Thú vui của tuổi già
Nguyên tác: “The Joy of old Age” by Oliver Sacks – New York Times July 6,
2013- Bác sĩ Oliver Sacks là gíao sư Thần
kinh học tại trường Đại học Y khoa, New
York University. Ông viết nhiều
sách. Cuốn “Hallucinations” (Ảo giác) là
cuốn mới nhất.
Trần Bình Nam phỏng dịch và chú thích
Đêm
qua nằm ngủ tôi mơ đến Thủy Ngân, một đơn chất sắp hạng thứ 80 trong bảng sắp hạng
vật chất Mendeleev (1), nhắc tôi rằng ngày Thứ Ba tới là sinh nhật
thứ 80 của tôi.
Từ
khi còn nhỏ, học bảng tuần hoàn Mendeleev
và số nguyên tử (atomic number) của mỗi đơn chất cấu thành vật chất tôi
cứ bị ám ảnh bởi số nguyên tử với các ngày sinh nhật của tôi. Sinh nhật thứ 11
tôi tuyên bố với mọi người “tôi là Sodium” (đơn chất số 11 trong bản
Mendeleev), và hôm nay 79 tuổi tôi nói, “tôi là Vàng – Gold – Au = 79”. Cách
đây mấy năm tôi tặng một người bạn một lọ Thủy Ngân để mừng sinh nhật thứ 80 của ông ấy, ông nhìn tôi một cách ngạc
nhiên. Nhưng sau đó ông gởi tôi một thư cám ơn thật nồng hậu và còn đùa, “mỗi
ngày tôi uống một giọt thủy ngân để mừng cho sức khỏe của tôi”.
80
tuổi! Tôi không thể tin được mới đó mà tôi đã 80. Tôi cứ nghĩ đời sống tôi mới
bắt đầu để nhận ra rằng nó sắp kết thúc . Mẹ tôi là con thứ 16 trong một gia
đình 18 người con; tôi là con út trong 4 người con của Mẹ tôi, và có lẽ bé nhất trong đám anh chị em con cậu con dì bên
Mẹ. Ở trung học tôi là học sinh nhỏ tuổi nhất. Và tôi vẫn có cảm tưởng tôi còn
bé mặc dù bây giờ tôi là người già nhất đối với mọi người chung quanh.
Năm
41 tuổi có lần tôi leo núi một mình té gãy chân tôi tưởng đã chết. Tôi băng tạm
cái chân gãy, quờ quạng với đôi bàn tay lần mò xuống núi. Trong những giờ phút nửa tỉnh nửa mê sau đó, bao nhiêu kỷ niệm
hiện về, vui có buồn có . Tôi thầm cảm ơn những ân huệ cuộc đời đã ban cho tôi,
và cũng cám ơn cuộc đời đã cho tôi cơ hội đóng góp lại. Cuốn “Awakenings” - (2) của tôi xuất
bản trước đó một năm.
Năm
nay gần 80, thỉnh thoảng bệnh này bệnh khác và đôi khi phải giải phẫu, nhưng không
có trường hợp nào nguy hiểm đến tính mạng cho tôi cái cảm giác sung sướng thấy
mình còn sống. Đôi lúc trời đẹp, thấy trong người khoan khoái tôi thốt lên, “sung sướng quá, mình chưa chết”. Tôi cám ơn
trời đất đã cho tôi trải qua một cách an toàn nhiều biến cố kỳ lạ có, khủng khiếp
có – và cho tôi viết được mươi cuốn
sách, nhận được bao nhiêu thư từ của bạn bè, độc giả, người đồng sự, và hưởng
cuộc đời theo cung cách nhà văn Nathaniel Hawthorne (3) miêu tả là “ái ân với vũ trụ” (intercourse with the
world). Tôi tiếc tôi đã phung phí – và vẫn đang phung phí – thì giờ. Đã 80 mà
tôi vẫn còn rụt rè như tuổi 20. Tôi tiếc tôi chỉ biết một ngôn ngữ là tiếng mẹ
đẻ và không đi du lịch nhiều, không thông hiểu văn hóa của nhiều dân tộc khác
mà đáng ra tôi phải biết . Nhà văn Samuel Beckett (4) nghĩ khác tôi
. Một người bạn tôi kể rằng một buổi sáng mùa xuân trời đẹp như mơ anh đi dạo tại
Paris với Samuel Beckett anh hỏi nhà văn: “Một
ngày đẹp trời như thế này ông có thấy hạnh phúc mình còn sống để thưởng thức nó
không?” Samuel Becket trả lời, “tôi
không đủ trí tưởng tượng để đi xa như vậy”.
Tôi
cảm thấy có nhu cầu “hoàn tất cuộc đời
mình” với tất cả ý nghĩa của cụm từ “hoàn tất cuộc đời”. Vài bệnh nhân của
tôi ở tuổi trên 90 hay trên 100 nói, “tôi đã sống đủ, bây giờ tôi sẵn sàng ra đi”. Đối với đa số, đi có nghĩa
là lên Thiên đàng (hay về cõi Cực lạc) không ai nghĩ đến Địa ngục (hay sinh vào
cõi Ngạ quỷ). Samuel Johnson (5) và James Boswell (6) rất
bất mãn đối với triết gia David Hume (7) vì ông Hume không tin có
Thiên đàng hay Địa ngục. Tôi cũng không tin có đời sống sau khi chết. Họa chăng
là sự thương nhớ của bạn bè và hy vọng rằng những cuốn sách tôi viết còn lưu lại
chút gì cho hậu thế .
W.H.
Auden (8) thường nói với tôi ông sẽ sống đến tuổi 80, nhưng 67 tuổi
ông đã chết. Auden chết đã 40 năm mà tôi vẫn còn nhớ đến ông, cũng như vẫn nhớ
đến bố mẹ tôi và những bệnh nhân tôi từng săn sóc đã qua đời.
Ở
tuổi 80 ai cũng có thể bị mất trí nhớ hay đột quỵ. Một phần ba (1/3) người đồng
thời với tôi đã qua đời, và nhiều người sống một đời sống èo uột vì trí óc hay
cơ thể suy tàn do bệnh tật. Ở tuổi 80 sự suy giảm của cơ thể có thể thấy ở mọi
người: phản ứng chậm, quên tên bạn bè, và phải thường xuyên dùng thuốc bồi sức
. Dù vậy chúng ta vẫn vui sống và quên chuyện “già”. Có thể, nếu may tôi sẽ sống khỏe mạnh vài năm
nữa và còn khả năng yêu thương và làm việc, hai điều quan trọng nhất trong cuộc
sống – theo Freud (9).
Khi
cái chết đến tôi muốn tôi được chết như Francis Crick (10). Khi bác
sĩ cho ông biết bệnh ung thư ruột già của ông tái hiện, ông im lặng, nhìn xa vắng
một lúc rồi trở lại suy nghĩ tiếp điều ông đang suy nghĩ. Vài tuần sau tôi hỏi
ông việc tái khám như thế nào, ông trả lời, “cái gì có khởi đầu thì phải có kết thúc”. Ông chết năm 88 tuổi khi đang làm việc.
Ba
tôi sống đến 94 tuổi thường nói mười năm sau 80 là thập niên thú vị nhất của đời
ông. Ông cảm thấy khả năng suy tư và cách nhìn cuộc đời của ông không thay đổi.
Khi ta sống lâu không những ta có kinh nghiệm cuộc sống của riêng mình mà còn
chia sẻ được kinh nghiệm cuộc sống của người khác. Qua cuộc sống ta có vinh quang và thất bại, lên voi xuống
chó, trải qua sóng gió cách mạng và chiến tranh, hoàn tất được ước vọng hay rơi
vào hoàn cảnh khó xử. Ta có thể chứng kiến những khám phá khoa học tuyệt vời để
thấy những khám phá đó không áp dụng được. Ta cũng có thể thấy cuộc đời và cái
đẹp chỉ là ảo ảnh. Ở tuổi 80 ta có thể nhìn lịch sử một cách sống động và thực
tế mà khi còn trẻ ta không thể thấy được. Bản thân tôi, tôi cảm thấy tận trong
cốt tủy thế nào là một thế kỷ, một điều tôi không thể cảm thấy được ở tuổi 40
hay 60. Tôi không quan niệm tuổi già là thời gian màu đời sậm tối ta phải chịu
đựng, trái lại là thời gian nhàn rỗi và tự do không bị thúc bách bởi công việc
hằng ngày, tự do nghiên cứu những gì mình thích và có thì giờ để tổng hợp những
tư duy và cảm xúc của một cuộc sống./.
Tôi
đang chờ tuổi 80.
Oliver Sacks
(Trần
Bình Nam phỏng dịch)
Chú
thích:
(1)
Nhà hóa học Nga Dmitri Mendeleev
(1834-1907) sắp hạng vật chất theo trọng lượng của một nguyên tử của nó
(2)
Cuốn “Awakenings” của Oliver Sack xuất
bản năm 1973 nói về kinh nghiệm của các bệnh nhân hôn mê được tỉnh lại do sự chữa
trị của bác sĩ Oliver Sacks
(3)
Nathaniel Howthorne (1804-1864) nhà
văn người Mỹ, chuyên viết truyện ngắn, tác giả “The Scarlet Letter” và “Young
Goodman Brown”
(4)
Samuel Barclay Beckett (1906 – 1989)
người Ái Nhĩ Lan, một nhà văn tiên phong trong nhiều lĩnh vực và là một thi sĩ
nổi tiếng. Ông sống gần suốt cuộc đời tại Paris.
(5)
Samuel Johnson (1709-1784) người đã
đóng góp một cách phong phú vào văn học Anh quốc
(6)
James Boswell (1740- 1795), luật sư
người Scotland nổi tiếng nhờ viết tiểu sử của Samuel Johnson “The Life of
Johnson”
(7)
David Hume (1711-1776) triết gia người
Scotland
(8)
Wystan Hugh Auden (1907-1973) người Mỹ
gốc Anh được xem là một trong những nhà thơ và nhà văn nổi bật nhất của thế kỷ
20
(9)
Sigman Freud, người Áo, bác sĩ thần
kinh
(10)
Francis Harry Compton Crick
(1916-2004) nhà sinh vật học người Anh, người cùng với James D. Watson tìm ra cấu
trúc của DNA. Ông cùng với James Watson và Maurice Wilkins được giải Nobel Y
khoa năm 1962