Tâm sự một bà nội trợ với cái tủ lạnh cũ

 

(Phóng dịch: “Warm feelings for an old refrigerator” của Sandy Banks, viết cho Los Angeles Times ngày 30/9/2013)Trần Bình Nam

 

Tôi vừa mua một cái tủ lạnh đời mới, mùi sơn còn thơm, sáng bóng, không một chút tì vết. Vậy mà tôi cứ nhớ hoài cái tủ lạnh cũ tôi đã bỏ đi! 

Cái tủ lạnh đó thuộc thế hệ đầu tiên của thế kỷ trước, màu đen. Ngăn tủ lâu ngày đã rệu, tôi phải dùng keo thứ cực mạnh và băng dán bằng vải để dán nó lại. Mấy năm nay, cái ngăn làm nước đá không cho được một cục đá. Cái ngăn chứa rau xộc xệch kéo ra đẩy vào rất khó, tháng trước tôi phải vào e-bay tìm mua một cái khác để thay. Ống dẫn nước vào tủ hai năm nay vỡ mấy lần tôi tốn mấy trăm đồng để sửa trước khi tôi học cách tự sửa lấy.

Tuần trước đi làm về mở tủ tôi thấy sữa sủi bọt, mấy chai bia nóng như để ngoài trời, và thức ăn hôm qua còn lại đã có mùi tôi biết đã đến lúc tôi phải “giả từ” cái tủ lạnh này. Tôi mang cái thùng đá (ice chest) chứa thức  ăn từ nhà xe vào, bỏ thức ăn nào còn dùng được vào, vất các thức ăn hư khác vào thùng rác và gọi điện thọai đặt mua một cái tủ lạnh mới.

Tiệm bán tủ lạnh hẹn trong hạn 4 ngày sẽ mang cái tủ lạnh mới đến. Tự dưng, thay vì vui chờ đợi cái tủ lạnh mới, tôi bỗng thấy trong lòng bồn chồn lo lắng một cách khó hiểu!

Hôm đó đang ở sở làm, tôi hoảng hốt khi cô con gái gọi cho biết người ta đã mang cái tủ lạnh mới tới và nhân viên giao hàng có nhã ý mang cái tủ lạnh cũ đi. Tôi nói với con gái nhờ người ta mang cái tủ lạnh cũ vào để trong nhà xe như một vật kỷ niệm thì con gái tôi phản đối quá chừng: “Má ơi, nhà xe mình chật cứng rồi!”

Tôi nói như hét trong phone, “vậy con giữ lại mấy cái ngăn …” Không biết nó có nghe không,  tôi nghe điện thoại bỏ xuống một cái cụp. Về nhà tôi thấy mấy cái ngăn tủ lạnh cũ còn nằm trong nhà bếp. Tôi im lặng xếp lại mang cất vào nhà xe.

Tôi không hiểu tại sao tôi muốn giữ lại mấy cái ngăn tủ đó. Làm vật kỷ niệm hay để thay nếu một cái ngăn của cái tủ lạnh mới mua bị vỡ? Hay tôi có một quan hệ tinh thần nào đó với cái tủ lạnh lâu đời của tôi.

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, sống tiết kiệm tối đa. Ba tôi không bao giờ vất bỏ một cái gì trong nhà. Cái gì hư ông dùng  kềm, dùng búa, keo dán, băng keo thứ bền nhất để sửa. Tôi nghĩ Ba tôi làm cho tôi có tính giữ của dù là “của” không có giá trị gì.

Lý giải như vậy, nhưng tôi vẫn không quên cái tủ lạnh cũ. Tôi tự hỏi: “Có ai giống mình cứ nhớ đến một cái tủ lạnh suốt ngày đêm chạy kêu rè rè như xe lửa vào nhà ga, không sản xuất nổi một cục đá, trong khi làm đông cứng rau xà lách thay vì giữ đủ lạnh cho tươi, và làm cho các hộp kem nhẽo nhẹt?”

Tôi vào Google, gõ: “missing my old appliances” (nhớ một vật dụng dùng trong nhà) và ngạc nhiên lẫn vui mừng thấy có một nhóm người giống tính tôi. Một bà viết: “Tôi biết tôi là một người kỳ cục. Tôi không quên được cái máy xay chạy bằng điện hư cũ tôi đã bỏ đi. Có ai giống tôi không ?”

Có độ một chục người trả lời bà, đa số liên quan đến vật tiện dụng nhỏ trong nhà bếp: có người nhớ cái máy xay tay cũ nay thay bằng máy chế biến thức ăn (food processor); người khác nhớ một cái kẹp bằng kim loại làm bánh waffle cũ xuýt gây ra hỏa hoạn được thay bằng máy làm waffle điều chỉnh nhiệt độ tự động. Tuy không có ai nói về tủ lạnh, nhưng qua đó tôi biết không phải không có người như tôi.

Kimberly bạn tôi đến xem cái tủ lạnh mới của tôi và thú thật rằng bà vẫn còn nhớ cái máy giặt cũ của bà, mặc dù khi chạy nó rung như  sốt rét và nước ở đâu trong máy cứ rỉ ra sàn.

Kimberly kể lại rằng mùa thu vừa qua khi chồng ngỏ ý đã đến lúc thay cái máy giặt, bà đề nghị,  hay “cứ tạm lót vải dưới chân máy” để dùng một thời gian nữa. Biết vợ không phải là người tiếc tiền, chồng bà cười xem Kemberly phản ứng cho có chuyện thôi.

Bây giờ Kimberly có một cái máy giặt kiểu mới nhất: mở cửa trước, nhiều nút bấm bà không dùng hết, chạy êm như ru, và bà có thể cho ngừng chạy bất cứ lúc nào để bỏ áo quần, đôi vớ hay cái khăn còn sót vào. Nhưng bà vẫn cứ nhớ cái tiếng rè rè, chạy rồi ngừng để đổi chiều quay của cái máy giặt cũ mang lại một không khí sinh hoạt gia đình, một thứ sinh hoạt quen thuộc khi các con bà lớn lên.

Riêng tôi vẫn dành một tình cảm nào đó với cái tủ lạnh cũ của tôi: Nơi cánh cửa sơn đã sờn của nó là bảng sinh hoạt gia đình nhắc nhở lối sống và giai cấp xã hội của tôi. Thật ra cái tủ lạnh của tôi còn dùng được nếu lối sống của gia đình tôi không thay đổi và tôi không ép nó làm việc quá tải. Tôi chất quá nhiều thịt cá vào phòng đông lạnh làm cho nó không đủ  khả năng giữ độ lạnh. Không khác gì lối sống của tôi hiện nay, có quá nhiều việc tôi không biết phải làm việc gì trước việc gì sau.

Và thế rồi tôi phải quên cái cũ để chấp nhận cái mới. Tôi lột hết những gì tôi dán trên cánh cửa tủ lạnh. Cả một lịch sử sinh hoạt gia đình: chương trình du ngoạn, danh sách và số điện thoại bạn thân, những câu thơ  vớ vẩn nhặt ở đâu đó, vài tấm thiệp chúc mừng sinh nhật và mấy tấm hình con cháu. Dưới một cục nam châm là một xấp giấy cắt từ báo hằng ngày chỉ dẫn cách nấu nướng những món ăn đặc biệt mà bao năm qua tôi chưa hề nấu hoặc chỉ nấu một lần . Dưới một cục nam châm khác là tên và món ăn của một số tiệm ăn hình như đóng cửa đã lâu.

Tôi vất hết vào sọt rác, chỉ giữ lại một ít những gì cần thiết. Không đơn giản khi quyết định cái gì cần vất đi, cái gì cần giữ lại. Và cũng rất khó giải thích tại sao tôi vất bỏ cái này và giữ lại cái kia!

Tôi giữ lại vài tấm hình gia đình, cục nam châm Bob Barley, một tấm hình ông Barack Obama, mấy câu nói của Victor Hugo, một tấm thiệp một người bạn gởi cho tôi khi tôi có tang Mẹ nhắc tôi rằng buổi sáng mặt trời vẫn mọc, và một tấm thiệp nhân lễ Yom Kippur khuyến  khích tôi vượt qua những khuyết điểm ai cũng có để vươn lên.

Và sau cùng tôi lượm lại một đoạn văn của Ralph Waldo Emerson, một nhà văn Mỹ đầu thế kỷ thứ 19 nói về cuộc đời là một sự thay đổi bất tận, không có gì dừng lại. Ai biết đi tới là người khôn ./.

 

Trần Bình Nam (phóng dịch)

Oct. 25, 2013

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com