Như Chiếc Lá

Ông Hùng làm nghề thầu khoán, gia đình khá giả, có ba người con. Hằng, con gái đầu, tính tình dễ dãi nhưng hay khúc mắc về những chuyện đâu đâu trên thế giới. Chuyện "năm 2000" là một đề tài ưu thích của Hằng. Hai em trai là Dũng và Tính.

Hằng sinh thiếu tháng, sức khỏe không được tốt, nên từ nhỏ đã biết phấn đấu giữ gìn sức  khỏe. Dũng sinh sau hai năm, sinh ra nặng 3 kí rưỡi. Lên mười tuổi Dũng cao và nặng hơn chị, và hay giành đồ chơi của chị. Hằng không quí đồ chơi nhưng bản năng sinh tồn làm Hằng bực mình với Dũng. Mách với mẹ không đi đến  đâu. Đối với bà Hùng chị em chơi với nhau giành đồ chơi của nhau chẳng phải là một  chuyện đáng can thiệp. Theo bà đó là những kỷ niệm ấu thời để anh chị em thương nhớ nhau. Đôi lúc nghe Hằng ré lên vì bị Dũng bắt nạt bà Hùng chỉ hơi cao giọng bảo, Dũng, "đừng có phá chị"  trong khi vẫn làm việc  bà đang làm. Có lần mẹ mua cho Hằng một con búp bê nhỏ, Hằng đang thích thú ngắm nghía thì Dũng sà đến giật  khỏi tay Hằng chạy biến. Không chịu được, Hằng chạy theo Dũng đấm thùm thụp vào lưng Dũng mặc dù biết Dũng sẽ đánh trả. Khi mẹ can thiệp lôi Dũng ra thì mặt Hằng đã bị mấy vết cào, cả tháng sau mới lành hẳn.

Sau những lần dằng co và đánh lộn với Dũng, Hằng thấy sức khỏe là cần. Hằng chuyên cần tập thể dục và đi bơi mỗi ngày trong mùa nắng. Năm 16 tuổi Hằng có một thân mình cân đối, khỏe mạnh, ra đường đã làm bao  đôi mắt thanh niên ngoảnh lại, và ít bệnh lặt vặt nhất trong nhà. Dũng cao to nhưng mỗi lần bệnh   bệnh nặng. Có lần Dũng đánh trần tắm mưa bị cảm sốt  chuyển qua thương hàn làm bố mẹ Hằng hết sức lo âu. May có ông Ngân y tá kinh ngiệm gần nhà chẩn đoán thương hàn sớm nên đã chích cho Dũng một mũi thuốc khỏe và đưa ngay vào bệnh viện tỉnh. Dũng thoát chết nhưng sau hai tuần nằm bệnh viện, tóc rụng gần hết, về nhà dưỡng bệnh thêm ba tháng, phải nghỉ học cả năm. Sau trận thương hàn Dũng học trễ, trước thua Hằng một lớp nay thua hai lớp. Dũng thay đổi tính tình sau cơn bệnh. Dũng nễ chị hơn.

Hằng ham đọc sách. Chuyện con khổng long dinosaur, giống bò sát khổng lồ bốn chân đang sống đầy dẫy thanh nhàn trên mặt trái đất của thời đại Mesozoic bỗng nhiên biến  mất là một vấn nạn làm Hằng suy nghĩ. Bốn tỉ rưỡi người đang sống trên mặt đất có thể biến mất như vậy không? Hằng thích đọc danh truyện của Trung quốc. Hằng thích Tây Du Diễn Nghĩa, thích thú chuyện con khỉ biến thành người dám đại phá thiên đình và giỡn mặt với Phật để bị phạt mang vòng kim cô phò Tam Tạng đi Tây trúc thỉnh kinh. Hằng nghĩ Tề Thiên Đại Thánh phải chăng là hiện thân của mỗi một con người, sống chọc trời khuấy nước hay sống im lìm lặng lẽ cũng bị những hạn chế giống nhau trong cuộc sống và bình đẳng với nhau trước cái chết. Hằng thích du ngoạn và không nơi nào Hằng không có một câu hỏi, những câu hỏi ít có câu trả lời ngay nếu không phải là một chuyên viên.

Một hôm Hằng hỏi ông Hùng. "Con nghe có một tay khủng bố bằng bom thư bên Mỹ vừa bị bắt. Tin nói ông là một giáo sư toán tại một đại học lớn tự nhiên nổi hứng từ chức về sống kham khổ tại một vùng hẻo lánh. Đói săn thú nướng thịt ăn. Khát uống nước giữa khe suối, và dùng thì giờ làm bom thư giết những người ông không tư thù và quen biết. Con không thể tưởng tượng một việc như vậy có thể xảy ra. Việc càng khó tin vì mất 17 năm cảnh sát mới bắt được ông."

Ông Hùng có đọc báo về chuyện ông giáo   dị đó. Ông buồn cười nhớ thấy thuật rằng, ông giáo sư chẳng những săn thú để ăn, lấy nước suối để uống, nhất định không chịu làm cầu tiêu trong nhà. Ông đi đại tiểu tiển ngoài trời cho dù trời tuyết lạnh để - theo ông - dùng thì giờ vô ích đó ngắm chim muông và phong cảnh thiên nhiên. Ông Hùng lúng túng trả lời con, cố vận dụng một vài nét chấm phá về người giáo sư kỳ lạ qua bản tuyên ngôn ông gởi đến báo chí đăng tải mà các đài phát thanh nước ngoài tường thuật. Hình ảnh làm ông Hùng nhớ nhất là thái độ của ông giáo sư khi đưa tay vào còng. Một thái độ thách thức như muốn nói, "tôi đã được tự do trong 17 năm, và bây giờ tôi sẽ được tự do trong nhà tù."

* * *

Hôm nay Hằng ra phố tìm mua sách nói về tin học. Hằng biết thông tin mang đến hiểu biết nhưng Hằng thấy có một cái gì cấn cái. Hằng tự hỏi, biết nhiều thật sự có lợi không? Trong năm qua từ lúc ông Hùng mua cho Dũng máy điện toán trang bị cửa sổ 98 mới nhất của Bill Gates bên Mỹ và được nối vào xa lộ thông tin Hằng thấy Dũng thức khuya hơn trước và sắp hạng hằng tháng trong lớp tụt dần. Mẹ Hằng thường nói với bà Vân bên cạnh nhà, "chị hãy sắm cho cháu Vĩnh" - Vĩnh là con bà Vân học cùng lớp với  Dũng nhưng khác trường, "một máy điện toán để cháu học. Thời buổi này không có máy điện toán chúng sẽ thua kém người ta. Từ hồi tôi sắm cho cháu Dũng máy điện toán cháu học rất chăm." Bà Vân không sung túc bằng gia đình Hằng nên do dự. Nghe bà Hùng nói chuyện với bà Vân Hằng không biết mẹ có lý hay gia đình bà Vân không đủ tiền sắm máy điện toán cho Vĩnh lại là một điều hay. Một hôm Hằng nói với mẹ:

"Mẹ ơi, con thấy thằng Dũng học sút hơn trước nhiều. Những tháng trước sắp hạng tệ lắm cũng  trên 10, bây giờ tụt xuống 20."

Bà Hùng ngạc nhiên:

"Mẹ nói mãi ba con mới sắm máy điện toán cho em để nó học, sao con lại nói thế."

 "Mẹ ơi, nó thường thức khuya để theo dõi những tin tức vớ vẫn trên xa lộ thông tin và kết bạn bốn phương ngẫu nhiên gặp trên xa lộ. Một hôm nó nói với con, nó vừa có một cô bạn rất đẹp ở Houston bên Mỹ. Con hỏi Dũng ở đây sao có bạn bên Mỹ được. Dũng nói, chị quê quá, thì em gặp trên xa lộ thông tin và hằng đêm vẫn trao đổi với cô ta qua xa lộ. Dũng nói cổ có một cái tên rất đẹp là Cindy và hứa gởi hình cho Dũng qua máy điện toán. Cô nói máy điện toán của cô chưa trang bị để chuyển hình,  đang đòi ba cô trang bị."

Bà Hùng không hiểu lắm những gì Hằng nói, chỉ biết Hằng đang than phiền về ông con trai cưng của bà. Bà nghĩ có lẽ Hằng không thích máy móc nhiêu khê. Bà bảo:

"Sao con khó với em vậy. Nó chăm học mà!"

Hằng kiên nhẫn:

"Mẹ thấy từ hồi có máy điện toán nó hay ngồi trước máy mẹ tưởng nó học thôi. Con cũng học trung học như nó, con đâu thấy cần xa lộ thông tin để làm gì đâu. Cùng lắm thỉnh thoảng con dùng để viết luận văn, và lâu lâu gởi điện thư cho con Thư bạn con ở Thanh Hóa. Còn bạn ở gần quanh đây thì dùng điện thoại ít mất thì giờ. Mẹ có thấy thằng Dũng trở nên ít nói hơn trước không. Mắt khi nào cũng đăm đăm như đang nghĩ đến một cái gì xa xôi. Con thấy nó ra rời với thực tế và trông nó con tưởng như một phần kéo dài của cái máy điện toán của nó."

Bà Hùng kết thúc câu chuyện.

"Thôi được, để mẹ nói với ba con."

Một câu hỏi lẩn vẩn trong trí Hằng: có nhiều thông tin và nhiều hiểu biết có làm cho con người khôn hơn và thế giới an toàn hơn không? Hằng nghĩ đến năng lượng nguyên tử, và sự khám phá ra hóa chất. Hóa chất có thể là thuốc chữa trị những chứng nan y, hóa chất có thể là phân bón giúp cho hoa mầu. Nhưng hóa chất cũng là nguyên nhân sinh ra đủ thứ bệnh hiểm nghèo nhất là bệnh ung thư, và nạn sinh quái thai.

Gặp ông Hùng Hằng hay đem các thắc mắc hỏi cha. Ông Hùng biết Hằng tò mò đa sự nhưng không ngờ con của ông lại có những suy tư về những vấn đề mấp mé bờ triết học như vậy. Dần dần ông tìm cách lẫn tránh các câu hỏi của con gái mà ông biết ông không   câu trả lời. Ông cũng có những thắc mắc của riêng ông từ hôm bà Hùng nói với ông những gì Hằng nói với bà về Dũng.

Thấy cha lẩn tránh các câu hỏi của mình, Hằng mang các thắc mắc bàn với Dũng, dù biết Dũng đơn giản, thực tế, chấp nhận mọi việc xẩy ra trên đới đều là tự nhiên. Dũng mê xa lộ thông tin. Vào trong đó Dũng tung tăng bay nhảy từ vùng trời này đến vùng trời khác, biết được nhiều chuyện lạ và thăm thú được những kỳ quan như một chuyến du lịch dài không dứt.

Tính khác hẳn. Vào đại học ngành hải dương học, nhưng Tính không thích điện toán như Dũng. Tính chỉ dùng máy điện toán để giải những bài toán về thủy triều, giúp vẽ đồ thị và viết tham luận. Lên đại học Tính vẫn dùng ké máy của Dũng. Thấy Dũng không bằng lòng Tính xin mẹ sắm cho một máy rẻ tiền không trang bị xa lộ thông tin như máy của Dũng. Mỗi lần đi học về Tính vào hôn mẹ hỏi ba mấy giờ về - Tính biết ông Hùng không có giờ giấc nhất định, nhưng mẹ biết để chuẩn bị cơm nước - rồi ra vườn coi mấy khóm hoa. Vườn hoa nhỏ của ông bà Hùng đủ các thứ hoa. Hoa hồng thay nhau nở quanh năm. Những cây đồi mồi trong chậu kiểng không hoa, lá rực rỡ mầu sắc khi nắng lên. Hoa dạ lý hương thơm nức về đêm khi gió thoảng. Giàn thược dược đại đóa của một người bạn ông Hùng đi Trung quốc về cho đẹp não nùng. Mùa đông thược dược tàn nhưng xuân tới đâm chồi, lá hoa tranh nhau mọc nhanh như thổi. Tính thích mấy cây violet giống Phi châu nhất, trồng trong những chiếc chậu nho nhỏ để trong những dĩa hơn một chút vừa để trang trí vừa chứa nước. Trồng hoa công phu nhưng bù lại được thưởng thức khi hoa nở. Violet Phi châu có nhiều mầu, đỏ, hồng, tím, vàng và trắng. Ba nói giống tím là giống tìm thấy đầu tiên nên người ta đặt tên là hoa violet. Các giống khác tìm được về sau trong những khu rừng Phi châu khác hoặc được pha giống. Hoa violet Phi châu không chịu nắng gắt, không chịu lạnh nên phải đặt dưới bóng im và đêm trời lạnh phải mang vào trong nhà. Hoa violet thích đất khô và khí ẩm. Nước tưới âm ấm tốt hơn nước lạnh và phải tưới vào gốc tránh đụng lá, hay tưới nơi dĩa lót. Hoa violet nho nhỏ xinh xinh, nở chậm, dịu dàng, khiêm nhường, không có mùi thơm nhưng kéo dài cả tuần lễ chưa tàn. Ngoài lan không có hoa nào dai như violet Phi châu. Mỗi lần thấy violet nở bà Hùng thường bảo, "nhờ thằng Tính đó." Hằng thường biểu đồng tình với mẹ, còn Dũng thì cười lăn, "hoa lá như cây cỏ đến mùa thì nở có gì phải nhờ ai." Tính không cãi, chỉ mĩm cười. Tính chăm sóc mấy chậu violet Phi châu rất kỹ đáp ứng đúng tính nết và nhu cầu của hoa. Tính thường nhìn những chiếc hoa tím nhỏ bé rất lâu vừa mân mê mấy chiếc lá xanh, cứng và dòn bao quanh mấy cành hoa như sẵn sàng che chở.

Dũng thường nói với mẹ, "thằng Tính hiền lành đến độ lù khù như vậy làm sao sau này không có ba và mẹ nó sống được. Con trai gì mà không thích cái gì cả chỉ biết học vừa đủ để lên lớp, về nhà thì lui cui chăm mấy khóm hoa, mùa hè chỉ biết sắm cần và mủ mít đi bắt mấy con ve. Hơn hai mươi rồi mà thấy con gái thì co lại như đĩa gặp vôi."

Bà Hùng có ý nghĩ riêng về mỗi người con. Bà chỉ cười, nói với Dũng, "con ngồi đó mà chờ nó khổ, mày khổ thì có."

* * *

 Hôm nay là ngày ra trường. Hằng dậy sớm. Lịch trình nhà trường thông báo từ mấy tháng trước, nhưng Hằng vẫn thấy hồi hộp. Gần sáng Hằng mới chợp mắt. Hằng học khoa điện toán, sinh viên xuất sắc. Các bài làm khó về viết nhu liệu Hằng thường là người tìm ra giải đáp trước nhất trong lớp. Hôm nay Hằng còn có lý do khác để vui, vì ngoài chứng chỉ tốt nghiệp, Hằng còn được lời khen của giám đốc trường và lời khen tặng tại chỗ của cô giáo hướng dẫn. Thế mà Hằng thao thức. Hằng thao thức về vấn nạn: những người làm máy điện toán chỉ ghi hai số sau cùng của số chỉ năm bốn số giản tiện biết bao trong bao năm qua bỗng nhiên thành một vấn đề khi bước vào năm 2000.

Vừa nghĩ vẩn vừa trang điểm Hằng nghe tiếng ông Hùng dục, Hằng vội vàng bước ra khỏi phòng. Ông Hùng nhìn con hài lòng: "Con gái ba hôm nay diện quá. Ra trường có khác."

Hằng hôn nhẹ bố: "Ba lúc nào cũng chỉ khen con."

Bà Hùng, Dũng, Tính cũng vừa chuẩn bị xong. Hôm nay ông Hùng đèo Hằng, không đèo bà Hùng như thường lệ, Tính chở mẹ, Dũng đi một mình. Ba chiếc xe gắn máy nối đuôi nhau lên xa lộ Biên Hòa. Đại học Sài gòn mới được xây dựng cách tây bắc Sàigòn 15 cây số. Nắng vừa lên. Hoa phượng nở đỏ rực hai bên xa lộ. Xa hơn, băng qua những cánh đồng lúa xanh mơn mỡn, gió Long Khánh thổi về mát rượi. Ông Hùng chạy sau Dũng, cẩn thận. Hôm nay ông thấy nhiều xe, và là ngày trọng đại của Hằng.

* * *

Ra trường Hằng xin được việc tại hãng Toyota. Hãng Toyota có xưởng ráp xe ở Việt Nam. Hằng là một trong năm nhân viên phòng điện toán phụ trách việc gởi giấy nhắc khách trả tiền tháng.Eto, người Nhật, làm trưởng phòng, Hằng được xếp làm phó trưởng phòng. Nhân viên gồm một thanh niên người Nhật và hai người Việt. Hằng ngạc nhiên khi được xếp làm phó trưởng phòng. Sau này khi biết thêm về sự tế nhị của người Nhật trong lĩnh vực kinh tế Hằng hết ngạc nhiên và trở nên thận trọng trong công việc. Ngoài bà trưởng phòng tốt nghiệp tại đại học Tokyo, ba nhân viên còn lại đều là những chuyên viên về chương trình điện toán do kinh nghiệm làm việc.

Hãng Toyota làm ăn phát đạt. Sau hai năm làm việc Hằng trở thành người bạn thân của bà Eto. Năm nào trở về Nhật thăm nhà bà Eto cũng không quên mua quà cho Hằng. Một hộp bánh Nhật hương vị ngọt nào không bán ở nước ngoài, một bộ kimono, có khi là một hạt ngọc trai nhân tạo. Năm nay bà Eto mời Hằng viếng nước Nhật trong dịp nghỉ hằng năm. Hãng cho nhân viên nghỉ phép có lương hai tuần lễ một năm. Đối với Hằng là đi du lịch, nhưng đối với hãng chuyến đi là để giới thiệu nước Nhật với Hằng, một nhân viên ưu tú của hãng. Ngoài chương trình riêng của Hằng như thăm Hoàng cung, leo núi Phú Sĩ, dùng tàu lửa Shinkensen 250 cây số một giờ đi thăm Sapporo vùng bắc nước Nhật, một nơi phong cảnh đẹp nổi tiếng, bà Eto sắp xếp một ngày để Hằng thăm trung tâm kế toán của hãng Toyota ở  Đông Kinh. Hãng Toyota tặng Hằng một nửa vé máy bay và tiền chi phí ở Nhật.

Chuyến thăm viếng Nhật là một bước rẻ của đời Hằng. Nakashima, 37 tuổi, phụ trách trung tâm điện toán của hãng trong đoàn thuyết trình để ý đến Hằng, cô gái xinh đẹp của Sài thành. Giờ nghỉ trưa Nakashima mời Hằng và bà Eto dùng cơm trưa. Buổi thuyết trình kéo dài một ngày. Qua ngôn ngữ chắp nối, tiếng Anh pha lẫn tiếng Nhật, Hằng vui thấy cái duyên dáng của người thanh niên Nhật dù chàng không đẹp trai lắm, trong khi Nakashima thấy Hằng gợi cảm, khiêm nhượng, một cái gì gần gũi với văn hóa Nhật, đẹp và thông minh. Hằng nắm vững những gì Nakashima thuyết trình mà vẫn tỏ ta đang hấp thụ kiến thức của người thuyết trình.Eto, như một nhà ngoại giao thiên phú, khéo léo tạo điều kiện để hai người tự do trò chuyện.

Trở về Sàigòn Hằng và Nakhashima trao đổi thư từ với nhau. Một năm sau nhân một chuyến thăm chi nhánh của hãng ở Sàigòn, Nakashima ngỏ lời cầu hôn với Hằng. Lễ cưới được cử hành tại  Sàigòn và Tokyo mấy tháng sau, và Hằng được hãng thuyên chuyển qua Nhật.

* * *

Dũng, lận đận ở cấp trung học, trầy trụa mãi mới đậu được bằng tú tài.  Các lớp ngon lành ở đại học Sàigòn không còn chỗ, Dũng ghi danh học về thương mãi. Thương mãi theo lối kinh tế thị trường là một ngành học còn mới mẻ không được chính phủ khuyến khích. Ra trường không biết có việc làm không nên ít sinh viên ghi danh.

Dũng nói với Hằng: "Cuộc đời ưu đãi chị mà bạc đãi em quá. Chị học đâu xong đó, còn em chạm tới đâu cũng thấy lận đận. Ra đời em phải trả thù đời."

Hằng thấy Dũng vô lý. Trẻ tuổi, thông minh, được nuông chiều và nhiều tham vọng Dũng đã để mất quá nhiều thì giờ quí báu. Lỗi cũng chẳng phải tại mẹ quá cưng Dũng. Mẹ thương Hằng và Tính như thương Dũng, và cho Hằng và Tính những gì Hằng và Tính xin, nhưng Tính có vì vậy mà lung đâu. Tính ham chuộng thể thao, thân thể cường tráng, học hành điều độ là đứa con ít làm cho ba và mẹ lo lắng nhất. Còn Dũng ăn uống khó khăn, thức ăn nào cũng dùng đũa thử thấy thích ý mới ăn. Mâm cơm không có món gì thích thì lầm lì bỏ đũa, mẹ phải bỏ dở bữa cơm làm món khác. Phim hay mới ra là có Dũng ở hàng đầu nơi rạp hát dù giá vé đắc bao nhiêu, nhất là những phim nhiều bạo động và khiêu dâm. Về đến nhà là vào xa lộ thông tin để chơi game, đọc tin giựt gân và tìm bạn bốn phương. Hằng thấy trong đầu Dũng đầy ắp những điều mới lạ lấy từ xa lộ thông tin nhưng Hằng không biết đó có phải là kiến thức không.

Hằng nhớ trong một chuyến thực tập tại Hà Nội, một sinh viên thấy mấy chục cuốn Bách Khoa Tự Điển nằm ngay ngắn trên kệ sách nơi phòng làm việc của ông giám đốc thư viện Hà nội, đã hỏi ông: "Các cuốn bách khoa từ điển này còn hữu ích không, thưa ông? Vì cái gì cũng có thể tìm thấy trên xa lộ thông tin."

"Cái gì trên xa lộ thông tin cũng có nhưng ta vào vội vàng như cởi ngựa xem hoa không bắt được cái chất của thông tin. Thành ra ta tưởng biết nhiều nhưng thật ra là biết hời hợt. Tôi thường tìm các hiểu biết quí báu qua bộ tự điển này." Ông vừa nói vừa mân mê một cách trìu mến một cuốn tự điển đang cầm trên tay. Chỉ vào chiếc máy điện toán khá lớn nằm trên bàn làm việc, ông nói tiếp, "Chiếc máy điện toán này không thể thiếu đối với tôi, nhưng tôi không lệ thuộc vào nó, tôi không để nó tha hóa tôi, suy nghĩ thay cho tôi, biến tôi thành nó." Ông chỉ vào đầu, mái tóc đã điểm sương, " Cái đầu của chúng ta tạo ra đủ thứ, cung cấp cho chúng ta những hiểu biết cần thiết để ngự trị thiên nhiên. Nhưng chỉ cần thiết khi chúng ta còn điều khiển được chúng. Khi chúng điều khiển chúng ta là lúc chúng ta trở thành nô lệ. Và đó là lúc con người có vấn đề."  "Có vấn đề" là câu Hằng nhớ nhất trong chuyến du hành thực tập năm đó. Hằng muốn nói với Dũng là Dũng "có vấn đề" nhưng không muốn làm Dũng buồn. Hằng biết Dũng đã bỏ nhiều thì giờ quí báu của tuổi trẻ cho những thú vui thoáng qua, ồn ào vui nhộn hấp dẫn nhưng thiếu chiều sâu.

Năm Hằng lấy chồng đi Nhật là năm Dũng lấy chứng chỉ thương mãi và ngoại thương. Dũng vay tiền của ông bà Hùng - thật ra là ông bà Hùng cho luôn -  mở một văn phòng lớn ở ngã sáu Sàigòn, trang bị hiện đại, thuê một số luật sư trẻ đại diện cho các hãng nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

Dũng đẹp trai tình cảm linh tinh cùng một lúc với nhiều thiếu nữ  con nhà có thế lực đóng vai rễ tương lai để lấy dịch vụ. Thỉnh thoảng Dũng đi đi về về Hà nội, làm mọi người ở Sài gòn hiểu không phải Dũng chỉ có người thế lực gốc miền Nam giúp đỡ, Dũng còn được giới chức ở thủ đô che chở. Viên chức người miền Bắc làm việc tại Sài gòn coi thường những thương gia hay những người làm dịch vụ lớn không có thế lực ở Hà Nội. Thật ra Dũng đi Hà nội chỉ để du hí. - Sàigòn Dũng đóng vai con trai ngoan. Trong một thư gởi Hằng Dũng viết: "Chị Hằng ơi, con gái Hà Nội đẹp dịu dàng và chìu khách miền Nam mê ơi là mê. Con trai Nhật thì chị biết rồi. Con gái Nhật ra sao chị? Mấy thằng bạn em đi Nhật bảo con gái Nhật xấu lắm. Mặc áo kimono đẹp thật, đầy màu sắc nhưng bước đi vội vàng như muốn chạy. Tụi nó bảo nhìn con gái Nhật chỉ nên nhìn các cô nói trên đài truyền hình, đừng đi tìm thú geisa để thất vọng. Chị ở Tokyo là hoa khôi rồi còn gì? Hèn gì anh Nakashima từ hồi cưới chị cái gì cũng nói Việt Nam là nhất làm em không hiểu bụng dạ ông anh rể như thế nào. Nhất gì không biết nhưng nhất là nghèo. Nhưng có một điều nhất em sẽ làm là chủ một trung tâm dịch vụ về luật mậu dịch quốc tế lớn nhất trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Mậu dịch chỉ là một phần công việc của trung tâm. Em sẽ thuê thêm luật sư lãnh cãi các vụ tham nhũng liên quan đến các giới chức lớn mà vụ án có thể là chung thân hay tử hình. Cãi các vụ này mới giàu được. Mà chị biết các vụ này thấy thì khó nhưng nếu bắt được gốc nhận tiền ở Hà Nội thì mọi việc xem như xong. Luật sư của văn phòng chỉ bào chữa cho có lệ. Ông chánh án như một thói quen xử theo lệnh của đảng."

Dũng lười viết thư thăm chị, nhưng nếu viết thì đại loại như vậy. Chơi bời, chạy chọt, chấp nhận cuộc đời lường gạt, mánh mung. Dự án cãi các vụ án tham nhũng lớn của Dũng làm Hằng bật cười cho trí tượng phong phú của em. Tố tụng và biện hộ không phải là lĩnh vực chuyên môn của Dũng, các luật sư của Dũng cũng chưa cãi một vụ nào như vậy, Dũng chỉ nghe đồn. Hằng không biết có thật như vậy hay không. Hằng nghĩ Dũng có máu ưa ảo thuật, ảnh hưởng bởi những biến đổi nhanh chóng trên màn máy điện toán.

Nhưng Hằng yên tâm vì ngoài dịch vụ pháp luật, văn phòng Dũng nghiên cứu thị trường là chính. Kiến thức thực tế về điện toán giúp Dũng nhiều về mặt này. Dũng làm những phân tích cần thiết để tiên đoán ít nhất sáu bảy tháng trước những mặt hàng nào cần, vay tiền ông Hùng mua trữ sẳn. Có lần ông Hùng hỏi Dũng sao không nghiên cứu thị trường chứng khoán, ông đọc báo thấy nhà nước sẽ mở cửa thị trường chứng khoán nay mai. Một lĩnh vực mới mình nhảy vào dễ làm ăn hơn. Dũng nói với ông Hùng, "Thị trường chứng khoán chưa biết lúc nào mở được. Nhưng nếu mở được là một vũng lầy nguy hiểm không nên đút chân vào. Trước hết mình sẽ không tiên đoán được gì để làm thương mãi. Thị trường chứng khoán nước mình sẽ bị thị trường chứng khoán lớn ở New York, Tokyo, Hong Kong nó nuốt thôi. Con không chơi chứng khoáng, ít nhất trong 5 năm tới."

Dũng để tâm đến tâm lý dân chúng khi bước vào năm 2000. Người ta nói máy điện toán sẽ chạy lộn xộn với hai con số không mà nó tưởng là năm 1900 rồi thì điện tắt, nước ngừng chảy, không lưu trì trệ, vận tãi trở ngại, ngân hàng không phát tiền được. Lo xa, nhiều người sẽ mua thực phẩm khô, sắm máy điện nhỏ, mua radio, đèn bấm. Không tin nhưng Dũng cho văn phòng quảng cáo rầm rộ về những tai ương có thể xẩy ra và thuê người viết báo gợi ý dân chúng nên mua một ít thứ cần thiết để đề phòng. Phần lớn số tiền mượn của ông Hùng Dũng đổ vào kho chứa vật dụng cho năm 2000. Năm trăm máy điện nhỏ chạy xăng, một nghìn radio chạy bin, năm nghìn chiếc đèn bấm và một kho thực phẩm khô gồm chính yếu là mì gói và trái cây khô. Dũng mua máy điện cũ ở Mã Lai, thuê người tháo vỏ, quét vội một lớp cách điện vào ruột máy, sơn lại vỏ, thay các đầu giây cắm điện, vốn một chiếc chưa tới một triệu đồng, Dũng tính bán ba triệu. Chỉ riêng máy điện Dũng sẽ lời một tỉ đồng. Nghĩ đến số tiền lời tương đương với 70 ngàn mỹ kim nếu bán ngon lành trong hai tháng cuối của năm 1999, Dũng thấy mê cả người. Tính tới tính lui, Dũng tự nhủ một cách tin tưởng  "tại sao không! tại sao không!?"  Dũng tin vào năng khiếu thương mãi của mình dù chưa được thử thách. Dũng tính qua năm 2000 sẽ chuyển tiền lời qua một thương vụ khác lâu bền hơn như nhập cảng bộ phận rời để sửa chữa xe máy dầu hiệu Honda. Dũng chưa nói với Hằng nhưng tính sẽ nhờ ông anh rể giới thiệu mối mua đồ cũ ở Nhật, lau dầu mỡ lại, bọc giấy bóng bán ra như đồ mới.

Dũng làm việc quần quật. Bà Hùng vừa mừng vừa lo. Bà không tin Dũng. Bà sợ Dũng đi vào con đường khó khăn do tính tự tin nhưng thiếu đạo đức của Dũng. Từ ngày mở văn phòng Dũng hay ăn cơm ngoài. Thỉnh thoảng gặp mẹ trong bữa cơm, thấy mẹ vui, săn đón nhưng thoáng vẻ lo, Dũng thường tìm cách làm mẹ vui. Một hôm Dũng bảo mẹ, "Mẹ lo gì, con phải làm việc để có tiền chứ. Chị Hằng ở xa, sinh con đẻ cái lo gì được cho ba mẹ. Thằng Tính lo được cho thân nó là mừng." Bà Hùng mắt sáng lên, mĩm cười nhìn con nghi hoặc.

Tuy cố gắng giữ gìn trong quan hệ tình cảm nhưng Dũng cũng dính một thiếu nữ xinh đep ở Hà Tiên, Hồng.  Hồng là con của một viên chức cao cấp, trông cung cách đúng là một cô con gái cưng của một gia đình có thế lực và giàu có. Hồng theo bố lên Sài Gòn chơi khi ông về Sài Gòn họp viên chức liên tỉnh. Qua giới thiệu của những người làm ăn, Dũng được mời dự buổi tiếp tân sau buổi họp có cả vợ con các viên chức tham dự. Mấy ông lớn nhân dịp giới thiệu con cái với nhau. Không khí buổi tiếp tân thật vui, và Dũng quen Hồng. Về Hà Tiên mấy lần thăm Hồng, Dũng biết ông Thân, bố của Hồng là phó tỉnh trưởng Hà tiên, nhưng cầm đầu bên mặt đảng. Ông mới nhậm chức Tỉnh ủy mấy tháng, thay thế ông Tâm, cựu Tỉnh ủy dính líu vào một vụ hối lộ đang được tại ngoại hậu tra. Dũng theo đuổi Hồng gắt, mặc dù ông Thân không mấy săn đón. Ông không ngại chuyện lý lịch này nọ như trong 5 hay 10 năm đầu khi mới vào miền Nam nhưng ông vẫn thấy cấn cái. Hồng thì chỉ biết Dũng là một người con trai lý tưởng. Đẹp trai, có học, quen biết nhiều, chịu chơi và biết chìu nàng. Dũng mê Hồng và thế lực của gia đình Hồng. Ông bố vợ tương lai là trung gian khách hàng tốt cho văn phòng luật sư của Dũng.

Lễ đính hôn của Dũng và Hồng được tổ chức tại Hà Tiên trong phạm vi gia đình. Ông Thân không muốn làm lớn. Chờ vài năm nữa Dũng thành công, có tiền bạc, vai vế được chấp nhận sẽ làm lễ cưới thật linh đình cũng không muộn. Ông Thân không chịu thua các bạn mình. Đám cưới của con họ được tổ chức như ngày quốc lễ, khoe giàu sang và tạo cơ hội để nhận của đút lót một cách danh chính ngôn thuận.

Đính hôn xong, yên một mặt Dũng ít về Hà Tiên. Thỉnh thoảng Hồng lên Sàigòn thăm Dũng. Ông Thân thường cho em gái đi theo lấy cớ săn sóc Hồng. Dũng không quan tâm đến sự thận trọng của bố vợ. Dũng còn nhiều bạn gái khác, và Dũng biết chờ. Người bực mình với ông Thân là Hồng. Ông làm Hồng mất hết tự do, không được một phút thân mật với Dũng.

* * *

Tính ra trường được mấy năm, và sau khi có chỗ làm vững chắc thì cưới Thúy, một thiếu nữ ở cùng phường, bạn trung học. Công việc không liên quan gì đến ngành hải dương học. Việc chính của Tính là phiên dịch các bản văn chuyên môn cho một cơ sở kỹ thuật của Singapore đầu tư tại Việt Nam. Nhà Thúy nghèo. Thúy nghỉ học sau khi tốt nghiệp trung học giúp mẹ lo cửa hàng xén dọn ở nhà để nuôi bốn em ăn học. Tính vẫn giữ quan hệ với Thúy sau khi vào đại học.Hùng nghĩ chỉ là quan hệ bạn bè hồi thơ ấu. Khi Tính ngỏ ý cưới Thúy ông bà Hùng hơi ngạc nhiên mặc dù biết Tính không có tham vọng, không thắc mắc ưu   nhiều về cuộc đời. Cưới vợ xong ông bà Hùng giúp Tính mua một ngôi nhà nhỏ ở cạnh nhà ông bà để hôm sớm mẹ của Thúy cũng như bà Hùng có thể chạy tới chạy lui. Bà Hùng thường thúc Thúy mau có cháu để bà bồng.

Tính hài lòng với cuộc sống. Ngoài giờ làm việc Tính chăm sóc cẩn thận khu vườn hoa sau nhà. Dàn hoa lan mầu trắng, mầu hồng và màu tím treo lủng lẳng dưới một mái plastic lọc nắng có ống nước phun sương thật mịn, có máy đo nhiệt độ và quạt gió giữ nhiệt độ và độ ẩm là một công trình đầy công phu của Tính. Và là dàn hoa lan đẹp nhất trong phường. Tính hay viết thư cho Hằng. Thỉnh thoảng Hằng điện thoại về thăm vợ chồng Tính. Hai chị em không giống tính nhưng hợp tình nên mến nhau. Nhiều lần Hằng mời vợ chồng Tính sang Nhật Bản chơi. Tính chẳng nói không nhưng không muốn đi. Tính thích đọc sách luyện phiên dịch để trau dồi nghề nghiệp. Rãnh rổi đưa Thúy đi thăm phong cảnh trong nước. Tính chưa bao giờ ra khỏi lục tỉnh. Đối với Tính Nha Trang chưa xa, nhưng Huế quá lạ, quá xa, nói gì tới Hà Nội, Lạng Sơn.

* * *

Vụ án của ông Tâm xử tại Sàigòn. Qua ông Thân giới thiệu, thân nhân ông Tâm thuê văn phòng luật sư của Dũng bào chữa. Văn phòng của Dũng trở nên bận rộn. Ông Thân thận trọng không trực tiếp bàn với Dũng cần chạy đường giây nào. Mánh lới và đường giây chạy thuốc do Hồng chuyển lại. Sau nhiều tháng đi  đi về về Hà nội với các luật sư có thế lực nhất của chế độ, chi ra gần hết số vàng 300 lượng gia đình ông Tâm ứng trước, Dũng được hứa hẹn ông Tâm sẽ được một cái án tượng trưng.

Dũng đắc chí nghĩ, xong vụ này ai  cũng tưởng Dũng là người có thế lực, tha hồ hốt bạc. Ngoài vụ ông Tâm, Dũng biết hồ sơ tòa án còn rất nhiều vụ hấp dẫn mà giới thạo tin của Sài Gòn chưa biết. Nhà nước không tiết lộ chi tiết các vụ tham nhũng đang điều tra vì đều dính các đảng viên cao cấp.

Trong vụ thầu xây cất khách sạn Cửu Long ở Hà Tiên, ông Tâm đã ép một nhà thầu Đại Hàn chi 400 ngàn mỹ kim để trúng thầu. Việc này làm hãng thầu Singachina Builder của Singapore bất mãn. Singapore đã đấu cao để đoạt thầu nên không muốn chi một số tiền lớn như vậy. Singapore có nhiều thuận tiện nếu trúng thầu. Hà tiên gần căn cứ nhà, chi phí chuyên chở trang bị, vật liệu và di chuyển nhân viên ít tốn kém.

Dũng tin vụ án sẽ trót lọt. Sau vụ án, ông Tâm chỉ cần tránh mặt một thời gian rồi sẽ được bổ đi nhậm chức tại một tỉnh khác. Lâu hay mau tùy theo ông Tâm biết xử dụng số vàng tích trữ của mình hay không.  Ông Thân, do tin nội bộ, rất yên tâm. Cha vợ chàng rễ tương đắc hơn trước. Những chuyến Hồng lên Sài Gòn thăm Dũng thấy vắng bóng người cô ruột đi kèm.

Dũng và ông Thân biết cái cột của vụ án là lời khai của Căn, trưởng ti xây dựng Hà tiên. Nhưng Căn đã chết. Căn là người nhận tiền của hãng KoreConst., và chuyển lại cho ông Thân. Khi nội vụ đổ bể ông Thân nhờ vai vế trong đảng chỉ bị tạm cách chức, trong khi Căn bị tống giam tức khắc. Tin nhà tù cho biết Căn dùng dây lưng tự vận ngay đêm đầu tiên. Căn chết, mọi tội lệ sẽ được đổ vào đầu Căn. Ông Tâm theo hướng dẫn của luật sư sẽ chối dài. Không đủ bằng chứng buộc tội quan chánh án sẽ phạt Tâm hai năm tù treo, tạm ngưng chức vụ lãnh đạo thêm ba năm. Đó là bài bản của vụ án hối lộ Hà Tiên. Ông Thân và Dũng tin mọi việc sẽ êm xuôi.

Nhưng Singapore không chịu thua. Bằng đường dây riêng, hãng Singachina Builder tiết lộ vụ đút lót cho một viên chức của bộ ngoại giao Bắc Kinh. Tin tức được chuyển kín đến bộ máy lãnh đạo cao cấp nhất của Hà Nội với khuyến cáo không nên bỏ qua vụ này. Lúc này các cơ sở tài chánh quốc tế đang đặt vấn đề tham nhũng, và chính quyền Hà Nội không muốn báo chí quốc tế có cớ để bươi móc.

Vụ án bỗng đổi chiều. Ông Thân được triệu ra Hà nội, gặp ông Giảng, trưởng Ban Bí thư với lời căn dặn không được giúp ông Tâm ém nhẹm chứng cớ. Cùng lúc chánh án tòa án Sài Gòn được chỉ thị mật phải xử vụ án theo thủ tục thông thường. Trong nội bộ danh từ "thủ tục thông thường" có nghĩa người bị truy tố phải được xử phạt nặng và vụ án phải được phổ biến rộng rãi cho báo chí và dư luận.

Ông Thân từ Hà Nội về cho Dũng biết vụ án đã vượt ra khỏi tầm tay, vô phương cứu chữa. Dũng choáng váng trước biến chuyển bất ngờ.

Trước tòa, ngoài bằng chứng chủ mưu ăn tiền của hãng KoreConst. để hất cẳng hãng Singachina Builder do công tố viên nhà nước viện dẫn, vợ Căn khóc lóc trưng bằng cớ chồng bà bị giết trong tù. Bà Căn cho tòa biết bà vào thăm chồng đêm đầu tiên khi Căn vừa bị nhốt. Căn nói với bà Căn chỉ là một cái khâu nhỏ trong nội vụ, nhưng người ta sẽ không để cho Căn sống. Căn nói, trước khi công an đặc biệt từ Sài gòn xuống còng tay dẫn Căn lên xe, ông Tâm đã nói nhỏ với Căn, nếu có bề gì ông sẽ chu toàn cho vợ con còn ở lại. Ông Tâm dọa, "anh khai tùm lum, rút dây động rừng, anh cũng khó thoát." Căn nói với vợ, nghe câu nói đó, Căn biết khó sống. Vợ Căn khóc sướt mướt nói chồng bà không hề có ý tự vận. Người ta đã giết chồng bà.

Sau khi nghị án qua loa tòa tuyên án tử hình chung thẩm. Án được thi hành trong vòng 24 giờ tại nhà tù Sài Gòn.

Sau vụ xử không bao lâu ông Thân bị hạ tầng công tác, xuống cấp huyện và thuyên chuyển ra một tỉnh ngoài miền Bắc gần biên giới Trung quốc. Hồng theo cha. Một thời gian sau Hồng viết một thư ngắn gởi Dũng xin hủy bỏ ràng buộc của lễ đính hôn. Nhìn thư Dũng biết Hồng đã bị áp lực của cha. Lá thư mềm như đã được mân mê trong tay người thiếu nữ nhiều ngày, nửa dưới của lá thư hoen vàng bởi nước mắt đã khô. Hồng viết gọn gàng, "Em yêu anh, nhưng hoàn cảnh không cho phép. Thấy ba me sầu muộn và quá lo lắng em không đành lòng. Lấy anh, cái tròng buộc vào ba em trong vụ bác Tâm sẽ không tháo ra được. Vụ đính hôn với anh ba em đã giữ kín chỉ trong hai gia đình biết với nhau, nhưng nếu lấy nhau thì làm sao mà giữ kín được? Vĩnh biệt anh!" Dũng buồn, nhưng vốn cứng rắn, Dũng chơi bời bạc mạng, nhiều đêm ngủ với hai ba cô bạn gái hờ, bay đi Tokyo thăm Hằng hai tuần, ghẹo mấy cô geisha Nhật, trên đường về ghé Hà Nội thăm mấy cô gái Khâm Thiên, rồi về Sàigòn tiếp tục làm việc. Dũng cúi mình thật thấp nằm chờ.

* * *

Ngày đầu năm dương lịch Hằng gọi mẹ thật sớm, báo tin hai vợ chồng về Sài Gòn thăm nhà vào tháng hai dương lịch năm 2000 nhân dịp Tết Nguyên Đán.

Sau khi các con yên bề gia thất thỉnh thoảng ông bà Hùng đi đây đi đó thăm viếng bạn bè. Ông Hùng không làm việc nhiều như trước. Ông bà Hùng không lo cho Tính, nhưng Dũng vẫn là một mối lo. Vụ án ông Tâm thất bại, Dũng nhận được nhiều thư đe dọa. Dũng coi thường xem như việc phải đến thì cứ để nó đến, nhưng ông Hùng không yên tâm. Riêng Hằng ở xa, ông bà thấy nhớ. Được tin Hằng và chồng về ăn Tết ông bà Hùng hy vọng sẽ có một cơ hội đoàn tụ gia đình. Bà Hùng vui mừng báo tin cho Dũng và Tính.

* * *

Đêm 31 tháng 12 năm 1999 diễn ra bình thường, mặc dù thế giới nín thở chờ đợi. Nằm nhà tại Tokyo Hằng theo dõi tin tức thế giới. Khách du lịch tại các tiểu bang xa của Nga, nam Mỹ châu , Ý, Trung quốc, Việt Nam vắng hơn mọi năm. Các chuyến bay quốc tế chỉ có một phần ba đầy chỗ. Nakashima cho Hằng biết các chuyến bay chở bộ phận rời của hãng Toyota đến các đại lý trên thế giới cũng bị chậm trễ. Một vài vấn đề điện toán liên quan đến ngày giờ bị trục trặc nhưng đều được sửa chữa ngay, ngoại trừ hãng Singapore Airlines có hai chuyến bay, một từ Karachi đi KualaLumpur, một từ Bombay đi Paris phải hoãn giờ khởi hành trong nhiều giờ. Một chuyến bay của hãng Vietnam Airlines từ Tokyo về Hà nội báo cáo một trục trặc nhỏ phải đáp xuống Đài Loan. Không có một thiệt hại nhân mạng nào được báo cáo. Tại Ý nhiều khách sạn mất nguồn cung cấp nước, và sau nhiều ngày không sửa chữa được du khách ùn ùn kéo đến các đại lý máy bay đổi chuyến bay trở về. Hệ thống điện toán giữ chỗ và sắp xếp lịch trình bị hỗn loạn và tại đại lý hành khách của hãng Italia nằm trên đường Roma một cảnh ẩu đả giữa cảnh sát và hành khách đã xẩy ra khi cảnh sát bênh vực một nữ nhân viên bị một hành khách người Chili hành hung. Hằng yên tâm thấy vấn đề  điện toán của năm 2000 không trầm trọng như  Hằng tưởng. Hằng chờ đợi ngày về Sàigòn thăm ba me và các em sau mấy năm xa cách.

* * *

Sài gòn rộn rịp đón thiên kỷ mới. Hàng Dũng tích trữ bán chạy như tôm tươi. Một tuần lễ trước ngày cuối năm máy điện nhỏ và điện thoại cầm tay bán gần hết. Từ sáng sớm khách sắp hàng dài trước cửa hàng Dũng. Đến ngày cuối thì hết hàng, kể cả thực phẩm khô. Ông bà Hùng thấy vui cho Dũng sau vụ án ông Tâm và hôn nhân bất thành của Dũng.

Dũng đưa cho mẹ một số tiền lớn, vừa cười vừa bảo, "Mẹ cứ trách con ham hố lo quá nhiều việc một lúc. Nếu không nhìn thấy trước, tích trữ hàng hóa cần thiết thì sau vụ kiện ông Tâm con còn gì? Tết năm nay gia đình mình sẽ ăn Tết thật lớn. Nhân có vợ chồng chị Hằng về nữa." Bà Hùng nhìn con chỉ mĩm cười.

Đi chùa về ông Hùng loáng thoáng nghe Dũng nói chuyện với mẹ, nói xen vào, "Ừ thì Tết này hãy ăn Tết thật lớn để đón thiên kỷ mới. Cả thế giới náo rộn lên, chạy ngược chạy xuôi, lo lắng đủ điều, rồi mọi sự cũng êm xuôi. Thế giới có nổ đâu? Chỉ có thằng Dũng là khôn."

Bước vào phòng ngủ ông ngoảnh lại nói với Dũng: "Vợ chồng chị Hằng về con chuẩn bị đãi chị nhé." Dũng dạ rồi nhảy tót lên xe. Dũng có hẹn ăn cơm chiều với một cô bạn gái mới quen.

* * *

Đêm 27 Tết trời tối như bưng. Hôm nay Dũng định về nhà sớm để ngày mai đi đón Hằng.

Mười một giờ đêm điện bỗng tắt. Từ cửa sổ văn phòng Dũng thấy cả thành phố Sàigòn chìm trong bóng tối. Đâm lo, Dũng mở radio. Đài loan tin có một trục trặc trong một chip của hệ thống điện toán điều khiển đường điện cao thế từ Thái Nguyên vào nên hệ thống phân phối điện bị gián đoạn. Thông cáo của Ủy ban thành phố kêu gọi dân chúng bình tỉnh. Các kỹ sư và chuyên viên điện toán đang giải quyết vấn đề.

Dũng gọi mẹ hỏi thăm ở nhà có bình thường không, chỉ dẫn ông Hùng cách chạy máy điện nhỏ. Ông Hùng nói ông đã chuẩn bị sẵn sàng. Ông khuyên Dũng về nhà đừng ngồi ở văn phòng một mình lúc mất điện. Dũng nói với ông Hùng ngồi ở văn phòng an toàn hơn chạy xe ngoài đường phố lúc đường phố không có đèn.

Mười hai giờ khuya, điện chưa được tái lập. Sàigòn vẫn tối như bưng. Đài phát thanh ngưng chương trình thường lệ để phát các bản tin của chính quyền kêu gọi dân chúng bình tỉnh và của các chuyên viên chỉ dẫn dân chúng chạy máy điện phụ, cách đề phòng kẻ gian và thông báo kế hoạch dàn trải lực lượng công an bảo đảm an ninh thành phố. Dũng khóa chặt cửa, chỉ để hở một cửa sổ nhỏ nhìn về hướng chợ Bến Thành nơi có cửa hàng của Dũng. Dũng cảm thấy sợ. Dũng ước gì có một khẩu súng như dân Mỹ. Chính quyền Việt Nam tuyệt đối cấm dân chúng sắm vũ khí cá nhân.

Bỗng bầu trời rực sáng. Dũng tưởng điện đang được tái lập từng vùng. Nhưng ánh sáng bập bùng rõ là đám cháy. Đài loan báo kẻ gian đang nổi lửa cướp phá chợ Bến Thành. Dũng lo cho số phận ngôi hàng của Dũng. Cửa hàng nhiều người biết. Tại đó hai tháng trước báo chí chạy tít lớn tường thuật cảnh đánh nhau dành mua hàng.

Đang phân vân Dũng nghe tiếng chân chạy rầm rập ngoài đường. Có tiếng thét, "Đừng để cho thằng lưu manh chạy thoát. Nó cấu kết ăn hết tiền rồi để người ta lãnh án tử hình." Dũng rùng mình. Một loạt súng bắn vào nhà. Dũng trúng đạn ở bắp đùi bên phải. Dũng cầm điện thoại lết vào một phòng nhỏ  cạnh văn phòng chính. Chiếc phòng nhỏ xíu có một chiếc giường để Dũng nghỉ ngơi vào giờ nghỉ trưa. Dũng tiếc đã không trổ một chiếc cửa ra đường luồn như có lúc Dũng đã thoáng nghĩ tới.

Tiếng phá cửa chen lẫn tiếng chữi thề văng tục càng lúc càng cấp bách. Không để ý máu từ đùi đang chảy lênh láng trên sàn nhà Dũng gọi công an Đô thành kêu cứu. Dũng liên lạc được với đại úy Thịnh. Thịnh đang   trung tâm phân phối lực lượng an ninh đến các nơi dang có rối loạn. Thịnh là bồ của Dũng qua các vụ ăn chơi mánh mung lẻ tẻ. Dũng rất hào phóng với Thịnh. Thịnh biết đàn em ông Tâm trong đảng hận ông Thân và Dũng sau khi ông Tâm bị xử bắn nên được điện thoại kêu cứu của Dũng Thịnh biết tính mạng của Dũng đang lâm nguy. Chỉ cần chần chờ một chút là Dũng bị đàn em ông Tâm giết. Một thoáng suy nghĩ "nên hay không?" vụt nhanh qua đầu Thịnh. Thịnh nghĩ đến mối lợi nếu cứu Dũng. Tuy không ở trong đảng Dũng là tay có thể giúp Thịnh khi cần. Dũng có tiền và nhiều quan hệ linh tinh mà một đại úy công an như Thịnh chưa với tới được. Bật qua làn sóng đặc biệt Thịnh khẩn cấp phái 4 mô tô trang bị súng máy dẫn đầu bằng một com măng ca bật còi ụ, đến ngay văn phòng Dũng. Nằm trong phòng riêng, Dũng vừa xé áo băng bó vết thương vừa niệm Phật. Xưa nay Dũng xem việc niệm Phật là một trò cười. Dũng thường bảo mẹ, "ông Phật có biết nghe đâu mà lúc nào mẹ cũng niệm Phật."

Cánh cửa bằng gỗ hai lần khóa vừa bị đập tung thì Dũng nghe tiếng còi ụ của xe công an đến.

* * *

Điện được tái lập vào lúc gần sáng. Thành phố Sài Gòn thiệt hại vật chất 10 tỉ đồng. Năm người thiệt mạng, trong đó có một thượng sĩ công an. Nằm trong bệnh viện Dũng nghe tin, mồ hôi ướt đẫm. Cửa hàng của Dũng bị đốt trụi thiệt hại 500 triệu đồng.

Bà Hùng vào bệnh viện săn sóc Dũng từ sáng sớm. Ông Hùng và vợ chồng Tính định ra phi trường Tân Sơn Nhứt đón vợ chồng Hằng trước rồi cùng đến bệnh viện thăm Dũng. Chuyến bay của hãng Japan Airlines dự định  đến Tân Sơn Nhất lúc 11 giờ sáng.

* * *

Ông Hùng hồi hộp theo dõi hành trình của Hằng. 9 giờ sáng ông Hùng, Tính và Thúy đã có mặt ở phi trường. Trước đó ông đã dùng điện thoại cầm tay nói chuyện với con lúc Hằng và chồng ngồi chờ ở phi trường Narita cho đến khi máy bay cất cánh. Japan Airlines đã hủy bỏ nhiều chuyến bay vì tình trạng an ninh tại thành phố Sài Gòn sau vụ mất điện và đốt phá. Chuyến bay của Hằng là chuyến bay đầu tiên từ Tokyo trực chỉ Sài gòn theo lịch trình. Năm giờ bay.

Điện thoại cầm tay reo. ông Hùng vui mừng đưa máy lên tai, biết Hằng gọi. Bỗng ông biến sắc. Tiếng Hằng văng vẳng trong máy: "Ba ơi, máy bay  vừa vào hải phận Việt Nam trên biển Nam Hải, phi trưởng thông báo có một trục trặc nhỏ do nhu liệu điện toán, máy bay đang giảm dần cao độ. Phi trưởng cho biết đang tìm cách đáp xuống phi trường Nội Bài." Hằng nói tiếp, "phi trưởng cho phép hành khách liên lạc với thân nhân trong 2 phút sau đó không được dùng nữa." Tiếng Hằng biến mất. Ông Hùng nhìn chiếc máy điện thoại cầm tay của ông như nhìn một vật xa lạ trước khi bỏ vào túi áo. Tính cố gắng trấn an ông Hùng " Ba đừng lo, ba ngồi xuống đây, từ Nhật về nếu đã vào hải phận Việt Nam chỉ cần 20 phút là đáp xuống Nội Bài. Mình chờ một chút thôi. Đáp xuống Nội Bài chị Hằng sẽ gọi ngay thôi."

Hai mươi phút, ba mươi phút, một giờ, chiếc điện thoại của ông Hùng vẫn câm như hến. Ông Hùng đến bên cạnh một đám đông người đi đón thân nhân đang đứng chung quanh một chiếc radio chạy pin nghe tin đài Hà Nội. Ông lắng tai nghe. Vẫn những bản tin thường lệ, những kết quả sản xuất vượt chỉ tiêu, những bài bình luận thời sự ca ngợi thành tích của đảng. Không một tin tức gì về chuyến bay 715 của Hằng.

Hơn một giờ đã trôi qua. Bỗng đài Hà Nội ngưng chương trình thường lệ loan báo: "Phi vụ dân sự 715 của hãng hàng không Japan Airlines, do phát ngôn nhân chính thức của hãng từ Tokyo loan báo, đã đâm xuống biển ngoài khơi bờ biển Việt Nam cách tỉnh Mông Cáy 85 km."

Ông Hùng không nghe thấy gì nữa. Đầu ông choáng váng. Tính và Thúy dìu ông lên xe taxis chạy thẳng về nhà, đưa ông vào phòng, nhẹ nhàng đặt ông xuống giường, và gọi bác sĩ gia đình. Trước khi thiếp đi ông Hùng chỉ kịp nói với Tính, "con khoan báo tin cho mẹ con biết, mẹ con không chịu đựng nổi đâu."

* * *

Tính gục đầu trên chiếc bàn nhỏ trong phòng khách, nước mắt lai láng. Tính nghĩ đến thiên kỷ mới. Quá nhiều điềm bất lành mà đại gia đình của Tính chịu đựng đầu tiên.

Từ ngôi nhà bên kia đường văng vẳng tiếng hát của một bài hát Tính không nhớ tên, "... đời người như chiếc lá ... nằm trong cơn gió vô tình.... "  qua giọng hát truyền cảm vượt thời gian của ca sĩ  Khánh Ly.

Tính lẩm bẩm, " ... như chiếc lá ..... như chiếc lá .... nào ...?"

Trần Văn Sơn


Trần Văn Sơn

http://www.vnet.org/tbn