Thiên Thần Khuất Bóng
Một vị thiên thần vừa khuất bóng. Một ngôi sao chợt
tắt. Ba Lan vừa mất một người con yêu dấu. Thế giới vừa mất một nét đẹp tân kỳ.
Ba Lan là nước gặp nhiều bất hạnh nhất trong cuộc
Thế giới đại chiến thứ II. Và những nổi đau khổ của dân tộc này còn bị lịch sử
xuyên tạc suốt nửa hậu bán thế kỷ 20 bởi chính bàn tay và khối óc của chính
quyền cộng sản Ba Lan do Liên bang Xô viết (nay là Liên bang Nga) dựng nên.
Trại hơi độc Auschwitz do Đức quốc xã dựng nên để giết người Ba Lan gốc Do thái
được gọi là “Trại Tử thần Ba Lan”, và qua bộ máy tuyên truyền của quốc tế cộng
sản, thế giới vẫn lầm tưởng rằng người Ba Lan dững dưng trước cuộc tàn sát
người Ba Lan gốc Do thái do bàn tay Đức quốc xã. Cựu lãnh tụ Do Thái Yitzhak
Shamir từng tuyên bố một cách thiếu trách nhiệm, “người Ba Lan căm thù người Do
Thái từ trong huyết mạch.”
Thế
giới hiểu lầm từ trước chiến tranh, nhưng người Ba Lan vốn vô tâm không lên
tiếng vì họ biết họ không kỳ thị người gốc Do Thái.
Một trong những người từng hy sinh tính mạng cứu
người Do Thái trong chiến tranh là bà Irena Sendler. Bà là con gái cưng của một
bác sĩ y khoa, gia đình có truyền thống bất khuất và thương người. Ông cố nội
của bà từng bị đày lên Tây bá lợi á. Cha của bà chết vì bệnh sốt rét cấp tính
do săn sóc bệnh nhân gốc Do Thái mà các bác sĩ khác từ chối săn sóc sợ lây
bệnh. Trước chiến tranh, Ba Lan bị áp lực Đức quốc xã, đại học Warsaw áp dụng
chính sách kỳ thị. Là sinh viên văn khoa tại đó bà Sendler chống chính sách kỳ
thị của nhà trường và gặp nhiều khó khăn.
Một lần thấy sinh viên Quốc xã Ba Lan đánh đập vô cớ
một sinh viên gốc Do Thái bà Sendler đã xé thẻ sinh viên của bà để phản đối, và
bà bị nhà trường đuổi học học trong 3 năm.
Mẹ bà Sendler có thể cho bà tiếp tục học hành nhờ sự
giúp đỡ của cộng đồng Do Thái. Bà gia nhập đảng Xã hội do chủ trương thương
người chứ không vì lập trường chính trị hay do ảnh hưởng của tôn giáo.
Năm 1939 Hitler chiếm Ba Lan. 400.000 người gốc Do
Thái bị tập trung vào trong một khu ghetto
riêng biệt rộng chừng 4 cây số vuông tại Warsaw, bị đối đãi tàn tệ, có thể bị
lính Đức xử bắn vì bất cứ lý do gì, và về sau được chuyển dần về trại Treblinka
để giết chết ở đó. Điều kiện sống trong trại thiếu vệ sinh, thức ăn giới hạn 2
kg bánh mì mỗi tháng cho mỗi người làm cho bệnh sốt rét hoành hành đôi khi giết
chết cả lính Đức coi trại nên nhà cầm quyền Đức cho phép những người làm việc
xã hội như bà Sendler vào phát thuốc và chủng ngừa chống bệnh.
Nhờ ra vào khu ghetto
bà Sendler đã cứu được nhiều trẻ em Do Thái, hơn cả số 1.100 người do kỹ nghệ
gia Oskar Schindler (một đảng viên dức Quốc xã) cứu mà thế giới ai cũng biết.
Công việc của bà Sendler hết sức nguy
hiểm vì nếu bị phát giác bà có thể bị bắn. Bà dùng xe truck hoặc xe tram chở
nhân sự và dụng cụ làm công tác nhân đạo lén chở các em trốn trại. Có khi bà
dẫn các em len lỏi qua các ngõ ngách của các ngôi nhà hoang phế chung quanh khu
tập trung để trốn ra ngoài. Để cứu một em bé bà Sindler phải huy động ít nhất
12 người bí mật làm việc với nhau: tài xế lái xe, linh mục cấp giấy khai sinh
giả, công chức cấp hộ khẩu và thẻ thực phẩm, và gia đình bảo bọc các em. Những
người này đều biết rằng nếu bị phát giác họ sẽ bị xử bắn tại hiện trường .
Bà Sendler không quên ghi lại lai lịch của các em để
sau này chúng truy nguyên ra gốc gác gia đình. Bà ghi tên tuổi của chúng trên
những cuộn giấy vệ sinh để cạnh giường ngủ, dự phòng vất qua cửa sổ nếu công an
Đức soát nhà. Có lần bà bị công an Đức bắt, nhưng bà đã kịp chuyển tài liệu ghi
tung tích các em cho một người bạn dấu trong nách. Bị tra tấn dữ dội bà cắn
răng chịu đựng, và công an Đức tưởng bà chỉ là nhân vật phụ. Đường giây của bà
đút lót công an và bà thoát bị xử bắn. Ra tù bà dấu tên tuổi các em trong một
cái chai chôn kỹ. Phần bà, bà đổi danh tánh và sống lẫn trốn công an Đức cho
đến khi chiến tranh chấm dứt .
Sau chiến tranh nghe ai nhắc đến công đức bà Sendler
thường phàn nàn rằng: “Tôi hối hận đã chưa làm hết sức mình.” Bà cho mình là một người con gái chưa trọn
đạo với mẹ đã để cho mẹ phải làm việc cực nhọc trong suốt thời chiến tranh,
không làm tròn nhiệm vụ đối với hai người chồng và không làm tròn chức năng một
bà mẹ đối với con gái. Sau năm 1945 bà Sendler bận rộn công việc trong những
nhà giữ trẻ không có thì giờ săn sóc con gái đến nổi con gái bà phải xin vào ở
nhà trẻ mồ côi để được gần gũi bà .
Trước khi chiến tranh chấm dứt bà Sendler tham gia
kháng chiến chống Đức. Sau chiến tranh chính phủ cộng sản Ba Lan cho hành động
kháng chiến và việc giúp giải thoát cho một số trẻ em Do Thái của bà đều là
công tác của chính phủ lưu vong Ba Lan thành lập tại Luân Đôn và là tay sai của
đế quốc. Bà Sendler bị công an Ba Lan thẩm vấn từ năm 1945 đến năm 1948 đến nổi
hư thai. Đứa con thứ hai của bà bị sinh thiếu tháng và chết. Bà bị cấm di
chuyển khỏi thủ đô Warsaw. Con gái bà không được học đại học. Con gái thường
hỏi bà: “Mẹ phạm tội gì hỡ mẹ”.
Mãi đến năm 1983 chính phủ cộng sản Ba Lan mới cho
phép bà đi Jerusalem, tại đó những em bé ngày xưa bây giờ đến tuổi trung niên
đã trồng một cây kỷ niệm tại Yad Vashem để ghi nhớ ơn bà. Bà Sendler đã cung
cấp các thông tin cần thiết để các em truy tìm cha mẹ và thân nhân mà đa số đều
bị giết chết .
Năm
2003 chính phủ dân chủ Ba Lan chính thức công nhận công ơn của bà đối với quốc
gia và trao tặng bà huy chương “Con Ó Trắng” (White Eagle) cao quý nhất của Ba
Lan .
Bà Sendler từ bỏ đất nước thân yêu của bà ngày
12/5/2008, hưởng thọ 98 tuổi. Một ánh sao băng trên bầu trời chợt tắt. Một nữ
thiên thần vừa khuất bóng.
Trần Bình Nam
(thuật theo Cáo Phó)
June 2, 2008
The Economist số
ngày May 24th – 30th 2008
Trần Văn Sơn
|
http://www.tranbinhnam.com |