bình mỗi lần tôi mất 15 phút chờ xe, đôi khi chờ dưới cơn mưa.”

Ông DeNeen Brown nói không sai. Đúng là “Nghèo phải chịu cái eo”. Nhưng có phải nghèo chỉ vì lười như viện AEI tin không? Cái này thì chưa chắc, còn chờ nghiên cứu và thống kê, cãi qua bàn lại./.

 

Trần Bình Nam

June 20, 2009

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

 

 

(1)      Poor? Pay up.”, The Washington Post National Weekly Edition, May 25-31, 2009


Trần Bình Nam

http://www.tranbinhnam.com