Oan trái

 

Trần Văn Sơn

Hôm nay Bình, vợ Lịch đi thăm mẹ. Nàng vắng nhà ngày Thứ Bảy, hẹn chiều hôm sau khoảng xế chiều sẽ trở về.

Ở nhà một mình, Lịch mở TV xem truyền hình. TV không có gì hấp dẫn, chàng vặn âm thanh thật nhỏ vừa đủ nghe, lười biếng giở cuốn “A Farewell to Arms” của Ernest Hemingway ấn bản cũ năm 1933 đọc. 

Thứ Bảy mỗi tuần là thời gian gần vợ con, hôm nay vắng vợ Lịch thấy biếng nhác lạ thường. Có công việc làm tốt, được bạn bè trong sở thương mến, đời sống ổn định nhưng Lịch không thấy yêu đời như Nhân, người bạn cạnh nhà. Nhân làm việc cho sở bưu điện của chính phủ liên bang. Anh có một người con trai học giỏi ở cấp trung học, và lúc nào cũng thấy anh yêu đời. Ngày Chủ nhật Nhân cắm đầu vào TV xem football cùng với con trai và mấy người bạn của nó. Từ căn nhà của Nhân thỉnh thoảng Lịch nghe dội lại những tiếng la hét như đánh nhau mỗi lần có một cú bắt banh ngoạn mục. Lịch muốn vô tâm sống như Nhân mà không được, nhất là mấy năm nay vợ Lịch không được khỏe, và hình như nàng có một uẩn khúc gì dấu kín trong lòng. Nhiều lúc Lịch khéo léo dò hỏi để chia xẻ nhưng Bình thường lảng sang chuyện khác.

Đang lim dim trước chiếc TV, cuốn sách muốn rời khỏi tay, Lịch nghe tiếng chuông bấm cửa. Lịch uễ oải đứng lên, không nhìn qua lỗ thông nhỏ trên cửa xem ai gọi cửa, vặn chốt khóa trong mở cửa, đoán là nhân viên bưu điện phát thư riêng. Bất ngờ, cửa vừa hé mở, một họng súng ấn vào người Lịch trước khi Lịch nhận ra một người đàn ông trung niên cùng cỡ tuổi với Lịch với một giọng nói nhừa nhựa. 

“Anh hãy bước vào, khóa cửa lại, chúng ta có chuyện nói với nhau.” 

Người lạ khoảng dưới 40 tuổi, khuôn mặt gầy, rắn rỏi, phong sương, vầng trán cao, đôi mắt sáng cương quyết, đượm một chút u buồn, chiếc cằm hất ra bên ngoài như thách thức, tóc đều đặn chải ra sau một cách lơ đảng. Anh khoác một chiếc áo mỏng che gió mầu tro, loại có thể mua với giá 15 hay 20 đồng tại bất cứ tiệm Wal-Mart nào, bên trong là chiếc sơ mi mầu xanh nhạt. Một chiếc quần jean đã bạc mầu và một đôi giày thể thao loại bình dân.

Lịch nhìn mũi súng, ngước nhìn đôi mắt của kẻ lạ mặt và bước thụt lùi định đến gần cái bấm báo động. Người lạ mặt bước theo và hình như hiểu ý của Lịch, bảo:

“Anh đừng tìm cách báo động. Họng súng này sẽ không nể anh. Tôi không còn gì để mất nữa.”

Lịch bước vào phòng khách chưa kịp chọn một chỗ ngồi ở thế phòng thủ, người lạ mặt đã chọn ghế ngồi xoay mặt ra cửa và dùng mủi súng ra hiệu cho Lịch ngồi chiếc ghế dài đối diện quay lưng ra cửa. Hắn cẩn thận kéo chiếc bàn nhỏ trong phòng khách đến gần hắn và đặt khẩu súng xuống bàn trong tầm tay.

Hắn không cởi áo chắn gió, nhìn khẩu súng, lướt nhìn khoảng cách từ chiếc súng đến chỗ ngồi của Lịch khá xa như ngầm bảo cho Lịch biết sự bố trí của hắn.

Hắn bắt đầu:

“Gia đình anh đi vắng, chúng ta có nhiều thì giờ nói chuyện với nhau. Anh đừng trả lời chuông cửa.”

Lịch thấy khuôn mặt quen quen, nhưng không nhận ra. Lịch bình tỉnh, hỏi:

“Ông là ai? Đến đây có chuyện gì?”

“ Chuyện này có thể anh đã quên. Anh có nhớ những gì xẩy ra nơi thác Niagara cách đây mười hai năm không?”

Câu hỏi nhắc Lịch nhớ lại một chuyện kinh hoàng cách đây đã hơn mười năm. Và Lịch nhận ra người ngồi trước mình là Tần, chồng cũ của Bình, mà Lịch tưởng đã chết.

**

Hai mươi bảy tuổi. Vừa mới ra trường Lịch lấy một chuyến nghỉ hai tuần lên miền bắc biên giới Hoa Kỳ- Canada thăm thác Niagara. Thác Niagara nằm giữa biên giới Hoa Kỳ và Canada, bên này là bang New York, bên kia là tỉnh Quebec. Niagara là một thắng cảnh, mỗi năm có hằng triệu du khách từ Hoa Kỳ, Canada cũng như khắp nơi trên thế giới tới thăm. Nguồn thác nước chảy từ Bắc xuống Nam là một cảnh quang vừa huyền bí vừa hùng vĩ của thiên nhiên. Vào cuối thế kỷ thứ 18 nơi đây còn hoang vu, và sự hiện diện của thác nước làm cho cảnh vật càng thêm hùng tráng và đe dọa. Cảnh trí Niagara vào thời gian đó gợi nên sự nguy hiểm và sự hiện diện của tử thần. Bây giờ Nicagara đã trở thành một thắng cảnh du lịch, và sự xây cất của con người đã làm cho cảnh trí chỉ còn tính hùng vĩ mà không còn tính đe dọa. Tuy nhiên người ta vẫn duy trì những cảnh tượng gợi lại tính đe dọa của ngày xưa như nhà ma, qua thác bằng dây treo và bằng thùng gỗ. Dưới hạ dòng, dòng nước còn đủ sức kéo người ra biển nếu du khách vô ý trượt chân, như tai nạn thường xẩy ra ở bất cứ nơi nào có sông hồ.

Lịch đến Niagara vào một ngày cuối đông. Thời tiết bắt đầu ấm. Tiếng thác dữ dội của dòng nước tích lũy qua mùa đông như bày tỏ sức mạnh của thiên nhiên để chào đón du khách. Lịch lấy vé một chuyến buýt có người phụ trách giải thích đi một vòng thăm toàn cảnh Niagara và các thắng cảnh chung quanh qua Lundy lane và khu River Road trước khi thăm thác.

Xe buýt xếp ghế thành từng dãy hai bên, mỗi bên hai ghế, ở giữa có lối đi. Lịch ngồi ghế của sổ. Bên cạnh là Tần, một người đàn ông cùng cỡ tuổi, bên kia là vợ Tần và một chú bé chừng 8 tuổi. Tần giới thiệu Bình vợ Tần và Bão con trai với Lịch. Gia đình nhỏ bé này ở Helena, thủ đô bang Montana, một tiểu bang ở trung bắc Mỹ. Helena ở ven núi Rocky Mountain và có nhiều di dân người Hmong sinh sống. Đây là chuyến du lịch đầu tiên của gia đình Tần.

Qua câu chuyện, Lịch biết được Tần học xong trung học sắp lên đại học thì dính vào một mối tình teenagers với một nữ sinh cùng trường. Cô Bình có bầu và hai người quyết định nghỉ học cưới nhau và lao mình vào cuộc mưu sinh.

Bình, một thiếu nữ trên dưới 25 tuổi nhan sắc mặn mà, không quan tâm đến câu chuyện giữa Tần và Lịch. Nàng nhìn ra khung cửa, giải thích những gì cần thiết cho Bão ngồi gần cửa sổ.

Tần kể tiếp cuộc đời của anh. Lúc đầu hai vợ chồng sống rất chật vật. Chưa có kinh nghiệm gì về đời sống bổng bị quẳng vào cuộc đời. Tần không kinh nghiệm, không nghề nghiệp, trong khi Bình đang mang thai. Sự giúp đỡ đầu tiên của gia đình hai bên là giúp tiền thuê một căn phòng cho hai vợ chồng ở cho đến ngày sinh nở. Để giải quyết cơm ăn áo mặc trong những ngày đầu Tần đi đưa báo. Mỗi buổi sáng Tần dậy từ 5 giờ sáng đến tòa soạn của tờ Independent Record, một tờ báo lớn tại thành phố Helena, nhận báo bỏ vào thùng xe rồi đi phân phối cho từng nhà. Trở về nhà khoảng 7 giờ 30 sáng, kịp cho Bình đi làm việc cho một tiệm ăn trong thành phố. Công việc nhẹ, mang thức ăn cho thực khách. Bằng cách đó họ đã sống và dành dụm một số tiền vừa đủ khi Bình sắp sinh. 

Chú bé ra đời giữa một chiều mùa đông bão tuyết xuống ngập đưòng. Tần đặt tên con là Bão. Bão nhanh ăn chóng lớn và là nguồn hạnh phúc cho gia đình nhỏ bé của Tần và Bình. Bão lên hai tuổi, Tần theo học lớp chuyên viên sửa chửa máy xerox khóa ngắn ngày chín tháng và có công ăn việc làm ổn định. Bình cũng kiếm được việc lắp ráp trên dây chuyền sản xuất tại một nhà máy sản xuất máy điện tử trợ tim gần nhà. Buổi tối Tần ở nhà coi con, Bình theo học lớp đêm. Bình muốn lấy được bằng AA hay BA để bảo đảm đời sống kinh tế gia đình. Bình ham học. Ở trung học Bình là một học trò chăm học, chỉ vì ái tình tuổi học trò đưa đến mang thai làm Bình phải bỏ học lấy chồng.

Bão lên 5 tuồi. Với số tiền dành dụm được hai vợ chồng Tần mua một ngôi nhà cũ giá rẽ của một ông già người Mỹ gốc Ba Lan. Ngôi nhà không được săn sóc đã lâu. Sau biến cố Đông âu, ông Kofsky bán nhà trở về Gdansk, một hải cảng trên cửa sông Vistula chảy vào biển Baltic, nơi ông còn họ hàng bà con sinh sống. Mua được ngôi nhà giá rẻ, Tần bỏ công đọc tài liệu và xem các video chỉ dẫn cách sửa chữa nhà cửa, tự tay tân trang lại ngôi nhà. Tần khéo tay, sau nhiều tháng làm việc Tần và Bình đã có một ngôi nhà ba phòng khang trang. Phòng lớn nhất dành cho hai vợ chồng, một phòng cho Bão và một phòng cho khách. Nhà nằm trên một con đường nhỏ, vắng xe, gần khu buôn bán và gần một trường tiểu học và cũng không xa một trường trung học. Phòng khách không rộng, có hai cửa sổ hướng về hướng đông mang ánh sáng chan hòa vào những ngày mùa xuân và mùa hè nắng ấm. Nắng xuyên qua những lẵng hoa Bình treo trước cửa sổ mang đến cho gia đình  những phút thoải mái tươi vui mỗi khi vợ chồng Tần và Bình chơi đùa với Bão trong phòng khách. Bình chọn những lẵng lan phalaenopsis hợp với nhiệt độ và hơi ẩm trước sân nhà. Lá lan dày, xanh, mạnh khỏe vươn lên một sức sống trong từng cánh lá như khuyến khích sự sống và hạnh phúc.

Năm nay Bão 8 tuổi, Tần và Bình quyết định đi nghỉ hè xa để Bão biết đó biết đây, và chọn thác Niagara. Từ Montana đến Nicagara không quá xa, và khung cảnh, qua các tài liệu Tần đọc được hợp với ý thích mạo hiểm của Tần và Bình.

Lịch và Tần vừa nói chuyện vừa nhìn phong cảnh cho đến khi chiếc xe buýt giảm tốc độ, quẹo trái và ngừng lại trong một bãi đậu xe rộng. Tần giúp Bình và con bước xuống xe. Lịch theo sau. Người hướng dẫn dẫn đoàn du khách theo một con đường lát gạch đỏ, hai bên là những bồn hoa tulip đủ mầu, mầu vàng óng ánh đến mầu tím thẫm, mầu trắng … trồng trong những khuôn hình đủ kiểu bố trí mỹ thuật.

Khách xuống bến phà chuẩn bị du hành phần dưới của thác. Người hướng dẫn giúp du khách lên phà. Gia đình có con nhỏ lên trước. Lịch lên sau cùng, tìm một chỗ ngồi, nhìn quanh có ý tìm gia đình Tần, nhưng toàn khách lạ. Người hướng dẫn đang nói về đoạn thác đoàn du khách sẽ đi qua. Khúc sông này là một phần của thác và tuy mặt nước phẳng lặng nhưng có sóng ngầm, ảnh hưởng bởi dòng thác từ phía thượng nguồn. Du khách cần mang phao và ngồi vào những chiếc ghế đặt giữa phà, không ngồi trên thành phà.

Dặn dò xong phà nổ máy. Khói máy xịt mù trời phía sau phà. Mấy người thủy thủ tháo giây, mủi phà từ từ rời khỏi bờ. Dòng nước lững lờ nhưng sức chảy mạnh. Trong phút chốc chiếc phà đã ra xa bờ và chiếc máy mấy trăm mã lực đã giành lại sự điều khiển chiếc phà trước sức chảy của nước. Đoạn thác không rộng. Hai bên bờ nhà cửa thưa thớt, đây đó điểm vài lâu đài di tích của thời những ông hoàng Anh Cát Lợi chinh phục Canada để lại. Sau lưng những tòa lâu đài những đồi cỏ xanh mướt trãi dài như một tấm phông, đây đó điểm những tảng đá cao sừng sững với hình thù như những chiếc nhà thờ âm u của thời trung cổ. Cạnh bờ thác những hàng cây woodlands lá nhỏ xanh mướt vươn lên dưới bầu trời đầy mây.

Chiếc phà chòng chành và lắc mạnh. Du khách không tỏ vẻ lo vì nửa giờ qua phà chòng chành nhiều lần bởi nước xoáy. Bỗng trời đổ mưa, gió thổi mạnh và đổi hướng liên tiếp. Vài thoáng lo âu hiện ra trên khuôn mặt của những du khách lớn tuổi. Gió đổi chiều là dấu hiệu của một cơn lốc. Người cơ trưởng tăng sức máy cố ra khỏi cơn lốc, trong khi người hướng dẫn ra lệnh cho du khách ngồi vào giữa thuyền và giữ chặt đồ đạt cá nhân. Nhiều chiếc dù và mũ bay tung theo cơn lốc giữa tiếng thét thất thanh của phụ nữ và trẻ em.

Cơn lốc đang tranh với máy tàu cuốn phà ra khỏi luồng nước giữa dòng. Tiếng máy đang gầm gừ chống chỏi bỗng ngưng bặt. Chiếc phà càng lúc càng bị cơn lốc đẩy vào bờ. Bỗng nghe một tiếng kêu “ực” lớn, đáy phà chạm đá mắc cạn, máy tắt, phà xoay quanh đầu mủi.

Lịch ngước nhìn vào phòng lái. Người tài công đang loay hoay tìm cách tái khởi động máy. Ngoài trời mưa như trút. Trên chiếc trán cao của người tài công mồ hôi không ngừng đổ xuống. Nước chảy vào phà qua lỗ thủng càng lúc càng nhiều. Phà bắt đầu quay chậm lại. Người hướng dẫn bước vào phòng máy, và sau một trao đổi ngắn ngủi với người tài công anh bước ra thông báo du khách phà chết máy, chạm đá ngầm và yêu cầu du khách chuẩn bị dùng phao đào thoát. Người hướng dẫn yêu cầu mỗi người dùng một chiếc phao, mang vào cho trẻ em trước, mang cho mình sau. Phao của người cùng gia đình cột chung lại với nhau và cách nhau chừng nửa thước. Mỗi người bám vào phao mình, đừng níu kéo người khác, và đừng tìm cách bơi vào bờ vì gần bờ có nhiều đá ngầm. Anh yêu cầu mọi người hãy bình tình và cố gắng nằm giữa dòng để nước cuốn về phía hạ nguồn. Càng về phía hạ nguồn dòng nước càng êm. Thuyền cấp cứu và máy bay trực thăng đang chờ đón phía dưới. Tài công cho biết tín hiệu SOS đã được hai chính phủ Hoa Kỳ và Canada địa phương ban ra và mọi người sẽ được vớt lên an toàn.

Lịch ngồi ở tầng trên. Sau khi cột chặt chiếc phao mầu đỏ chói, Lịch đứng ở giữa khung phà chờ nước tràn tới. Trong cảnh hỗn độn Lịch lướt mắt tìm gia đình của Tần nhưng không thấy. Có lẽ gia đình Tần chọn tầng dưới của phà để tránh mưa và nước tạt. Tầng dưới có ghế ngồi, có cửa sổ để quan sát chung quanh và có một quán nhỏ bán thức ăn và giải khát. Tầng dưới có bốn lối thoát ra bên ngoài. Lịch thấy nhiều chiếc phao đỏ đã trôi lênh bềnh theo dòng nước. Chung quanh Lịch cảnh tượng hốt hoảng, nhất là những gia đình nhiều con nhỏ. Lịch giúp một gia đình gồm hai trẻ nhỏ mang phao xong thì nước vừa ngập ngang lưng. Lịch co chân, trầm mình vào nước bơi ra khỏi chiếc phà. Nước lạnh thấm vào chiếc áo chắn gió ngoài của Lịch trước khi thấm dần vào bên trong. Lịch cảm thấy một nổi lo sợ bâng quơ. Chung quanh Lịch đầy những chiếc phao mầu đỏ chói, đơn độc như Lịch có, hai vợ chồng kết với nhau có và đây đó những chùm phao với con nhỏ. Lịch cố gắng bơi đến một chùm phao bốn người, gồm hai vợ chồng với hai trẻ nhỏ, một trai chừng ba tuổi và một gái chừng một năm tuổi. Người cha, một thanh niên ba mươi tuổi lúng túng ẵm hai bé trong hai tay, một dây nối với phao bên cạnh là người vợ chừng 25 tuổi nét mặt đầy vẻ lo âu đang tranh thủ đặt đầu lên trên phao cố nhoi lên khỏi mặt nước. Lịch cố bơi lại xem có thể giúp được gì không. Nhưng dòng nước đẩy Lịch càng lúc càng xa về phía hạ dòng. Lịch dựa đầu vào phao nghỉ ngơi một chút mặc cho dòng nước cuốn đi.

Bỗng Lịch cảm thấy chiếc phao của mình ở trong một dòng nước xoáy. Lịch đứng thẳng người quan sát chung quanh. Phao của Lịch không may trôi ra khỏi dòng chính đã tạt vào gần bờ, dây phao kẹt vào một mõm đá. Chung quanh vắng teo không một chiếc phao mà chỉ mươi phút trước đây Lịch thấy lát đát chung quanh như những chiếc đèn trong những đêm đi phóng sanh phóng đăng trên sông Trà Khúc ở quê nhà.

Nhìn phía hạ dòng Lịch thấy bóng nhiều chiếc trực thăng và thuyền cấp cứu đang chờ đợi. Lịch cảm thấy sự nguy hiểm đến dần. Lịch đang trôi giữa dòng nước mạnh gần bờ và trong vùng đá ngầm. Nếu phao tuột ra khỏi chiếc đà ngầm này nó có thể đẩy Lịch vào một tảng đá ngầm chết người khác. Ngước nhìn thượng dòng Lịch thấy cách Lịch chừng 50 thước, có ba người cũng đang kẹt vào một chóp đá ngầm như Lịch. Lịch nhìn kỹ và nhận ra chính là gia đình Tần. Đứa bé khóc sướt mướt hai tay huơ về phía bố mẹ, trong khi Tần và Bình bất động. Lịch đoán hai vợ chồng bị cuốn ra khỏi dòng nước chính như Lịch và trước khi mắt kẹt Tần và Bình có thể đã bị thương vì chạm vào đá ngầm.

Lịch ước lượng sau khi tháo dây phao ra khỏi mõm đá Lịch có thể bơi ngược dòng nước, luồn qua những mõm đá để đến giúp Tần. Tiếng khóc của thằng bé bị át đi bởi tiếng gió gào và nước chảy. Thỉnh thoảng nó hướng nhìn về phía Lịch như một lời kêu cứu. Vốn ở gần sông, bơi giỏi và từng vật lộn với nước lụt Lịch tin ở sức mình. Nhà Lịch ở gần sông Trà Khúc, mỗi mùa nước lớn, Lịch thường đứng gần bờ dùng một chiếc sào tre khều những cây củi rừng trôi sát bờ sông để cho Mẹ dùng làm củi nấu bếp. Củi Lịch kiếm được mỗi mùa lụt có khi đủ dùng cả năm. Có lần một cây củi lớn, nước chảy xiết kéo cả sào trôi theo dòng nước. Lịch bám theo sào, leo lên thân củi dùng sào vật lộn với dòng nước hướng nó vào bờ. Một lần khác nước chảy mạnh, lượng sức không lái nổi thân củi, Lịch bỏ củi cùng với cây sào nhảy xuống nước bơi vào bờ thoát hiểm. Qua kinh nghiệm vớt củi rều Lịch tự tin khả năng vật lộn với dòng nước của mình.

Gió tạt mạnh vào mái tóc của Lịch. Lịch nhớ lại câu chuyện giữa Lịch và Tần trên xe buýt. Một gia đình quá nhiều bất trắc. Yêu nhau khi còn ngồi ở trên ghế trường trung học, bao nhiêu năm vật lộn với cuộc sống, tạm ổn định, nay đi tìm một chút thoải mái thì gặp nạn. Họa vô đơn chí, Lịch nghĩ thầm. 

Bầu trời vẫn đầy mây. Không có một chiếc trực thăng nào lảng  vảng chung quanh. Lịch biết không thể chờ đợi lâu hơn được. Vợ chồng Tần cần được kéo vào bờ để được săn sóc trước khi quá muộn.

Lịch gở chiếc dây vãi của chiếc phao Lịch ra khỏi mõm đá, bơi lách ngược dòng nước, đầu nâng cao, dùng chân chống vào mỗi mõm đá để bảo vệ thân khỏi đụng vào đá. Nhưng lách khỏi bên này Lịch lại chạm bên kia. Lịch cảm thấy nhức nhối bên sườn phải và vạt áo của Lịch nhuộm đỏ máu. Không quan tâm đến mình, Lịch nhắm mục tiêu trước mắt bơi trườn tới.

Hai mươi phút chống chỏi với dòng nước, đá, gió và mưa Lịch chụp vội vào một mõm đá cách Tần và Bình chừng một thước. Nước ồ ạt chảy chỉ muốn kéo Lịch về phía hạ dòng. Lịch dùng sức bình sinh cưỡng lại dòng nước xoáy dùng hai tay cuộn dây phao vào mõm đá. Như một phản ứng sinh tồn thằng Bão nín khóc chới với hai tay về phía Lịch chờ đợi.

Lịch lượng định tình hình. Bốn người cách bờ chừng một trăm thước. Lịch có thể cột cả bốn người chắc chắn vào một mõm đá để chống với luồng nước chảy và chờ đợi đoàn cấp cứu. Lúc này Canada và Mỹ đang triển khai toàn bộ lực lượng cứu trợ. Nhưng nhìn đôi môi tái ngắt và khuôn mặt nhợt nhạt của Bình, Lịch biết không thể chờ đợi.

Chỉ còn một cách là đưa hai vợ chồng Tần và chú bé vào bờ. Lịch lượng sức mình. Một mình Lịch có thể chống chỏi để vào bờ, nhưng kéo theo ba người, trong đó có hai người bất tỉnh chưa biết sống hay chết là điều ngoài sức của Lịch. Kết quả bốn người đều bỏ mạng.

Lịch nghĩ hay chỉ cứu thằng Bão. Đoàn cứu trợ sẽ đến cứu hai vợ chồng Tần sau. Lịch ngước nhìn bầu trời. Không có gì báo hiệu cơn giận dữ của thiên nhiên giảm bớt. Nghĩ đến một đứa bé mất cha mất mẹ Lịch không đành lòng. Với sức tàn Lịch có thể cứu thằng bé và một trong hai người. Cứu Tần hay Bình? Ý nghĩ đầu tiên là cứu Tần. Người cha là cánh tay mạnh khỏe có sức nuôi nấng thằng bé thành người. Lịch chợt nghĩ đến Mẹ. Cha Lịch đã làm lụng mệt nhọc nuối nấng ba chị em Lịch. Cha Lịch là người đã khuyến khích ba chị em chăm lo học hành. Lịch biết cha Lịch thương yêu ba chị em rất mực. Nhưng Mẹ Lịch là người đã làm cho Lịch hiểu thế nào là yêu thương, thế nào là cái tâm. Trong quảng đời chưa đến tuổi ba mươi có lúc đứng trước những nan đề Lịch dùng trí thông minh và học vấn của cha để phân tích nhận định tình hình, nhưng hầu như khi hành động Lịch đã hành động theo chữ tâm như Mẹ từng dạy bảo. Lịch thương cha, nhưng Lịch mường tượng nếu đời mình không có Mẹ có lẽ nó sẽ mất đi rất nhiều ý nghĩa.

Lịch nhìn Bình đang mê man, khuôn mặt xinh đẹp hiền hòa. Nhớ lại hình ảnh Bình săn sóc con trên xe buýt làm cho Lịch cảm thấy nếu mất mẹ thằng Bão sẽ thiếu một cái gì không có báu vật nào bù đắp được.

Lịch lấy quyết định, đem sức tàn cứu Bình và thằng Bão. Số mệnh sẽ quyết định số phận của Tần.

Lịch tháo dây cột ra khỏi mõm đá bơi lại gần ba người. Cẩn thận tháo dây chú bé cột sát vào lưng để vừa bảo vệ nước tràn vào miệng vừa bảo vệ đá đánh vào người nó. Xong Lịch tháo dây phao của Bình ra khỏi dây phao của Tần, dùng đầu dây tự do cột vào nịt lưng của mình. Lịch nhìn Tần một lần cuối. Lịch ngạc nhiên thấy thằng Bão nhìn anh như muốn hỏi “cha nó thì sao?” Lịch tránh nhìn thẳng vào mắt nó, dùng hai chân quạt nước và tay trái tự do làm tay lái lách qua những tảng đá và dòng nước mạnh kéo Bình và Bão vào bờ. Thấy xa dần cha, thằng bé với tay về phía cha và khóc thét lên. Lịch dằn cơn xúc động, cố bơi thật nhanh vào bờ. Hai chân của Lịch yếu dần. Một dòng nước đẩy thân Lịch vào một tảng đá nhọn. Chiếc áo  bên trái rách toạc, máu đỏ tươi chảy hòa với nước mưa. Sau nửa giờ chống chỏi với thiên nhiên, nước, gió và đá, Lịch kéo được Bình và Bão vào gần bờ. Một rễ cây chuồi ra suối, nước đã rửa sạch đất. Tay trái của Lịch vừa kịp chụp rễ cây trước khi Lịch bất tỉnh. Cảm giác cuối cùng của Lịch là bàn tay gần như hết xúc cảm nhưng cương quyết bám vào rễ cây. Lịch biết cái sống và cái chết của ba người đang nằm ở đầu ngón tay của Lịch.

**

Tỉnh dậy Lịch thấy mình mẩy đầy băng trắng, một chai nước biển treo lủng lẳng đang chuyền nước biển qua IV. Một cô y tá đến gần, vui mừng giới thiệu. Tôi là Melisa, y tá săn sóc ông. Ông bất tỉnh từ hôm qua đến nay. Xe cứu thương đã chở ông từ bờ sông về đây trong tình trạng bất tỉnh nhân sự cùng với một người phụ nữ và một chú bé 7 hay 8 tuổi. Báo sáng nay nói ông đã cứu hai mẹ con và suýt chết. Lịch muốn hỏi tình trạng sống chết của Bình và chú bé nhưng không hé nổi môi. Hiểu ý Lịch, Melisa nói: “Hai mẹ con đã được chuyển về một bệnh viện tại Hoa Kỳ sau khi người mẹ hồi tỉnh. Chú bé thì khỏe, chỉ khủng hoảng vì quá khiếp sợ thôi. Nó luôn miệng hỏi cha nó đâu và không chịu ăn uống. Riêng ông, mình mẩy đầy thương tích nên phải nhập viện ở Canada để được săn sóc khẩn cấp. Bác sĩ cho biết ông đã phải dùng thân mình che chở cho hai mẹ con nên người ông bị thương tích nhiều, trong khi thằng bé nằm trên người ông vô sự, còn người mẹ chỉ bị xây xác thường thôi. Bà ta bị uống nước nhiều nhưng sau khi xổ nước bà ta lấy lại sức khỏe rất nhanh. Các bệnh viện ở đây đều đầy người nên những ai có quốc tịch Mỹ và không ở trong trường hợp khẩn cấp đều được chuyển về các bệnh viện Hoa Kỳ. Phần ông chỉ trong hai hôm có lẽ cũng sẽ được chuyển trả về Hoa Kỳ. Ông cứ yên tâm nghỉ ngơi, ngày mai khỏe hơn sẽ có nhân viên văn phòng đến lo các thủ tục bảo hiểm và chuyển trả.

Yên tâm về mẹ con Bình, Lịch nghỉ tới Tần. Tiếng kêu của thằng bé khi xa dần cha của nó vẫn còn văng vẵng bên tai. Lịch nhớ khi đang vật lộn với dòng nước để đưa hai mẹ con Bình vào bờ, Lịch ngoảnh lại nhìn Tần thì thấy sợi  dây nịt cột vội vàng vào mõm đá đã bung ra và Tần đang bị dòng nước cuốn đi. Cái rủi là Tần bất tỉnh nên sẽ không tránh đụng đá khi trôi về hạ dòng. Cái may là trôi về hạ dòng mới có hy vọng được cứu bởi đoàn thuyền bè và trực thăng của Canada và Hoa Kỳ đang chờ dưới đó.

“Cô có nghe gì về một người đàn ông tên là Tần được cứu không?” Lịch hỏi cô Melisa. Melisa đang bận rộn, trả lời: “Trời ơi, làm sao tôi biết được. Hằng trăm người được cứu và đang phân tán một phần bên Canada, một phần bên Hoa Kỳ không ai biết được một cách đích xác ai với ai. Báo chí hai nước viết nhiều bài báo nội dung rất khác nhau về số người được cứu và số người bất hạnh bị dòng nước cuốn ra biển.”

Lịch nghĩ đến số phận con người. Mới cách đây hai ngày Tần đang êm ấm với vợ con. Giờ này không biết Tần đang nằm trong một bệnh viện, hay đã chìm dưới dòng nước của đại dương. Với một trăm thước nước cách bờ Lịch đã thập tử nhất sinh thì với tình trạng bất tỉnh của Tần trôi qua bao nhiêu ghềnh đá cái may không bị đá đánh vỡ đầu hay gãy xương sống là điều quá hiếm hoi.

“Ông Tần ấy là thế nào với ông?” Melisa tò mò hỏi.

“Đó là một gia đình tôi gặp trên chuyến xe buýt trước khi xuống phà ngoạn cảnh. Khi bị nạn, tình cờ tôi thấy ba cha con bị kẹt nơi ghềnh đá. Tôi lượng sức không cứu nổi tất cả nên đã bỏ ông Tần lại để cứu hai mẹ con. Trước khi đến bờ tôi thấy dòng nước đang cuốn ông Tần về phía hạ dòng. Hy vọng ông ấy được cứu thoát.”

“Sao ông không ráng cứu cả ba người?” Melisa chợt hỏi.

Lịch không trả lời, nghĩ rằng trả lời Melisa cũng không hiểu được. Mỗi người phải ở trong một hoàn cảnh tương tự mới có thể hiểu được hành động của người khác.  Tranh luận hay biện minh đôi khi không giải quyết được gì chỉ tạo thêm hiểu lầm. Tai họa xẩy ra quá bất ngờ. Lịch đã lấy một quyết định liên quan đến sự sống và chết của nhiều người trong đó có một bà mẹ và một đứa con. Giờ phút này nằm trên giường bệnh đầu óc chưa tỉnh táo vì ảnh hưởng của thuốc chống đau Lịch không biết mình đã quyết định đúng hay sai. Nếu Tần có mệnh hệ nào thì sự giải thích của Lịch sẽ không giải tỏa được sự dằn vặt của Lịch. Tại sao không ráng kéo theo Tần? Lượng sức không làm nổi, có thể chết cả bốn người. Ai là kẻ trọng tài cho quyết định đó? Chỉ Lịch và chỉ có Lịch trước tòa án lương tâm. Quyết định đó có mang tâm trạng tham sống sợ chết không, hay hoàn toàn hữu lý?

**

Một tuần lễ sau, một chiếc xe cứu thương của hãng bảo hiểm sức khỏe của Lịch từ Hoa Kỳ chở Lịch về một bệnh viện của hãng Kaiser trong thành phố Wilkes-Barre, thuộc bang Pennsylvania, nơi Lịch cư trú. Sau mười ngày nằm bệnh viện Lịch trở lại sở làm việc. Người trưởng phòng sắp xếp công việc nhẹ cho Lịch.

Lịch được nghỉ sớm hơn các bạn đồng sở một giờ. Mỗi ngày trước khi về nhà Lịch ghé tiệm sách Borders gần nhà, đến quầy báo lướt qua tin tức về vụ tại nạn trên thác Niagara. Lịch muốn biết tin tức về Tần. Tin về tai nạn Niagara càng ngày càng vắng. Tổng số có 6 người mất tích, gồm 3 phụ nữ, một trẻ em và hai người đàn ông. Không một tờ báo nào nhắc đến một người tên Tần. Sau hai tháng hầu như không một tờ báo nào nhắc đến nữa. Báo Canada viết về chuyện bang Quebec muốn tách ra khỏi liên bang Canada. Báo chí Hoa Kỳ tràn ngập chuyện Bắc Hàn thử hỏa tiễn và Iran tinh luyện chất uranium để làm bom nguyên tử và chuyện chiến tranh Iraq đang biến thành một cuộc nội chiến.

Lịch vẫn lo nghĩ về tính mạng của Tần. Câu hỏi quyết định bỏ Tần lại không kéo theo cùng với Bình và con của Lịch có đúng không. Chứng cớ Lịch xuýt chết vì cứu hai mẹ con Bình cho Lịch thấy quyết định của Lịch có lý nhưng không có tính thuyết phục khoa học và dứt khoát. Lịch nghĩ không biết nét mặt xinh đẹp như một nữ thiên thần trong giấc ngủ của Bình khi mình nàng ngâm trong nước, một mãnh vãi trên ngực bị ghềnh đá xé rách toang bày ra chiếc nịt vú căng thẳng và cái ngực trắng gần như hở hang có phải là yếu tố quyết định của Lịch hay vì nghỉ đến Mẹ mà Lịch đã quyết định cứu Bình?

Bạn bè trong sở mừng Lịch sống sót và khen Lịch đã cứu được hai mạng người không làm Lịch vui. Sau ngày tai nạn Lịch gầy đi vì ăn mất ngon và bị ám ảnh như người bị bệnh âu lo. Có bạn cho Lịch vì xúc động sau khi thoát chết và hy vọng thời gian sẽ làm cho Lịch trở lại bình thường. Có bạn khuyên Lịch nên gặp bác sĩ tâm thần để giải tỏa những ấm ức tồn đọng trong lòng. Lịch biết ngành cố vấn về tâm thần ở Tây phương đôi khi có những tác dụng lạ thường. Người ta như được san sẻ và tìm lại được sự bình thản của tâm hồn. Những vấn đề của chính mình tự nhiên tan biến. Nhưng đối với Lịch ngành cố vấn tâm thần chỉ dành cho những người tâm thần yếu đuối và thiếu tự tin. Đối với người Á đông cố vấn tâm thần là một vấn đề riêng tư, và Lịch cho rằng người Tây phương không thể hiểu được tâm lý của người Á châu để có thể cố vấn hữu hiệu. Lịch nghĩ mình hiểu những ưu tư của mình.

Câu hỏi cứ chập chờn trong giấc ngủ của Lịch là Tần sống hay chết. Và một câu hỏi phụ mỗi lần nghĩ đến Lịch cứ muốn gạt phắt đi nhưng nó cứ hiển hiện như là câu hỏi chính. Bình và con như thế nào? Có một sức mạnh thúc đẩy Lịch tìm cách liên lạc với Bình để hỏi tin tức Tần. Nhưng Lịch vẫn không biết cái ý muốn đó vì Tần hay vì Bình. Tiếng khóc thét của thằng Bão nói với Lịch là vì Tần, nhưng khuôn mặt xinh đẹp của Bình nói thầm với Lịch là vì Bình.

Sáu tháng trôi qua. Một buổi sáng ngủ dậy Lịch biên thư cho sở du lịch Niagara hỏi địa chỉ của Bình. Lịch làm như một cái máy đã được khởi động âm thầm khi Lịch đang ngủ, không thắc mắc, không suy nghĩ. Lúc đầu hãng bảo hiểm từ chối, họ nói hãng không có chính sách làm trung gian thiết lập quan hệ giữa hàng ngàn du khách họ đã phục vụ. Lịch giải thích Lịch là người đã cứu gia đình của Bình và sự quan tâm là một trong những phương thuốc để Lịch ra khỏi âu lo và thắc mắc của Lịch trong nửa năm qua. Hãng du lịch cho biết sẽ hỏi ý của khách hàng trước khi trả lời.

Bẵng đi một thời gian không thấy hãng trả lời Lịch cho rằng Bình bận rộn với con và có lẽ phải đấu tranh với đời sống mới nàng không quan tâm đến tai nạn vừa qua để cho mọi chuyện trôi vào dĩ vãng. Bỗng một hôm Lịch nhận được thư Bình gởi từ Helena.

“Thưa ông,

“Do hãng du lịch tôi mới biết ông là Lịch và là người đã cứu sống mẹ con tôi trong tai nạn năm qua. Thật quả tôi là một kẻ vô ơn. Đáng lẽ tôi phải tìm ông để cám ơn cứu tử. Nhưng ông thông cảm sau ngày tai nạn tôi phần lo cho cháu Bão học hành, phần lo lắng không biết số phận chồng tôi ra sao, phần sau tai nạn sức khỏe của tôi giảm sút nhiều nên tôi gần như không còn nghị lực để làm những việc phải làm. Tôi cám ơn ông đã quan tâm thăm hỏi.

“Tôi vẫn không nhận được tin tức chồng tôi. Hãng du lịch cho bíết còn vài người trong danh sách mất tích. Họ cũng không thể làm thủ tục bồi thường vì chưa tìm được xác. Rất may thành phố Helena hiểu hoàn cảnh của tôi đã giúp kiếm cho tôi một công việc bàn giấy tại tòa thị chính nên tôi không đến nổi gặp khó khăn. Thằng Bão lớn và hay hỏi đến cha. Tôi vẫn không hiểu tâm lý của nó. Trước kia nó ít quan tâm đến ba nó, nhưng sau ngày tai nạn nó thường hỏi ba nó đi đâu sao mãi chưa về, mặc dù nó còn nhớ và nhắc lại rằng hôm ông cột nó vào lưng và buộc dây kéo tôi bỏ lại cha nó nó đã khóc thét lên. Tai nạn hôm đó đã ảnh hưởng đến tâm lý, và trí nhớ của nó trở nên bất bình thường.

“Trong đời sống thỉnh thoảng tôi có quan hệ với một người đàn ông nào vì công việc hoặc nhờ giúp đỡ nó đều có phản ứng tiêu cực. Nó tỏ ra rất quan tâm đến ba nó, một sự quan tâm tôi không thấy hồi trước ngày xẩy ra tai nạn.

“Đã sáu tháng không tin tức tôi không hy vọng gì anh Tần còn sống sót. Có lẽ xác của anh đã tan biến vào đại dương và tôi sẽ mất luôn số tiền bảo hiểm.

“Tôi cám ơn ông đã có lời thăm hỏi. Vào mùa xuân lúc nào có dịp du hành về hướng tây xin ông dừng chân tại thành phố Helena, để chúng tôi được tiếp ông. Trời bên đó lúc này chắc đã lạnh lắm. Tuyết vừa đổ một trận lớn xuống bang Montana.

“Tôi không rõ hoàn cảnh gia đình ông. Xin ông cho tôi gởi lời thăm hỏi và chúc lành gia đình ông.”

Bình không ghi số điện thoại nhà. Lá thư bình thường nhưng chứa chan tình cảm,  một chút tình cảm, một ít hoa, một ít tuyết, và sự kể lể chi li sự thay đổi tính tình của thằng Bão làm cho Lịch suy nghĩ. Lịch viết một thư ngắn trả lời Bình. Lịch cám ơn Bình đã thông tin và đặt ra nhiều giả thuyết tưởng tượng để thuyết phục Bình rằng Tần có thể còn sống, mặc dù Lịch cũng nghĩ Tần đã chết.

**

Thuyền trưởng Thessaloniki đang đốt lại điếu thuốc vừa tắc vì ngọn gió ngang thì được sĩ quan đương phiên báo cáo: “Thưa thuyền trưởng, có một phao đỏ nổi trên sóng  và hình như có người trên phao.”

Mấy hôm nay thời tiết miền tây Đại Tây dương không tốt. Thương thuyền Neapolis mang cờ Hy Lạp trên đường trở vể cảng Katakolon sau khi lấy hàng từ New York đã trải qua những ngày cực kỳ sóng gió, và báo cáo làm thuyền trưởng quan tâm. Thuyền trưởng Thessaloniki qua lại con đường này nhiều lần và mùa này thường thời tiết tốt. Tuy nhiên hai năm qua ông thấy thời tiết thay đổi thất thường khó tiên đoán  trước do hiện tượng nước biển ấm lạnh bất thường. Ông vừa nhắp điếu thuốc vừa trả lời sĩ quan đương phiên: “Anh hãy xem kỹ. Nếu cần đổi hướng đến gần xem thử có người cần cứu không?” Sĩ quan đương phiên chỉ chờ lệnh của thuyền trưởng, anh nhanh chóng ra lệnh “hướng 125o” đưa mũi tàu chệch bên phải một chút tiến đến gần chíếc phao.

Một người đàn ông bất tỉnh cột vào chiếc phao đang trôi bồng bềnh giữa biển sóng. Thuyền trưởng ra lệnh nhiệm sở cấp cứu. Đoàn cấp cứu kéo lên tàu một người đàn ông Á châu bất tỉnh, trong người không có giấy tờ gì. Y sĩ của thương thuyền cho biết người đàn ông bị thương ở đầu do chạm vào vật cứng và ở trạng thái coma. Thuyền đã khá xa bờ đông Hoa Kỳ nên sau khi trao đổi với chủ hãng tàu, thuyền trưởng Thessaloniki ra lệnh đưa nạn nhân vào phòng cấp cứu của tàu và tiếp tục hành trình trở về Hy Lạp.

Do một sơ suất hành chánh, chính phủ Hy Lạp gởi điện văn thông báo các nước Á châu hỏi xem có thủy thủ hay cá nhân nào mất tích ngoài biển không, trong khi không hỏi chính phủ Hoa Kỳ hay Canada. Về phần Hoa Kỳ và Canada cũng quên không hỏi các tàu buôn trên thế giới chạy qua lại giữa Âu châu và Mỹ châu có vớt được xác chết nào không?

Tần được đưa vào bệnh viện săn sóc chu đáo, và anh ở tình trạng hôn mê như cây cỏ. Anh trở thành một người không quốc tịch, không ai biết từ đâu đến. Nhưng Tần vẫn sống và quan tâm của chính phủ Hy Lạp là chờ trí nhớ anh phục hồi để họ có thể trả về nguyên quán.

Kể đến đó Tần ngừng lại, cầm chai nước mang theo nhắp một chút cho ước môi, mắt không rời Lịch. Trong đôi mắt của Tần có cả nghìn câu hỏi. 

**

Tính nhẫm thời gian, Lịch thấy một bức tranh phức tạp trước mắt. Mười mấy năm rồi, chính phủ Hoa Kỳ cho rằng Tần đã chết. Và bây giờ người đó đang ngồi đây. Bình mòn mõi chờ đợi và cuối cùng nàng cũng tin rằng Tần đã chết, và Bình đã trở thành vợ của Lịch. Lịch lẫm bẫm: “định mệnh, định mệnh.”

“Anh nói gì? Định mệnh hã? chẳng có định mệnh nào cả.” Tần gắt lên, “Chính anh. Nhưng câu chuyện của chúng ta còn dài và anh sẽ hiểu định mệnh là gì!”

Lịch không để ý đến câu nói đe dọa của Tần. Ý nghĩ về định mệnh vẫn ám ảnh Lịch.

**

Ba năm sau chuyến du lịch gặp nạn nơi thác Niaraga, Lịch cưới vợ. Không may vừa qua tuần trăng mật, trong một đêm vợ chồng Lịch đi dự đám cưới của một người bạn  trở về, xe Lịch đang chạy ngon trớn trên lối số 1 của Pennsylvania Turnpike, con lộ chính nối liền Philadelphia và Wilkes-Barre thì xe Lịch đâm sầm vào một chiếc xe chết máy không đèn nằm ngay trên lối xe. Chiếc xe Honda còn mới của Lịch có trang bị túi hơi che chở ngực, nhưng không may túi hơi phía vợ Lịch không mở, ngực nàng đập vào ngăn đựng đồ vặt và tim bị mở ra làm hai. Nàng chết tức khắc. Sức mạnh của túi hơi làm mình mẩy Lịch tím bầm sau mấy giờ bất tỉnh.

Chôn cất vợ xong và sau một thời gian trở lại công việc Lịch xin hãng thuyên chuyển về quận Santa Clara để có nhiều cơ hội tiếp xúc với người đồng hương ở California. Lịch viết một thư ngắn thông báo tin buồn cho Bình.

Lịch mua một căn nhà nhỏ ở Fremont, trước nhà là một thảm cỏ rộng với những cây maples trồng sẵn, lá sây rất xanh vào mùa hè. Sau nhà là một khu đất hơi nghiêng lên như một chân đồi nhỏ, còn đủ các thứ hoa. Chủ nhà trước là một người yêu hoa. Đó cũng là một sở thích của Lịch. Lịch có ý định biến khu vườn sau thành một vườn hoa có màu sắc Á Đông để thưởng ngoạn vào mùa hè ấm áp. Ngôi nhà tọa lạc trong một khu phố mới phát triển của quận Santa Clara, một nơi khá yên tĩnh và không xa sở làm lắm.

Qua ba năm vun xới, Lịch đã có một vườn hoa xinh xắn sau nhà, một tiểu thiên đường của chàng vào những ngày khí trời ấm áp từ đầu tháng Tư đến cuối tháng Chín. Những lẵng hoa đủ mầu vàng, hồng, xen lẫn tím lủng lẳng bên cửa sổ bên cạnh mấy dĩa nước đường nhuộm đỏ có những lỗ nhỏ vừa đủ cho mỏ chim hummingbirds, một loại chim nhỏ, lông mượt mầu xanh thẩm phải nhìn thật gần mới thấy. Chim hummingbirds có mỏ dài và mỗi ngày có thể uống một lượng nước đường bằng một phần ba trọng lượng của nó. Hummingbirds không đậu, vừa đập cánh vừa uống nước trông rất đẹp mắt.

Xa hơn và cao hơn trên sườn vườn là những tượng hình của những nam thiên thần với vòi nước bài tiết thiên nhiên do một bơm điện nhỏ kín đáo nằm dưới những bụi hoa hồng đủ mầu, nhiều nhất là mầu vàng và trắng. Lịch cắt hoa héo mỗi buổi sáng không để cho cánh hoa hồng rụng xuống hay bay lả tả theo gió chiều. Lịch thích hoa hồng nhưng rất sợ thấy cảnh tan tác của hoa. Phần cao nhất giáp với vườn của nhà trên đồi cao hơn Lịch dành cho những cây lâu năm. Có mấy cây mahogany Lịch mang về từ Phi Luật Tân sau một chuyến công tác của hãng. Thân cây mahagony thẳng, gỗ rất cứng và là một nguồn khai thác kỹ nghệ. Lịch trồng vài cây cốt ý để thấy một hàng cây thẳng tắp trong nhiều năm tới. Lịch muốn tạo một hình ảnh thẳng tắp khác hẳn hình ảnh thường thấy của những hàng dương liễu quen thuộc ở Hoa Kỳ.

Lịch về quận Santa Clara đúng lúc. Santa Clara là trung tâm của Silicon Valley, nơi phát huy nhiều sáng kiến của ngành điện toán Hoa Kỳ. Thời gian Lịch về Santa Clara cũng là mùa các hãng điện tử bán cổ phần cho nhân viên để khuyến khích sáng kiến. Lợi nhuận ai cũng tăng theo sức làm việc và có nhiều sinh viên mới ra trường trở thành triệu phú trong một thời gian ngắn. Lịch không ở trong số người may mắn đó nhưng qua sự làm việc và đóng góp xứng đáng cho hãng Lịch cũng đạt được một vị trí kinh tế vững chắc trong vùng. Lịch được cất nhắc lên làm trưởng phòng kiểm soát chất lượng sản xuất và có năm kỹ sư, ba nam, hai nữ làm việc dưới quyền của Lịch.

Đời sống tình cảm của Lịch thật đơn giản. Ngoài sự tiếp xúc với các nữ kỹ sư dưới quyền Lịch hình như không có một quan hệ nào đặc biệt với nữ phái. Láng giềng không bao giờ thấy phụ nữ đến nhà Lịch và ở lại đêm, chỉ thấy Lịch loay hoay với vườn hoa, hay vào mùa đông khi các bụi hoa đã tàn chờ mùa xuân tới người ta thấy cửa đóng im ỉm. Lịch nằm nhà đọc và viết sách.

**

Tiếng nói của Tần kéo Lịch về với thực tế.

“Một hôm tôi thấy tôi di chu du thiên hạ, lên những tầng trời thật cao và trở về những tầng trời thật thấp, có lúc thấy mình bị cuốn vào một vòng xoắn ốc như trong một ống nước xoắn dành cho trẻ em trong những vườn chơi của Disney Land. Tôi đi qua những quang cảnh hùng vĩ chưa bao giờ tôi thấy trên mặt đất, những tảng đá lớn khổng lồ nằm dưới chân những cây cổ thụ lớn hai người ôm không hết và tưởng chừng cao hơn những cây redwoods của vùng bắc California mà người ta nghĩ rằng sống đã ngàn năm. Rồi bỗng nhiên người tôi quay tít đến một vùng trời khác. Một bầu trời thấp ảm đạm, những sinh vật nhỏ hình dáng không giống người cũng không giống một sinh vật nào khác trong các vườn thú tôi đã thấy đang ăn uống những thức ăn tôi không nhận biết là thức ăn gì. Nhưng quả thật là cực khổ và chen chúc nhau giành sự sống như một tầng địa ngục, mặc dù tôi cũng chưa hề mường tượng được địa ngục là thế nào. Mọi hoạt động quanh tôi diễn ra một cách tự nhiên không ai quan tâm đến sự hiện diện của tôi.”

“Quay cuồng một lúc tôi thấy mình đi qua một bầu trời quang đảng, tuyệt đối không một tiếng động, không một sinh vật, một sự tĩnh lặng lạ lùng, tĩnh lặng làm tôi cảm thấy sợ hải. Rồi bầu trời bỗng nhiên co lại như nước của một chiếc đập thủy điện sắp sửa gom lại chảy vào những tua bin nước sản xuất điện lực. Tôi có một cảm giác thoải mái như sắp được giải thoát. Tôi mê đi tưởng mình sẽ tan vào thinh không. Tôi thấy mình lao xuống một vực thẳm, nhìn xuống chỉ thấy một mầu đen thăm thẳm. Tôi rùng mình giao số phận cho trời đất.”

“Bỗng một làn gió nóng thổi qua, và một bàn tay vô hình kéo tôi ra khỏi vực thẳm. Nhìn lui tôi thấy bóng một vị sư già đang thoan thoắt biến nhanh vào cõi không gian yên tĩnh.”

“Tôi nghe loáng hoáng tiếng chân chạy quanh mình và nhiều người đang xúm quanh tôi. Nhìn trang phục tôi biết họ là những bác sĩ, y tá và tôi ý thức tôi đang ở trong một bệnh viện. Nét mặt của họ không giống người Mỹ, mũi cao, trán rộng, da ngăm ngăm đen như những bức tượng đồng Hy Lạp.

Một y tá dùng tiếng Anh nói với tôi: “Ông đã tỉnh lại. Thật là một phép lạ.”

Người y tá tiếp lời: “Ông đã ở trong trạng thái cây cỏ trong mười năm và vài giờ trước đây chỉ dẫn của máy đo tim mạch và áp huyết cho thấy ông sắp chết. Nhưng như một phép lạ, một luồng gió ấm thổi qua phòng làm mọi người choáng váng nhìn nhau và các dấu hiệu sự sống của ông tái hiện trên các máy đo. Ông có thấy chúng tôi không? Đây là bác sĩ Bernard”, người y tá chỉ một người đàn ông trung niên đứng bên cạnh, và tiếp: “người bác sĩ thứ năm hay thứ sáu có nhiệm vụ theo dõi tình trạng của ông để nghiên cứu. Và tôi, y tá Rachel cũng vừa được chỉ định săn sóc ông trong mấy tháng qua.”

“Nghe người y tá nói tôi mường tượng hiểu rằng những ống xoắn, cảnh trời, cảnh địa ngục, bầu trời trong sáng là những cảnh tượng của cõi chết tôi sắp đi vào, nhưng đã có một phép lạ đuổi tôi trở về trần thế. Tôi thấy trong người sảng khoái, lim dim đôi mắt rơi vào một giấc ngủ thật êm đềm như vừa ra khỏi một cơn ác mộng.”

Mấy tháng sau Tần lấy lại trí nhớ, thuật lại chuyện tai nạn trong chuyến du hành trên thác Niaraga mười năm qua mà ít ai còn nhớ. Chính phủ Hy Lạp liên lạc với tòa đại sứ Mỹ và sau một thời gian chờ đợi, Tần được một bác sĩ và một y tá từ Hoa Kỳ gởi sang để đưa anh lên máy bay trở về Mỹ.

Về Mỹ, Tần biết tin Bình đã lấy chồng.

**

Lịch tự hỏi Bình có biết Tần còn sống và đã trở về Hoa Kỳ không. Lôi trong ký  ức xem có gì chứng tỏ Bình biết mà dấu chàng. Linh cảm cho Lịch đoán rằng Bình chưa biết khi quyết định lấy Lịch. Nhưng sau này hẵn nàng đã biết và nàng đã quyết định dấu chàng .

Lịch thấy thương hại Tần, và không cảm thấy sợ khẩu súng đã lên đạn Tần để trước chàng. Lịch đã trải qua bao nhiêu biến cố trong chiến tranh Việt Nam và từng cận kề với cái chết. Những điều đó và cái đạo Phật tiêm nhiễm trong chàng từ thời thơ ấu theo Mẹ lên chùa cho Lịch tin sống chết có số và chàng trở nên dững dưng trước câu chuyện của Tần dù chưa kể xong, nhưng Lịch biết như một bản án hài tội mình trước một phiên tòa. Lịch thầm nghĩ phải chi Bình đã cho chàng biết sự thật chàng có thể đã có một giải pháp. Ít nhất Lịch có thể giải thích cho Tần và để Tần và Bình quyết định lấy tương lai của gia đình và đứa con trai, bây giờ đang là một tay anh chị trong đám du đảng người Tàu ở San Francisco.

Tần ngừng kể, đưa tay kéo khẩu súng lại gần mình hơn một chút, rút một điếu thuốc ra hút, nét mặt đăm chiêu suy nghĩ và không ngừng quan sát Lịch.

**

Chuyện diễn ra như một cuốn phim quay nhanh. Một buổi sáng Thứ Bảy bầu trời Santa Clara thật  xanh không một gợn mây, hứa hẹn một ngày nắng đẹp. Lịch đang tưới phân cho mấy bụi phong lan theo thói quen. Hai tuần tưới phân, một tuần tưới nước. Hai loại hoa Lịch trồng nhiều nhất là Lan và Hồng. Cả hai loại hoa đều có sắc tuyệt vời. Lan một hay hai năm mới có hoa một lần, trong khi Hồng có hoa gần như quanh năm ở vùng California. Lan mầu sắc đa dạng, dịu dàng, khép nép và nở hằng tháng mới tàn, trong khi hoa Hồng khoe sắc lộ liễu, trắng ra trắng, vàng ra vàng, đỏ ra đỏ và nở vài ngày cánh hoa thường tan tác trước một ngọn gió nhẹ làm cho hoa Hồng đẹp nhưng tạm bợ vô thường.

Lịch thích sự hữu thường của Lan nên vườn Lan của Lịch có nhiều thứ. Lịch mua lan từ Đà Lạt, hoặc đặt mua, hoặc nhờ bạn bè mỗi khi về Việt Nam. Lan Hồng Hạc sống trong chậu ceramic với đất và vỏ cây mục. Một năm Hồng Hạc nở hoa một lần, khoe đủ ba mầu, trắng, hồng và tím, trội nhất là mầu trắng, phảng phất hương thơm về đêm. Lan Hương thân mầu tím, cánh hoa trắng như tuyết điểm chút mầu hồng ở chóp hoa và sống  bám vào những  cành củi mục cột như tháp vào một thân cây tươi nhiều bóng mát khác. Mặc Lan là loại lan đất. Lan đất sây bông, dễ trồng, cần nắng ấm và chịu được khí hậu lạnh về đêm của vùng vịnh California. Lịch thích nhất lan Yã Hạc, cành hoa yểu điệu rũ xuống như mời gọi chủ nhân. Lan Hồng Hài là một loại lan hiếm do một nhà sưu tầm người Pháp tìm được trong một khu rừng Phan Rang năm 1953. Thân Hồng Hài mọc thẳng, mỗi hoa bốn cánh, ở giữa điểm những cánh hoa nhỏ mầu tím hay mầu hồng hơn tụm lại. Lá lan cứng, mầu xanh, điểm những đốm tím như da beo. Lịch quý bụi phong lan này nhất và treo nó sát cạnh cửa sổ nơi Lịch thường ngồi uống trà một mình buổi sáng .

Lịch đang tưới phân cho bụi Hồng Hài thì điện thoại reo. Lịch bỏ bình nước phân xuống đất bước vào nhà nhấc điện thoai. Lịch ngạc nhiên lẫn chút hồi hộp. Đầu giây là giọng không kềm chế xúc động của Bình.

Bình báo cho Lịch viết Bão đánh trọng thương một học sinh người Hmong ở trường trung học Saint Peter sau một vụ cãi lộn. Qua  một vài thư trước Bình thỉnh thoảng cho Lịch biết Bão thường hay sinh sự tại trường Saint Peter với những học sinh đa số là người Hmong. Sau chiến tranh Việt Nam người Hmong gốc ở bắc Lào đến định cư đông đảo tại bang Montana nhiều núi non hợp với đời sống thiên nhiên của họ. Người Hmong tính tình hiền lành nhưng nóng và không có cảm tình với người Việt. Học sinh Hmong và Bão đều thích chơi bóng đá. Bình cho biết một hôm vì muốn làm bàn Bão đã đánh ngã một chú bé thủ thành người Hmong để trống thành làm bàn cho dễ. Trường quyết định cho Bão nghĩ học 6 tháng và hằng tuần phải đến gặp cô giáo phụ trách lớp.  Nhưng Bão không chịu gặp cô theo lịch trình và tỏ ý không muốn học cùng trường với bọn học trò Hmong nữa. Bình vừa khóc vừa cho biết Lịch biết Bão đã bỏ học.

Bình kể lể, Bão ở nhà là cả một vấn đề. Mồi lần đi làm về Bình thấy trong nhà ngổn ngang như một bãi chiến trường. Đồ đạt vất lung tung. Thức ăn một nửa ăn, một nửa vung vãi trên thảm. Bình không la con, chỉ bảo con đi tắm rồi dấu nước mắt dọn dẹp nhà cửa. Bình im lặng làm với mục đích để Bão thấy thương mẹ. Dọn dẹp xong nhà cửa Bình mệt nhừ người không còn thiết ăn uống gì, tắm rữa qua loa chờ Bão lên phòng riêng, rồi đi ngủ.

**

Bình sút cân trông thấy làm cho bạn bè trong sở lo ngại khuyên Bình nên đi bác sĩ. Nhưng Bình biết nguyên nhân. Nàng mường tượng cần một người đàn ông trong  nhà để an ủi nàng trong lúc khó khăn, và nhất là để đưa Bão trở về tình trạng tâm lý bình thường. Trong sở nhiều thanh niên để ý muốn làm quen với nàng mời hẹn đi tham dự party, nhảy đầm, ngay cả dating nhưng nàng đều tìm cách từ chối. Bình không hiểu tại sao nàng thấy có nhu cầu cần một người đàn ông mà ngay cả với những người đàn ông khả kính có địa vị vững vàng, có khả năng che chở nàng, Bình vẫn tìm cách tránh xa. Cho rằng Tần đã chết, Bình nghĩ đến Lịch như một ân nhân, một người bạn, và sự quan tâm đến gia đình Bình nhưng không quá săn đón vồ vập làm Bình thấy cảm mến Lịch.

**

Bình kể tiếp, hôm qua Bão đến trường văn phòng trường để lấy hồ sơ - Bình không hiểu để làm gì - và đã sinh sự với một nữ nhân viên vừa mới làm việc cho trường sau khi nghỉ dạy từ một trường tiểu học kế cận vì không hợp với nghề dạy học. Cô Brown tính tình hiền lành thẳng thắn. Cô không biết thành tích đa sự của Bão nên sau khi thấy Bão hỏi những điều không liên quan đến công việc cô đã mời Bão ra khỏi văn phòng để cô làm việc. Bão nổi giận đánh cô trọng thương và cảnh sát đã bắt giữ Bão. Bão ở tuổi 15 có thể bị truy tố trước tòa như người lớn theo luật bang Montana, ngoại trừ có người ký giấy bảo lãnh nuôi dạy và đem Bão ra khỏi thành phố Helena.

Bình không yêu cầu Lịch một điều gì và chấm dứt cuộc điện đàm trong nước mắt. Lịch bỏ dở săn sóc khu vườn hoa, trở vào nhà ngồi thừ suy nghĩ. Lịch chưa biết phải làm gì nhưng chàng biết chàng cần có mặt bên cạnh Bình vào lúc này. Lịch gọi hãng Southwest lấy chuyến bay San José - Helena vào ngày hôm sau, thuê một chiếc xe tại phi trường, giữ chỗ tại khách sạn Holidays Inn rồi gọi điện thoại thông báo cho Bình .

Bình phản đối: “Anh bận nhiều công chuyện, việc này em giải quyết được anh không cần phải qua”. Qua giọng nói Lịch biết Bình chỉ phản đối cho có lệ. Và ghi nhận lần đầu tiên Bình xưng em với Lịch. Từ trước đến nay Bình thường xưng tôi, thỉnh thoảng xưng “Bình” nhưng chưa bao giờ xưng em.

Từ phi trường Helena Lịch tạt vào nhà Bình rồi cùng Bình đến trường của Bão. Bình giới thiệu Lịch là cậu của Bão và từ California vừa đến. Lịch và Bình đến thăm cô Brown, xin lỗi, gặp viên giám đốc nhà trường và xin ký giấy bão lãnh đem Bão về California. Bình đưa Lịch đến Ty Cảnh sát thăm Bão. Bão không tỏ vẻ hối hận và nhìn Lịch một cách thiếu thiện cảm. Ông cảnh sát trưởng McLibbin với kinh nghiệm nghề nghiệp biết việc nuôi dạy Bão không phải dễ dàng, và ông linh cảm Lịch đang lãnh một chuyện khó khăn nhất trong đời mà một người Mỹ theo văn hóa Tây phương sẽ không bao giờ nhận lãnh. Ông đề nghị để Bão bị giam giữ một thời gian cho thuần người trước khi được bão lãnh .

Lịch hiểu lời khuyên hữu lý, nhưng trước đôi mắt khẩn khoản của Bình, Lịch yêu cầu được bảo lãnh Bão ngay.

Lịch đã có giải pháp, chỉ ngại Bình không đồng ý. Trong ban ngành Lịch phụ trách đang có một chỗ trống, và người trưởng phòng của Lịch nhắc Lịch đăng quảng cáo tìm người nhưng Lịch vẫn còn chần chừ lấy cớ Lịch có thể tạm sắp xếp công việc. Trong thâm tâm Lịch định ý đề nghị với Bình xin việc đó và đưa gia đình Bình về Santa Clara. Lịch tin với thiện chí và sự cận kề Lịch có thể cảm hóa được Bão. Phần Bình có kinh nghiệm và có đủ khả năng cho công việc đang trống nên việc thu nhận Bình không trở ngại về mặt nguyên tắc thuê người theo chính sách của sở. Lịch không cần phải thiên vị để thu nhận Bình. Nhưng Lịch không biết phải ngỏ ý với Bình bằng cách nào để Bình khỏi hiểu lầm Lịch muốn lấy cớ đưa Bình về gần Lịch .

Vấn đề rắc rối của Bão tự nhiên trở thành một dịp may. Bình không từ chối khi Lịch đề nghị đưa cả gia đình Bình về Santa Clara, và cho Bình biết đã có công việc cho Bình làm. Lịch thuê một apartment hai phòng trong thành phố Fremont để mẹ con Bình tạm ở. Bình cảm thấy cuộc đời mình sắp bước qua một bước ngoặc lớn ẩn ẩn hiện hiện nhưng không mường tượng được bước ngoặc đó như thế nào. Nàng chưa  bao giờ nghiêm chỉnh tự hỏi tình cảm của nàng đối với Lịch như thế nào. Nàng sợ câu trả lời. Bình tự thuyết phục nàng phải theo con rời khỏi bang Montana nếu không muốn con ở tù .

**

Sau khi Bình được sở thuê, Lịch vận động để Bình làm trong một ban ngành khác không ở dưới quyền của Lịch. Bình cảm thấy thoải  mái với công việc mới và người trưởng phòng rất hài lòng khả năng của Bình. Lịch ít đến nhà Bình, chỉ thỉnh thoảng ghé lại chỗ làm thăm Bình và hỏi han tình trạng tâm thần của Bão. Mỗi lần chàng đến Bình tươi vui hẳn lên mặc dù cố dấu diếm. Riêng Lịch cũng cảm thấy thoải mái mỗi lần đến thăm Bình.

**

Một sáng Chủ Nhật vào dịp lễ độc lập Hoa Kỳ, sở nghĩ dài ngày. Như thường lệ chờ nắng lên xuyên qua mấy dãy hoa hồng, Lịch định ra vườn cắt nhánh tỉa cây và tưới hoa thì có tiếng chuông cửa.

Vừa mở cửa lừng lững trước mắt Lịch là Bình. Nàng òa khóc, và không  kềm chế được xúc động nàng rơi gọn vào đôi cánh tay của Lịch. Hương thơm của da thịt pha lẫn mùi nước hoa thoang thoảng làm Lịch choáng váng. Đã bao năm từ khi vợ qua đời Lịch chưa bao giờ cảm thấy nước hoa và da thịt của một người phụ nữ gần gũi mình đến thế. Nàng mặt một chiếc áo mỏng mầu gạch – mầu Lịch thích - cổ hở phủ lên chiếc quần jean mầu xanh còn mới. Hơi ấm từ người Bình tỏa ra từ chiếc cổ trắng ngần của Bình làm Lịch ngây ngất. Lịch trấn tỉnh, nhẹ duỗi cánh tay và dìu Bình lại chiếc ghế dài nơi phòng khách và nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh Bình.

“Việc gì đã xẩy ra cho em?”, Lịch âu yếm hỏi.

Bình không trả lời, ngã người vào hai đùi chân của Lịch và vẫn khóc sướt mướt. Lịch đưa cánh tay phải để trên người Bình bằng một thái độ chấp nhận và che chở, lặp lại câu hỏi: “Hãy nói cho anh biết cái gì đã xẩy ra ? Bão đang làm gì ở nhà?”.

“Em hết chịu nổi nổi rồi,” Bình mếu máo, “lâu nay em không nói cho anh biết nghĩ rằng anh đã quá lo lắng cho gia đình em. Gần đây Bão không chịu theo chương trình giáo huấn như điều kiện của bang Montana khi chấp nhận để anh bão lãnh và đưa về California. Em càng khuyên lơn dỗ dành nó để tránh vi phạm án treo nó càng phản ứng và dồn mọi giận hờn vào bản thân em. Hình như nó oán giận em điều gì và sự oán giận càng đậm nét hơn từ ngày em về California. Em tưởng sự di chuyển sẽ mang lại sự ổn định cho em và cho nó, trái lại tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Em không hiểu lý do, chỉ đoán lờ mờ rằng nó không chấp nhận trật tự của xã hội. Nó sống không bạn bè, trừ bạn du đảng. Nó oán hận trời đất, oán hận thiên nhiên mưa nắng, oán hận em, oán hận anh mà nó nghĩ có một quan hệ nào đó với cái chết của ba nó.

“Sáng hôm nay,” Bình nói tiếp “ngủ dậy, như thường lệ, em hé cửa phòng nó không thấy nó trong phòng. Áo quần ngổn ngang và một mãnh giấy nhỏ để trên giường”. Nó viết: ‘Con sẽ đi xa. Mẹ đừng trông.’ Bình tiếp: “Em không còn một suy nghĩ nào khác là chạy lại anh .”

Giọng nói của Bình đã bớt xúc động. Thân Bình vẫn ở trên đôi bắp đùi Lịch, mang lại một khoái cảm kỳ thú không ý thức cho cả hai người. Lịch nâng lưng Bình đặt ngồi thẳng dậy và đứng lên lấy chiếc điện thoại không dây đưa cho Bình và bảo:

“Em thông báo ngay cho trường học và bang Montana biết. Trong hạn một ngày nếu Bão không trở về em phải báo cảnh sát biết Bão mất tích”.

Bình làm theo lời Lịch như một chiếc máy, trong khi Lịch nhẹ nhàng nhấc đầu Bình đặt lại lên đùi mình.

Lịch nhìn Bình điện thoại, minh bạch, rõ ràng, bình tỉnh, đôi má ửng hồng, đôi mắt man mác buồn, đôi môi dịu dàng như một chiếc hoa tulíp vừa mới nở. Bình vừa dứt điện thoại, Lịch không nén được lòng cúi xuống đặt nhẹ một chiếc hôn trên làn môi của Bình. Bình quẳng chiếc thoại trên sàn nhà hai tay ôm ghì cổ Lịch và dính chặt đôi môi mọng đỏ của nàng vào đôi môi của Lịch. Sức sống sung mãn trong người Lịch như được thức tỉnh. Người chàng nóng rực. Lịch đặt một bàn tay dưới cổ Bình, một tay lần mở hai chiếc nút áo hờ hừng của Bình để lộ ra chiếc ngực tròn trịa và đầy đặn. Lịch cúi xuống hôn nhẹ khoảng trống giữa hai chiếc vú căng phồng. Một luồng điện chuyển qua cơ thể của Bình, Bình rùng mình. Lịch bạo dạn hơn, và trong vô thức hai thân hình quấn chặt vào nhau. Toàn thân Bình rung động báo hiệu nàng chờ đợi cái phút thần diệu của hai cơ thể đang nung nấu bởi một tình yêu kín đáo chưa bao giờ nói với nhau bằng lời. Lịch nói nhỏ vào tai Bình: “Anh yêu em” rối bế nàng vào phòng ngủ của chàng .

**

Khi Bình tỉnh dậy, ánh nắng chếch nghiêng vào chiếc của sổ. Lịch đang kéo cánh cứa để chận bớt ánh sáng chiếu vào phòng, Bình chỉ kịp nhìn mấy lẵng hoa lan treo lung linh trước ngọn gió chiều bắt đầu mát dịu, xa hơn là đường viền của rặng núi chia cắt vùng dân cư sinh sống với núi rừng của bang California quen thuộc. Lịch đến gần đặt một chiếc hôn thật nhẹ trên trán Bình, đưa tay kéo chiếc chăn mỏng bằng tơ tằm lên tận ngực Bình và nói: “Em ngủ gần ba giờ đồng hồ. Tội nghiệp em tôi thiếu ngủ nhiều.” Bình đáp lại bằng một nụ cười không hở môi. Nàng cảm thấy một cái gì êm ái và mơn trớn đang tràn ngập cơ thể và tâm hồn nàng.

Bỗng Bình nhớ đến Bão, và lý do tại sao mình đến tìm Lịch, và những gì đã xảy ra. Bình hoảng hốt tung chăn ngồi dậy đôi mắt ngơ ngác, nhìn Lịch như dò hỏi có tin tức gì về Bão chưa. Lịch cho biết hai học khu Santa Clara và Montana đã yêu cầu cảnh sát kiếm soát các chuyến máy bay, xe đò và xe lửa từ San Jose đến Montana, và có tin tức gì họ sẽ thông báo ngay. Bình vào phòng tắm của Lịch làm vệ sinh đôi chút. Xong bước xuống phòng ăn, Lịch đã chuẩn bị một tô cháo nếp còn nóng hỗi. Lịch ép Bình ăn cháo rồi đưa Bình về nhà .

**

Cảnh sát tìm được Bão ở Montana, và kịp chận giữ Bão trước khi Bão tìm đến sinh sự với đám du đảng người Hmong. Bão nói với cảnh sát là để thanh toán chuyện cũ, nhưng cảnh sát đoán rằng Bão đến để tự sát thì đúng hơn. Du đảng Hmong là đám du đảng hung dữ nhất trong vùng và không bao giờ quên thù cũ. Bão vi phạm luật “tù treo” và bị quan tòa phạt giam 5 tháng tại một nhà tù tại Montana.

**

Từ ngày Lịch và Bình ân ái với nhau hai người sống như vợ chồng. Bình dọn về nhà Lịch. Hai người lập hôn thú dựa vào luật Montana. Tần mất tích đã hơn 6 năm, hôn thú Montana không còn hiệu lực. Sau khi Bão mãn hạn tù tại Montana Lịch làm thủ tục nhận Bão làm con nuôi và Bão sẽ được hưởng mọi quyền lợi và tài sản của Lịch khi Lịch qua đời .

Cuộc sống của Lịch và Bình sẽ êm đềm nếu không có vấn đề của Bão. Bão không chịu nhận Lịch là bố, và càng có ác cảm với mẹ. Đến sinh nhật thứ 18 Bão quyết định dọn ra khỏi nhà và kết cánh với đám du đảng người Tàu ở San Francisco. Bình rất đau khổ vì con nhưng luật bang California không cho phép nàng bắt Bão trở về. Bão cũng tìm cách không cho mẹ liên lạc. Nổi khỗ thương con dày xéo Bình. Tình yêu Lịch dành cho Bình không làm cho Bình bớt héo mòn.

**

Thời gian mấy năm nay Lịch cảm thấy có gì là lạ trong cách cư xử của Bình. Lịch vẫn tìm thấy sự âu yếm của Bình nhưng có một chút gì cố gắng gượng gạo. Bình vắng nhà thường hơn khi thì nói đi tìm Bão, khi nói đi thăm mẹ. Lịch đoán có một thay đổi quan trọng trong đời sống của Bình, nhưng Lịch không bao giờ nghĩ đến Tần, người chồng cũ của Bình mà cả hai đều xem đã chết trong tai nạn năm xưa. Lịch cũng không nghĩ Bình có người tình mới. Qua kinh nghiệm gối chăn Lịch biết Bình yêu Lịch một cách đậm đà, và là một người vợ lý tưởng. Lịch cho rằng sự bất thường trong đời sống của Bình là do sự lo lắng Bão ảnh hưởng đến sức khỏe của nàng. Lịch càng yêu Bình hơn và không có dịp nào Lịch bỏ qua không tìm tòi những chỉ dẫn y khoa giúp giải quyết vấn đề buồn phiền của Bình. Lịch thuê một thám tử tư tìm tung tích của Bão và tìm cách lén gởi tiền cho Bão. Qua dịch vụ thám tử tư Lịch biết Bão nghiện nặng và lý do Bão thay đổi tính tình vì oán trách Lịch đã cố ý bỏ Tần trong cơn nước xoáy. Và oán hận mẹ đã lấy Lịch.

Lịch chỉ biết cầu nguyện cho Bão. Văn chương viết về du đảng vì chuyện gia đình cho thấy thỉnh thoảng có sự phục hồi khi đương sự bỗng nhiên tìm ra lý do để lý giải ưu  uất trong tâm hồn và trở thành người hiền lương. Lịch trông chờ phép lạ, cố sống một cách bình thản và dồn mọi tình cảm cho Bình. Lịch thấy lòng mình trong trắng và đối với Bình cái gì phải đến thì nó đã đến như duyên nghiệp tìm lấy nhau trong thuyết thập nhị nhân duyên mà Mẹ chàng thường giảng giải cho chàng khi bà còn sống .

**

Và bây giờ oan trái là đây. Tần đến gặp chàng khi Bình vắng nhà với một khẩu súng nạp đạn sẵn.

“Từ Hy Lạp trở về”, Tần nói, “với số tiền bảo hiểm trong mười năm lưu lạc tôi dành hết thì giờ tìm kiếm vợ con. Tôi nghĩ rằng vợ tôi đã lấy chồng và Bão đã thành người khôn lớn. Còn sống để gặp lại người xưa và con trai đối với tôi là ân huệ lớn nhất mà Trời đất ban cho tôi. Tôi định sau đó tôi sẽ đi thật xa, thật xa, đến chóp cùng của Nam Mỹ  hay một thung lũng hẻo lánh nào đó trên vùng biên giới Việt-Trung để lánh khỏi chốn hồng trần.”

“Tôi không hiểu tại sao anh bỏ không kéo tôi cùng vợ con vào bờ, nhưng bao năm qua tôi không còn tìm cách lý giải. Những ngày lấy lại trí nhớ và được huấn luyện của người Hy Lạp để trở lại đời sống bình thường trước khi họ trả tôi về Hoa Kỳ, các bác sĩ Hy Lạp đã dùng trường hợp mười năm sống như cây cỏ mà lại có thể trở lại đời sống bình thường, phục hồi trí nhớ của tôi để nghiên cứu y khoa và kết luận đó là một điều khoa học không thể giải thích được. Và tôi đã học được nơi người Hy Lạp một triết lý sống là không nên tìm cách lý giải bí mật của trời đất. Hy Lạp từng có một nền văn minh sáng chói, bây giờ họ là một quốc gia khiêm nhường, giàu không giàu, nghèo không nghèo, họ sống một cách thản nhiên không tự hào cũng như không mặc cảm.”

“Tôi dài dòng để anh thấy tôi không giận anh đã bỏ tôi. Nhưng khi biết được rằng người mà vợ tôi lập lại gia đình sau khi tưởng tôi đã chết là chính anh, và thằng con trai yêu quý của tôi vì bất mãn việc anh bỏ tôi vì mẹ nó mà hư hỏng”

“Ông Tần, ông đã hiểu nhầm.” Lịch nói, “ngày ấy, giữa cơn gió lốc dưới dòng thác Niaraga tôi tự lượng không đủ sức để cứu cả gia đình ông. Vợ ông lúc đó đã yếu lắm, và tôi nghĩ người mẹ sẽ săn sóc con cái tốt hơn cha nên tôi đã quyết định kéo vợ ông và thằng bé vào bờ. Tôi hy vọng rằng là đàn ông ông còn sức khỏe sẽ được trực thăng hay tàu bè ở hạ dòng cứu.

“Anh đừng biện minh vô ích ”. Tần nói không suy nghĩ, cơn giận sôi nổi trong người Tần. “Tôi thấy anh để ý vợ tôi từ trên xe buýt. Và tôi cũng đã thấy thằng Bão khẩn khoản nhìn anh như van xin hãy cứu tôi nhưng anh vẫn lờ đi. Nó oán anh và trở thành một đứa bé hư hỏng, nhất là sau khi anh cưới mẹ nó thì nó không còn nghi ngờ gì cái định tâm đen tối của anh.

“Tôi biết anh không tính toán gì trước cơn bão tố. Nhưng giữa cơn giận dữ của trời đất sắc đẹp của vợ tôi đã cám dỗ anh và anh đành lòng bỏ rơi tôi. Nhưng trời có mắt và tôi còn sống đây. Tôi không phải là người Công giáo chờ ngày phán xét cuối cùng. Tôi cũng không phải là một Phật tử thuần thành tin vào quả báo và nghiệp lực. Tôi đến đây hôm nay để phán xét anh.” Nói xong Tần đưa tay với khẩu súng lên đạn và hướng về phía Lịch. Đầu súng có gắn ống hãm thanh .

Lịch vẫn im lặng ngồi yên. Chàng biết chàng đang đứng trước cái chết, nhưng không tỏ vẻ lo sợ tìm cách chạy trốn. Lịch cũng không muốn nói gì thêm những uẩn khúc đưa đến mối tình giữa chàng và Bình và những gì chàng đã làm để cứu Bão. Cuốn phim cuộc đời Lịch quay lại rất nhanh trong trí óc chàng. Lịch nghĩ đến Bình và tưởng tượng nổi đau khổ của nàng về nhà thấy chàng nằm trên vũng máu .

Sự bình tỉnh của Lịch làm cho Tần lúng túng. Hắn đút khẩu súng vào túi quần, bước nhanh ra cửa. Thái độ của Tần làm Lịch ngạc nhiên. Chàng theo Tần mở cửa, bước ra ngoài nhìn Tần ra đi. Trong đầu Lịch là một cơn bão.

Bỗng Tần quay lại nhìn Lịch lần cuối. Khuôn mặt bình tỉnh của Lịch làm hắn nổi giận. Hắn rút súng nhắm vào ngực Lịch liên tiếp bấm cò. Tầm súng xa, hai viên đạn trúng vào vai và một viên xuyên vào cổ của Lịch. Sức đạn đẩy Lịch té ngữa, ngồi bệt xuống, dựa lưng vào cánh cửa. Tiếng máy xe của Tần xa dần.

Máu rĩ xuống bên cạnh sườn, cánh tay đau buốt. Ngước nhìn lên bầu trời xanh, còn một vài đám mây chưa bị ánh mặt trời đuổi đi, một vài vì sao lấp lánh xuất hiện. Lịch cảm thấy một bầu trời xa lạ vì chưa bao giờ thắc mắc sao có bầu trời kia. Bầu trời kia là gì? Khoa học nói cho Lịch biết vũ trụ bao la, trong đó có giải Ngân Hà với vô số vì sao. Ngoài mặt trời, vì sao gần Lịch nhất là sao Taurus cách xa 4 năm ánh sáng nếu chúng truyền đi 300 ngàn cây số một giây. Ngân Hà là một bánh xe đầy sao xa lắc xa lơ giữa một vũ trụ bao la … bao la mà trí tưởng tượng của con người chỉ là một trò cười không giải thích được gì cả.

Lịch tự hỏi do đâu có vũ trụ này. Ai sinh ra nó? Lịch mệt, máu thấm dần vào tay áo. Lịch cảm thấy lạnh, nhưng Lịch không thể rời câu hỏi đã đến với Lịch và Lịch biết Lịch không có câu trả lời hoặc không còn thì giờ để tìm ra câu trả lời. Cái ý niệm sống chết mà tôn giáo nào cũng nói đến để khuyên con người làm lành tránh dữ, hoặc để tạo một hệ thống quyền lực, hay duy trì sự ổn định của xã hội con người lúc này đối với Lịch không có nghĩa gì cả trước câu hỏi lớn hơn là tại sao có vũ trụ này. Và cái mãnh đất Lịch đang ngồi nhìn vũ trụ ở đâu mà có.

Ừ nhĩ, tại sao có vũ trụ này, và hình thù thật sự nó ra sao. Thẳng hay cong? Đang co hay giản? Ba chiều hay bốn chiều? Lịch lờ mờ thấy một cái gì bí mật mà vì bị nhốt trong không gian ba chiều con người không biết được cái gì chung quanh ta, trên ta hay dưới ta. Lịch lả người dần, lảng đảng ước gì mình được chu du một chốc vào chiều thứ tư để thấy được cuộc đời con người sẽ được an bài như thế nào. Mệt quá Lịch hết khả năng suy nghĩ, lịm dần.

Văng vẵng có tiếng xe thắng mạnh trước thềm nhà. Bình chạy vụt vào sân nhà do linh tính. Nàng òa khóc cúi xuống ôm Lịch vào lòng. Vạt áo nàng đỏ lòm máu của Lịch.

Thấy Bình, Lịch thều thào hỏi: “Em có biết Tần hãy còn sống và đã trở về Hoa Kỳ không?” Bình đáp thật  nhanh: “Biết, em có biết, anh ấy về đã mấy năm nay. Anh ấy muốn em trở lại với anh ấy, nhưng em cho rằng đã quá trễ. Em yêu anh.”

Lịch trìu mến nhìn Bình rồi ngất đi.

Bình đẩy cửa bước vào nhà gọi 911.

Trần Văn Sơn

July 2007

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com


Trần Văn Sơn

http://www.tranbinhnam.com