Viếng Mộ

 

Trần Văn Sơn

 

Văn và Quận học cùng trường. Trường trung học Phú Giáng thuộc xã Phú Giáng, quận Phú Quang, tỉnh Nghệ An nằm bên bờ sông Cả, cách biên giới Lào - Việt năm cây số. Cha Văn là Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An. Năm 1964 khi máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc ông gởi gia đình lên tạm trú tại Phú Giáng. Vài ba tháng có công tác miền ngược ông lên thăm một lần. Thỉnh thoảng Văn theo Mẹ về thị xã Vinh mua những gì cần thiết cho gia đình và thăm bố. Văn chơi thân với Quận. Quận thuộc gia đình nông dân. Tổ nội của Quận họ Đặng mấy thế kỷ trước từ Hà Đông theo Nguyễn Hoàng vào nam lập nghiệp. Đến Nghệ An ông bị bệnh ở lại, và sau này thành lập làng họ Đặng nổi tiếng khoa bảng tại Nghệ An. Trong những năm Trịnh Nguyễn đánh nhau, họ Đặng phân tán mỗi người một ngả và một nhánh lớn định cư vĩnh viễn tại Phú Giáng. Gia đình Quận sống bằng canh tác mấy mẫu đất trồng lúa khô nằm dưới chân một ngọn đồi thấp đất cứng, phía sau là núi đá xanh, bên kia là biên giới Việt – Lào. Dân làng Phú Giáng thường vào núi hái nấm, săn bắt thú vật và có khi lạc qua đất Lào.

            Phú Giáng trước kia chỉ có một trường làng nhỏ. Từ khi gia đình Văn tản cư lên Phú Giáng, cha Văn thấy có nhiều người có tuổi và có trình độ học vấn cùng tản cư lên, mới có sáng kiến vận động lập trường trung học cấp 3 thời chiến. Trường mở cửa một tuần bốn ngày, một ngày một buổi. Thì giờ còn lại học sinh ở tuổi 16, 17 tuổi và giáo viên tham gia lao động sản xuất.

Văn và Quận ngồi cùng bàn, một chiếc bàn gỗ hình chữ nhật, lớp sơn mầu nâu đã tróc nhiều chỗ. Lớp học của Văn và Quận có tám chiếc bàn. Mỗi bàn đủ chỗ cho sáu học sinh ngồi đâu mặt nhau. Thầy Sáu hiệu trưởng, dạy môn văn, mỗi khi giảng bài thường đi quanh mỗi bàn để có thể nhìn thấy mặt của từng người học trò. Văn và Quận được ngồi đối mặt với bảng đen, tấm bảng nhiều nơi chỉ còn trơ gỗ trắng. Ngoài giờ học và lao động Văn và Quận và các bạn cùng lớp hay kéo nhau vào chân núi kiếm một khu đất bằng phẳng giữa những đồi đá thấp để chơi bóng đá. Quả bóng làm bằng lá chuối khô bó thật chặt bằng dây mây sợi nhỏ.

            Văn không nhớ gì đặc biệt nơi thầy Sáu, ngoài những hôm thầy bước vào lớp với vẻ mặt nghiêm trọng, tay cầm một mẫu giấy mầu hồng nhạt báo tin quen thuộc. Thầy thường chờ cho học trò im lặng ngồi xuống mới từ từ mở tờ giấy hồng xấp đôi ra chậm rãi đọc. Tin báo tử. Lúc thì binh nhất Hảo chết, lúc thì thiếu úy Tần hy sinh, khi thì trung sĩ Tùy tử  nạn ... tất cả đều là học sinh của trường trung học Phú Giáng. Đọc xong, thầy thường yêu cầu cả lớp đứng lên dành một phút mặc niệm cho người vừa bỏ mình vì tổ quốc.

Văn nhớ nhất là hôm thầy hiệu trưởng thông báo Tần bỏ mình khi đang chỉ huy toán thông đèo Mụ Giạ lối dẫn vào đường mòn Hồ Chí Minh. Sau một trận không kích của máy bay Mỹ đánh sập đèo, Tần cầm đầu một đại đội xông lên đèo cố mở đường cho một đoàn Molotova kịp xuống đèo. Tần bỏ mình vì một quả bom nổ chậm, nhưng đường đã được khai thông kịp thời và đoàn công xa đã thoát một cuộc không kích tiếp ngay sau đó. Thầy Sáu kìm xúc động sau khi đọc xong thông báo. Tần là học trò cưng của thầy, người phụ trách tờ báo văn nghệ của lớp. Phút mặc niệm qua,Văn ngoái nhìn sau lưng, nơi Tần thường ngồi và cảm nhận một khoảng trống mênh mang. Văn cảm thấy Văn và các bạn đang quay cuồng trong guồng máy của định mệnh. Không ai có khả năng quyết định tương lai của mình. Mọi việc lệ thuộc vào may mắn, vào vị trí xã hội, vào thế lực của bố mẹ, ai ở, ai đi và qua đó ai sống ai chết. Có quá nhiều yếu tố quyết định sinh mạng của từng người. Trong khi ngồi ở đây mọi người có vẻ rất giống nhau. Hằng ngày thầy Sáu thường giảng về ý nghĩa của sự bình đẳng và sự hy sinh không khác nhau đối với mỗi cá nhân qua những bài văn bóng bẩy của thầy.

           

Một hôm Văn hỏi Quận:

- Xong trung học mày định làm gì?

Nhu cầu nhân lực cho quân đội càng lúc càng khẩn cấp. Nhiều sư đoàn chính qui đã được điều vào cao nguyên trung phần chuẩn bị cho những trận đánh lớn với sư đoàn kỵ binh không vận Mỹ. Quận trả lời:

- Tao có thể làm gì khác hơn là đăng ký vào trường sĩ quan bộ binh. Mày không thấy nhu cầu chiến trường trước mắt sao?

Văn hỏi:

- Sao mày không tiếp tục học? Điều lệ về nghĩa vụ quân sự cho phép sinh viên được miễn trong những năm học đại học.

Câu hỏi của Văn nhắc Quận nhớ đến những buổi nói chuyện giữa bố mẹ mà Quận nghe được. Mẹ Quận nói với cha Quận xem có cách gì cho con lên đại học để hỗn nhập ngũ một thời gian. Bố Quận trả lời, nguyên tắc là vậy, nhưng muốn học đại học trước hết phải có một đại học nhận, và muốn được nhận ngoài học giỏi phải có thế lực, nhất là lúc khan hiếm nhân lực như hiện nay. Thứ hai phải có tiền mới gởi Quận đi xa nhà được. Cả hai điều kiện Quận đều không có. Quận nhớ tiếng thở dài của mẹ và sự im lặng của bố. Quận trả lời Văn:

-        Thì biết vậy nhưng trước sau tao cũng bị nghĩa vụ thôi.

Rồi Quận hỏi Văn:

-        Còn mày định làm gì?

Văn không ngại nếu phải nhập ngũ và đi B, nhưng Văn biết chưa đến phiên mình. Văn đã nghe bố nói chuyện đại học, và hình như bố đã vận động dành một chỗ cho Văn tại trường bách khoa ở Hà Nội lúc đó đang sơ tán về Phủ Lạng Thương. Văn trả lời bạn:

-        Tao sẽ học đại học vài năm xem sao.

 Nghĩ đến sự khác nhau giữa hai hoàn cảnh, Văn an ủi bạn:

 - Rồi tao sẽ theo chân mày sau.

           

Xã Phú Giáng tháng nào cũng có thanh niên bỏ nương, bỏ ruộng lên đường. Vào mùa bãi trường không khí ra đi xôn xao hơn. Những buổi tiễn đưa con cái của viên chức trong xã, những cuộc tình gián đoạn  kết thành những mẫu chuyện đầu môi trong làng. Học sinh lớp cuối của năm trung học người tình nguyện đăng ký nhập ngũ, người đón chờ giấy gọi nghĩa vụ, lập hồ sơ, làm thủ tục khám sức khỏe, và lên đường với một trạng thái tâm hồn bình thản như nhau. Học sinh không quên những tờ giấy thông báo mầu hồng, và ý thức rằng có một chiến trường khốc liệt đang chờ đợi với bom đạn và chết chóc chứ không phải như tiếng ca lời hát tươi vui mời gọi của các cô văn công miêu tả việc đi B như một chuyến du lịch kỳ thú để biết mọi nẻo đường của quê hương đất nước.

            Lễ mãn khóa năm 1965 của Văn và Quận được tổ chức trang trọng hơn mọi năm. Ông Tâm, tỉnh ủy tỉnh Nghệ An về chủ tọa. Chiến trường cao nguyên và kế hoạch cắt đôi miền trung của bộ tổng tham mưu quân đội nhân dân đang gặp khó khăn, tỉnh Nghệ An cũng như toàn quốc có nhu cầu tuyển mộ thanh niên ưu tú của các trường trung học để bổ sung nhân số cho các trường sĩ quan bộ binh, công binh và phi công Mig sẽ được huấn luyện tại Trung quốc.

            Gần năm mươi học sinh mặc đồng phục mầu nâu diễn hành giữa tiếng vỗ tay vang dội. Văn cùng hát bài Xếp Bút Nghiên “... xếp bút nghiên lên đường tranh đấu ... vì non sông ta liều thân, thấy đoàn ta tiến tới, nước non chào mời, hèn thấy đời nhàn cư, hèn thấy vui yêu đương ...” theo nhịp trống quân hành với các bạn, rồi chuyển qua bài Nam Tiến thúc bách rộn rã hơn “... nước non xa ngàn dặm, chúng ta đi ngàn dặm, cùng nhau tiến hướng về Nam ....” nhưng tâm hồn vẫn mãi theo đuởi những ý nghĩ riêng tư.  Nước non xa ngàn dặm chưa chào mời Văn. Văn cũng chưa phải  xếp bút nghiên. Văn nghĩ tới Tầm, cô bạn gái trưởng đoàn thanh niên tiền phong xã sắp sửa lên đường. Văn tưởng tượng bên này Trường Sơn mình đang leo lên một chiếc xe tải tay cầm chiếc tay lái mắt nhìn chiếc quạt nước mà nhớ Tầm, trong khi bên kia Trường Sơn Tầm đang xăn tay áo đội mưa đi tìm rau và lấy măng cho bộ đội như cảnh thơ mộng “Trường Sơn Tây anh đi, thương em bên ấy mưa nhiều ...” trong bài “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.

           

Sau lễ mãn khóa, tiễn Quận lên đường xong, Văn khăn gói đi Phủ Lạng Thương, vào trường bách khoa học ngành xây dựng cầu đường. Hai năm sau Văn trở về Phú Giáng thăm trường và thăm bạn. Còn một năm nữa Văn ra trường. Làng Phú Giáng xơ xác hơn xưa. Máy bay Mỹ dội bom Phú Giáng nhiều lần để phá kế hoạch mở thông biên giới Việt Lào nối liền thành phố Vinh với Xiêng Khoang. Bố Văn đã đưa mẹ và mấy chị em gái của Văn đi nơi khác để tránh bom. Trường trung học Phú Giáng bị oanh kích vào một buổi sáng tinh sương, đổ nát không còn xử dụng được. Hôm đó thầy Sáu đến sớm để có chỗ yên tĩnh chấm bài đã bỏ mình dưới đống gạch vụn. Bạn bè cùng lớp chỉ còn Thảnh. Thảnh là con một viên chức xã. Sau ngày ra trường Thảnh tình nguyện nhập ngũ, vừa vào tới B bị một trận bom trải thảm của máy bay B-52 Thảnh mất ba chiếc xương sườn và hai tai bị điếc đặc. Được lôi ra khỏi mấy thước đất, Thảnh sống sót và sau thời gian chữa trị  được đưa về làng giúp việc văn phòng cho ủy ban xã. Tai Thảnh chỉ còn nghe lõm bõm.

            Văn đến thăm Thảnh. Trong khi Thảnh xuống bếp đun nước. Văn thấy một bản tin của xã nằm trong một ngăn kéo khép chưa kín. Nơi trang đầu Văn thấy mấy chữ:

“Anh có biết....”.

Tò mò Văn kéo rộng ngăn kéo lấy bản tin ra. Văn đọc:

“Anh ấy mới 18 tuổi, bỏ mình khi dẫn một đại đội xung kích vào một cứ điểm hỏa lực của quân Mỹ tại Bình Dương. Người anh hùng trẻ tuổi đó là thiếu úy Đặng Văn Quận, cựu học sinh trường trung học Phú Giáng.”

Quận! tim Văn xe lại. Văn nhớ lại hôm hai người nói chuyện với nhau về tương lai. Văn không quên thái độ yên phận của bạn. Văn cảm thấy sự bất công. Trong khi mình an toàn trên ghế nhà trường thì Quận bỏ mình nơi chiến địa. Định mệnh cay nghiệt. Và tại sao là Quận chứ không phải là mình? Văn nghĩ đến bố, lòng ngổn ngang không biết nên cám ơn hay oán trách bố. Bản tin viết tiếp:

“Trong túi Thiếu úy Quận đơn vị tìm thấy một mẫu giấy nhỏ ghi ‘nếu thông báo được cho bố mẹ tôi xin bố mẹ tôi hãy đọc thư tôi để lại dưới đáy chiếc lư hương nơi bàn thờ ông nội.’”

Trong thư Quận dặn bố mẹ nếu anh không trở về thì bố mẹ dùng tiền bồi thường tử tuất tặng cho quỹ xây cất tượng đài vua Quang Trung, mà trước khi Quận lên đường xã Phú Giáo đang phát động gây quỹ xây cất cùng với chiến dịch vận động xây cất tượng bác Hồ. Quận giải thích với bố mẹ, theo anh nhớ ơn tiền nhân là cách hữu hiệu nhất để động viên lớp trẻ chấp nhận hy sinh khi sơn hà nguy biến. 

Văn biết không có ai hiểu ý của Quận. Quận thường tâm sự với Văn bộ máy thông tin của chính phủ đề cao bác Hồ còn sống nhiều quá mà quên cả tiền nhân. Muốn quyên góp xây tượng bác Hồ theo chỉ thị của trên, xã Phú Giang có sáng kiến kèm theo kế hoạch xây cất tượng bác với tượng vua Quang Trung cho cân đối, nhưng cho đến ngày Quận lên đường quỹ xây tượng Bác gần đủ, trong khi quỹ xây tượng Quang Trung chưa có một xu nào.

            Thảnh mang hai bát nước chè tươi bốc hơi nghi ngút từ bếp lên. Văn chỉ bản tin. Thảnh im lặng như dành một phút cho Quận, rồi cho Văn biết lá thư trối trăn của Quận đã làm phiền cho mẹ của Quận nhiều. Chính quyền xã khuyên bà ém bức thư vì sợ cấp trên quở trách, sao tiền không chia cho quỹ xây tượng Bác mà dồn hết cho tượng vua Quang Trung. Nhưng bà cụ không chịu, viện cớ bà phải thực hiện di chúc của con trai và chính quyền phải tôn trọng lời trối trăng của liệt sĩ. Việc lên đến tỉnh và cấp tỉnh chấp thuận cho thực hiện ý muốn của Quận nhờ ông tỉnh ủy cởi mở và có thế lực ở trung ương.

            Nghe Thảnh kể chuyện Văn nghĩ miên man không biết còn bao nhiêu người như Quận. Quận lên đường với sự hoài nghi và đã chết với sự hoài nghi. Kết cục đất nước có thể được thống nhất, nhưng dân có hạnh phúc không? Bao nhiêu mâu thuẫn trước mắt. Qua ánh mắt của Thảnh Văn cũng thấy sự hoài nghi ở tương lai. Mọi người, mọi nhà mọi ngành đều nói đến sự hy sinh chống Mỹ cứu nước và để thống nhất đất nước, nhưng Văn thấy có một cái gì cách biệt giữa lời nói hằng ngày người ta nói với nhau với tâm sự trong lòng mỗi người. Văn thấy điều này rõ nhất nơi những người cựu chiến binh từ các chiến trường trở về, mặc dù chính phủ phân tán thương binh mỗi người một ngả.

            Sau khi ra trường, Văn công tác trong một tiểu đoàn xây cất và sửa chữa cầu đường có nhiệm vụ duy trì khả năng giao thông trên miền Bắc chống các cuộc oanh kích của không quân Mỹ. Mỗi khi làm việc dưới mưa bom Văn thấy lòng nhẹ nhõm đối với Quận. Sau khi miền nam được giải phóng Văn về công tác tại tổng cục công binh thuộc bộ quốc phòng.

           

Năm 1990 nhân tiết Thanh Minh, Văn vào thăm miền nam. Văn thuê một chiếc xe máy dầu lần mò lên Bình Dương đến nghĩa trang liệt sĩ tìm thăm mộ phần của Quận.  Cổng nghĩa trang đồ sộ, nhưng mộ phần bên trong không giống nhau. Có cái thật đơn giản, có cái thật cầu kỳ tùy theo khả năng tài chánh của thân nhân. Mộ phần của Quận là một mô đất mưa gió đã bào mòn một nửa, và một tấm bia mỏng đặt nằm trên nấm mộ ghi:

“Đặng Văn Quận: Hy sinh vì tổ quốc xã hội chủ nghĩa” với tuổi, quê quán và ngày tháng tử trận.

Một luồng khí nóng dâng lên tận cổ Văn. Văn nhớ đến những người bạn của Văn thuộc lớp người có thế lực, hiện nay làm chủ nhiệm, giám đốc, có người leo tới trung ương đảng như Vinh, như Đảm ... và đều giàu to. Trong khi trên đường bộ từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh Văn thấy nhân dân còn sống rất cơ cực.

            Văn lục trong chiếc túi da mang trên vai lôi ra cuốn “Đại Thắng Mùa Xuân” của tướng Văn Tiến Dũng. Cuốn sách bị cấm đã lâu, nhưng trước khi vào miền nam Văn cố mượn một người bạn làm trong Ủy ban Tư tưởng Trung ương, nói là để đọc cho biết chiến trường miền nam.

           Văn đặt cuốn sách trên tấm bia mộ bia, đứng thẳng người, lầm thầm nói như khấn :

“Quận ơi! Ít nhất mày cũng đã đóng góp cho sự nghiệp của ông Văn Tiến Dũng. Nhất tướng công thành vạn cốt khô, mọi thứ khác người ta nói chỉ là để tô điểm. Thôi mày hãy yên giấc. Tao đi đây.”

Khấn xong, Văn quay mặt thật nhanh như để dấu bạn mấy giọt nước mắt đang lăn xuống má. Văn phóng xe thật nhanh về thành phố Hồ Chí Minh, mua vé máy bay trở về Hà Nội. Từ đó không bao giờ Văn trở về miền nam nữa.

 

Trần Văn Sơn

June 30, 2003

BinhNam@earthlink.net

http://www.vnet.org/tbn

 


Trần Bình Nam

http://www.vnet.org/tbn