As Time Goes By

by Reeve Lindgergh – Reader’s Digest May 2008

Trần Bình Nam chuyển ngữ

 

Tuổi Về Chiều

 

Đêm trước ngày sinh nhật thứ 8 Lizzy, cô con gái cưng của tôi, nằm trên giường khóc. Lizzy nức nở: “Con không muốn 8 tuổi, con muốn mãi là 7 tuổi thôi!” Tôi dỗ Lizzy mẹ yêu con lắm, và ngày mai con sẽ có một ngày sinh nhật tuyệt vời. Lizzy dịu cơn khóc ngủ một giấc ngon lành.

Tôi hiểu Lizzy lo sợ mông lung với ý nghĩ lớn lên rồi sao, mặc dù chưa lớn lắm. Hồi còn nhỏ tôi ước ao chóng lớn để có quyền làm việc này việc nọ, nhưng trong thâm tâm vẫn thầm mong chẳng có gì thay đổi. Nói cách khác tôi không muốn trở thành một người lớn .

Tôi không nhớ tôi có ao ước cứ mãi 7 tuổi như Lizzy không, nhưng tôi nhớ tôi muốn cứ là con nít ở tuổi 12. Tôi bỗng sợ trở thành một cô gái 13 tuổi, trưởng thành và phải cạnh tranh. Tôi sẽ là một “teenager”, không còn được tung tăng ngoài trời, leo trèo nghịch phá. Hằng ngày tôi phải chải tóc, đánh sáp lên môi và ôm điện thoại trả lời các bạn trai. Ngực tôi căng nở, tôi phải dùng nịt vú. Bọn con trai nghịch phá có thể thấy dây nịt hiện ra dưới lớp áo của tôi và chụp kéo để cùng cười với nhau nơi hành lang nhà trường. Tôi đã thấy cảnh tượng đó, và tôi sợ.

Tôi không muốn trở thành cô gái 13.

Khi bạn còn nhỏ, ai lớn tuổi hơn đều là kẻ trưởng thành. Năm 24 tuổi tôi dạy lớp 2 tại Readsboro, Vermont. Một cậu học trò nhỏ - Shawn- hỏi tôi có con không? Tôi trả lời không có. Shawn thơ ngây hỏi: “Vậy các con cô lớn và đi ở chỗ khác rồi sao?” Trong mắt Shawn tôi già lắm rồi.

Đúng là tôi chưa già, và đời sống tôi còn dài. Nhưng vào năm 26 tuổi tôi phảng phất thấy mình già như đã 30. Năm tôi 39 tuổi Jack Benny khen tôi sao trẻ mãi không già! Năm 45 tôi ngạc nhiên tự hỏi mình đã 45 rồi sao, ngày nào mới 12 thôi mà! Ngày sinh nhật 50 tuổi tôi vui vẻ thổi 50 ngọn đèn cầy nhỏ, nhưng trong lòng cảm thấy vị mặn của thời gian.

Năm nay tôi 60. Nhìn vào gương chưa thấy con số 60 trên khuôn mặt, nhưng suy tư của tôi có chiều thay đổi. Sự biến chuyển trong cơ thể vào tuổi 60 làm tôi chú ý và kinh ngạc, pha lẫn khó chịu và lo lắng, nhưng đằm hơn, không dằn vặt như lúc tôi còn trẻ. Nhiều lúc tôi buồn cười thấy trong một ngày biết bao lần quên không biết kính đeo mắt để đâu, và thay vì nghĩ đến sự sống bị thời gian đe dọa của mình tôi cảm thấy buồn khi nhớ đến bà con và bạn bè thân thiết đã ra đi .

Tôi không luyến tiếc tuổi xuân bằng nhớ chị Anne của tôi. Ước gì chị còn sống. Chị sẽ làm cho ý niệm già và chết trở nên xa xôi. Chị có thể than những nếp nhăn trên mặt, than có lúc không biết mình đang làm gì và than mắt cận thị, với cách thức hài hước và lạc quan của chị. Chị em chúng tôi chắc hẵn sẽ nói chuyện với nhau hằng giờ mỗi ngày trên điện thoại về những chuyện lẩm cẩm như hay quên, da nhăn, mắt kém như chúng tôi từng nói chuyện về con cái và về mấy con chó trung thành của chúng tôi .

Chị Anne chết vì bệnh ung thư đã bao năm mà tôi vẫn nhớ thương như khi chị ấy mới qua đời. Tôi không lo nghĩ lắm đến chuyện tôi già, và tôi ước rằng chị Anne cũng từng không lo nghĩ đến già và chết như vậy. Có thể có những lý do khác làm cho con người chín chắn hơn khi về già, nhưng đối với tôi thì có thể tôi tha nhân và nhìn đời một cách thực tế.

Một hôm tôi lái xe đến thăm con gái đang có chuyện buồn phiền và căng thẳng. Một chiếc xe tải chạy nhanh xuýt húc vào xe tôi. Tôi lách xe ra khỏi lề đường hoàn hồn nhìn chiếc xe tải chạy vù qua trước mắt. Ý nghĩ đầu tiên của tôi không là : “Lạy Chúa, tôi còn sống sót.” mà tôi nghĩ đến con gái tôi: “Cẩn thận một chút ông tài xế ơi. Trong hoàn cảnh này con gái tôi làm sao chịu đựng nổi khi được tin mẹ chết”. Cảm xúc của tôi không còn hướng về mình. Sau khi hoàn hồn tôi vui thấy mình đã cảm xúc như vậy.

Tôi không biết tôi có còn lạc quan khi già hơn không. Nhưng tôi biết câu trả lời của một câu hỏi tôi thường hỏi chính tôi khi tôi 30 tuổi, 40 tuổi và 50 tuổi: Mình già vậy rồi sao?

Tôi là người may mắn vì tôi không sợ già. Già tốt hơn là không già như Maya Angelou đã nói: “Điều tôi học được về tuổi già khi lưng mỏi, chân chồn là muốn gì thì làm đi vì không còn nhiều thì giờ nữa.”

Tôi chờ đợi tuổi 60 như khi tôi chờ đợi tuổi 30, 40 hay 50. Cái cảm giác của tôi chẳng khác gì khi tôi chợt thấy cái đồng hồ nơi chiếc xe mới của tôi chỉ 999 dặm, và từng giờ một nhích dần đến số 1000. Tôi biết cái đồng hồ của cơ thể tôi cũng dần nhích tới trước và một lúc nào đó sẽ đến số 6 và số 0 sau đó .

Tôi muốn có những lời khuyên cho tuổi 60. Tôi đi qua các tiệm sách nhìn những tựa sách như “Bây giờ chúng ta đã 60 tuổi rồi”, hay “Tuổi 60 đã đến!”, nhưng tôi lại không mua. Tôi nhớ mẹ tôi nói khi bà 75 tuổi : “Tuổi 60 chỉ là rạng đông của tuổi già,” và tôi cảm thấy mình còn trẻ, tôi chỉ là người mới nhập cuộc, mặc dù khi nghe mẹ nói câu đó tôi tròn xoe đôi mắt ngạc nhiên. Tôi có thể đọc các cuốn sách kia xem như đọc chuyện của người khác chứ chưa phải là chuyện của mình .

Chưa. Tôi chưa sẵn sàng. Tôi chỉ mới đặt chân ở ngưỡng cửa. Tôi hiểu rằng cuộc hành trình này diễn ra suốt cuộc đời mình từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Tôi có thể nhìn cuộc đời trôi qua chẳng khác gì một người ngồi trên xe có quyền quan sát phong cảnh nhưng không phải là người tài xế.

Chiếc xe đã đưa tôi tới đây và tôi không thể bảo nó dừng lại. Tôi xem cuộc đời như một công việc càng ngày càng banh ra không dứt. Sự tiến hành của công việc có khi không làm tôi hài lòng, nhưng tôi nghĩ mình còn thì giờ để sửa chữa.  Tôi thường nghĩ mình còn thì giờ để cao hơn, đẹp hơn, sắc sảo hơn, tế nhị hơn và ít nhút nhát hơn. Tôi sẽ đọc tất cả sách của Henry James, và của William. Tôi nghĩ một lúc nào đó tôi sẽ du lịch Hy Lạp, La Mã, Trung quốc. Có thể tôi sẽ hiểu biết – không phải mọi chuyện trên đời – nhưng ít nhất cũng nhiều gấp trăm lần kiến thức tôi đang có.

Thực tế đến tuổi 60 tôi vẫn không cao hơn và thông thái hơn. Tôi vẫn chưa đọc hết sách của Henry và William. Tôi vẫn chưa đi Hy Lạp, La Mã hay Trung quốc. Kiến thức tôi có thêm chút ít, nhưng không nhiều như tôi tưởng. Tôi chỉ bỏ được thói quen nói chuyện huyên thuyên giờ này qua giờ khác trên điện thoại hay tham dự các cuộc liên hoan nhảy nhót liên miên, và tôi giữ được thói viết thư hay đọc sách. Có thể tôi đã trở thành một người ở tuổi xế chiều, nhưng tôi không thấy tôi khác gì lắm lúc tôi ở tuổi 12. Lúc đó sao thì bây giờ tôi vẫn vậy, chỉ có già hơn .

Ở tuổi 60 tôi ý thức rằng cái chết sẽ đến với mọi người kể cả tôi, nhưng tôi nghĩ chắc còn lâu. Tôi hy vọng rằng khi cái chết đến với tôi tôi đã già lắm rồi để không còn bận tâm đến sống chết nữa. Không biết có được vậy không, nhưng tôi nghĩ là được. Tôi nghĩ còn lâu tôi mới chết, nên không có gì phải vội vàng .

Về chiều, tâm hồn tôi vương vấn nhớ thương những người đã khuất, chị tôi, mẹ tôi, bạn tôi, và tôi nghiệm ra rằng tình thương sau cái chết thật là sâu đậm. Sự thương nhớ ngự trị trong tâm hồn mình không phải một cách trừu tượng mà là một cách thiết thân trường cửu. Kinh nghiệm cá nhân cho tôi hiểu rằng không ai tránh  khỏi mất mát những người thân nhưng sự mất mát mãi mãi hiện diện với tình thương và nhung nhớ.

Tôi ý thức rằng vui buồn có thể xẩy đến trong đời ta. Điều vui nhiều nếu chúng ta biết nhìn đời một cách lạc quan, và những điều vui đó còn mãi với chúng ta, và chuyện buồn không bao giờ tới nếu chúng ta không nhận nó. Nhưng tôi hiểu rằng chuyện buồn dù đẩy đi vẫn có thể tới bất cứ lúc nào. Sau một ngày làm việc bình an, trở về nhà bạn có thể nhận được một tin buồn to lớn xẩy ra cho một người thân thương của bạn. Đó là “cái chết hiện diện giữa cái sống” như đã ghi trong Kinh cầu nguyện.

Tôi ngạc nhiên nhận ra rằng triết lý sống của tôi là lúc nào tôi cũng chờ đợi chuyện vui. Tôi từng lái xe chạy quanh những con đường làng hiu hắt để nhìn một con cò xanh cất cánh bay lên giữa một cánh đồng hoang vắng trong một buổi chiều vàng. Thân cò giữa đôi cánh mỏng manh nhẹ nhàng vươn lên giữa bầu trời cao rộng thênh thang như thúc đẩy tôi hít một hơi thở thật dài, buồng phổi căng ra khoái trá.

Một hôm tôi bước vào một khu tập thể thao dành cho các cụ bà trên 80 hay 90 tuổi. Tôi thấy các cụ đang vịn vào lan can, hay dùng gậy chống lần từng bước cẩn thận xuống cầu thang. Tôi im lặng đứng lại nhường lối cho các cụ, lòng nghĩ đến người mẹ đã khuất của tôi và quảng đời khó khăn của bà chống chỏi giúp chồng nuôi con qua hai cuộc chiến và một cuộc khủng hoảng kinh tế. Các cụ đã kinh qua một thế kỷ đầy khó khăn dọn đường tương lai dễ thở hơn cho con gái các cụ. Tôi cảm thấy tự hào và biết ơn các cụ. Rồi các cụ sẽ lần lượt ra đi để lại tôi đơn độc trong cõi đời nay. Tôi nhẹ nhàng im lặng bước đi lòng buồn man mác .

Bỗng nghe tiếng cười rộn rã của các cụ sau lưng. Hai bà cụ đi sau cười rũ rượi khi nghe bà cụ đi trước bình phẩm một điều gì đó. Không hiểu chuyện gì tôi cũng cười theo.

Việc gì cũng có thể xẩy đến trong đời ta.  Có những việc bất ngờ, tàn bạo, kinh tởm, phi lý nhiều khi không thể hiểu được. Nhưng nói cho cùng sự sống là một cuốn phim đầy hoang dã xen kẽ với những thời khắc lý thú diễn ra từng ngày, từng giây trong cuộc sống./.

 


Trần Văn Sơn

http://www.tranbinhnam.com