ÔNG  YẾT

 

Trời vừa sáng. Ngồi nhấm nháp ly cà phê đã cạn bên cạnh một chiếc bàn gỗ kê sát cửa sổ nơi phòng ăn, thỉnh thoảng nhìn đồng hồ tay, ông Yết thấy chiếc xe Jeep của Thượng sĩ Cúm rẽ vào khúc quanh đầu xóm. Cúm đến đón ông lên trại. Ông Yết được cử làm quản giáo trại A30 được mấy tháng nay. Ông vội đứng dậy với chiếc mũ sĩ quan công an trên mắc áo, chụp vào đầu bước ra cửa, vừa lúc chiếc xe Jeep trờ tới. Bà Yết ở trong nhà hỏi vọng theo:

- Hôm nay anh đi sớm thế?

Ông Yết chợt nhớ hôm nay đi làm quên chào vợ. Mấy hôm nay ông Yết có việc suy nghĩ, nhất là từ tối hôm qua khi buổi lễ mừng quốc khánh đầu tiên của trại ông đáng lẽ là cái đinh của tỉnh đã thất bại chua cay làm trò cười cho toàn tỉnh, và giờ này chắc đã đồn đến bộ công an ngoài Hà Nội. Hôm nay ông phải có một giải pháp dứt khoát với một tù nhân cải tạo ...

Càng nghĩ ông càng bực mình. Người tù cải tạo mới nhập trại hơn một tháng nay. Hắn trẻ hơn ông, chừng trên 30 tuổi, không có gì đặc biệt ngoài khuôn mặt xương xương chấp nhận. Hắn là một sĩ quan của chế độ cũ giải ngủ trở về nghề thầy giáo tại một trường trung học kỹ thuật ở Sàigòn. Ông Yết đến nhận chức quản giáo trại trước hắn hai tháng. Ông có thói quen đọc hồ sơ những người mới tới để - theo phương pháp của riêng ông - trị các con bệnh khó trị trước khi nó trở chứng. Ông Yết chú ý khi đọc hồ sơ của An, tên người tù cải tạo: Đại úy không quân ngụy, không ra trình diện học tập cải tạo, trốn về Tuy Hòa, bị công an địa phương bắt. Ông Yết cho gọi An. Ông hỏi phủ đầu:

- Anh An, sao anh không tuân hành lệnh tập trung cải tạo của chính quyền cách mạng thành phố Hồ Chí Minh, và trốn về Tuy Hòa?

An lễ phép trả lời:

- Thưa Thiếu Tá quản giáo, tôi không trình diện vì trong lệnh gọi trình diện tập thể không ghi thành phần đã giải ngũ. Và còn có thông cáo khuyến khích nhân dân ai không có công ăn việc làm tại chỗ thì nên về quê quán. An thêm: Xin ông quản giáo xem lệnh gọi và các thông cáo thì rõ.

Ông Yết nghĩ thầm, sau khi chiến tranh chấm dứt, từng vùng đặt dưới chế độ quân quản, mỗi địa phương đều có chính sách khác nhau, có trời biết được nội dung thông cáo gọi sĩ quan và công chức chế độ cũ của thành phố Hồ Chí Minh như thế nào. Ông khó chịu nhưng không tìm được cách gì bắt bẻ An. Ông nói vớt:

- Từ nay anh nhớ chấp hành tốt nội quy của trại.

Ông Yết nghĩ đến cách làm việc của các bạn đồng nghiệp mà thèm. Họ sẽ mắng cho An một trận nên thân rồi đe dọa đuổi về, yên tâm người tù cải tạo sẽ trở nên ngoan ngoãn khuôn phép.

Bẵng đi mấy tuần, ông Yết không có cơ hội để tâm đến An. Tháng Tám trời nắng như thiêu, hằng ngày ở trong văn phòng lo công việc mệt nhoài, chỉ mong chiều xuống sau khi tù về trại, các đội công an đã vào vị trí canh gát, về căn phòng riêng trong khu quản giáo ngủ một giấc, hay chờ dịp có công tác tỉnh về Tuy Hòa thăm vợ con. Nhưng công việc của trại tháng nay không cho phép ông Yết nghỉ ngơi. Trại đang chuẩn bị thi đua mừng lễ độc lập 2 tháng 9. Mấy hôm nay mỗi tối ông Yết bận đọc hồ sơ tù cải tạo tìm người có khả năng kỹ thuật và văn nghệ. Ông chú ý đến An. Người lính công an đến gọi An lúc An đang lúi húi sắp xếp lại túi ba lô dưới ánh sáng lù mù của một ngọn đèn cầy. An và các bạn ở trong những dãy nhà lợp tranh không có vách do họ dựng nên. Vách trống để lính canh dễ kiểm soát, nhưng gió rừng lạnh buốt đêm đêm thổi tốc qua các gian nhà trống cũng là một khó khăn khác của người tù cải tạo.

Cột vội ba lô, An bước theo người lính công an. Lệnh gọi của quản giáo sau giờ về trại thường là chuyện chẳng lành. An duyệt thật nhanh trong trí xem mình có làm gì phạm nội quy trại không. Không, đời sống tù của An trong tuần lễ vừa qua bình thường, không đụng chạm với lính canh, không cãi vã với bạn, không ăn nói phóng túng để bị ăn ten báo cáo, không lơ là việc đốn tre rừng một ngày 2 chuyến, một chuyến 2 cây vác về để dựng thêm trại cho tù mới. Còn gì khác? Ông quản giáo muốn chất vấn thêm về lý do An không ra trình diện? An không chắc. Ông Yết được tiếng là người quản giáo chừng mực, nghiêm khắc khi cần thi hành kỷ luật, nhưng không phạt tù một cách vô cớ để tỏ quyền uy. Sau buổi chất vấn đầu tiên An đoán ông Yết không vừa ý nhưng những lần ông Yết lên lớp cho toàn trại, thỉnh thoảng chạm mắt với ông, An không thấy sự thù ghét trong mắt ông.

Trời đã tối. Bước vào văn phòng An thấy ông quản giáo đang ngồi nơi bàn giấy đọc hồ sơ bên cạnh ngọn đèn dầu chập chờn trong chiếc bóng kính tỏa ra một thứ ánh sáng lờ mờ lắc lư theo ngọn gió thổi lùa qua cánh cửa để hé. Người công an lễ phép:

- Báo cáo đồng chí quản giáo, anh An.

An đứng nghiêm đợi lệnh, trong lòng bớt bồn chồn. Đặt xấp hồ sơ xuống bàn, trỏ một chiếc ghế mời An ngồi, ông Yết nở một nụ cười thân mật:

- Anh An, tôi xem hồ sơ biết anh có kiến thức kỹ thuật. Anh có thể giúp chúng tôi trong việc huy động các cải tạo viên làm cổng chào, dựng rạp, treo đèn kết hoa và tổ chức văn nghệ mừng lễ độc lập đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước không?

An giật mình. Môn dạy chính của An là điện. Nhưng kiến thức kỹ thuật của An là kiến thức sách vở, thêm một chút thực hành trong các cơ xưởng thực tập trang bị thô sơ ở các trường trung học kỹ thuật như chạy máy công cụ, lắp ráp các máy điện nhỏ để chỉ cho học sinh biết nguyên tắc chuyển vận, còn thực hành ra đời sống thực thì An chưa hề làm. An muốn từ chối. Nhưng An nghĩ, từ chối ông Yết sẽ cho là thiếu hợp tác. An nghĩ đến những ngày nắng chan chan, trần mình, mồ hôi nhễ nhại đi đẵn tre, đập đá làm đường, vỡ đất rừng bằng những chiếc cuốc nội hóa lưỡi cong veo vì không chịu nổi đất cứng, mỗi nhát cuốc dội lại đôi bàn tay đau buốt, và nhất là những ngày cắt tranh. Nắng và bụi tranh là hai kẻ thù đáng sợ nhất của An. Bụi tranh bám vào người đang ra mồ hôi làm người An xốn xang khó chịu. Thấy An do dự ông Yết dục:

- Sao! anh An sợ khó há?

Câu nói của ông Yết kích thích tự ái của An. An trả lời:

- Ông quản giáo đã chỉ thị tôi đâu dám chối từ. Tôi chỉ sợ khả năng của chúng tôi không đáp ứng được sự mong chờ của ông quản giáo.

- Anh có ý kiến gì chưa? Ông Yết hỏi.

Ý nghĩ đầu tiên của An là mang ánh điện đến cho khu trại âm u này. Nhớ những ngày đi lục lọi vật liệu rời trong các kho hàng bán đồ phế thải ở Sài gòn An thấy nhiều máy phát điện nhỏ. Chỉ cần làm sạch bụi, bỏ tí mỡ, thay cùi than, coi lại dây nối, ráp vào một máy kéo chạy bằng xăng thì có rất nhiều may mắn tạo ra điện lực. Máy nhỏ hai mã lực có thể thắp sáng 30 bóng đèn 50 watt. Hai máy, 60 bóng. Phòng làm việc của ông quản giáo dưới ánh đèn dầu bổng tối hơn. Gió lùa làm ngọn đèn chập chờn muốn tắt. An thấy trong người reo vui với ý nghĩ mang ánh sáng đến cho căn phòng làm việc của ông quản giáo và cho toàn trại. An nói, giọng phấn khởi:

- Thưa ông quản giáo, tôi chưa có dự tính gì rõ ràng, nhưng ít nhất là đèn điện. Tôi sẽ trang bị điện lực để thắp sáng trại.

Ông Yết giật mình. Điện là danh từ đầu môi của người cộng sản. Lê Nin đã nói, chủ nghĩa cộng sản là cơ giới hóa cộng với điện khí hóa nông thôn. Từ ngày gia nhập đảng cách đây 24 năm ông đã được nhồi nhét trong đầu châm ngôn đó. Nhưng trong thực tế ông Yết ít có cơ hội dùng điện. Sinh ra và lớn lên tại vùng quê Nam Định ông không biết điện là gì. Ông thấy điện lần đầu tiên năm bảy tuổi khi theo mẹ lên Hà Nội. Ông nhớ ông đã nhìn ngọn đèn điện không chớp mắt với hằng trăm câu hỏi: dầu đựng ở đâu? Tim đèn làm bằng gì? Sao xuôi ngược gì đèn cũng sáng? ... Pháp tái chiếm Nam Định, ông theo bố mẹ tản cư lên mạn Tuyên Quang, đèn dầu đèn cầy còn thiếu nói chi điện. Mười sáu tuổi ông gia nhập bộ đội giải phóng quân. Những năm lăn lộn trong các chiến dịch Đông Xuân quần thảo với quân của tướng de Lattre và tướng Salan trong vùng đồng bằng Bắc việt, sống trong rừng hoặc ẩn núp trong làng mạc sau những lũy tre dày chằng chịt ông chẳng bao giờ dùng điện. Ba năm chiến đấu trong bộ đội giải phóng, sau trận Nghĩa Lộ ông Yết được chuyển qua ngành an ninh, theo học một khóa sĩ quan công an trong khu giải phóng gần Bắc Kạn, sau đó là những năm dài phục vụ tại các tỉnh mạn ngược cho đến khi chiến tranh chấm dứt ông được thuyên chuyển vào Nam làm quản giáo trại tù cải tạo A30. Ông Yết, vợ và hai con được cấp một căn nhà trước kia là khu công chức cũ ở thành phố Tuy Hòa. Điện ngày có ngày không, lại yếu, ánh đèn điện lù mù không khác đèn cầy. Tại trại buổi tối ông Yết đọc báo, xem công văn giấy tờ với ngọn đèn dầu, và ông không thể mơ tưởng có thể có điện giữa chốn này.

Tưởng nghe không rõ ông Yết hỏi lại:

- Anh An nói anh sẽ trang bị điện lực cho trại?

- Thưa ông quản giáo, An trả lời, đúng vậy. Trại chúng ta sẽ có điện.

- Kế hoạch của anh thế nào? Ông Yết hỏi như reo, chưa tin những điều An nói.

Ông tưởng tượng đến đèn điện thắp sáng cả trại ban đêm, ông ngồi làm việc trước bóng neon, ông sẽ dùng hệ thống âm thanh ra chỉ thị chung cho tù cải tạo, ông sẽ mời thủ trưởng của ông là Trung tá Kiểm, tỉnh ủy viên, nắm ngành công an Phú Yên lên thăm trại, mời ông trung tá ở lại đêm chờ trời chiều vừa xuống ông cho bật đèn lên để làm ổng ngạc nhiên. Và nhất là cuộc thi đua giữa các trại giam tù cải tạo trong dịp mừng quốc khánh đầu tiên sau khi chiến tranh chấm dứt. Trại sáng rực dưới ánh điện, văn nghệ sống, trại của ông sẽ giật giải đầu không phải với tỉnh Phú Yên nhỏ xíu mà sẽ giật giải toàn quốc.

Nghĩ đến đây, ông Yết mĩm cười.

Cúm chăm chú lái xe, đường xấu, chiếc xe Jeep lắc lư như xe ngựa. Anh liếc mắt nhìn thủ trưởng ngạc nhiên.

Ông Yết vẫn miên man trong ý nghĩ. Ông nhớ lại sau buổi nói chuyện với An, An tích cực bắt tay vào việc. An tuyển mộ nhân sự và chuẩn bị vật liệu. An xin ông cho phép cải tạo viên về thăm nhà để kiếm mua tặng trại các máy điện nhỏ, máy chạy xăng loại bơm nước, dây điện, đèn neon, bóng đèn thường. Trong một tuần lễ trại đã có một kho vật liệu nhỏ. Trong ba tuần lễ, hai máy điện nhỏ bắt đầu phát điện, văn phòng làm việc của ông có một bóng đèn neon 60 phân, và một hệ thống âm thanh khuếch đại. Các dãy nhà của trại viên được thắp sáng 2 giờ mỗi buổi tối. Ban văn nghệ tuyển mộ trong các cải tạo viên bắt đầu tập dượt. Tiếng đàn guitare, hòa lẫn với tiếng hát tập dượt được khuếch đại hằng ngày vang dội khu trại chính làm cho không khí tươi vui hẳn lên. Tiềng kèn clarinet hòa với tiếng hát: " ... Trường sơn tây anh đi, thương em ... thương em bên ấy mưa nhiều ..." làm ông Yết nhớ những ngày tiễn bạn bè theo đoàn xe lên đường vào B. Sao các cải tạo viên vốn là sĩ quan lại có thể có nhiều khả năng văn nghệ như vậy? Ông tự hỏi. Hẳn họ chẳng thích những bài hát của cách mạng, nhưng trong cách hát và trình diễn họ có một cái gì tự do ông Yết không thấy khi xem các đoàn văn công của bộ đội nhân dân trình diễn. Ôâng Yết nghĩ đến sự vui mừng của thủ trưởng và nhất là của vợ con ông chưa bao giờ được xem một buổi văn nghệ đúng nghĩa.

Ý nghĩ đưa ông đến những ngày gần quốc khánh. Một buổi tối khi ông đang dùng âm thanh nói chuyện với tù cải tạo thì mất điện. Toàn trại chìm trong bóng tối, im phăng phắc. Ông cho gọi An. Bước vào phòng, ông chưa kịp hỏi, An đã thưa:

- Thưa ông quản giáo, tôi định ra nhà máy điện xem có gì xẩy ra thì ông quản giáo gọi.

- Anh đi ngay đi. Ông nói như đuổi.

Trên đường ra nhà máy điện, An nhớ lại cuộc tranh luận với Thiếu úy Bang mấy hôm trước ...

Hôm ấy trước giờ chạy máy điện An ra nhà điện chơi với Bang. Bang thuộc ngành công binh, chuyên viên điện, vừa tốt nghiệp kỹ sư tại trường kỹ thuật Phú Thọ thì nhập ngũ theo lệnh tổng động viên, có một thời gian làm trưởng phòng chiến tranh chính trị của tiểu đoàn 778 công binh nên bị giam cùng sĩ quan cấp tá và sĩ quan cảnh sát. An là người đưa ra kế hoạch chung về hệ thống điện dựa vào những dụng cụ có được và những hiểu biết cơ bản của An, nhưng Bang là người điều động thực hiện. Lúc đầu Bang rất thích công việc, tránh được những ngày lao động khổ nhọc ngoài rừng. Nhưng sau hôm phát điện lần đầu tiên An thấy Bang không được vui.

Gặp Bang, An rút một điếu thuốc thơm Marlboro nơi bao thuốc duy nhất vợ An vừa tiếp tế tuần trước, châm lửa kéo một hơi dài rồi mời Bang. Sau ngày tan hàng thuốc lá thơm hiệu Mỹ biến mất chỉ còn những loại thuốc như Điện Biên, Sài Gòn Giải Phóng, cũng thơm thơm nhưng không ngon bằng thuốc thơm Mỹ. An biết vợ cố gắng lắm mới kiếm mua được bao Marlboro cho An. Rít một hơi dài, trả điếu thuốc lại cho An, Bang nói:

- Anh An à. Không biết việc chúng ta đang làm có được anh em trại viên đồng ý không? Trại có điện chúng ta vui vui được một chút buổi tối nhưng ông quản giáo và đoàn công an có thêm phương tiện kiểm soát tù. Lại có điện để mừng ngày quốc khánh, một ngày quốc khánh khởi đầu cho một cuộc chiến tranh dài mà hậu quả là chút tự do bèo bọt của miền Nam này cũng bị cướp mất. Chúng ta thua, chấp nhận qui luật được thua, nhưng có gì bắt buộc chúng ta phải nặn tâm nặn óc hoàn thành một hệ thống điện tốt đẹp như thế này cho nơi giam cầm chúng ta.

An khựng lại trước lý luận của Bang. Bang có lý. Câu hỏi đó đã có lúc lởn vởn trong đầu An. An không tìm ra câu trả lời dứt khoát, tìm cách trốn lách, mơ hồ mường tượng mình không làm điều gì phản bội. Câu hỏi của Bang đưa An trở về thực tế. Đã đã đến lúc An phải có một câu trả lời cho chính mình. An từ tốn hỏi Bang:

- Anh Bang có nhớ câu chuyện trong cuốn phim "Chiếc cầu trên sông Kwai" không?

- Có, Bang trả lời. Nhưng ông đại tá người Anh và các bạn tù của ông ở trong một hoàn cảnh vô vọng. Họ sắp chết và không làm cầu quân Nhật cũng buộc phải làm. Và đã làm thì phải tìm sự tự hào trong hoàn cảnh bị bắt buộc ...

- Còn chúng ta, An cướp lời, anh Bang nghĩ chúng ta không ở vào hoàn cảnh vô vọng sao? Ôâng Yết cũng có thể bắt chúng ta phải làm vậy.

- Nhưng, Bang cãi lại, kế hoạch điện khí này do sáng kiến của anh, ông quản giáo đâu có biết gì và ông ấy cũng không thể tưởng tượng được chúng ta có thể làm ra điện giữa chốn rừng sâu này. Ông đại tá Anh trong chuyện cầu sông Kwait tìm cách nới dây cột vào người, còn chúng ta, còn anh anh tìm cách buộc dây vào người.

Thấy Bang cởi mở bày tỏ tâm sự, An cười vỗ nhẹ vào vai Bang nói với giọng của một người từng trải hơn:

- Anh Bang nói đúng. Nhưng chúng ta mới vào vòng đầu địa ngục. Còn nữa, còn nhiều nữa, và chúng ta cần bảo tồn khả năng chịu đựng. Anh Bang có nhận thấy từ hôm có ánh đèn điện thái độ của ông quản giáo và nhất là của những người lính canh và công an có thay đổi không? Họ bớt nạt nộ tù cải tạo hơn trước.

- Nhưng, Bang điềm tỉnh trả lời, mua thái độ dễ dãi nhất thời của họ đâu có phải là cách bảo tồn sức chịu đựng lâu dài. Nhượng bộ này kéo theo nhượng bộ khác và sẽ làm thui chột sức chịu đựng của chúng ta.

Vừa nói Bang vừa đứng thẳng người lấy sức quay khởi động chiếc máy kéo. Chiếc động cơ chạy xăng nổ lạch bạch như chống lại sức kéo rồi nổ dòn. Bang đóng dao diện. Trại rực sáng. An yên tâm, chia với Bang phần còn lại của điếu thuốc ra về. Một người lính canh cắp súng ra tháp canh cười với An. An thấy thoải mái trong lòng ...

Đến nhà máy điện An thấy Bang đang lau chùi chổi than của máy điện, nét mặt như không có gì xẩy ra. Bang nói với An:

- Chổi than quá cũ, mòn nhanh, trở ngại hôm nay có thể khắc phục, nhưng với tình trạng vật liệu này chúng ta không bảo đảm được sự phát điện liên tục.

- Sức người có hạn. An thở nhẹ nén tiếng thở dài, nói với Bang, như đồng tình.

An giúp Bang. Hai người loay hoay một hồi, điện lại sáng. Trở về phòng ông quản giáo An thấy ông chờ ở cửa mặt mày rạng rỡ như vừa thoát được một vấn nạn lớn. Ông hỏi An, chờ đợi một cái gật đầu.

- Trục trặc kỹ thuật nhỏ thôi phải không anh An?.

- Vâng, chỉ là một trục trặc kỹ thuật nhỏ, An trả lời và tiếp, nhưng thưa ông quản giáo, với tình trạng vật liệu này tôi không bảo đảm những trở ngại kỹ thuật khác sẽ không xẩy ra.

Đang vui, ông Yết nghiêm mặt:

- Anh An, tôi không muốn có một trục trặc kỹ thuật nào xẩy ra trong đêm văn nghệ mừng quốc khánh. Bao nhiêu con mắt của cấp trên đang dồn vào trại của chúng ta. Anh không được phéùp làm chúng tôi thất vọng. Tôi đã thông báo với các cấp trong tỉnh và quản giáo các trại bạn đến tham dự buổi văn nghệ dưới ánh đèn điện. Không có điện sẽ là một sĩ nhục cho cách mạng, và anh An thừa hiểu là một khó khăn lớn cho cá nhân tôi, cá nhân anh và toàn trại.

An hiểu trong lời nói của ông quản giáo bao gồm một sự đe dọa. Nhưng An không có nhiều lựa chọn. An đoán biết trở ngại kỹ thuật do đâu ra. Bang là một con người cương quyết, anh ấy có những ý nghĩ của riêng anh. An có thể đưa người khác thay thế Bang trong các phiên trực, và trả Bang về toán lao động. Nhưng An muốn thuyết phục Bang hơn là tìm cách ngăn cản hành động của Bang.

Hai hôm sau, điện lại mất sau khi ông quản giáo vừa tắt máy khuếch đại âm thanh đang ngồi hý hoáy viết trước ngọn đèn neon. Nghi ngờ một âm mưu, ông cho gọi An đến văn phòng ra lệnh:

- Tôi báo cho anh biết hôm nay mất điện thì không sao nhưng nếu ngày mai không có điện cho lễ quốc khánh tôi sẽ cùm anh.

- Thưa ông quản giáo, tôi hiểu. An trả lời, cố trấn áp luồng khí lạnh đang chuyển nhanh qua cột xương sống.

An chưa bị cùm nhưng An đã thấy các bạn tù vi phạm kỷ luật bị cùm, và hiểu sức nặng lời đe dọa của ông quản giáo. Hùng, đại úy Dù, 75 kilô, ngang tàng khỏe mạnh, phạm kỷ luật trại bị cùm một tuần lễ. Ra khỏi nhà cùm An không còn nhận ra Hùng. Ba ngày sau Hùng mới đứng dậy nổi trên đôi chân gần như tê liệt để trở lại toán lao động. An không thấy sợ, chỉ buồn.

Thấy ông quản giáo im lặng ra chiều suy nghĩ, Thượng sĩ Cúm hỏi:

- Hôm nay đồng chí thủ trưởng có việc không vui?

- Hôm nay tôi phải quyết định cùm một người tù cải tạo. Ông Yết trả lời.

- Cùm một người tù phạm kỷ luật, Thượng sĩ Cúm hỏi, thì có gì làm thủ trưởng phải suy nghĩ?

- Trường hợp này đặc biệt. Anh có nghe nói đến tù cải tạo An chứ? Hắn có sáng kiến trang bị điện cho trại. Tôi cho mời các cấp trong tỉnh đến tham dự đêm văn nghệ quốc khánh với âm thanh khuếch đại và dưới ánh đèn điện. Chiều hôm qua máy điện hỏng. Đêm văn nghệ đã diễn ra dưới ánh đèn cầy. Trước đó tôi đã cảnh cáo hắn nếu không có điện cho đêm văn nghệ tôi sẽ cùm hắn.

- Vậy cùm thôi, Thượng sĩ Cúm nói

- Cùm thì dễ, nhưng tôi không chắc hắn có ý phá hoại.

Thượng sĩ Cúm không trả lời. Cúm biết tâm tính ông Yết, vừa thủ trưởng mình, vừa là bạn. Hai người trạc tuổi ở cùng làng, từng chơi đùa với nhau trên những cánh đồng khô vừa cắt rạ. Cùng gia nhập giải phóng quân năm 16 tuổi. Trong những năm ông Yết chiến đấu trong vùng đồng bằng thì Cúm đóng quân trấn giữ vùng giải phóng Cao Bắc Lạng. Hai người bạn cũ gặp lại nhau sau ngày thống nhất. Cúm thuộc một trung đội quân đội nhân dân có nhiệm vụ yểm trợ công an quản lý trại A30. Ông Yết điều Cúm về làm tài xế riêng để bạn bè gần nhau.

Cúm có điều thắc mắc nhưng không bao giờ hỏi bạn. Làm sao ông Yết, một con người chân chất, thẳng thắn, bộc trực, không tế nhị trong giao tế, nhất là với cấp trên, lại có thể trở thành đảng viên, lên đến cấp táù trong ngành công an và nay làm quản giáo một trại học tập cải tạo? Có lời đồn rằng trong trận đánh tại Vĩnh Yên ông Yết đã hy sinh cứu một ông chính ủy tiểu đoàn. Hôm ấy lần đầu tiên Pháp dùng bom lửa trên chiến trường Việt bắc, tiểu đoàn 216 của ông bị đánh tả tơi, chính ủy tiểu đoàn bị bắt. Ông Yết, năm ấy 17 tuổi bị đạn ở bả vai đang trốn trong bụi rậm chờ mặt trận lắng xuống. Bỗng ông thấy hai tên lính Pháp dẫn chính ủy Chưởng đi qua. Không suy nghĩ, ông Yết nhắm bắn chết một tên đồng thời xông ra dùng dao găm đâm chết tên thứ hai trước khi nó kịp nổ súng. Sau đó ông Yết dìu chính ủy Chưởng cháy nám một bên sườn vào rừng trở về đơn vị. Tin đồn rằng sau này chính ủy Chưởng trở thành chính ủy Sư Đoàn 308, có chân trong trung ương đảng và đã nâng đỡ ông Yết.

Thượng sĩ Cúm gợi chuyện:

- Hồi đánh nhau với Pháp thú vị quá. Nghe nói sau này đánh nhau với Mỹ tại miền Nam khó khăn hơn nhiều. Quân mình di chuyển tới đâu thì bom đạn tới đó không có thì giờ để nấu nước uống đừng nói ăn và ngủ.

Câu hỏi của Cúm nhắc ông Yết nhớ lại một biến cố xẩy đến cho đời ông mà ấn tượng vẫn còn đậm nét như mới ngày hôm qua. Sau khi tướng Navarre rút quân ra khỏi tập đoàn cứ điểm Nà Sản quân Pháp mở cuộc tổng tấn công càn quét liên miên vùng đồng bằng để giữ an ninh vùng Tây Bắc Việt và bắc Lào. Năm đó, đại đội của ông luôn ở trong thế bị động trước quân số đông và hỏa lực mạnh hơn của Pháp. Đại đội ông dùng chiến thuật du kích vừa lẩn trốn vừa đánh trả để làm tiêu hao lực lượng địch. Trong một trận phục kích gần bìa rừng Nghĩa Lộ đại đội ông bắt được hai tên lính Pháp. Trên đường rút đại đội trưởng nhận được mật báo một tiểu đoàn Lê Dương đang bố trí bao vây đại đội ông. Đại đội trưởng ra lệnh thanh toán hai tên lính Pháp. Đại đội không thể giữ tù binh khi tác chiến. Là đảng viên trung kiên và là trung đội trưởng trẻ nhất của đại đội, ông được chọn giao phó nhiệm vụ. Ông dẫn hai tên lính Pháp được cột chặt tay với nhau, tay phải tên này với tay trái tên kia theo ông vào rừng, bồn chồn trước công tác lạ. Ông không nghi ngờ gì về quyết tâm thi hành lệnh của cấp trên. Ông được giáo dục tuyệt đối tuân hành lệnh của đảng. Đi xa đơn vị chừng hai ba trăm thước, ông dùng tay ra lệnh cho hai tên lính Pháp đến gần một vực nhỏ. Ông lượng tính loạt đạn bắn chết chúng sẽ đẩy xác chúng lăn xuống vực khỏi đào hố chôn. Hai tên lính tiến đến bờ vực, quay lại bốn mắt đăm đăm nhìn ông. Ông đưa súng lên vai chực bấm cò. Theo hướng nòng súng ông thấy rõ đôi mắt của người lính Pháp trẻ tuổi. Đôi mắt hắn đượm buồn, một nỗi buồn kỳ lạ, như đang tập trung quá khứ của cuộc đời trong đôi mắt trong xanh, trong đó có cha mẹ, anh em, bạn bè, người tình và cảnh đồng quê xanh tươi ở một nơi xa xôi nào đó trong giây phút ngắn ngủi còn lại. Ông hạ tầm súng để nhìn rõ khuôn mặt của hai người lính trẻ. Hai người lính không khác gì ông. Tuổi đôi mươi, nét tây phương đẹp như thiên thần, ngây thơ trong trắng. Trong khoảnh khắc nơi bàn tay cầm súng và trong bộ óc chất phát của ông có một sự đấu tranh quyết liệt. Một bên là điều thiện, hủy diệt một mầm sống phơi phới là một điều ác, một bên là những lời dạy dỗ của đảng phải biết phân biệt bạn thù, khi cần phải quả quyết giết lầm hơn bỏ sót, đảng không sai lầm, đế quốc Pháp là quân cướp nước tàn bạo, tuân hành lệnh của đảng không thắc mắc là tư cách của người đảng viên chân chính. Đầu óc choáng váng, ông quay gót chạy. Được mươi thước ông dừng lại nhìn lui, thấy hai tên lính Pháp trố mắt nhìn ông kinh ngạc. Ông bắn một loạt súng chỉ thiên, quẳng cho chúng một lưỡi dao găm, khoác tay bảo chúng chạy. Ông chạy như ma đuổi về đơn vị báo cáo đã thi hành công tác.

Sau vụ trái lệnh cấp trên tha tù binh, ông không còn hăng say chiến đấu lập thành tích như trước. Ông được chuyển về hậu phương ... Nhu cầu nhân sự sau khi thống nhất đất nước đưa đẩy ông vào Nam.

... Và bây giờ là một vụ nhức đầu khác. Chiều hôm qua, khi trại làm lễ mừng quốc khánh không có điện ông đã định cho cùm An ngay. Nhưng ông do dự. Nhiều câu hỏi đến với ông. Hắn có cố ý làm hỏng máy điện không? Mấy tháng gần An ông Yết nghĩ là không. Hắn là người có tư cách, không quị lụy trước kẻ chiến thắng, nhưng biết cách xử lý sự việc. Trang bị điện cho trại là sáng kiến của hắn. Hắn chẳng thích gì ngày quốc khánh nhưng hắn có đủ thông minh để không bày tỏ một cách trẻ con như vậy. Trong đoàn tù cải tạo phụ trách hệ thống điện của hắn có người muốn phá chăng? Điều này có thể, rất có thể !!!

Nghĩ đến đây ông bỗng thấy giải pháp. Ông nhớ đảng có dạy, thành phần tiểu tư sản sau khi bị giai cấp vô sản lật đổ sẽ không chịu thua ngay và tìm mọi cách để ngóc đầu dậy. Vì vậy giai cấp lao động do đang lãnh đạo phải tiếp tục trấn áp cho đến khi giai cấp tiểu tư sản hoàn toàn bị tiêu diệt. Đúng rồi, một tên nào ở trong toán điện phá không cho phát điện mừng quốc khánh là một biểu hiện chống đối của thành phần tiểu tư sản. Cùm An ông Yết thấy bất công, nhưng nếu không thì làm sao duy trì quyền hành của đảng. Lơi tay, uy quyền của cá nhân ông và ban quản giáo vỏn vẹn gồm 5 sĩ quan và 100 binh sĩ sẽ bị coi thường thì làm sao duy trì kỷ luật của trại gồm 2000 tù nhân. Nếu có một cuộc nổi loạn giữa từng sâu, ông sẽ là người bị thanh toán trước.

Chiếc xe Jeep bớt tốc lực, chạy quanh vòng đai trại để ông Yết quan sát toàn trại như thường lệ trước khi cho xe đổ trước văn phòng. Ông Yết cho gọi An đến trình diện. An bước vào văn phòng quản giáo, nét mặt điềm tỉnh giữa hai ngưới lính công an cầm súng AK. ÔÂng Yết nghiêm mặt, lạnh lùng:

- Phạm nhân Nguyễn Kính An, thay mặt nhân dân, tôi phạt anh 15 ngày cùm chân kể từ hôm nay về tội phá hoại sự thành công của ngày lễ quốc khánh.

An chỉ vào bọc vải nhỏ trên vai, trả lời:

- Tôi đã chuẩn bị thi hành lệnh phạt. Nhưng thiếu tá quản giáo biết rằng chúng tôi không phá hoại.

Không trả lời, ông Yết khoát tay ra hiệu hai người công an vũ trang thi hành lệnh. Hai người công an rút còng số 8 còng hai tay An lại sau lưng.

Vừa lúc ấy Bang chạy xốc vào phòng, đứng nghiêm chào ông Yết nói:

- Thưa ông quản giáo. Tôi xin thú tội. Tôi là người đã cố tình làm hỏng máy phát điện ngày hôm qua, không phải anh An.

Trước diễn biến đột ngột, hai người lính công an ngơ ngác nhìn ông Yết chờ lệnh. Đôi tay bị còng, An quay phắt về phía ông quản giáo, nói lớn:

- Thưa ông quản giáo, anh Bang chỉ muốn nhận tội thay cho tôi. Tôi mới là người làm hỏng máy phát điện.

Ông Yết quắc mắt:

- Sao anh vừa nói anh không phá?

- Thưa Thiếu tá quản giáo, tôi nói dối. An trả lời.

Cố nén cảm xúc, ông Yết đập bàn nói như thét: "Hai anh đừng đùa với tôi. Tôi sẽ cùm cả hai anh sau khi điều tra bổ túc." Nói xong ông Yết ra hiệu cho hai người lính công an mở còng dẫn An và Bang về trại.

Ngồi lại một mình trong văn phòng vắng lặng, ông Yết nhìn chiếc xách da còn vắt trên thành ghế mường tượng đến một đơn vị xa xôi nào đó ở mạn ngược Bắc việt. Ông biết sau vụ này trung ương sẽ hạ tầng công tác và thuyên chuyển ông đi.

Ông thấy thương vợ con. Rót đầy một cốc trà thật đậm pha sẳn trong bình trà trên bàn giấy ông uống một hơi, thở dài.                 

 

Trần Văn Sơn

                       


Trần Văn Sơn

http://www.vnet.org/tbn